I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Giới thiệu lời nhận xét của Tuân Tử về bạn và thù.

- Khẳng định nhận xét đó là hoàn toàn chính xác.

2. Thân bài:

* Phân tích ý nghĩa của nhận xét trên:

+ Vế thứ nhất: Người chê ta mà chê phải là thầy ta.

- Chê: Là chỉ ra chỗ dở, chỗ sai. Chê phải là chế đúng, với mục đích góp ý, xây dựng để đạt kết quả tốt hơn.

- Người dám chê là người trung thực, không sợ mất lòng, không vụ lợi.

- Tư cách cao quý, trình độ hiểu biết sâu rộng của người chê phải xứng đáng được tôn làm thầy.

+ Vế thứ hai: Người khen ta mà khen phải là bạn ta.

- Khen phải: tức là khen đúng điều đáng khen, nhằm mục đích động viên, cổ vũ người được khen. (Trái với khen phải là khen bậy cốt để lấy lòng).

- Muốn có được những lời khen phải, người khen cần phải có tư cách và trình độ hiểu biết nhất định.

- Những lời khen đúng lúc, đúng chỗ có tác dụng rất lớn, chứng tỏ thiện tâm, thiện ý của người khen đối với người được khen. Như vậy thì người khen ta mà khen phải xứng đáng là bạn ta.

+ Vế thứ ba: Những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy.

- Những kẻ thích vuốt ve, nịnh bợ người có chức có quyền thường là vô liêm sỉ, thiếu đạo đức. Khi vuốt ve, nịnh bợ ai đó, họ đều nhằm mục đích vụ lợi (lên chức, lên lương, được ban phát bổng lộc...).

- Chúng làm cho người được vuốt ve, nịnh bợ không còn biết phải trái, đúng sai, dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng. Chúng là kẻ thù giấu mặt nhưng vô cùng nguy hiểm, cần phải cảnh giác.

3. Kết bài:

- Khen, chê là hai mặt tất yếu của dư luận.

- Lời nhận xét của Tuân Tử chứa đựng một bài học thực tế rất bổ ích: Nhắc nhở mọi người hãy tỉnh táo, sáng suốt và tự chủ trước những dư luận trong cuộc đời.

II. BÀI LÀM

Cổ nhân có câu: Trung ngôn nghịch nhĩ, tức là lời nói ngay thẳng thì khó lọt tại. Thói thường ở đời, người ta thích khen hơn là thích chê. Bàn về vấn đề này, Tuân Tử, một học giả nổi tiếng của Trung Quốc sống vào khoảng từ năm 313 đến năm 235 trước Công nguyên đã nói: Người chê ta mà chê phải là thầy ta. Người khen ta mà khen phải là bạn ta. Những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy.

Nhận xét trên chính xác và có ý nghĩa khái quát rất lớn. Chúng ta thử giải thích và bình luận từng vế một.

Vế thứ nhất: Người chê ta mà chê phải là thầy ta. Chê ở đây có nghĩa là chỉ ra cái dở, cái chưa đúng trong suy nghĩ, lời nói và hành động của ta. Tại sao ta lại khó chấp nhận những lời chê bai, chỉ trích ? Ấy là vì tính tự ái, tỉnh sĩ diện ai cũng có. Những người thiếu sáng suốt thường chủ quan, tự mãn, cái gì cũng cho là mình giỏi, mình hay, nên coi nhẹ sự góp ý của người khác, dù là đúng. Tuân Tử đề cao vai trò của người dám mạnh dạn đưa ra những lời chê đúng đắn mà không sợ người nghe mất lòng, bởi mục đích của họ là xây dựng chứ không phải là phủ nhận. Lời góp ý của họ thể hiện trình độ nhận thức, phân tích, đánh giá vấn đề mang tính chất khách quan, không vụ lợi. Nếu người nghe biết phân biệt đúng sai và làm theo thì Công việc sẽ đạt kết quả tốt đẹp hơn. Như vậy, người chê ta mà chê phải hẳn là có thiện ý, thiện cảm với ta nên xứng đáng là thầy ta.

Vế thứ hai: Người khen ta mà khen phải là bạn ta. Khen và chê là hai mặt tất yếu của dư luận. Thói thường: khen bao nhiêu cũng không đủ ; chế một chút cũng là thừa. Nhưng khen cũng có nhiều loại: khen đúng và khen sai. Khen đúng Tuân Tử gọi là khen phải. Còn khen sai là không có gì đáng khen cũng cố khen, cốt để lấy lòng. Kiểu này thường thấy ở những kẻ vô liêm sỉ, mưu cầu sinh thân phì gia bằng mọi thủ đoạn, kể cả những thủ đoạn hèn hạ nhất là vuốt ve, nịnh bợ, xu phụ cấp trên.

Khen phải, khen đúng có tác dụng động viên, cổ vũ rất tích cực. Người được khen tăng thêm niềm tin vào bản thân, từ đó có hướng phấn đấu mạnh mẽ hơn. Khen sai, khen bậy gây ra ảo tưởng, lầm lẫn tai hại cho người được khen, thậm chí còn xúc phạm đến lòng tự trọng của họ. Để có được những lời khen phải, người khen cần có một trình độ nhất định, biết phân biệt đúng sai, nên hay không nên. Như vậy thì lời khen của mình mới thực sự có giá trị và người được khen cũng vui lòng vì được tiếp thêm sức mạnh từ một người bạn chân thành. Trong sử sách nước ta có nhiều tấm gương trung thực như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Trần Thủ Độ, Tô Hiến Thành, Trần Quốc Tuấn... một lòng vì dân vì nước, dám khen điều phải, chỉ điều trái của các quan đại thần trong triều và kể cả vua chúa mà không sợ nguy hiểm đến sự nghiệp và tính mạng. Những người như thế xứng đáng là bậc chính nhân quân tử, rất đáng tin cậy.

Vế thứ ba: Những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy. Câu nhận xét này chứng tỏ Tuân Tử là người từng trải, hiểu thấu sự đời. Thời nào cũng vậy, bên cạnh những gương sáng của trung thân nghĩa sĩ còn có những gương xấu bị bêu danh muôn thuở. Những kẻ vuốt ve, nịnh bợ người khác thường là mất nhân cách, không còn biết đến hai chữ liêm sỉ. Bản chất của lũ người này là thượng đội, hạ đạp (nịnh trên, nạt dưới) để đạt danh, đạt lợi, thoả mãn mục đích cá nhân ích kỉ. Chúng thường nhờ vào chỗ yếu của người có chức, có quyền là thói thích được khen, được nịnh để khen bừa, nịnh ẩu, bất chấp hậu quả ra sao. Rốt cuộc, kẻ được vuốt ve, nịnh bợ như bị rơi vào ma trận, chẳng biết lối ra, không phân biệt nổi thật, hư, đúng, sai. Đã sai lại càng sai, có khi lâm vào đường cùng, vào vực thẳm không lối thoát. Như thế thì: Những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy.

Câu nói của Tuân Tử cách đây đã hàng ngàn năm nhưng ý nghĩa giáo dục cho đến nay vẫn còn nguyên vẹn, đáng để cho hậu thế chúng ta suy ngẫm và học tập. Điều cốt yếu mà Tuân Tử muốn truyền đạt là làm người thì phải có tính tự chủ cao, có lập trường vững vàng và trí tuệ sáng suốt để xác định được hướng đi và mục đích đúng đắn cho cuộc đời mình.