I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Nguyễn Khuyến là nhà thơ lớn của nước ta cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Thơ ông đậm đà tính dân tộc và mang một vẻ đẹp riêng.
- Có ý kiến cho rằng: Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ đặc sắc của làng cảnh Việt Nam. Điều đó được thể hiện rõ qua chùm thơ viết về mùa thu của ông.
2. Thân bài:
* Tình yêu quê hương, sự am hiểu tường tận về làng quê kết hợp với hồn thơ đằm thắm, tinh tế của tác giả đã sáng tạo nên những vần thơ bất hủ về mùa thu nơi thôn dã. Ba bài thơ, ba cảnh thu khác nhau nhưng hợp lại thành một bức tranh hoàn chỉnh về mùa thu ở đồng bằng Bắc Bộ với những nét đặc trưng nhất.
- Bài Thu vịnh vẽ nên toàn cảnh thu với bầu trời xanh ngắt, cao vời vợi, cần trúc khe khẽ đong đưa trước làn gió hắt hiu, sương khói lãng đãng phủ trên mặt ao hồ... Khung cảnh thơ mộng, huyền ảo. (Dẫn chứng).
- Nhà thơ quan sát rất kĩ chuyển biến tinh tế của cảnh vật trong những thời điểm khác nhau của một ngày. Tất cả đều đồng điệu với tâm hồn nhạy cảm của ông.
- Bài Thu điếu tả mùa thu trong một không gian nhỏ hẹp. Không khí êm đềm, tĩnh lặng. Mọi hoạt động cũng hết sức nhẹ nhàng. Tư thế ông cậu cũng như thu nhỏ và tan hoà vào cảnh vật xung quanh. (Dẫn chứng).
- Bài Thu ẩm tả cảnh nhà thơ một mình uống rượu dưới trăng. Cảnh làng quê trong đêm thu biến hiện theo cách nhìn, cách cảm của nhà thơ, thấm đẫm tâm trạng u hoài. (Dẫn chứng).
* Nhận xét: Nét chung nhất của ba bài thơ thu là đều quy tụ vào việc tả cảnh vật thân thuộc, đơn sơ và dung dị, đáng yêu của làng cảnh Việt Nam. Cái hồn đồng quê hiện lên rất rõ trong từng câu, từng chữ và trong âm điệu thơ.
3. Kết bài:
- Ba bài thơ tạo thành một chùm thơ tuyệt đẹp, thể hiện tài hoa của ngòi bút Nguyễn Khuyến, tiêu biểu cho hồn thơ đậm đà chất trữ tình.
- Bạn đọc yêu mến thơ Nguyễn Khuyến, càng thêm yêu quê hương, đất nước.
II. BÀI LÀM
Nguyễn Khuyến là nhà thơ lớn cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX của nước ta. Thơ ông đậm đà tính dân tộc và mang một phong cách riêng khó lẫn. Có ý kiến cho rằng: Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ đặc sắc của làng cảnh Việt Nam. Điều đó thể hiện rất rõ qua những sáng tác về thiên nhiên, nhất là qua chùm thơ: Thu vịnh, Thu điếu và Thu ẩm
Đáng lưu ý là các chi tiết trong ba bài thơ này cũng như nhiều bài thơ khác đều rút ra từ cảnh vật ở quê hương tác giả, một vùng đồng chiêm trũng quanh năm ngập nước, trong làng vô số ao chuôm với những bờ tre quanh co bao bọc những mái rạ nghèo. Tình yêu quê hương, sự hiểu biết tường tận về làng quê kết hợp với hồn thơ đằm thắm, tinh tế của tác giả đã sáng tạo nên những vần thơ bất hủ về mùa thu nơi thôn dã của đồng bằng Bắc Bộ. Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Khuyến không phải là những hình ảnh trừu tượng, ước lệ thường thấy trong thơ cổ điển mà là những cảnh vật bình dị, thân quen ở nông thôn. Cái hồn của cảnh vật thấm sâu vào tâm hồn nhà thơ, đồng điệu với tâm trạng u buồn, trăn trở của ông.
Ba bài thơ, ba cảnh thu khác nhau nhưng hợp lại thành một bức tranh hoàn chỉnh về mùa thu với những nét đặc trưng nhất. Thu vịnh vẽ nên toàn cảnh thu với bầu trời xanh ngắt, cao vời vợi, mấy cần trúc cong cong, nhè nhẹ đung đưa trước làn gió hắt hiu. Tiết thu se lạnh, sương khói bảng lảng phủ trên mặt ao hồ lúc sáng sớm và chiều tối khiến cho khung cảnh thực trở nên huyền ảo:
Trời thu xanh ngắt mấy từng cao,
Cần trúc lơ phờ, gió hắt hiu.
