I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Chữ người tử tù là tác phẩm xuất sắc nhất trong tập truyện ngắn Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân.

- Thông qua câu chuyện kể về viên quản ngục cố gắng xin chữ quý của người tử tù (Huấn Cao), tác giả ca ngợi và khẳng định Cái Đẹp nhân cách, Cái Đẹp tài năng giữa xã hội đầy rẫy xấu xa, thấp hèn.

- Để thể hiện được nội dung câu chuyện, Nguyễn Tuân đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật đạt trình độ xuất sắc của một nghệ sĩ bậc thầy để xây dựng nên hình tượng văn học bất hủ.

2. Thân bài:

* Một số biện pháp nghệ thuật tiêu biểu:

+ Nhà văn sáng tạo ra một tình huống đặc biệt:

- Để cho hai nhân vật (quản ngục và tử tù) gặp nhau trong hoàn cảnh éo le, giàu kịch tính. (Dẫn chứng).

- Nhà ngục tỉnh Sơn với vẻ lạnh lùng, hắc ám tượng trưng cho chế độ phong kiến tàn bạo đương thời.

+ Nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật:

- Hai nhân vật Huấn Cao và quản ngục có quan hệ chặt chẽ, bổ sung và soi sáng cho nhau. (Dẫn chứng).

- Huấn Cao là nhân vật chính, là hình tượng chứa đựng ý nghĩa sâu xa của tác phẩm. ( Tượng trưng cho vẻ đẹp của tài năng, khí phách...). Tác giả không trực tiếp miêu tả Huấn Cao mà dùng nghệ thuật miêu tả gián tiếp theo kiểu “vẽ mây nẩy trắng”, tức là qua thái độ và sự cảm nhận của người khác. (Suy nghĩ của viên quản ngục, thầy thơ lại, thái độ của bọn lính gác ngục). Hiệu quả của nghệ thuật này là góp phần làm cho trí tưởng tượng của người đọc về nhân vật được mở rộng không giới hạn.

- Đoạn tả cảnh cho chữ có thể coi là đoạn văn tô đậm nhất vẻ đẹp của hình tượng Huấn Cao. (Dẫn chứng).

- Nhân vật quản ngục là người biết thưởng thức Cái Đẹp ( thú chơi chữ) và biết trân trọng người tài sáng tạo ra Cái Đẹp. Có ý thức bảo vệ, lưu giữ Cái Đẹp vô giá cho đời sau. Tính cách của viên quản ngục được thể hiện qua những dòng miêu tả trực tiếp và qua nhận xét của Huấn Cao. (Dẫn chứng).

+ Nghệ thuật tả cảnh:

- Trong tác phẩm có khá nhiều đoạn văn tả cảnh đặc sắc, đậm chất hiện thực và lịch sử. (Tả cảnh nhà ngục tỉnh Sơn, cảnh nhận tù, cảnh trại giam, cảnh cho chữ...). Tác giả như vẽ ra trước mắt người đọc những bức tranh sinh động đầy ấn tượng. (Dẫn chứng).

+ Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ điêu luyện, tài tình:

- Ngôn ngữ miêu tả giàu chất tạo hình.

- Ngôn ngữ thể hiện nội tâm nhân vật tinh tế, trữ tình.

- Hình thức câu linh hoạt, nhịp điệu uyển chuyển, tạo nên âm hưởng đặc biệt, tác động mạnh tới cảm xúc của người đọc.

3. Kết bài:

- Chữ người tử tù là một kiệt tác của một nghệ sĩ bậc thầy.

- Tác phẩm vừa đậm đà tính chất cổ điển (Ở cách sử dụng từ ngữ Hán - Việt gợi không khí xưa cũ), vừa hiện đại (ở phương pháp xây dựng hình tượng nhân vật, khả năng phân tích tâm lí tinh vi, cách dựng cảnh giàu màu sắc, đường nét của hội hoạ...).

