Văn bản Trang phục nêu lên vấn đề văn hóa trong trang phục, vấn đề các quy tắc ngầm của văn hóa buộc mọi người phải tuân theo. Để đi đến nhận thức chung ấy tác giả bắt đầu từ việc phân tích nguyên tắc ăn mặc.

Trước hết tác giả nêu vấn đề ăn mặc chỉnh tề, đồng bộ (Không thể ăn mặc tử tế mà đi chân đất, hoặc đi giày, mang bít tất mà để hở hang!). Sự thiếu chỉnh tề, không đồng bộ ấy trong chướng mắt, vì trái với nguyên tắc đồng bộ và chỉnh tề.

Thứ hai, tác giả nêu ra việc ăn mặc phải phù hợp với hoàn cảnh chung công cộng và riêng (tùy công việc, sinh hoạt).

Thứ ba, ăn mặc phù hợp đạo đức: giản dị, hòa mình vào cộng đồng.

Từ các hiện tượng trên, tổng hợp lại: Trang phục hợp văn hóa, hợp đạo đức, hợp môi trường mới là trang phục đẹp.

Đáng chú ý ở đây là tác giả phân tích những tình huống giả định để cho thấy có một sự ràng buộc vô hình ở bên trong: “không ai mặc quần áo chỉnh tề mà đi chân đất”, hoặc “không ai đi giày, bít tất đầy đủ mà lại phanh hết cúc áo, lộ cả da thịt ra”. Vì sao mà không ai làm thể? Đó là do họ bị ràng buộc bởi một nguyên tắc trong trang phục! Chú ý ở đoạn tiếp theo tác giả cũng nêu tình huống với các từ “chắc không...” để nói tới quy tắc chung.

LUYỆN TẬP

Tìm hiểu kĩ năng phân tích trong văn bản Bàn về đọc sách của Chu Quang Tiềm.

1. Phân tích ý: Đọc sách rốt cuộc là một con đường của học vấn (xem Gợi ý trong SGK).

2. Phân tích lí do phải chọn sách mà đọc.

- Do sách nhiều, chất lượng khác nhau cho nên phải chọn sách tốt mà đọc mới có ích.

- Do sức người có hạn, không chọn sách mà đọc thì lãng phí sức mình.

- Sách có loại chuyên môn, có loại thường thức, chúng liên quan nhau, nhà chuyên môn cũng cần đọc sách thường thức.

3. Phân tích tầm quan trọng của cách đọc sách.

- Không đọc thì không có điểm xuất phát cao.

- Đọc là con đường ngắn nhất để tiếp cận tri thức.

- Không chọn lọc sách thì đời người ngắn ngủi không đọc xuể, đọc không có hiệu quả.

- Đọc ít mà kĩ quan trọng hơn đọc nhiều mà qua loa, không ích lợi gì.

4. Phương pháp phân tích rất cần thiết trong lập luận, vì có qua sự phân tích lợi, hại, đúng, sai, thì các kết luận rút ra mới có sức thuyết phục.