Yêu cầu

1, Đề yêu cầu phân tích đặc điểm nhân vật. Bơ-men là nhân vật chính bộc lộ chủ đề của truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng, song chỉ xuất hiện trực tiếp trong truyện có một lần (ít hơn cả nhân vật rất phụ là ông bác sĩ) còn lại là qua lời dẫn chuyện của tác giả và lời kể của các nhân vật khác. Do đó khi phân tích nhân vật Bơ-men, người viết vừa phải triệt để khai thác những biểu hiện trực tiếp của những lần nhân vật xuất hiện vừa phải khai thác các chi tiết nói về nhân vật Bơ-men của tác giả và của các nhân vật khác.

2. Nhân vật Bơ-men có nhiều đặc điểm, song đặc điểm nổi bật là lòng yêu thương con người. Đặc điểm đó được bộc lộ dẫn qua hành vi, ngôn ngữ, việc làm và đặc biệt qua việc sáng tạo kiệt tác chiếc lá cuối cùng của ông. Người viết phải làm nổi rõ các đặc điểm nhân vật và đặc biệt làm nổi bật đặc điểm chủ yếu mà đề bài quy định.

3. Bài làm phải hình thành được các luận điểm, luận cứ. Giữa các luận điểm, luận cứ phải được liên kết bằng các cách chuyển ý, chuyển đoạn. Diễn đạt phải trong sáng, cố gắng thể hiện cảm xúc của mình đối với nhân vật.

BÀI LÀM

“Chiếc lá cuối cùng” là kiệt tác duy nhất của nhân vật Bơ-men, nhân vật chính trong truyện ngắn cùng tên của O Hen-ri, nhà văn Mĩ xuất sắc đầu thế kỉ XX. Với kiệt tác đó, nhân vật Bơ-men đã bộc lộ rõ lòng nhân đạo cao cả và đã gây xúc động sâu sắc cho hết thế hệ này đến thế hệ khác suốt gần 100 năm qua và đã góp phần làm cho tên tuổi của O Hen-ri trở thành bất tử.

Là nhân vật chính nhưng bác Bơ-men chỉ xuất hiện có một lần ở giữa truyện còn lại là được nhắc tới qua lời dẫn truyện của tác giả giới thiệu về bác và lời của Xiu nói với Giôn-xi về cái chết và tác phẩm kiệt xuất của bác. Tuy xuất hiện không nhiều, nhưng phẩm chất, tính cách của Bơ-men rất nổi bật, rất sâu sắc.

Trước tiên, người đọc thấy Bơ-men là một nghệ sĩ nghèo, không thành đạt nhưng sống rất lương thiện và luôn khát vọng sáng tạo một kiệt tác. Đã ngoài sáu mươi, nhưng bác Bơ-men vẫn sống cô độc “trong một gian buồng tối om om ở tầng dưới”. Chỉ có những người nghèo mới phải ở trong một gian buồng như thế. Trong một gian buồng như thế thì vẽ thế nào được tranh, cho nên trên giá vẽ ở góc buồng của bác vẫn là một tấm vải trống trơn chưa có một nét vẽ. Không có tranh để bán, hằng ngày bác “kiếm được chút ít bằng cách ngồi làm mẫu cho các nghệ sĩ trẻ không đủ tiền thuê người mẫu chuyên nghiệp”. Là họa sĩ nhưng Bơ men lại sống bằng việc làm người mẫu không chuyên cho các họa sĩ nghèo. Cuộc sống của bác thật khổ và thật bấp bênh. Tuy vậy bác vẫn sống trong sạch, không phiền hà đến ai, không để cho sự nghèo khổ làm sa sút phẩm chất, làm mềm yếu tinh thần. Chả thế mà bác “hay chế nhạo cay độc sự mềm yếu của bất kì ai” Hóa ra bác không chấp nhận sự yếu đuối về tinh thần, về ý chí của bản thân và của những người xung quanh. Phẩm chất đó thật cao đẹp, thật trong sáng. Chính vì có phẩm chất đó, nên tuy sống trong nghèo khổ, suốt đời chỉ uống loại rượu nặng rẻ tiền, nhưng ước mơ sáng tạo lúc nào cũng cháy bỏng trong lòng bác. Bác luôn “có ý định vẽ một bức tranh kiệt tác” và tuy “uống rượu nặng quá độ” mà “vẫn nói về tác phẩm kiệt xuất sắp tới của mình”. Ước mơ, khát vọng của bác thật đẹp, thật chân chính. Đã ngoài sáu mươi, nhưng bác vẫn không thực hiện được ước mơ, khát vọng đó, có lẽ chủ yếu do bác quá nghèo, chứ không phải do bác thiếu tài năng. Người đọc thương bác, yêu quí bác chứ không coi thường bác chính vì lẽ đó.