- Tác phẩm là bài ca ca ngợi sức cảm hoá mãnh liệt và sự bất tử của Cái Đẹp ở đời.

II. BÀI LÀM

Chữ người tử tù là một tác phẩm xuất sắc nhất trong tập truyện ngắn Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân. Đây là câu chuyện về một viên quản ngục mến mộ tài năng, nhất là tài viết chữ (chữ Hán) đẹp nổi tiếng của người tử tù. Ông ta đã tự hại mình, đối đãi tử tế với người tù với mong ước xin được chữ quý. Tưởng đã hết hi vọng xin chữ nhưng cuối cùng ông ta lại được người tử tù cho chữ, kèm theo lời khuyên hãy bỏ nghề coi ngục, về quê sống thanh bạch để xứng với thú chơi chữ đẹp. Thông qua câu chuyện ấy, đặc biệt là cảnh cho chữ, tác giả muốn nêu lên vẻ đẹp hiên ngang của người tử tù và quá trình đi tìm Cái Đẹp của viên quản ngục. Từ đó, nhà văn khẳng định sự chiến thắng của Cái Đẹp, đẹp chữ viết, đẹp đức cao, đẹp nhân cách trước những cái xấu xa, thấp hèn đầy rẫy trong cuộc đời.

Trong khi thể hiện nội dung câu chuyện, Nguyễn Tuân đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật đạt trình độ xuất sắc của một nghệ sĩ bậc thầy để kể và miêu tả. Ở đây, ta chỉ chọn một số biện pháp tiêu biểu để phân tích như: cách xây dựng hình tượng nhân vật, cách lựa chọn và sử dụng từ ngữ, hình ảnh, nghệ thuật đối lập và bút pháp lãng mạn bay bổng của nhà văn.

Truyện ngắn Chữ người tử tù xoay quanh câu chuyện giữa hai nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục. Nhà văn đã sáng tạo ra một tình huống đặc biệt. Ông đã để cho hai nhân vật: một người coi tù và một người tử tù gặp nhau trong hoàn cảnh éo le là chốn ngục tù. Nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật của Nguyễn Tuân rất sáng tạo và độc đáo. Hai nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục có quan hệ chặt chẽ, bổ sung và soi sáng cho nhau. Huấn Cao là nhân vật chính, là hình tượng toả sáng trong suốt thiên truyện. Nhà văn trực tiếp viết về ông không nhiều mà dùng nghệ thuật “vẽ mây nấy trăng” để xây dựng nhân vật này.

Huấn Cao là con người có tài năng lỗi lạc và nhân cách cao thượng. Tuy nhiên, để làm nổi bật hai đặc điểm trên, nhà văn đã tập trung bút lực miêu tả viên quản ngục và thầy thơ lại là những người có tấm lòng “trọng nghĩa liên tài” (kính trọng người có nghĩa khí, quý mến người có tài năng). Chỉ cần một chi tiết như: đứng trước ông Huấn Cao, viên quản ngục thấy mình chỉ là một kẻ tiểu lại giữ tù ngu muội, thì người đọc liền hiểu và có ấn tượng rõ về khí phách dọc ngang nào biết trên đầu có ai cùng tài năng lỗi lạc của người tù án chém. Tình huống Huấn Cao sắp bị giải vào kinh để thụ án khiến viên quản ngục tái nhợt đi, còn thầy thơ lại chạy ngay xuống phòng giam hớt hơ hớt hải kể cho ông Huấn nghe về nỗi lòng của viên quản ngục giúp người đọc hình dung ra tài viết chữ đẹp hiếm có của Huấn Cao.

