DÀN BÀI

A. MỞ BÀI

- Lặng lẽ Sa Pa (1970) là một truyện ngắn giàu chất thơ của Nguyễn Thành Long.

- Những đoạn văn miêu tả thiên nhiên trong truyện “đã được đẹp lên ở cấp độ thứ hai” như nhận xét sau đây của Phạm Đình Ân: "Cái đẹp của bản thân... tâm hồn nhà văn”

B. THÂN BÀI

1. Cái đẹp của thiên nhiên ở cấp độ thứ nhất: thiên nhiên

a) Thiên nhiên vốn có vẻ đẹp tự nhiên, đa dạng, giàu hình ảnh, màu sắc, âm thanh, hương vị

b) Thiên nhiên nước ta có nhiều phong cảnh đẹp.

c) Thiên nhiên miền núi nước ta có những vẻ đẹp riêng, kì thú, làm say đắm và là nguồn cảm hứng, là hình mẫu cho nhiều nghệ sĩ (nhà nhiếp ảnh, nhà họa sĩ, nhà văn).

2. Cái đẹp thiên nhiên ở cấp độ thứ hai: thiên nhiên trong tác phẩm nghệ thuật (ở đây là nghệ thuật văn chương).

a) Cái đẹp của thiên nhiên Sa Pa được tái hiện trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” bằng ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình, giàu chất thơ và qua cái rung cảm của một tâm hồn tinh tế.

- Ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình, giàu chất thơ

+ Mây hắt từng chiếc quạt trắng lên từ các thung lũng.

+ Nắng bây giờ bắt đầu lên tới đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương rơi xuống đường cái luôn cả vào gầm xe.

+ Lúc bấy giờ nắng đã mạ bạc cả con đèo. Nắng chiêu làm cho bộ hoa càng thêm rực rỡ và làm cho cô gái cảm thấy mình rực rỡ theo.

- Cái rung cảm của một tâm hồn tinh tế

+ Rung cảm tinh tế trước vẻ đẹp của thiên nhiên: những cây thông rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc, những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà.

+ Rung cảm tinh tế trước vẻ đẹp của con người trong thiên nhiên: Nắng chiếu làm cho bó hoa càng thêm rực rỡ và làm cho cô gái cảm thấy rực rỡ theo.

b) Cảm xúc thẩm mỹ của người đọc được mở rộng, nâng cao

- Thấy thiên nhiên đẹp thêm lên

+ Đẹp ở hình ảnh, màu sắc.

+ Đẹp ở sự sống của cây, của hoa, lá.

- Gợi ra những tưởng tượng kì thú

+ Thiên nhiên có sự sống, cảm xúc như con người: những cây thông Tung tít... những ngón tay, cái nhìn bao che của những cây tử kinh.

+ Thiên nhiên tô điểm, tạo nên vẻ đẹp cho cuộc sống con người, là người bạn của con người.

Làm tăng thêm lòng yêu cái đẹp

+ Cái đẹp của thiên nhiên

+ Cái đẹp của nghệ thuật, văn chương.

C. KẾT BÀI

- Nghệ thuật có một sức mạnh riêng. Cái đẹp của thiên nhiên Sa Pa qua tâm hồn rung cảm của nhà văn và bằng một ngôn ngữ vừa là họa vừa là thơ, đã được nâng lên ở cấp độ thứ hai: đó chính là nghệ thuật.

Con người có nhu cầu trực tiếp cảm nhận cái đẹp của thiên nhiên. Nhưng điều đó vẫn không thể thay thế nhu cầu gián tiếp được cảm nhận cái đẹp của thiên nhiên qua nghệ thuật, trong đó có văn chương. Cảm xúc thẩm mĩ, trong đó có cảm xúc về vẻ đẹp của thiên nhiên trong các tác phẩm văn chương, nghệ thuật, là một nhu cầu không thể thiếu được của con người.

