I. ĐỀ BÀI NGHỊ LUẬN VỀ MỘT ĐOẠN THƠ, BÀI THƠ
Qua các đề trên, ta thấy được tính phong phú, đa dạng của kiểu bài nghị luận văn học này. Có những đề đã định hướng tương đối rõ. Có những đề đòi hỏi người làm bài biết sự khuôn hep, tự xác định để tập trung vào hướng nào, vào phương diện nào đáng chú ý nhất của đối tượng (như đề 4, đề 7). Dù sao, để làm tốt bài nghị luận này, chúng ta cần có các cảm nhận, suy nghĩ về riêng mình và diễn giải, chứng minh các cảm nhận, ý kiến ấy một cách có căn cứ qua việc cảm thụ đúng và sâu sắc tác phẩm.
II. CÁCH LÀM BÀI NGHỊ LUẬN VỀ MỘT ĐOẠN THƠ, BÀI THƠ
1. Các bước làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ
a) Cần đọc kĩ phần Tìm hiểu đề và tìm ý để hiểu được yêu cầu, phương pháp thực hiện bước đầu tiên này khi làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ. Cần hiểu đúng, hiểu sâu về đối tượng rồi trình bày sự cảm nhận, đánh giá của mình về một vài phương diện nổi bật nào đó.
b) Đọc kĩ phần Lập dàn bài trong SGK theo từng phần Mở bài, Thân bài, Kết bài để nắm vững yêu cầu, cách làm đối với mỗi bước. Ở hoạt động này, cần chú ý kết hợp hài hòa giữa việc phân tích, nhận xét về bài thơ Quê hương (một trường hợp cụ thể) với việc nắm được phương pháp chung khi thực hiện từng phần của bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.
2. Cách tổ chức, triển khai luận điểm
- Văn bản có bố cục mạch lạc, chặt chẽ.
+ Phần Mở bài (từ đầu đến “Quê hương” là thành công khởi đầu rực rỡ): Phần này chỉ ra dòng cảm xúc dạt dào, lai láng chảy suốt đời thơ Tế Hanh trong đó bài Quê hương là thành công xuất sắc có ý nghĩa khởi đầu.
+ Phần Thân bài (tiếp đó đến tâm hồn thiết tha, thành thực của Tế Hanh): Phần này trình bày cảm nhận về cảm xúc lúc nồng nàn, mạnh mẽ, lúc lắng sâu, tinh tế của Tế Hanh khi ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống lao động của quê hương, về hình ảnh, nhịp điệu đặc sắc của bài thơ.
+ Phần Kết bài (hai câu còn lại): Phần này khẳng định sức hấp dẫn của bài thơ Quê hương và ý nghĩa bồi đắp tâm hồn người đọc của bài thơ.
- Những nhận xét chính về tình quê hương trong bài thơ Quê hương được người viết trình bày ở phần Thân bài:
- Có lẽ nhà thơ đã viết “Quê hương” bằng cả tấm lòng mến yêu thiên nhiên thơ mộng và hùng tráng, mến yêu con người lao động tràn trề sức lực, bằng những kỉ niệm nồng nàn nhất của mình.
- Đọc “Quê hương”, ta cảm nhận dường như hình ảnh nào của bài thơ cũng thấm đẫm cảm xúc yêu thương tha thiết của Tế Hanh.
- Hình ảnh, ngôn từ của bài thơ giàu sức gợi cảm, thể hiện một tâm hồn phong phú, rung động tinh tế.
- Những suy nghĩ, ý kiến của người viết luôn được gắn cùng sự phân tích, bình giảng cụ thể hình ảnh, ngôn từ, giọng điệu... của bài thơ.
- Phần Thân bài được nối kết với phần Mở bài một cách chặt chẽ, tự nhiên. Đó chính là sự phân tích, chứng minh làm sáng tỏ nhận xét bao quát đã nêu ở phần Mở bài.
Các nguyên nhân chính làm nên tính thuyết phục, sức hấp dẫn của văn bản:
+ Văn bản ngắn, tập trung trình bày nhận xét, đánh giá về những giá trị đặc sắc nổi bật nhất về nội dung cảm xúc và nghệ thuật của bài thơ Quê hương. Khi nói về các trạng thái cảm xúc phong phú của Tế Hanh, người viết phân tích, bình giảng ngay sự đặc sắc của các hình ảnh, của nhịp điệu thơ tương ứng. Điều ấy chứng tỏ người viết đã nắm vững đặc trưng của tác phẩm văn học, nhất là tác phẩm thơ trữ tình và đã rút ra luận điểm từ các luận cứ cụ thể, rõ ràng.
+ Bố cục của văn bản mạch lạc, sáng rõ.
+ Qua văn bản có thể thấy người viết đã trình bày cảm nghĩ, ý kiến bằng cả lòng yêu mến, rung cảm thiết tha đối với bài thơ Quê hương.
Từ các nguyên nhân này có thể rút ra được các yêu cầu cơ bản để làm tốt bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.