I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu.
- Tác phẩm thể hiện rõ ràng nhất, sâu sắc nhất tư tưởng yêu nước, thương dân của ông. Trong bài văn tế có một tượng đài nghệ thuật mang tính bi tráng về người nông dân yêu nước chống ngoại xâm.
2. Thân bài:
* Vẻ đẹp thứ nhất của người nghĩa sĩ nông dân là tinh thần tự nguyện cứu nước.
- Họ vốn là dân ấp dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ. Quanh năm, họ côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó, hoàn toàn xa lạ với việc binh đao: Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung... Việc quốc gia đại sự từ trước tới nay họ đều trông chờ vào triều đình phong kiến.
- Trước tình cảnh đất nước rơi vào tay giặc ngoại xâm mà vua quan triều đình hèn nhát chạy dài, họ đã tự nguyện đứng lên đánh giặc. (Dẫn chứng).
* Vẻ đẹp thứ hai: Tinh thần xả thân và nghĩa lớn.
- Thái độ của họ đối lập với thái độ của phần lớn giai cấp thống trị đương thời. Triều đình sợ giặc, không dám đánh >< nghĩa sĩ nông dân căm thù giặc sôi sục, dám đánh chúng dù không có vũ khí trong tay.
- Họ xông xáo, tung hoành trên chiến trường với dũng khí ngất trời. Những vật dụng thô sơ trong tay họ trở thành vũ khí sắc bén tiêu diệt giặc. (Dẫn chứng).
- Tinh thần chiến đấu quên mình của họ khiến giặc khiếp sợ. Họ đã đem lòng yêu nước để đối chọi với quân giặc đông và mạnh gấp nhiều lần.
- Người nông dân lam lũ, cực nhọc giờ đây đã hiện lên thành hình tượng anh hùng lồng lộng giữa chiến trường đầy lửa khói. (Dẫn chứng).
- Sự hi sinh anh dũng của gần ba chục nghĩa sĩ đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, dân chúng và làm cảm động đến cả đất trời. (Dẫn chứng).
3. Kết bài:
- Tượng đài nghệ thuật về người nghĩa sĩ nông dân mang tính bi tráng, được dựng nên bằng sự cảm phục và nước mắt tiếc thương của nhà thơ và dân chúng.
- Bài Văn tế như một tấm bia muôn thuở sáng ngời, khắc ghi hình tượng vinh quang của người nông dân Nam Bộ yêu nước trong thời kì đầu chống thực dân Pháp xâm lăng.
II. BÀI LÀM
Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là đỉnh cao sáng tác của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và cũng là tác phẩm biểu hiện tập trung nhất, sâu sắc nhất tư tưởng yêu nước, thương dân của ông. Với lòng thương cảm và khâm phục chân thành, nhà thơ đã dựng nên một tượng đài nghệ thuật bất hủ về người anh hùng nghĩa sĩ nông dân trong thời kì lịch sử chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc. Có thể nói bài Văn tế là khúc ca bi tráng về người nghĩa sĩ nông dân dám xả thân vì sự sống còn của đất nước.
Vẻ đẹp đầu tiên ở họ là tinh thần tự nguyện đánh giặc. Vốn là những người dân cày quanh năm côi cút làm ăn, điều lo toan hằng ngày của họ là làm sao cho đủ ăn đủ mặc, đừng đói khổ, rách rưới. Họ biết thân phận mình là hèn mọn trong xã hội, ngoài sau thuế phải nộp cho đủ, họ đâu dám nghĩ đến công to việc lớn. Quốc gia đại sự là của vua quan và triều đình. Vậy mà giờ đây, giặc Lang Sa tràn sang cướp nước, gieo rắc tanh hôi (tinh chiên) đã ba năm mà mặt mũi quan quân chẳng thấy ở đâu, có chăng nữa thì chỉ là lũ hèn nhát chạy dài. Cảnh tượng ấy khiến họ không thể bưng tại bịt mắt làm ngơ. Lòng yêu nước hun đúc từ nghìn xưa trong huyết quản sôi sục, họ tự nguyện đứng lên đánh giặc:
Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kinh;
chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyện này dốc ra tay bộ hổ.