Chủ đề truyện có ý nghĩa tôn vinh Cái Đẹp. Vẻ đẹp chữ viết của người tù là điều khỏi bàn cãi. Viên quản ngục đã nghe cả vùng tỉnh Sơn vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp của người tù này. Cố nhiên, tài viết chữ ấy gắn liền với một cái tên cụ thể là Huấn Cao. Ông quan họ Cao có thời làm huấn đạo ở tỉnh Sơn Tây, nơi mà viên quản ngục gọi thân mật là tỉnh Sơn La. Ông Huấn Cao ấy bấy giờ tên tuổi lại đứng đầu trong danh sách sáu tử tù phạm tội phản nghịch, dám cầm gươm chống lại triều đình. Lời văn chỉ kể có thế, còn nhân vật Huấn Cao có phải là Cao Bá Quát nổi tiếng một thời thơ hay chữ đẹp, lại có thời gian bị triều đình đày đi giữ chức giáo thụ ở phủ Quốc Oai tỉnh Sơn và đã cùng nông dân nổi lên chống vua quan hay không, thì chẳng biết. Đó là chỗ kín nhiệm của ngòi bút, chỗ để trăng ẩn vào mây như cách nói của người xưa. Nếu có điều gì trùng hợp thì cứ coi như là ngẫu nhiên vậy.

Nghệ thuật vẽ mây nẩy trắng được sử dụng rất có hiệu quả đã góp phần làm cho một thiên truyện ngắn với số trang hạn chế những ý nghĩa cao siêu, phong phú, làm cho sức tưởng tượng của người đọc bay bổng không giới hạn. Nghệ thuật viết văn xuôi trong Chữ người tử tù thật điêu luyện, ngôn ngữ trong sáng gần đạt tới sự hoàn thiện, hoàn mĩ, đến nay chưa có cây bút nào có thể vượt qua. Để đạt được trình độ như trên, nhà văn đã sử dụng hệ thống | từ ngữ và hình ảnh cổ điển một cách chính xác và hoàn hảo. Tác giả có dụng ý rõ rệt khi dựng lại một khung cảnh xưa cũ và đã đưa chúng ta trở lại quá khứ cách đây hàng trăm năm.

Mở đầu là dòng chữ: phiến trát của Sơn Hưng Tuyên đốc bộ đường. Bình thường, người ta viết là tờ trát, lá trát, nhưng Nguyễn Tuân vẫn để nguyên cách gọi của thời đó với nghĩa nghiêm trọng là phiến trát. Còn tại sao ông không viết: của quan tổng đốc Sơn Hưng Tuyên cho nó nôm na, mà lại viết: của Sơn Hưng Tuyên đốc bộ đường (đốc bộ đường là chữ dùng để chỉ chức vụ tổng đốc) theo kết cấu Hán văn y như trong phiến trát bởi vì tác giả muốn để cho nó giữ nguyên cái tính chất quan yếu, dậy mùi quyền lực ngay trong từng chữ, từng câu. Lại thêm tên gọi tắt của ba tỉnh Sơn (Sơn Tây), Hưng (Hưng Hoá), Tuyên (Tuyên Quang). Hồi ấy, tỉnh nhỏ đứng đầu chỉ là chức tuần vũ, hai hay ba tỉnh nhỏ hợp lại mới có chức tổng đốc. Ba tỉnh này đặt chung dưới quyền cai trị của một tổng đốc. Mệnh lệnh từ đó phát ra cho cấp phủ, cấp huyện thì rất uy nghi. Tả cảnh vật thì có vọng canh (vọng canh là chiếc chòi canh được dựng khá cao để có thể trông xa (vọng), chiếc hào hoa, giá gươm, án thư, Con song, giấy bản, ty Niết, tàn đèn, chiếc gông, chậu mực, bức châm... Tả người thì thấy bát, ngục tốt, thằng thập, thủ xướng... Tả việc thì có cho chữ, thay bút con, đề xong lạc khoản, lĩnh ý, bải lĩnh...