Song cái đáng quí nhất ở Bơ-men là tuy sống trong nghèo khổ, nhưng bác luôn quan tâm đến mọi người, muốn đem lại điều tốt lành cho người khác. Trong cuộc sống, bác không muốn mọi người xung quanh mềm yếu, bác chế nhạo họ, mong họ tốt đẹp, cứng rắn lên. Đối với những người nghèo, thực sự yếu đuối, bác luôn quan tâm chăm sóc. Người đọc thật cảm động và quí mến bác, khi biết bác tự coi mình có nhiệm vụ gác cửa bảo bệ hai nữ nghệ sĩ nghèo “nhỏ bé, thiếu máu” ở phòng vẽ tầng trên. Khi Xiu, một trong hai cô nữ nghệ sĩ đó báo tin cho bác biết Giôn-xi, cố nghệ sĩ “yếu đuối và mảnh mai như một chiếc lá” bị bệnh sưng phổi và ý nghĩ tuyệt vọng kì quặc của cô, “bác Bơ-men cặp mắt đỏ ngầu, nước mắt chảy ròng ròng”. Đó là những giọt nước mắt xót xa thương cảm. Bác đã coi hai cô gái nghèo như con mình. Khi biết Giôn-xi nghĩ rằng mình sẽ chết khi cây thường xuân rụng hết lá, bác “hét lên”, “quát to” nhạo báng ý nghĩ ngớ ngẩn của cô bé. Bác hét, bác quát nhưng lòng đầy thương cảm vì sau lời quát là lời dịu dàng xót xa: “Chà, tội nghiệp cô bé Giôn xi”. Thật cảm động khi nghe bác nói với Xiu khi theo cô lên phòng vẽ có Giôn-xi đang nằm: “Trời, đây không phải là chỗ cho một con người tốt như cô Giôn-xi nằm. Một ngày kia tôi sẽ vẽ một tác phẩm kiệt xuất và tất cả chúng ta sẽ đi khỏi nơi này. Trời, nhất định thế”. Vẫn là ước mơ tốt đẹp, những ước mơ đó gắn liền với một lòng yêu thương sâu sắc. bác muốn sáng tạo, muốn có kiệt tác để giúp đỡ mọi người, để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mọi người. Động cơ sáng tạo của bác thật cao cả.

Có lẽ do động cơ sáng tạo cao đẹp đó, nên khi nhìn qua cửa sổ, thấy cây thường xuân rụng lá dần dưới cơn mưa lạnh lẽo pha tuyết đang đổ xuống, bác đã nghĩ đến việc dùng bút vẽ để cứu Giôn-xi... và “chiếc lá cuối cùng vẫn không rụng, vẫn đơn độc bám lấy cái cuống của nó trên tường, mặc cho mưa gió vùi dập qua mấy đêm kinh khủng. Chiếc lá cuối cùng không rụng đó đã đem lại niềm tin vào sự sống cho Giôn-xi, đã cứu sống Giôn-xi. Nhưng chiếc lá cuối cùng đó đã giết bác Bơ-men, bởi vì chiếc lá đó rất giống những chiếc lá khác nhưng chẳng bao giờ nó rung rinh hoặc lay động khi gió thổi tới là do bác Bơ-men vẽ trong cái đêm khủng khiếp, khi chiếc lá cuối cùng đã rụng xuống. Do dầm mình trong mưa tuyết giá lạnh, bác Bơ-men đã nhiễm bệnh sưng phổi và đã qua đời sau đó hai ngày. Bác đã chết sau khi sáng tạo tác phẩm duy nhất là chiếc lá cuối cùng” để cứu sống một cô gái bị bệnh hiểm nghèo. Chắc chắn khi dầm mình trong mưa tuyết để vẽ chiếc lá, bác không phải không cảm thấy giá buốt, không phải không cảm thấy nguy hiểm cho tính mạng mình. Nhưng lòng thương yêu Giôn-xi, ý muốn dùng cây bút và bảng màu để cứu sống cô đã thúc đẩy bác vượt lên trên giá buốt, hiểm nguy để vẽ chiếc lá cuối cùng. Đó là một kiệt tác thực sự vì nó chứa đựng tất cả tâm hồn, tài năng của một nghệ sĩ chân chính, vì nó được tạo nên bằng cả cuộc đời con người và vì nó đem lại cuộc sống cho những người nghèo khổ và lương thiện.

Bác Bơ-men đã chết, nhưng tác phẩm kiệt xuất của bác vẫn sống mãi với hai cô gái nghèo, vẫn sống mãi mãi trong lòng các thế hệ bạn đọc. Bởi vì tác phẩm đó đã biểu hiện tất cả phẩm chất cao đẹp của bác: nghèo nhưng vô cùng nhân hậu, thất bại nhưng vẫn ước mơ, sẵn sàng xả thân vì người khác.