ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Bố cục bài văn và ý đồ của tác giả

Phần Mở đầu ứng với đoạn đầu tiên của bài văn; phần Tình cảm của Thoóc-tơn đối với Bác ứng với đoạn thứ hai của bài văn; phần Tình cảm của Bác đối với chủ ứng với ba đoạn còn lại của bài văn. Xét về phương diện ấy, ta đã thấy nhà văn chủ yếu muốn nói đến tình cảm của Bác đối với chủ trong bài văn này.

Độ dài của phần thứ ba dài hơn cả hai phần trước cộng lại. Điều đó một lần nữa nói lên rằng ở đây Lân-đơn chủ yếu muốn nói đến con chó Bấc và mọi biểu hiện tình cảm của nó.

2. Tình cảm của Thoóc-tơn đối với con chó Bấc

- Thoóc-tơn đối xử với những con chó của anh, và đặc biệt đối với Bấc “như thể chúng là con cái của anh vậy”. Trong ý nghĩ, trong tình cảm, dường như anh không xem Bấc chỉ là một con chó, mà là người hẳn hoi, là đồng loại với anh, là bạn bè của anh.

- Dĩ nhiên, Thoóc-tơn là chủ của con chó Bấc, nhưng là “một ông chủ lí tưởng”. Nhà văn so sánh Thoóc-tơn với các ông chủ khác để làm nổi bật điều đó. Các ông chủ khác chăm sóc chó chỉ là vì nghĩa vụ (nuôi nó thì phải chăm sóc nó) và vì lợi ích kinh doanh (kéo xe trượt tuyết để đi tìm vàng).

- Các biểu hiện tình cảm đặc biệt của Thoóc-tơn: chào hỏi thân mật hoặc nói lời vui vẻ, trò chuyện tầm phào với chó (như với con cái hay bạn bè mình); túm chặt lấy đầu Bấc, rồi dựa vào đầu mình, rồi đẩy tới đây lui.

- Tình cảm biểu hiện ngay cả ở trong những tiếng rủa của Thoóc tơn, “tiếng của rủ rỉ bên tai” chứ không phải là những tiếng quát tức giận. Khi đối xử với con cái hoặc bạn bè, nhiều khi người ta cũng hay dùng lối rủa yêu như vậy. Con chó tinh lắm, nó biết những tiếng của ấy là “những lời nói nựng âu yếm”...

- Tình cảm của Thoóc-tơn biểu hiện càng rõ rệt khi Thoóc-tơn kêu lên, trân trọng: “Trời đất! Đằng ấy hầu như biết nói đấy!”. Dường như trước mắt Thoóc-tơn bây giờ không phải là một con chó, mà là con anh, là bạn anh.

- Trong bài văn này, chủ yếu Lân-đơn muốn nói đến những biểu hiện tình cảm của con chó Bấc. Nhưng trước đó, nhà văn lại cho xen vào đoạn nói về tình cảm của Thoóc-tơn đối với các con chó của anh nói chung và đối với con chó Bấc này, mục đích là để làm sáng tỏ những tình cảm của con chó Bấc đối với anh. Không phải đối với bất cứ ông chủ nào con chó Bấc cũng đối xử tốt đâu. Bác đã từng qua tay nhiều ông chủ độc ác. Chỉ riêng Thoóc-tơn là có lòng nhân từ với nó.

3. Những biểu hiện tình cảm của con chó Bấc

– Lân-đơn có những nhận xét tinh tế khi kể chuyện con Xơ-kít “có thói quen thọc cái mũi của nó vào dưới bàn tay của Thoóc-tơn rồi hích, hích mãi cho đến khi được vỗ về”, còn con Ních thì “thường chồm lên tì cái đầu to tướng của cu cậu lên đầu gối Thoóc-tơn”... Con chó nào cũng thường “nằm phục ở dưới chân chủ hàng giờ”, “mắt háo hức, tỉnh táo, linh lợi ngước nhìn chủ”, hoặc cũng có khi “nó nằm ra xa hơn, về một bên, hoặc đằng sau chủ”, theo dõi, quan sát từng động tác của chủ. Lân-đơn có những nhận xét tinh tế, tỉ mỉ khi khắc họa những con chó của ông. Những biểu hiện tình cảm của các con chó trong bài là chung của loài chó, nhưng nhà văn tách ra mỗi con (Xơ-kít, Ních, Bấc) một nét riêng để cho sinh động và để làm nổi bật nét khác biệt của Bác so với những con chó kia.

- Bấc có tình cảm đặc biệt đối với Thoóc-tơn, khác với quan hệ của nó trước kia với những cậu con trai của ông Thẩm, với những đứa cháu nhỏ của ông Thẩm, và với bản thân ông Thẩm. Có lúc nó cũng sôi nổi cắn vờ Thoóc-tơn, nhưng chủ yếu "tình thương yêu của Bác được diễn đạt bằng sự tôn thờ”, nằm xa xa, hàng giờ... hoặc bám theo sát Thoóc tơn không rời một bước... Đặc biệt nó không đòi hỏi gì ở Thoóc-tơn cả.

4. “Tâm hồn” của con chó Bấc.

- Nhà văn không nhân cách hóa con chó Bấc, ông chỉ miêu tả “họng rung lên những âm thanh không thốt nên lời”. Nó chỉ “hầu như biết nói” như lời của Thoóc-tơn. Nhưng Thoóc-tơn và cả nhà văn dường như thấu hiểu thế giới “tâm hồn” phong phú của nó.

- Qua lời của người kể chuyện – mà cũng chỉ là qua lời của người kể chuyện mà thôi chứ không có thật – con chó Bấc dường như biết suy nghĩ: “Trước kia, nó chưa hề cảm thấy một tình thương yêu như vậy...”, “Bấc thấy không có gì vui sướng bằng cái ôm ghì mạnh mẽ ấy...”, “nó lại tưởng chừng như quả tim mình nhảy tung ra khỏi lồng ngực...”, “Bấc không muốn rời Thoóc-tơn ra một bước”...

- Bấc không những biết vui mừng mà còn biết lo sợ: “Việc thay thấy đổi chủ xoành xoạch... làm nảy sinh trong lòng nó nỗi lo sợ là...”, “nó sợ Thoóc-tơn cũng lại biến khỏi cuộc đời nó...”

- Bấc còn nằm mơ nữa: “Ngay cả ban đêm, trong giấc mơ nó cũng bị nỗi lo sợ... ám ảnh”...

- Những điểm kể trên vừa nói lên trí tưởng tượng tuyệt vời của nhà văn, vừa nói lên lòng yêu thương loài vật của ông.