Nhà văn đã mượn chữ nghĩa xưa mà khơi dậy cái không khí cổ kính trong khung cảnh của một quá khứ xa xôi. Chỉ cần mấy dòng, tác giả đã lột tả được thần thái, linh hồn của một thời đã qua, “phục chế” chính xác và sinh động ngôn ngữ, cử chỉ của những con người chỉ còn thấp thoáng trong màn sương mờ ảo của dĩ vãng. Thiếu sự phục chế” này, chắc chắn tác phẩm Chữ người tử tù mất hẳn sự hấp dẫn đối với người đọc. Truyện chỉ dùng một vài từ nhưng cũng đủ đưa người đọc trở về với một thời kì văn hoá xưa cũ, đắm mình vào không khí của một cửa ngục tiêu biểu cho thời phong kiến suy tàn, đầy quyền lực mà ngu xuẩn, hùa nhau huỷ diệt nhân cách và đức tài. May mà trong đó còn nổi lên một tấm lòng biết quý trọng, tôn kính Cái Đẹp của đức độ, tài ba. Những điều chứa chất sâu lắng bên trong nội dung của truyện đã chinh phục được người đọc.

Người xưa nói trong văn có nhạc, có hoạ, điều đó thật đúng với Chữ người tử tù. Khi viết về con người của dĩ vãng xa xăm, Nguyễn Tuân thường tạo cho câu văn nhịp điệu đĩnh đạc, thong thả, từ tốn, tưởng chừng nhà văn cố diễn đạt cầu kì nhưng suy nghĩ kĩ mới thấy nhịp điệu và kết cấu câu văn đã góp phần gợi không khí cho truyện, tạo nên sự cộng hưởng hài hoà, giúp người đọc hình dung ra phần nào cuộc sống chậm rãi, thậm chí gần như tù đọng của một thời đã qua:

Thầy thơ lại rút chiếc hào hoa ở giá gươm, phe phẩy roi, đi xuống phía trại giam tối om. Nơi góc chiếc án thư cũ đã nhạt màu vàng son, một cây đèn đế leo lét rọi vào một khuôn mặt nghĩ ngợi. Ngục quan băn khoăn ngồi bóp thái dương...

... Người ngồi đấy, đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu. Những đường nhăn nheo của một bộ mặt tư lự, bây giờ đã biến mất hẳn. Ở đây giờ chỉ còn là mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ.

Trong Chữ người tử tù có khá nhiều đoạn văn tả cảnh đặc sắc. Đoạn tả buổi tối ở trại giam tử tù thể hiện rất rõ chất nhạc, chất hoạ trong văn chương:

... Tiếng trống thành phủ gần đấy đã bắt đầu thu không. Trên bốn chòi canh, ngục tốt cũng bắt đầu điểm vào cái quạnh quẽ của trời tối mịt, những tiếng kiểng và mõ đều đặn thưa thớt. Lướt qua cải thăm thẳm của nội cỏ đẫm sương, vẳng từ một làng xa đưa lại mấy tiếng chó sủa ma. Trong khung cửa sổ có nhiều con song kẻ những nét đen thẳng lên nền trời lốm đốm tinh tú, một ngôi sao Hôm nhấp nháy như muốn trụt xuống phía chân giời không định. Tiếng dội chó sủa ma, tiếng trống thành phủ, tiếng kiểng mõ canh nổi lên nhiều nhiều. Bấy nhiêu thanh âm phức tạp bay cao lần lên khỏi mặt đất tối, nâng đỡ lấy một ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ...

Đoạn văn trên vẽ ra trước mắt người đọc một hoạ phẩm tinh tế về khung cảnh nông thôn miền Bắc thời xưa. Câu văn uyển chuyển, linh hoạt, thể hiện cái nhìn tinh tế và sức liên tưởng phong phú của tác giả. Mỗi câu văn như một nốt nhạc trầm bổng trong một bản đàn, tạo nên âm hưởng du dương, ngân vang trong lòng người đọc.