Nước biếc trông như tầng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Nét đẹp của mùa thu tụ lại ở bầu trời xanh ngắt, ở làn nước biếc thấp thoáng khói sương, ở ánh trăng thu bàng bạc tràn qua song cửa, gợi nên khung cảnh quen thuộc của một miền quê yên ả, thanh bình. Nhà thơ quan sát rất kĩ chuyển biến tinh tế của cảnh vật trong những thời điểm khác nhau của một ngày. Tất cả đều gần gũi, gắn bó và đồng điệu với tâm hồn nhạy cảm của thi nhân.
Ở Thu điếu, khung cảnh không mở ra mà thu nhỏ lại. Ao đã nhỏ, chiếc thuyền câu càng nhỏ : Một chiếc thuyền cậu bé tẻo teo. Mọi hoạt động cũng hết sức nhẹ nhàng: Sóng biếc theo làn hơi gợn tí, Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo. Gió heo may chỉ đủ sức bứt lìa những lá tre, lá trúc vàng úa và lá rơi không thành tiếng. Trên cao, trời xanh ngắt một màu, tầng mây lơ lửng như đứng im một chỗ và ông câu với cái dáng ngồi tựa gối ôm cần cũng như cố thu mình cho nhỏ lại. Yên lặng bao trùm lên hết thảy, đến nỗi nghe được cả tiếng cả đâu đớp động dưới chân bèo. Âm thanh ấy càng làm tăng thêm phần yên lặng. Ông câu thụ mình bất động phải chăng cũng là để tan hoà vào trời đất xung quanh.
Mùa thu trong Thu ẩm lại hiện ra với một vẻ đẹp khác. Nhà thơ uống rượu một mình dưới trăng. Hình ảnh làng quê biến hiện theo cái nhìn, cái cảm dần dần thấm độ say của rượu. Vẫn là ba gian nhà cỏ, ngõ tối, làn ao, bóng trăng, da trời... thường ngày quen thuộc đến mức chẳng có gì đáng chú ý, nhưng đó là những cảnh, những vật từ đất này mà ra, thiếu nó thì hình như không còn gì là làng xóm tự nghìn xưa. Vậy mà với tâm trạng u buồn sẵn có, lại được men rượu ngấm vào khơi lên, nhà thơ thấy cảnh vật nhoè dần theo con mắt ngà ngà: nhà thì thấp le te, đóm thêm lập loè, bóng trăng thì loe, mắt cũng đỏ hoe và người cũng say nhè.
Ba gian nhà có thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu, đóm lập loè.
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn áo lóng lánh bóng trăng loe.
Nghĩa là cảnh vật cũng như lảo đảo, chếnh choáng men say. Người say bởi rượu thì ít mà bởi buồn đau, day dứt và giận mình bất lực trước thời thế thì nhiều. Gác bút lại không làm thơ nữa, quên mình trong mộng, đắm chìm trong yên lặng hay uống rượu đến say nhè để quên bớt nỗi chua chát đắng cay... đều cùng xuất phát từ tâm tư ấy, tuy nhiên nó vẫn được ẩn giấu ở bên trong.
Nét chung nhất của ba bài thơ Thu đều quy tụ vào việc tả cảnh vật thân thuộc, đơn sơ mà dung dị, đáng yêu của làng cảnh Việt Nam. Cái nhìn trên bề mặt cùng cái hồn đồng quê hiện lên rất rõ trong từng câu, từng chữ. Cải tình của nhà thơ cũng thật đằm thắm và tinh tế. Trong những năm tháng cáo quan về ở ẩn tại quê nhà, chỉ có thiên nhiên gần gũi, trong sạch, nên thơ mới giúp Nguyễn Khuyến khuây khoả đôi lúc trong khi nỗi buồn thời cuộc thường xuyên đè nặng trái tim ông.
Ba bài thơ Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm tạo thành một chùm thơ thu tuyệt đẹp, thể hiện nét tài hoa của ngòi bút cụ Tam Nguyên, tiêu biểu cho hôn thơ dung dị, thẳm sâu, đầy chất trữ tình. Bạn đọc Việt Nam yêu thơ Nguyễn Khuyến, yêu quê hương một phần là từ những bài thơ đó.