I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Thu điếu nằm trong chùm thơ nổi tiếng (Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm) của nhà thơ Nguyễn Khuyến.

- Thu điếu là cảnh một làng quê nghèo vùng đồng chiêm trũng với những hình ảnh đơn sơ, quen thuộc mà sinh động lạ thường.

2. Thân bài:

+ Hai câu đề:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền cậu bé tẻo teo.

- Không gian hẹp (Ao thu ), nước trong veo in bóng mây trời. Tiết thu lạnh lẽo.

- Chiếc thuyền câu bé tẻo teo hài hoà với Ao thu nhỏ bé.

+ Hai câu thực:

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.

- Bức tranh hoà hợp về màu sắc và đường nét (Sóng biếc, lá vàng). Mọi chuyển động đều nhẹ nhàng (Sóng ... hơi gợn ti, Lá... khẽ đưa vèo) như có, như không, làm tăng vẻ tĩnh lặng của thôn quê.

- Chứng tỏ óc quan sát và khả năng cảm nhận tinh tế của nhà thơ.

+ Hai câu luận:

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

- Từ khung cảnh Áo thu nhỏ hẹp trên mặt đất, tác giả nâng cao, mở rộng thành không gian bao la, khoáng đạt. Xanh ngắt là màu trời đặc trưng của mùa thu. Tầng mây lơ lửng như đứng yên một chỗ, tôn thêm vẻ tĩnh lặng của bầu trời.

- Đường nét của ngõ trúc quanh có tạo cảm giác mềm mại, êm dịu cho cảnh vật và gợi nên những rung động tinh tế trong tâm hồn nhà thơ.

+ Hai câu kết:

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

- Tư thế con người (ông câu) cũng như có thu nhỏ lại cho tương xứng với cảnh vật xung quanh. Dáng ngồi thể hiện tâm trạng trĩu nặng ưu tư của nhà thơ trước thế sự.

3. Kết bài:

- Bài Thu điếu với những hình ảnh đơn sơ, quen thuộc, mang đậm dấu ấn mùa thu làng cảnh Việt Nam.

- Cái hay của bài thơ là tất cả mọi thứ đều như thu nhỏ lại, ẩn kín vào trong và chất chứa tâm sự. Tâm trạng nhà thơ ngụ trong chính cái cảm giác tinh tế ấy.

II. BÀI LÀM

Chùm thơ ba bài Thu vịnh, Thu ẩm, Thu điều của Nguyễn Khuyến tiêu biểu cho thiên nhiên mùa thu của đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó quen thuộc và gần gũi hơn cả là bài Thu điếu. Đọc bài thơ, ta thấy hiện lên trước mắt khung cảnh một làng quê nghèo vùng đồng chiêm trũng với những hình ảnh đơn sơ mà sống động:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền cậu bé tẻo teo.

Nguyễn Khuyến tả mùa thu trong một không gian hẹp: chiếc ao thu nhỏ bé, làn nước trong veo in bóng mây trời. Tiết thu, khí trời se lạnh làm cho màu nước dường như trong hơn, làn nước sâu hơn và lạnh lẽo hơn. Trên mặt ao là chiếc thuyền cậu bé tẻo teo. Ao nhỏ, thuyền xinh như hoà hợp với nhau, tạo nên một cảnh trí êm đềm, tĩnh lặng:

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.

Cảm nhận tinh tế của nhà thơ đã phát hiện ra cái lạnh se se trong cơn gió thoảng. Ao hẹp, gió nhẹ thổi làm cho mặt nước gợn sóng lăn tăn. Dăm chiếc lá vàng lìa cành, se sẽ đưa theo chiều gió. Không gian yên lặng đến mức nghe rõ cả tiếng rơi vào rất khẽ của chiếc lá liệng trên mặt ao. Màu nước trong veo, thuyền cậu bé tẻo teo, sóng hơi gợn ti, lá khẽ đưa vèo... Tất cả dường như đều thu nhỏ lại, lắng sâu và chất chứa suy tư.

Từ khung cảnh Ao thu nhỏ hẹp trên mặt đất, nhà thơ nâng cao, mở rộng thành không gian khoáng đạt, cao vời vợi:

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh có khách vắng teo.

Ta lại bắt gặp hình ảnh trời thu xanh ngắt như trong bài Thu vịnh, sắc xanh đặc trưng - biểu tượng của mùa thu. Gió nhẹ nên mây lơ lửng, gần như trong trạng thái đứng yên. Nét thu trên mặt nước, nét thu trên bầu trời và đây là nét thu trên mặt đất: Ngõ trúc quanh co khách vắng teo. Những con đường nhỏ trong thôn xóm hai bên trồng tre, trồng trúc, vắng bóng người qua lại, dường như cũng chìm trong yên lặng. Yên lặng tuyệt đối bao trùm lên tất cả. Chính cái yên lặng chất chứa đó lại đồng điệu với tâm hồn nhà thơ và gợi lên những rung cảm tinh tế trong lòng người đọc.

Hai câu kết là bức chân dung tự hoạ của tác giả:

Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,

Cả đâu đớp động dưới chân bèo.

Tư thế con người cũng như có thu nhỏ lại cho tương xứng với cảnh vật chung quanh và cái dáng ngồi ấy phần nào thể hiện tâm trạng nhà thơ. Ông không thể nào nguôi ngoai trước thế sự - điều mà ông muốn mượn việc câu cá để giải khuây mà không sao khuây được. Một tiếng cá đâu đớp động mơ hồ dưới chân bèo đã làm cho nhà thơ khẽ giật mình, trở về thực tại - một thực tại đầy xót xa, day dứt đối với tâm hồn trĩu nặng nỗi niềm dân nước.

Bài thơ Thu điếu là mùa thu, hồn thu của làng cảnh Việt Nam. Không cần những hình ảnh cầu kì, ước lệ trong văn chương, chỉ vài cảnh vật đơn sơ, quen thuộc, nhà thơ đã vẽ nên bức tranh thu dân dã, mộc mạc mà không kém phần sinh động, đặc sắc. Cái hay của bài thơ là sự vắng lặng, mênh mông khiến cho mọi thứ dường như thu nhỏ và ẩn kín vào trong. Không gian mùa thu của đồng bằng Bắc Bộ là vậy. Tâm trạng của nhà thơ ngụ trong chính cái cảm giác tinh vi ấy.