BÀI LÀM

Truyện ngắn “Làng” của Kim Lân được viết vào ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Ông Hai - nhân vật chính ở trong truyện là một người yêu làng, yêu nước. Tình yêu làng ở ông có những nét đặc sắc, riêng biệt, được thể hiện thành một cá tính đáng quý.

Ông Hai yêu nước và tự hào về làng Dầu nơi “chôn nhau, cắt rốn”, nơi “quê cha đất tổ” của ông. Tình cảm ấy thể hiện trước hết ở cái tính hay khoe về làng, lấy làm hãnh diện về làng của mình. Trước cách mạng, mỗi bận đi đâu xa ông thường khoe cái sinh phần của viên tổng đốc làng ông hoặc có khi có khách bên họ ngoại ở dưới tỉnh Nam lên chơi, thế nào ông cũng dắt ra xem lăng cụ Thượng cho kỳ được... Ông có vẻ hãnh diện cho làng có được cái sinh phần ấy lắm. “Chết chết tôi chưa thấy cái dinh cơ nào mà lại được cái định cụ Thượng làng tôi. Có lắm lắm là của. Vườn hoa cây cảnh nom như là động ấy...”

Về sau, cách mạng đã giúp ông thay đổi nhận thức, hiểu được sự lầm lẫn của mình. Tuy nhiên, ẩn sau sự lầm lẫn ấy ta cũng thấy rõ tình cảm tự hào của ông đối với làng. Cho nên khi nhận ra những giá trị chân chính của làng thì niềm tự hào ở ông càng trở nên lớn lao. Từ ngày cách mạng thành công, khoe làng, ông khoe cái khí thế hào hùng thời kỳ khởi nghĩa: Trẻ, già, trai, gái tham gia cướp chính quyền, tập tự vệ, đào hào, đắp ụ chuẩn bị chống Pháp. Ông khoe làng ông có cái phòng thông tin thoáng mát nhất vùng, cái chòi phát thanh cao, chiều chiều loa gọi cả làng đều nghe thấy. Mỗi lần kể chuyện về làng, ông nói một cách say sưa và náo nức lạ thường, hai con mắt ông sáng hẳn lên, cái mặt biến chuyển, hoạt động. Tóm lại ở ông, việc khoe làng đã thành một cái tật, một thử nghiện. Ông nói về làng ông cho sướng miệng, cho đỡ nhớ cái làng, ta hiểu rằng sau cái “tật” đó chính là tấm lòng chân thật gắn bó của ông với làng, là niềm tự hào chân chính của ông với quê hương.

Ông Hai say sưa kể những thành tích của làng và càng say sưa hơn khi những thành tích đó có phần đóng góp của ông. Ông tự hào nhở lại thuở ông “gia nhập phong trào từ thời kỳ còn bóng tối” “vác gậy đi tập một, hai”. Khi dân làng tản cư, ông ở lại cùng anh em đi đào đường, đáp ụ, công việc bộn bề, ông mải mê làm "chăng còn kịp nghi gì đến vợ con nhà cửa nữa”. Ông là người nói được, làm được. Công việc chung của làng, ông nói say sưa mà cũng làm say sưa. Vì ông yêu mến làng nên mọi nỗi khổ đau hay niềm vui sướng đều gắn bó với cái làng yêu dấu đó.

Khi bất đắc dĩ phải đi tản cư, ông buồn khổ lắm, tiếc nhất là ông không được góp phần gánh vác công việc chung cùng những người ở lại. Khi gặp người tản cư ở dưới xuôi lên, đưa tin giặc tràn vào làng Dầu, cả làng làm Việt gian, ông đau xót quá “cổ ống nghẹn đắng lại, da mặt tê rần rần. Ông lão lặng đi tưởng như không thở được”. Ông ngượng, không dám nói chuyện với người đàn bà tản cư và tìm cách lảng tránh. Quay trở về, ông phải “cúi gằm mặt xuống mà đi”. Về đến nhà ông “nằm vạ xuống giường” không dám ló mặt ra khỏi nhà. Ông buồn. Ông xấu hổ. Ông tranh luận với mình, tự dằn vặt mình hoặc đâm cáu gắt với vợ con. Nhiều lúc “nước mắt ông lão cứ trào ra”. Đêm “ông Hai trằn trọc không sao ngủ được. Ông hết trở mình bên này lại trở mình bên kia, thở dài”. Có lúc “ông lão lặng hẳn đi, chân tay nhũn ra, tưởng chừng như không cất lên được”. Tiếng đồn loang ra, cả gia đình ông vô cùng buồn khổ. Ông càng đau xót. Niềm tin nỗi ngờ giằng xé lòng ông, “chả nhẽ cái bọn làng lại đó đổ đốn đến thế được!” Ông kiểm điểm từng người trong óc. Không mà, “họ toàn là những người có tinh thần cả mà. Họ đã ở lại làng quyết tâm một sống một chết với giặc có đời nào lại can tâm làm điều nhục nhã ấy”. Có lúc ông nghĩ: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Những lúc buồn khổ quá ông chỉ biết ôm con vào lòng than thở cùng con “như để ngỏ lòng mình, như để mình lại minh oan cho mình nữa”.

“Anh em đồng chí biết cho bố con ông - Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông”. Có lẽ đây là lần mà nỗi đau về làng đến với ông một cách tê tái nhất, quằn quại nhất. Suốt ngày đêm ông day dứt, lòng dạ bồi hồi. Đến khi ông chủ tịch ở dưới quê lên cải chính tin đồn, ông như mở cờ trong bụng. Mua quà chia cho các con. Lật đật đi báo tin cho mọi người. Bây giờ chính ông lại rất vui, rất tự hào khi nghe tin nhà mình bị giặc đốt: “Tây nó đốt nhà tôi rồi các bác ạ. Đốt nhăn! Ông chủ tịch làng tôi vừa mới lên trên này cải chính... cải chính tin làng chợ Dầu chúng tôi đi Việt gian ấy mà! Láo! Láo hết! Toàn sai sự mục đích cả”.

Cũng chỉ được bằng ấy cầu, ông Hai lại chạy vội đi nơi khác để loan tin vui. Tôi ông lại khoe về làng, ông kể hôm nay Tây vào khủng bố làng ông chúng nó có bao nhiêu thằng đi những lối nào, dân quân tự vệ làng ông chiến đấu ra sao... Ông kể rành rọt, tỉ mỉ như chính ông vừa dự xong trận đánh ấy. Đây là những lúc ông Hai lấy làm vinh dự về làng, tự hào về làng quê mình, anh dũng phá càn thắng giặc.

Ông Hai là người gắn bó tha thiết với quê hương. Vì yêu quê hương nên ông yêu nước, kính yêu cụ hồ, ông hăng hái tham gia kháng chiến. Văn hào I-li-a Ê-ren-bua có nói: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu đồng quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Ông Hai đúng là một con người như thế. Niềm vui nỗi buồn của ông đều gắn bó với làng. Lòng yêu làng của ông, chính là cội nguồn của lòng yêu nước. Ông Hại là hình ảnh đẹp của những người nông dân bình thường nhưng giàu lòng yêu nước, một mẫu người đáng quý của dân tộc ta trong những năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.