I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888), tên tự là Mạnh Trạch, tên hiệu là Trọng Phủ, Hối Trai. Quê cha ở Thừa Thiên, quê mẹ ở Gia Định.
- Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho giáo nên ông được học chữ Hán từ nhỏ. Năm 1843, ông đỗ tú tài, năm 1846 ra Huế học để chuẩn bị thi tiếp. Năm 1849, trước khi thi nhận được tin mẹ mất, ông đành bỏ thi về chịu tang. Vì bệnh tật và khóc thương mẹ nên Nguyễn Đình Chiểu bị mù cả hai mắt.
- Con đường công danh dang dở nên Nguyễn Đình Chiểu mở trường dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Ông là tấm gương sáng ngời về tinh thần vượt khó, tinh thần yêu nước, bất hợp tác với giặc.
2. Thân bài:
*Tấm gương vượt lên số phận bất hạnh.
- Nguyễn Đình Chiểu gặp rất nhiều bất hạnh trong cuộc đời riêng: mẹ mất, đường công danh dang dở, mù loà, bị vợ chưa cưới bội ước...
- Lí tưởng cao đẹp phò vua giúp nước mà ông ôm ấp từ thuở trẻ không thể thành hiện thực.
- Những bất hạnh dồn dập ấy không thể đánh gục Nguyễn Đình Chiểu. Ông đã vượt qua tất cả bằng nghị lực phi thường và khát vọng sống mãnh liệt.
* Một cuộc đời gắn bó chặt chẽ với nhân dân.
- Nguyễn Đình Chiểu sống trong tình yêu thương đùm bọc của dân chúng. Ông mở trường dạy học, dạy đạo lí làm người. Vừa mở mang trí tuệ, vừa chữa bệnh cứu dân.
- Ông thấu hiểu và thông cảm sâu sắc với cuộc sống cơ cực, nô lệ của nhân dân dưới ách thống trị của phong kiến, thực dân.
- Ông dành trọn tình cảm mến yêu, trân trọng cho người nông dân Nam Bộ trọng nghĩa khinh tài, dám xả thân vì đất nước. Họ chính là hình tượng chủ đạo trong các sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu.
- Thái độ kiên quyết bất hợp tác với kẻ thù của Nguyễn Đình Chiểu khiến dân chúng càng thêm tin yêu, kính phục. Điều đáng trân trọng là tư tưởng nhân nghĩa và tư tưởng yêu nước của ông đều hướng tới nhân dân, đứng trên lập trường của nhân dân. Ông phê phán triều đình phong kiến hèn nhát, căm thù quân cướp nước gieo rắc đau thương tang tóc cho dân lành.
3. Kết bài:
- Trong tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu, nước với dân là một.
- Tình yêu thương nhân dân tha thiết chính là cơ sở vững chắc của lòng yêu nước.
- Với những cống hiến to lớn cho cuộc đời, Nguyễn Đình Chiểu mãi mãi xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân dành cho ông.
II. BÀI LÀM
Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) tên tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ. Sau khi bị mù, ông còn lấy thêm hiệu là Hối Trai. Cha là Nguyễn Đình Huy, quê Thừa Thiên. Mẹ là Trương Thị Thiệt, người Gia Định. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho giáo nên từ nhỏ Nguyễn Đình Chiểu đã được học chữ nghĩa thánh hiền. Năm 1843, ông đỗ tú tài tại trường thi Gia Định. Năm 1846, ông ra Huế học để chuẩn bị thi tiếp. Đến năm 1849, trước khi vào trường thi thì ông nhận được tin mẹ mất, đành bỏ dở để trở về Nam chịu tang. Trên đường về, phần do vất vả, bệnh tật, phần do thương mẹ, Nguyễn Đình Chiểu khóc đến nỗi bị đau mắt nặng rồi mù. Không khuất phục trước số phận bất hạnh, ông mở trường dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo; đồng thời sáng tác thơ ca để bày tỏ lòng yêu nước và thái độ căm thù quân xâm lược cùng bè lũ phong kiến bán nước. Nguyễn Đình Chiểu đã giữ vững khí tiết của một nhà Nho chân chính và tấm lòng son sắt với nước với dân cho đến hơi thở cuối cùng.
