I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Rừng là tài nguyên vô giá, đem lại lợi ích to lớn cho cuộc sống con người.
- Thử hỏi Trái đất sẽ ra sao nếu thiếu màu xanh của những cánh rừng?
- Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.
2. Thân bài:
* Chứng minh:
+ Rừng đem đến cho con người nhiều lợi ích:
- Rừng gắn bó chặt chẽ với lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc.
- Rừng cung cấp nhiều lâm sản quý giá.
- Rừng có tác dụng ngăn nước lũ, điều hoà khí hậu...
- Rừng là bảo tàng thiên nhiên phong phú, đa dạng.
- Rừng với những cảnh quan đẹp đẽ là nơi để cho con người thư giãn tinh thần, bồi bổ tâm hồn.
+ Bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống:
- Ý thức bảo vệ rừng kém sẽ gây ra những hậu quả xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của con người. (Ví dụ: Chặt phá rừng đầu nguồn dẫn đến hiện tượng sạt lở núi, lũ quét, lũ lụt... tàn phá nhà cửa, mùa màng, cướp đi mạng sống... Đốt nương làm rẫy, đốt ong lấy mật... sơ ý sẽ làm cháy rừng, phá vỡ sự cân bằng sinh thái, gây thiệt hại không thể bù đắp được...).
- Bảo vệ rừng tức là bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống của con người.
- Mỗi công dân phải có ý thức tự giác bảo vệ, gìn giữ và phát triển rừng.
3. Kết bài:
- Ngày nay, bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng được thế giới đặt lên hàng đầu, trong đó có việc bảo vệ rừng.
- Mỗi chúng ta hãy tích cực góp phần vào phong trào trồng cây gây rừng, để đất nước ngày càng tươi đẹp.
II. BÀI LÀM
Từ thuở khai thiên lập địa, con người đã gắn bó chặt chẽ với rừng. Ngày nay, dù sống trong những toà nhà bê-tông cao tầng, có máy điều hoà nhiệt độ, có đầy đủ tiện nghi hiện đại... nhưng chúng ta vẫn không thể thiếu cây xanh, thảm cỏ, nước, không khí... Có thể nói rừng là bạn tốt của con người.
Trên đất nước ta, rừng chiếm một diện tích khá lớn. Suốt chiều dài Tổ quốc, từ Mục Nam Quan cho tới mũi Cà Mau, đâu đâu cũng có rừng. Những cánh rừng đại ngàn Tây Bắc, Việt Bắc, Trường Sơn, miền Đông Nam Bộ... Những khu rừng nguyên sinh Cúc Phương, Cát Tiên, Bạch Mã, Cần Giờ, U Minh... là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá tồn tại từ bao đời. Tục ngữ có câu: Rừng vàng, biển bạc. Quả là rừng đã đem lại cho con người những lợi ích lớn lao. Con người không thể sống thiếu rừng, cho nên bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, rừng gắn bó thân thiết với con người: Núi giăng thành luỹ thép dày, Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù (Tố Hữu). Núi rừng Việt Bắc đã trở thành thủ đô của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp. Núi rừng Trường Sơn với đường mòn Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đau thương và oanh liệt... Thời bình, rừng cung cấp cho con người bao tài nguyên vô giá cùng với những lợi ích to lớn không sao kể hết. Vành đai rừng phòng hộ đầu nguồn là những rào chắn hữu hiệu ngăn chặn nạn sạt lở núi, xói mòn đất, để bảo vệ tài sản và tính mạng của con người. Rừng là bộ máy thiên nhiên khổng lồ điều hoà khí hậu, cung cấp nguồn ôxy, duy trì sự sống trên mặt đất. Rừng còn là bảo tàng phong phú, đa dạng về thế giới muôn loài. Cảnh quan đẹp đẽ của rừng đem lại cho con người những phút giây thư giãn tuyệt vời sau những ngày làm việc, học tập mệt nhọc và căng thẳng.
Rừng bị tàn phá sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày. Diện tích rừng của nước ta ngày càng bị thu hẹp một cách đáng lo ngại một phần bởi nạn “lâm tặc” phá rừng lấy gỗ quý, làm giàu bất chính, một phần bởi sự kém hiểu biết của người dân miền núi thường phá rừng lấy đất trồng trọt. Cung cách làm ăn thô sơ, lạc hậu như đốt nương làm rẫy, đốt ong lấy mật... chỉ sơ ý một chút là gây ra tổn hại khôn lường.
Do không có được nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của môi trường sống nên con người đã tự gây hại cho mình. Vì nguồn lợi trước mắt, không ít kẻ phá rừng, phá biển. Chặt cây lấy gỗ, mở mạng diện tích trồng trọt, canh tác; đốt nương làm rẫy, săn bắn thú quý... những việc làm đó kéo dài trong nhiều năm sẽ làm cho diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp lại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự cân bằng sinh thái. Những vụ phá rừng với quy mô lớn tiêu biểu như ở Tánh Linh, Bình Thuận, ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên... hay vụ cháy mấy ngàn héc ta rừng nguyên sinh ở U Minh là những ví dụ điển hình.
Đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu chúng ta không có ý thức bảo vệ môi trường. Đó là một điều hiển nhiên không thể phủ nhận. Hằng ngày, qua các phương tiện thông tin như báo chí, truyền hình, phát thanh... chúng ta thấy thiên tai xảy ra liên tục: bão lụt, mưa lớn, hạn hán, nắng nóng kéo dài xuất hiện trên khắp các châu lục Á, Âu, Phi, Mĩ... kéo theo bao thảm hoạ ghê gớm. Ngay ở nước ta, hằng năm cứ đến mùa mưa là nước lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn, hung hãn đổ về, phá vỡ đê điều, cuốn trôi nhà cửa, mùa màng và cướp đi bao sinh mạng. Rồi núi lở, lũ bùn, lũ quét bất thần ập đến, gây ra cảnh tượng mất mát, đau thương... Tất cả những thứ đó đều là hậu quả của việc phá rừng vô tội vạ vì rừng bị phá đồng nghĩa với việc vành đai bảo vệ không còn nữa, con người sẽ phải thường xuyên đối mặt với thiên tai. Nói gần hơn, cụ thể hơn là môi trường quanh ta. Hiện nay, các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... ô nhiễm đã đến mức báo động. Không khí mịt mù khói xăng, khói từ các nhà máy, xí nghiệp thải ra. Các chất độc từ khói là một trong những nguyên nhân gây bệnh ngoài da, bệnh đường hô hấp, thần kinh...
Tục ngữ có câu: Tiền rừng, bạc biển, Rừng vàng, biển bạc... nhưng không có nghĩa rừng, biển là kho tàng vô tận. Nếu khai thác không đi đôi với gìn giữ, bảo vệ và phát triển thì hai nguồn tài nguyên lớn ấy sẽ dần dần cạn kiệt. Hai môi trường sống chính bị suy thoái thì cuộc sống con người cũng không thể tốt lành.
Rừng là lá phổi lớn của đất nước ta. Cho nên bảo vệ rừng là bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống của chính con người. Mỗi công dân phải có ý thức tự giác trong việc giữ gìn và phát triển rừng để quê hương, đất nước mãi mãi một màu xanh tràn đầy sức sống.