I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Nguyễn Tuân (1910 – 1987), quê ở làng Nhân Mục, ngoại thành Hà Nội.

- Ông viết văn, làm báo và nổi tiếng rất sớm. Được đánh giá là cây bút tiêu biểu cho văn xuôi lãng mạn thời kì cuối, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

- Phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân cầu kì và độc đáo. Ông có những đóng góp to lớn cho nền văn học nước nhà.

2. Thân bài:

* Các giai đoạn sáng tác của Nguyễn Tuân.

+ Trước Cách mạng:

- Các tác phẩm tiêu biểu: tập truyện ngắn Vang bóng một thời (1940), Tuỳ bút I (1941), Tuỳ bút II (1943).

- Nội dung: Ghi lại những cảm nghĩ, nhận xét tinh tế, sâu sắc của nhà văn trước cảnh vật và con người mà ông bắt gặp trên đường xê dịch khắp non sông đất nước. (Một chuyến đi, Thiếu quê hương...). Giới thiệu các thú chơi tao nhã, cầu kì của người xưa (Vang bóng một thời, Chữ người tử tù...). Ca ngợi tài năng và nhân cách cao quý của những bậc chính nhân quân tử (Huấn Cao trong Chữ người tử tù...). Phản ánh tâm trạng phức tạp, bế tắc của bản thân tác giả trước thời cuộc (Chiếc lư đồng mắt cua, Thiếu quê hương...).

+ Sau Cách mạng:

- Nguyễn Tuân cùng phần lớn văn nghệ sĩ tự nguyện tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông thường xuyên cùng bộ đội đi chiến dịch, đi thực tế để làm giàu vốn sống, vốn hiểu biết về dân tộc và đất nước.

- Các tác phẩm tiêu biểu: Tuỳ bút Đường vui (1949), Tuỳ bút Kháng chiến (1955), Tuỳ bút Sông Đà (1960), Tuỳ bút Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi (1972).

- Nội dung chính: Ca ngợi nhân dân anh hùng, đất nước anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Ca ngợi cuộc sống mới tự do, độc lập, con người mới cần cù, sáng tạo, tài hoa... ngày đêm dốc sức xây dựng XHCN ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

+ Nghệ thuật sáng tác của Nguyễn Tuân:

- Văn phong cầu kì, sáng tạo và độc đáo, mang dấu ấn của riêng tác giả.

- Từ cách chọn lựa từ ngữ, hình ảnh đến cách sử dụng các thủ pháp nghệ thuật đều tỏ ra rất cân nhắc, rất công phu, với mục đích làm nổi bật chủ đề của tác phẩm.

3. Kết bài:

- Nguyễn Tuân xứng đáng là cây đại thụ của văn xuôi Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.

- Ông đã vinh dự được nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

II. BÀI LÀM

Nguyễn Tuân sinh năm 1910 trong một gia đình nhà Nho. Quê ông ở làng Nhân Mục (còn gọi là làng Mọc), ngoại thành Hà Nội. Thời gian học trung học Nam Định, ông tham gia bãi khoá chống chính quyền thực dân Pháp, sau đó bỏ học. Nguyễn Tuân viết văn, viết báo và sớm nổi tiếng với loạt truyện ngắn đăng trên các báo Tao đàn, Tiểu thuyết thứ bảy. Ông được đánh giá là tác giả tiêu biểu cho trào lưu văn xuôi lãng mạn thời kì cuối, trước Cách mạng tháng Tám. Ngoài tập truyện ngắn có giá trị Vang bóng một thời, những tác phẩm khác của Nguyễn Tuân giai đoạn này đều kín đáo ẩn chứa tinh thần dân tộc.

Thời kì đầu, các sáng tác của Nguyễn Tuân ghi lại những cảm nghĩ, nhận xét tài hoa, độc đáo của nhà văn trên đường xê dịch khắp non sông, đất nước: (Một chuyến đi, Thiếu quê hương...). Bên cạnh đó, ông tập trung viết về những thú chơi tao nhã, cầu kì, tinh tế của người xưa, thể hiện một khía cạnh của nền văn hoá cổ truyền dân tộc và về những con người nghệ sĩ mà tài năng và nhân cách kết hợp với nhau đến mức tuyệt vời. (Các truyện ngắn trong Vang bóng một thời, nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù...). Ngoài ra, có những tác phẩm phản ánh tình trạng khủng hoảng tinh thần của tác giả trước thời cuộc rối ren lúc đó, dẫn đến lối thoát tiêu cực là tìm sự quên lãng, khuây khoả bằng những thú vui có hại: (Chiếc lư đồng mắt cua...).

Văn phòng độc đáo của Nguyễn Tuân thể hiện rõ từ thời kì sảng tác trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Sau Cách mạng, cùng với nhiều văn nghệ sĩ khác, Nguyễn Tuân tham gia kháng chiến, theo chân bộ đội đi chiến dịch hoặc vào vùng địch hậu, đi thực tế Tây Bắc... Thời kì kháng chiến chống Mĩ, ông vào tận Vĩnh Linh, Quảng Trị... Nhiều tập tuỳ bút ra đời, tiếp nối sở trường của ông về thể loại ấy: Đường vui (1949), Tuỳ bút kháng chiến (1955), Sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972)...

Nguyễn Tuân làm việc rất nghiêm túc, việc gì cũng nghiên cứu, điều tra kĩ lưỡng. Ông có vốn hiểu biết văn hoá sâu rộng. Trong khi viết, ông thường chú trọng lời văn sao cho thật mới, thật hay, có dấu ấn Nguyễn Tuân rõ rệt, không thể lẫn lộn với ai. Văn ông hay, thấm thía nhưng lắm lúc cũng thành cầu kì. Nguyễn Tuân có những đóng góp rất lớn cho nền văn xuôi Việt Nam hiện đại.