Ngoài ra, trong Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân còn thành công khi sử dụng thủ pháp đối lập. Rõ nhất là trong cảnh Huấn Cao cho chữ ở Cuối tác phẩm. Đoạn văn tả cảnh cho chữ đầy chất tạo hình. Bằng sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, thiên lương và tội ác, Cải Đẹp và sự xấu xa nhơ bẩn,... đoạn văn giống như một bức tranh sơn mài rực rỡ và huyền ảo, vừa lạ lùng, đẹp đẽ, vừa ảm đạm, hào hùng, giống như một ảo ảnh của cõi nào trong thần thoại: một cảnh tượng xưa nay chưa từng có. Giữa đêm khuya, trong căn buồng giam chật hẹp, tối tăm, bẩn thỉu, một bó đuốc tẩm dầu cháy ngùn ngụt, ánh sáng đỏ rực soi tỏ ba bóng người đang hoạt động. Một người ngồi chồm hổm dưới đất, hai tay căng tấm lụa trắng tinh trên một mảnh ván. Một người khác tay run run bưng chậu mực. Người thứ ba cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang cầm bút thoăn thoắt viết trên mặt lụa. Ba người đó là: viên quản ngục, thầy thơ lại và ông Huấn Cao.

Bóng tối và sự tàn bạo không thể khuất phục được con người, mà chính con người lại có sức toả sáng kì diệu. Bằng sức mạnh của một nhân cách cao cả và tài năng tuyệt vời, người tử tù đã làm chủ nhà ngục, còn viên quản ngục thì lại khúm núm chắp tay với người tử tù như với một thần tượng. Giữa khung cảnh đen tối của buồng giam, hình ảnh người tử tù bỗng trở nên to lớn lạ thường, vượt lên trên những cái thấp hèn, dung tục xung quanh.

Chữ người tử tù tuy chỉ là một truyện ngắn nhưng nhà văn Nguyễn Tuân đã | sử dụng bút pháp lãng mạn đặc sắc để biến nó thành một đoản thiên tiểu thuyết với ba nhân vật: thầy thơ lại - viên quản ngục - kẻ tử tù Huấn Cao tượng trưng cho thiên lương, cho vẻ đẹp nhân cách ngời sáng giữa hiện thực xã hội đen tối, bất công. Trí tưởng tượng phong phú của Nguyễn Tuân đã dẫn dắt người đọc vào một thế giới vừa hiện thực vừa huyền ảo. Màu trắng tinh khiết của vuông lụa, những dòng chữ thơm mùi mực mới dường như cũng ánh lên rạng rỡ dưới ánh sáng ngọn đuốc và vầng hào quang toả ra từ nhân cách, khí tiết cao vời vợi của kẻ sáng tạo ra Cái Đẹp. Tất cả đều như muốn hoá thành bất tử, như một lời nhắn nhủ con người hãy giữ lấy Cái Đẹp của cuộc đời.

Cảnh cho chữ là một bức tranh sống động mà yếu tố hiện thực và kì ảo hoà quyện vào nhau, bổ sung cho nhau tới mức tuyệt vời. Ở đoạn này, cảm xúc của tác giả thăng hoa và ngòi bút như bay như múa theo từng nét chữ tài hoa của Huấn Cao đã lột tả được cái thần của người, của cảnh. Bút pháp lãng mạn bay bổng và hiện thực phong phú kết hợp với ngôn ngữ sáng tạo, giàu chất tạo hình của nhà văn đã dệt nên chân dung bất hủ của Huấn Cao - tượng trưng cho Cải Đẹp tài hoa tài tử, nhưng cao cả hơn là sự tuyệt vời của nhân cách trong sạch, của khí tiết cương cường, uy vũ bạo quyền không sao khuất phục được.

Chữ người tử tù là một kiệt tác của một nghệ sĩ bậc thầy. Tác phẩm vừa cổ điển - thể hiện ở hệ thống từ ngữ Hán - Việt, vừa hiện đại - thể hiện ở khả năng phân tích tinh vì những ý nghĩ sâu kín của nhân vật và đường nét, màu sắc rất giàu tính hội hoạ của cảnh vật. Truyện ngắn này là một bài ca dạt dào cảm hứng, động viên con người cố gắng giữ gìn Cải Đẹp của thiên lương, dù trong bất kì hoàn cảnh nghiệt ngã nào.