Nguyễn Đình Chiểu gặp rất nhiều bất hạnh trong cuộc đời riêng. Ở tuổi thanh xuân, ông đã từng ôm ấp lí tưởng cao đẹp trí quan trạch dân, tức là phò vua giúp nước để thoả chí nam nhi. Nhưng những tai ương dồn dập trút xuống khiến ông không thể thực hiện được lí tưởng ấy. Mẹ mất, đường công danh dang dở, vợ sắp cưới bội ước, bản thân lại mù loà... Một con người bình thường khó có thể đứng vững trước ngần ấy chuyện không may liên tục xảy ra trong một thời gian ngắn, nhưng Nguyễn Đình Chiểu đã vượt qua tất cả bằng một nghị lực phi thường, bằng tình yêu cuộc sống mãnh liệt.
Có thể nói cuộc đời của nhà thơ mù Đồ Chiểu gắn bó chặt chẽ với cuộc đời của nhân dân lao động nghèo khổ. Ông vừa dạy chữ vừa dạy đạo lí làm người, vừa chữa thân bệnh vừa chữa tâm bệnh cho dân. Trái tim ông đập theo nhịp đập trái tim dân chúng, thông cảm và chia sẻ nỗi đau, nỗi nhục bị áp bức và nô lệ trong tình cảnh đất nước rơi vào tay giặc ngoại xâm. Nhờ vậy mà ông phát hiện ra những phẩm chất cao quý ẩn giấu trong hình thức lam lũ của người lao động. Tất cả những cái đó tạo nên tầm cao trong tư tưởng, tình cảm và sự nghiệp sáng tác của ông. Tấm lòng nhân ái sâu xa, rộng lớn của Nguyễn Đình Chiểu đã được đáp đền một cách chân thành, nồng hậu. Nhân dân Nam Bộ dành cho ông tình cảm yêu thương, tôn kính đặc biệt. Ngày tiễn đưa ông về với tổ tiên, cả cánh đồng Ba Tri rợp trắng khăn tang của hàng ngàn người mến mộ. Tên tuổi, sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu sống mãi trong lòng nhân dân Nam Bộ nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đã khắc sâu, tô đậm hình ảnh những con người lao động mộc mạc, chân chất mà ông hết lòng yêu thương, mến phục. Hình ảnh người dân Nam Bộ trọng nghĩa khinh tài kết tinh trong nhân vật Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Hớn Minh, Tử Trực..., trong nhân vật ông Ngư, ông Tiều mà ai ai cũng biết. Lục Vân Tiên dũng cảm, nghĩa hiệp: Làm ơn hà dễ trông người trả ơn. Ông Ngư hết lòng cứu người trong cơn hoạn nạn: Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn. Kiều Nguyệt Nga tiết hạnh, trung trinh... Đó là những nhân vật tư tưởng của tác giả mà cũng là hình tượng được dân chúng Nam Bộ thời ấy tôn thờ. Truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống tinh thần cộng đồng là vì lẽ đó. Nội dung thấm đẫm tư tưởng nhân nghĩa của truyện khiến nó đã trở thành kinh nhật tụng của đồng bào Nam Bộ. Đi đâu cũng thấy hiện tượng mọi người thích thú nghe nói thơ, kể thơ Vân Tiên, bởi trong đó có biết bao bài học thấm thía về đạo lí. Đằng sau câu chuyện tưởng như minh hoạ cho những tư tưởng, triết lí đậm chất Nho giáo ấy chính là những bài học đạo đức đề cao tình nghĩa vợ chồng, cha con, bè bạn, tình thương yêu, cưu mang, đùm bọc giữa người với người. Đó là đạo lí truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã có từ ngàn đời.
Khi thực dân Pháp tấn công lấn chiếm Lục tỉnh Nam Kì thì tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu đã chuyển biến thành tư tưởng yêu nước chống xâm lăng. Nguyễn Đình Chiểu đã viết nên những câu thơ tâm huyết để bày tỏ quan điểm của mình:
Thà đui mà giữ đạo nhà,
Còn hơn có mắt ông cha ông không thờ.
Dù đui mà khỏi danh nhơ,
Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình.
Dù đui mà đặng trọn mình,
Còn hơn cả mắt đổi hình tóc râu.