BÀI LÀM

Đã nói đến truyện ngắn, tiểu thuyết là nói đến nhân vật, các tình huống tâm lí - xã hội, nói đến kí là nói đến sự việc, sự kiện, nói đến thơ ca là nói đến cảm xúc, cái tôi trữ tình, tất nhiên thế. Song có một hiện thực đẫm sắc màu, hương vị, thân thiết với con người mà hầu hết các văn nghệ sĩ đồng, tây, kim, cổ đắm say miêu tả bằng mọi thể loại, đó là thiên nhiên. Vì cây đời mãi mãi xanh tươi mà người ta muốn sống đẹp, người ta biết thương yêu, khao khát hòa bình, hạnh phúc và chính thiên nhiên đã giúp người ta thêm lòng yêu, thêm nghị lực để vun trồng, gìn giữ và bảo vệ cái chân, cái thiện, cái mĩ.

Ở một đất nước thuộc miền nhiệt đới hoa trái bốn mùa như nước ta, thiên nhiên từ đây đã trở thành cảm hứng sáng tác của nhiều văn nghệ sĩ. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh để cả đời mình hướng ống kính tới những làng bản, mây trời huyền ảo, họa sĩ Ngọc Linh có hàng trăm tác phẩm hội họa về nông thôn miền núi, ở đó cái thật, cái mộng ấn vào nhau khiến người xem ngơ ngác, ngẩn ngơ. Các nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Thành Long V.v... có những đoạn trữ tình ngoại để riêng biệt thật hay về thiên nhiên miền núi. Đây là cảnh trong tác phẩm Nhật kí vùng cao của nhà văn Tô Hoài: “Trời rừng vào lúc tắt nắng, nhưng bóng tối cũng chưa nhòa xuống bỗng đượm một ánh sáng nhẹ lạ lùng, khiến ta có một cảm tưởng mơ màng như đến một hòn đảo trời nước mênh mông, những hòn đảo hoang vắng lạ thường”. Hoặc: “Người đến Lũng Phìn vào khi sắp bẻ ngô, chỉ thấy từ những nương ngộ đỉnh núi đỉnh đồi đang ràn rạt chạy xuống một màu ngô vàng rộm lẫn với làn mây dày đặc bao bọc kín làng xóm Lũng Phìn”. Hoặc: “Từ trên dốc núi trông xuống, những nhà sàn làng Thái gọn ghẽ như những chiếc hộp chơi bày hàng xanh đỏ của trẻ em”. Nếu cảnh của Tô Hoài thiên về mảng, tấm, đầm thắm, đậm đà như tranh sơn dầu thì cảnh của Nguyễn Thành Long thiên về chi tiết, dịu nhẹ trong trẻo như tranh lụa, tranh thủy mặc, nhuốm tâm lí bâng khuâng của tác giả. Trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long viết: “Rời cầu cây số 4 một quãng, xe trèo lên núi. Mấy hắt từng chiếc quạt trắng lên từ các thung lũng. Chỉ thấy thấp thoáng trong màu xanh bao la, ở phía trước, một vệt hình ba góc màu vàng, chính là đoạn đường mình đi qua. Đi một lúc lâu, ngửng lên, vẫn thấy cái vệt ba góc đó”. Hoặc: “Nắng bây giờ bắt đầu lên tới, đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rụng tốt trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Mấy bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương rơi xuống đường cái luôn cả vào gầm xe”.

Đọc những trang văn tả cảnh như vậy, khác nào được đi du lịch - đi du lịch một cách gián tiếp. Dẫu có đủ điều kiện để đến được tận các địa điểm mà nhà văn miêu tả, ta vẫn khát khao muốn đọc, muốn được hưởng văn, bởi vì, nếu đến, thì đó mới chỉ là nhu cầu thẩm mĩ đơn thuần, còn đọc, đó là nhu cầu thẩm mĩ văn học. Cái đẹp của bản thân cuộc sống có giá trị riêng, cái đẹp của bản thân nghệ thuật có giá trị riêng, dù cái nọ bắt nguồn từ cái kia. Cảnh thiên nhiên trong văn đã được đẹp lên ở cấp độ thứ hai, cấp độ thứ nhất chính là thiên nhiên, cấp độ thứ hai là nghệ thuật, ở đây là ngôn ngữ văn học, là rung cảm của tâm hồn nhà văn.