BÀI LÀM

Tên Bác Hồ đối với tất cả thiếu nhi Việt Nam giống như một câu chuyện thần thoại mà các em rất quý mến và ưa thích khi được nghe kể.

Chúng tôi dừng lại trước cánh cửa đã mở của một căn nhà nhỏ phủ đây bóng mát. Cảnh đầu tiên hiện ra trước mắt tôi là lọ hoa hồng trên bàn và một cụ già vóc người tầm thước mà tôi đã được biết qua tranh ảnh. Đó là người Việt Nam cao nhất trong số những người Việt Nam mà tôi đã gặp. Người có đôi mắt đăm chiêu, và có thể là người đăm chiêu duy nhất ở Việt Nam. Tôi tự hỏi: Đâu là nguồn gốc bí ẩn của nỗi buồn thầm kín đó? Có thể là sự đau khổ của nhân dân, cũng có thể người linh cảm trước rằng sẽ không được nhìn thấy ước mơ cả đời mình – giải phóng và thống nhất Tổ quốc của Người - được thực hiện. Nhưng Người đã thấy cuộc đấu tranh anh hùng trên Tổ quốc thân yêu do Người lãnh đạo và tin tưởng vào thắng lợi trong tương lai...

Chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Pháp, thứ tiếng mà Người nói rất giỏi. Nhà thơ Tố Hữu cũng đã có mặt trong cuộc gặp gỡ. Chúng tôi uống nước chè ướp hương sen không có đường, như sinh hoạt trong một gia đình bình dị nhất. Người là chủ nhà, là chủ cả đất nước mà chỉ mặc bộ quần áo bà ba giản dị, chân đi đôi dép cao su không tốt. Bắt gặp tôi đang chăm chú nhìn lọ hoa hồng - ở đây hoa được coi là sự chúc mừng đối với Tổ quốc tôi - Người nói bằng lời nói dễ hiểu rằng trong mọi hoàn cảnh, Người vẫn được lọ hoa hồng đặt lên bàn làm việc. Chỉ có sự hà khắc trong nhà tù mới tước mất thói quen đó của Người. Lúc này tôi mới nhận thấy hết ý nghĩa những bông hoa hồng nảy nhụy, tỏa hương trên chiếc cầu nối liền hai nước xa xôi chúng ta là như thế nào.

Người hỏi tôi đã đi thăm những nơi nào ở Việt Nam. Người vui mừng khi biết tôi đã được vào thăm Khu Bốn, một vùng bị ném bom, bắn phá ngày đêm, để tận mắt thấy lòng dũng cảm kinh ngạc của những con người bình thường. Người sửa cho tôi phát âm chữ “Thanh Hóa” và giải thích thêm ấm thứ hai “hoa”, ví dụ như “hoa” hồng. Tôi không thể tìm cách lặp lại đúng phát âm của chữ “hóa”. Người lưu ý tôi về nhạc điệu của tiếng Việt Nam, vạch vào không khí những bậc, những nốt và chỉ dẫn cho tôi cách lên xuống giọng và những âm nào cần phải nói như hát. Phải là một nhà thơ thực thụ mới có thể cảm thấy đúng từng thanh điệu chi tiết như vậy trong tiếng nói của dân tộc mình.