Họ nhận về mình công việc cực kì khó khăn, to lớn: đoạn kinh, bộ hổ, tức là đánh lại quân giặc mạnh hơn mình gấp bao lần. Vẻ đẹp tinh thần của họ là dám đánh, dám hi sinh; một lòng xin ra sức, ra tay, cống hiến sức mình cho Tổ quốc. Tinh thần dám đánh, dám hi sinh ấy càng đẹp biết bao nhiêu khi họ chỉ là những người dân ấp dân lân, tự liên kết thành đội ngũ để chiến đấu chứ không phải là quân lính của triều đình. Từ cửa nếp nhà tranh của mình, họ xông thẳng vào trận, không hề được luyện tập mảy may. Tinh thần ấy lại thêm lớn lao khi nhìn vào vũ khí trong tay họ. Có thể nói, trang bị sắc bén của họ chính là tấm lòng yêu nước và nghĩa lớn vì nước, chứ rơm con cái, lưỡi dao phay, gậy tầm vông làm sao đem đối chọi được với súng song tâm, với tàu thiếc tàu đồng. Cái sắc bén, cải sức giết giặc của nó chỉ là ở trái tim, ở dũng khí của người cầm dao, cầm gậy. Vẻ đẹp của họ thật hào hùng, nhưng bên cạnh cải hào hùng ấy lại là nỗi đau, nỗi thương muốn rơi nước mắt!
Vậy mà ta hãy xem họ xung trận. Bao nhiêu lời văn là bấy nhiêu chất hùng ca, hừng hực khí phách, rực lửa chiến đấu của một trận đánh quyết liệt và anh dũng:
Hoả mai đánh bằng rơm con cái, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia ; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.
Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ní hồn kinh ; bọn hè trước, lũ ở sau, trối kệ tàu sắt tàu đồng súng nổ.
Quả là tuyệt vời! Ai đó đã dùng một cách nói rất đắc (chứ không phải đắt) là hình tượng người nghĩa sĩ nông dân cực nhọc, nghèo khó đã hiện lên thành một hình ảnh anh hùng lồng lộng giữa chiến trường, làm chủ trận chiến, áp đảo tất cả. Lưỡi dao phay, ngọn tầm vông của họ đâm ngang chém ngược, tung hoành, hiên ngang chiếm lĩnh cả không gian trận địa, làm cho giặc hồn kinh phách lạc. Tiếng hè, tiếng ở của họ át cả tiếng đại bác của tàu thiếc tàu . Rơm con cúi, lưỡi dao phay cũng đốt xong đồn giặc, cũng chém rớt đầu quan hai giặc. Đoạn văn đầy những động từ, những cụm động từ miêu tả hành động mãnh liệt, hào khí bừng bừng. Trước những con người anh hùng ấy, quân giặc hung dữ với súng đạn nghênh ngang đều như co rúm lại, thấp bé đến thảm hại. Có thể nói hình bóng người nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc nổi lên trên nền trời rực lửa, sừng sững như một tượng đài kì vĩ.
Cảm xúc chủ đạo của bài văn tế là cảm xúc bi tráng, lời văn rắn rỏi, âm điệu sôi sục, dồn dập. Nghệ thuật đối đã phát huy hiệu quả cao nhất của nó. Tất cả hợp thành một âm hưởng chiến trận hào hùng, phấn khích của một thiên anh hùng ca tuyệt diệu. Ngòi bút tác giả hoàn toàn xứng đáng với hành động cao cả của người nghĩa sĩ nông dân, với những tư tưởng cực kì lớn lao mà tác giả đã phát hiện ra trong hành động tự nguyện giết giặc cứu nước của họ. Gần ba chục nghĩa sĩ nông dân bỏ mình trong cuộc chiến đấu ác liệt và không cân sức. Cái chết bi tráng của họ khiến thiên nhiên và con người thảy đều thương tiếc: Đoái sông Cần Giuộc, Cỏ cây mấy dặm sầu giăng; nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng lụy nhỏ. Người chết vì đất nước, vì dân tộc, hỏi làm sao không xúc động đến đồng bào, non nước?!
Tượng đài nghệ thuật về người nghĩa sĩ nông dân mang tính chất bị tráng. Nó được dựng lên trong nước mắt, trong tiếng khóc thống thiết của nhà thơ và của nhân dân. Đây là thành công nghệ thuật xuất sắc của nhà thơ mù yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Bài Văn tế như một tấm bia, một cái mốc, một tượng đài vinh quang về người nông dân Nam Bộ anh hùng, về nhân dân lao động muôn thuở sáng ngời.