Thái độ kiên quyết bất hợp tác với kẻ thù của ông càng làm cho nhân dân tin tưởng và khâm phục. Điều đáng trân trọng ở ông là cả tư tưởng nhân nghĩa và tư tưởng yêu nước đều hướng tới nhân dân lao động. Qua một số tác phẩm nổi tiếng như Chạy Tây, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Ngư Tiều y thuật vấn đáp... Nguyễn Đình Chiểu đã thể hiện rất rõ lập trường, quan điểm của mình là đứng hẳn về phía nhân dân để phê phán và lên án triều đình nhà Nguyễn hèn nhát đầu hàng, bán rẻ giang sơn gấm vóc của tổ tiên để lại, quay lưng ngoảnh mặt làm ngơ trước tình cảnh lầm than của dân đen, con đỏ:
Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,
Một bàn cờ thế phút sa tay.
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,
Mất ổ bẫy chim dáo dác bay.
Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.
Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng ?
Nỡ để dân đen mắc nạn này!
(Chạy Tây)
Trong bài văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, nhà thơ căm hận gọi lũ xâm lược là quân tả đạo, đi tới đâu gieo rắc mùi tinh chiến tạnh hội và thỏi mọi đến đó. Dân chúng phẫn nộ muốn xông ra ăn gan, căn cứ quân thù cho hả dạ. Thái độ ấy hoàn toàn đối lập với thái độ thờ ơ vô trách nhiệm của phần lớn vua quan nhà Nguyễn. Giặc Pháp chiếm nước ta đã ba năm và đánh chiếm Nam Bộ đã hơn mười tháng, dân trông tin quan như trời hạn trông mưa, chờ đợi đến mỏi mòn mà vẫn không thấy triều đình có phản ứng gì. Yêu nước, căm thù quân xâm lược, những người dân ấp dân lân vốn côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó đã tự nguyện đứng lên làm nhiệm vụ trọng đại chém rắn, đuổi hươu, đoạn kình, bộ hổ để cứu nước, cứu nhà. Từ mái tranh nghèo, họ xông ra thẳng chiến trường với vũ khí là rơm, con cúi, lưỡi dao phay, ngọn tầm vông... những vật dụng quen thuộc trong cuộc sống lao động hằng ngày. Những nghĩa sĩ nông dân tung hoành nơi chiến trận, chẳng đợi ai đòi ai bắt, chẳng sợ tàu thiếc tàu đồng súng nổ. Họ đã làm cho quân giặc khiếp vía kinh hồn. Những vũ khí thô sơ trong tay họ cũng góp phần làm nên chiến thắng: Hoả mai đánh bằng rơm con cái, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia. Gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai no.
Trong cuộc chiến đấu không cân sức, gần ba chục nghĩa sĩ đã ngã xuống. Cái chết vì nghĩa lớn của họ khiến cho đất trời và lòng người cảm động: Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng; nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng luỵ nhỏ. Điều an ủi lớn nhất đối với gia đình họ là chồng con mình đã sống và chết đúng theo quan niệm chết vinh còn hơn sống nhục của ông cha từ bao đời nay, Nguyễn Đình Chiểu nhấn mạnh:
Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì nghe càng thêm hổ.
Thà thác mà đặng câu địch khải, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ.
Ngòi bút thấm đẫm cảm xúc mến yêu, kính phục của Nguyễn Đình Chiểu đã vẽ nên bức tranh công đồn ngất trời tráng khí, đã dựng nên tượng đài sừng sững về người nghĩa sĩ nông dân yêu nước muôn thuở sáng ngời, Tinh thần tự nguyện xả thân cứu nước của họ góp phần khẳng định truyền thống anh dũng, bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Trong tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu, nước với dân là một. Tình yêu thương nhân dân tha thiết chính là cơ sở vững chắc của lòng yêu nước dạt dào, mãnh liệt của ông. Suốt một đời sống hoà đồng, gắn kết với nhân dân, ông đã phát hiện ở họ những phẩm chất quý giá, những quan niệm nhân sinh giản dị mà có giá trị vĩnh hằng và lấy đó làm cơ sở cho triết lí sống của bản thân.
Với những cống hiến to lớn cho dân tộc, cho nền văn học nước nhà, Nguyễn Đình Chiểu mãi mãi xứng đáng với niềm tin yêu, kính phục của nhân dẫn dành cho ông. Nhận xét về Nguyễn Đình Chiểu, nhà lí luận phê bình văn học Hoài Thanh viết:"Sự gắn bó sâu xa với quần chúng là đặc điểm nổi bật trong cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu, là nhân tố chủ yếu đào tạo nên con người, sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu".