I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Trong học tập, người ta sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, nhưng quan trọng nhất chính là quá trình tự học.

2. Thân bài:

* Giải thích:

+ Tự học là gì ?

- Học tập là quá trình tiếp thu kiến thức, luyện tập kĩ năng do người khác truyền lại. Chữ “tự” trong “tự học” đòi hỏi mỗi học sinh phải chủ động tìm kiếm kiến thức, dù cho có thầy giáo dẫn dắt hay không.

- Vậy tự học là chủ động học tập bằng cách đọc sách, suy ngẫm, khám phá và phát hiện, biến kiến thức của sách vở, của người khác thành của mình.

- Quá trình tự học thực chất là quá trình rèn luyện công phu, cho nên có bao nhiều hoạt động học tập thì cũng có bấy nhiều cách tự học.

- Phải có phương pháp tự học đúng đắn, hợp lí thì mới rút ngắn thời gian và đạt kết quả tốt trong học tập.

+ Tự học bao gồm những vấn đề gì?

- Tự học khi nghe giảng bài là thực hiện đồng bộ bốn thao tác: tai nghe, mắt nhìn, óc suy nghĩ và tay ghi bài giảng của thầy.

- Tự học theo sách giáo khoa, tự làm bài tập. Ví dụ: Học môn Văn thì phải đọc trước bài văn, bài thơ, xem kĩ các chủ thích, soạn bài trước khi đến lớp, chuẩn bị sẵn các câu hỏi khó để hỏi thầy cô... Về môn Toán thì giải bài tập của bài đã học, đọc trước bài sắp học, xem và tập giải các bài Toán trong sách giáo khoa...

- Tự học khi làm bài tập là tự mình suy nghĩ để tìm ra cách giải, không chép lại của các bạn. Tuy nhiên, có thể nhờ ba má, anh chị, bạn bè... chỉ cho cách thức hoặc hướng giải quyết các bài tập khó.

- Tự học qua sách tham khảo là tìm hiểu thêm những kiến thức mới hoặc những chỉ dẫn, những phương pháp tiếp cận bài Văn, bài Toán... Không nên chép những bài giải sẵn để đối phó với thầy cô.

- Tự học thuộc lòng là tự mình học thuộc và nắm vững kiến thức những bài đã học. Tự học thêm những điều bản thân cảm thấy cần thiết để bổ sung kiến thức của mình.

- Tự học khi thực hành là tự mình chuẩn bị bài vở và những dụng cụ cần thiết để làm thí nghiệm, tự rút ra những kết luận, những bài học...

- Tự học khi liên hệ thực tế là tự học trong xã hội, trong cuộc sống bằng cách tham dự các buổi sinh hoạt, tham quan hay công tác xã hội để rút ra những bài học cần thiết cho bản thân về phương pháp hay nâng cao kiến thức.

- Như vậy, tự học là biến quá trình đào tạo của nhà trường thành quá trình tự đào tạo. Biến kiến thức tiếp thu được từ sách vở, từ cuộc sống thành kiến thức của bản thân.

3. Kết bài:

* Nhận xét và đánh giá về phương pháp tự học:

- Học mà không coi trọng phương pháp tự học thì kết quả không cao

- Quá trình tự học đương nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng nó sẽ thưởng công cho ta bằng niềm hạnh phúc của sự khám phá, phát hiện và sáng tạo.

- Tự học là quá trình rèn luyện nghị lực, ý chí phấn đấu vươn lên, không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết cho bản thân.

II. BÀI LÀM

Học tập là hoạt động tiếp thu những tri thức của nhân loại đã được đúc kết qua mấy nghìn năm lịch sử. Chúng ta có thể học ở trường qua sự truyền thụ của thầy cô, tự học qua sách vở, học ở bạn bè và học ở thực tế đời sống. Học để làm giàu tri thức, nâng cao trình độ hiểu biết. Học để làm chủ bản thân, làm chủ công việc của mình để tự nuôi sống mình và góp phần hữu ích vào sự nghiệp chung của đất nước, dân tộc. Chúng ta phải có phương pháp học tốt thì mới rút ngắn thời gian học tập và đạt kết quả cao. Có nhiều phương pháp học tập nhưng quan trọng nhất chính là phương pháp tự học.

Vậy tự học là gì ? Chữ “tự” trong “tự học” có nghĩa là chủ động tìm kiếm kiến thức bằng cách đọc sách, suy ngẫm, khám phá và phát hiện, biến kiến thức tiếp thu được từ sách vở, từ cuộc sống thành kiến thức của mình. Quá trình tự học thực chất là quá trình rèn luyện, cho nên có bao nhiêu hoạt động học tập thì cũng có bấy nhiều cách tự học.

Từ xưa, nhân dân ta đã coi trọng vị trí của người thầy trong xã hội. Có biết bao câu ca dao, tục ngữ thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư; Muốn sang thì bắc cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu lấy thây... Trong nhà trường, vai trò của người thầy vô cùng quan trọng. Thầy dạy cho trò những kiến thức cần thiết thông qua bài giảng trên lớp. Thầy là người dẫn đường chỉ lối, mở rộng, nâng cao tri thức cho học sinh. Đồng thời với việc dạy chữ là dạy nghĩa, người thầy còn dạy bảo những điều hay lẽ phải, quan tâm giáo dục đạo đức cho học sinh, giúp học sinh sống theo đạo lí làm người. Đối với việc trưởng thành và tạo dựng sự nghiệp của học sinh, công lao của người thầy quả là không nhỏ. Nhưng không phải người thầy thay thế được tất cả. Thầy hết lòng giảng dạy, trò phải hết sức nỗ lực trong học tập thì mới mong đạt được kết quả khả quan. Như vậy, những cố gắng của học sinh cũng góp phần đáng kể.

Tự học khi nghe thầy giảng bài thể hiện qua việc thực hiện đồng bộ bốn thao tác: tai nghe, mắt nhìn, óc suy nghĩ và tay ghi bài giảng của thầy. Trong giờ học phải chăm chú nghe lời thầy giảng. Người xưa phân loại ba cách nghe: nghe bằng tai, nghe bằng óc, nghe bằng tim. Nghe bằng tại là cách nghe dửng dưng, vô tình không cần hiểu, không cần nhớ. Nghe bằng óc là vừa nghe vừa suy nghĩ, nhận xét đúng sai trong lời giảng của thầy. Cách nghe bằng tim là lời giảng của thầy đã làm rung động trái tim của trò. Trò nghe một cách say mê, cảm nhận được cái hay, cái đẹp của nội dung, nghệ thuật của tác phẩm văn học hay vẻ đẹp của một bài toán khó. Khi nghe giảng, chúng ta phải chăm chú nhìn lên bảng xem thầy viết những gì, quan sát xem động tác, cử chỉ của thầy giáo ra sao. Nhiều khi, hình ảnh của thầy trong giờ giảng in sâu trong tâm trí học trò suốt cả cuộc đời. Một thao tác quan trọng khác là ghi chép lời giảng của thầy. Người xưa đã từng nói: “Một lần ghi bằng năm lần nghe”. Thế mới biết thao tác ghi bài quan trọng vô cùng. Nhưng ghi chép như thế nào thì cần phải cân nhắc, suy nghĩ ; không phải thầy nói gì cũng ghi hết. Trước hết, phải ghi đề cương bài giảng, ghi những điều thầy nhấn mạnh khi giảng, ghi những điều mà mình cảm thấy hay...

Tự học theo sách giáo khoa cũng quan trọng không kém. Ví dụ: về môn Văn thì tự học có nghĩa là đọc trước bài văn, bài thơ sẽ học, xem trước các chú thích, soạn kĩ bài trước khi đến lớp. Chuẩn bị một số câu hỏi để hỏi thầy cô... Về môn Toán, tự học có nghĩa là suy nghĩ, tìm tòi cách giải các bài tập của phần lí thuyết vừa học, đọc trước bài sắp học và tự mình tìm hiểu, nâng cao kiến thức.

Tự học khi làm bài tập là tự mình làm lấy bài tập, không sao chép của các bạn, không nhờ người khác giải giùm. Tuy nhiên, khi gặp bài tập khó, có thể nhờ bố mẹ, thầy cô, bạn bè... chỉ dẫn cách thức hoặc hướng giải của từng bài.

Tự học theo sách tham khảo là tìm hiểu thêm những kiến thức mới có liên quan đến bài học, hoặc những phương pháp tiếp cận bài Văn, bài Toán... của những sách tham khảo tốt. Tuyệt đối không nên chép những bài giải sẵn để đối phó với thầy.

Tự học còn là rèn luyện cho mình kĩ năng học thuộc lòng những phần ghi nhớ, những kiến thức cơ bản và các dạng bài tập... trong sách giáo khoa. Trong quá trình học tập, khối lượng kiến thức cần nhớ rất nhiều. Vì thế, học sinh phải có kĩ năng học thuộc lòng. Bài thơ đầu có thể học cả giờ mới thuộc, nhưng đến bài thơ thứ mười thì thời gian học sẽ rút ngắn hơn nhiều. Môn Toán cũng vậy, chúng ta phải học thuộc và hiểu kĩ các định lí, công thức, các dạng Toán... thì lúc làm bài mới giải đúng, giải nhanh. Bên cạnh kĩ năng học thuộc, học sinh còn phải rèn cho mình khả năng nhở lâu, nhớ chính xác những kiến thức đã học và ý thức tự giác tìm hiểu, bổ sung để không ngừng nâng cao kiến thức.

Tự học trong phòng thí nghiệm là tự mình chuẩn bị bài vở và những dụng cụ cần thiết để làm thí nghiệm, từ đó rút ra những kết luận, những bài học bổ ích.

Tự học trong cuộc sống là sự quan sát thực tế của cuộc sống xảy ra hằng ngày xung quanh ta, thông qua các buổi sinh hoạt, tham quan, các công tác xã hội... để nâng cao vốn sống.

Tự học là quá trình rèn luyện nghị lực, ý chí phấn đấu vươn lên, đem lại cho bản thân khả năng hiểu biết, phân tích, cảm thụ và sáng tạo. Vậy tự học có nghĩa là biến quá trình đào tạo của nhà trường thành quá trình tự đào tạo của bản thân, biến kiến thức của sách vở và của mọi người thành kiến thức của chính mình. Học mà không coi trọng phương pháp tự học thì kết quả không cao. Trong quá trình tự học, đương nhiên là chúng ta sẽ gặp không ít khó khăn, nhưng sau một thời gian dài chúng ta sẽ có hạnh phúc thực sự của người hái được những trải chín ngọt ngào của cái cây tri thức nhân loại.