I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Uy-li-am Sếch-xpia (1564 - 1616) là nhà thơ, nhà soạn kịch thiên tài của nước Anh thời Phục hưng.

- Phần lớn các tác phẩm của ông để lại cho đời được đánh giá là kiệt tác. Nội dụng bao trùm lên các tác phẩm đó là ca ngợi tình yêu, ca ngợi con người, thể hiện khát vọng tự do và niềm tin bất diệt vào chiến thắng tất yếu của cải thiện.

- Rô-mê-ô và Giu-li-ét là vở bi kịch nổi tiếng ca ngợi tình yêu trong sáng, thuỷ chung của đôi tình nhân trẻ tuổi. Thái độ của tác giả là đồng tình và ca ngợi. Đoạn trích Tình yêu và thù hận thể hiện rõ điều đó.

2. Thân bài:

* Tâm trạng của Rô-mê-ô sau khi gặp Giu-li-ét:

- Choáng váng trước vẻ đẹp trong trắng, thánh thiện của nàng. Ngây ngất vì đã bị trúng mũi tên của thần Tình yêu.

- Chàng quyết định quay trở lại khu vườn nhà Giu-li-ét ngay trong đêm với mong muốn được nhìn thấy nàng một lần nữa.

- Trước đôi mắt của kẻ si tình thì vẻ đẹp của người con gái mình yêu là tuyệt vời hơn hết thảy. (Dẫn chứng).

- Rô-mê-ô bộc lộ lòng mình (độc thoại) bằng cảm xúc thiết tha, say đắm. Khi Giu li-ét phát hiện ra Rô-mê-ô và trò chuyện với chàng thì cảm xúc ấy trở nên mãnh liệt, bất chấp hiểm nguy và mối thù truyền kiếp giữa hai dòng họ. (Dẫn chứng).

* Tâm trạng của Giu-li-ét:

- Khi nghĩ đến Rô-mê-ô, điều đầu tiên làm cho nàng bận tâm là mối thù giữa hai dòng họ, nhưng mối thù ấy không thể ngăn cản nàng đến với tình yêu và người yêu. (Dẫn chứng).

- Nhận ra giọng nói của Rô-mê-ô, Giu-li-ét vừa sung sướng vừa lo sợ cho chàng. (Dẫn chứng).

- Nàng khẳng định dù Rô-mê-ô thuộc dòng họ đối địch thì mười phân chàng vẫn vẹn mười.

* Sự giống nhau giữa hai người:

- Cả hai cùng bị tình yêu sét đánh, cùng rung động mãnh liệt và có sự đồng điệu kì diệu trong tâm hồn.

- Tình yêu trong sáng của họ vượt lên trên mối thù dai dẳng giữa hai dòng họ Môn-ta-ghiu và Ca-piu-lét.

3. Kết bài:

- Sếch-xpia ca ngợi tình yêu vì tình yêu là tình cảm thiêng liêng, tốt đẹp nhất của con người.

- Thái độ của tác giả là bênh vực, ca ngợi tình yêu và những đôi lứa đang yêu. Điều đó tạo nên giá trị nhân văn bất hủ cho tác phẩm.

- Tình yêu đã, đang và sẽ mãi mãi tồn tại vì nó là nền tảng của sự sống trên Trái Đất này.

II. BÀI LÀM

Uy-li-am Sếch-xpia (1564 - 1616) là nhà thơ, nhà soạn kịch thiên tài của nước Anh thời đại Phục hưng. Ông đã để lại cho đời một sự nghiệp sáng tác đồ sộ gồm 37 tác phẩm bao gồm kịch lịch sử, bi kịch và hài kịch mà phần lớn được đánh giá là kiệt tác của nhân loại. Tác phẩm của ông là tiếng nói của lượng trị tiến bộ, của khát vọng tự do, của lòng nhân ái bao la và niềm tin bất diệt vào khả năng hướng thiện, khả năng vươn dậy để khẳng định sự sống của con người.

Rô-mê-ô và Giu-li-ét là vở bi kịch nổi tiếng gồm 5 hồi bằng thơ xen lẫn văn xuôi, nội dung dựa trên một câu chuyện có thật về mối hận thù truyền kiếp giữa hai dòng họ Môn-ta-ghiu và Ca-phu-lét ở thành phố Vê-rô-na nước Ý thời trung cổ. Bi kịch bắt đầu từ tình yêu sét đánh giữa chàng Rô-mê-ô và nàng Giu-li-ét, hai đứa con của hai dòng họ thù nghịch. Bất chấp mọi trở lực, họ đến với nhau bằng trái tim nồng nhiệt, đắm say. Để có thể chạy trốn cùng người yêu, Giu-li-ét đã chấp nhận làm theo kế hoạch của tu sĩ Lâu-rân là uống thuốc ngủ giả chết để chờ Rô-mê-ô đến đón tại hầm mộ nhà nàng. Vì sự chậm trễ của người báo tin và sự hiểu lầm của người nhà Rô-mê-ô nên chàng tưởng là nàng đã chết. Đau đớn khôn cùng, Rô-mê-ô đã uống thuốc độc tự tử bên cạnh người yêu. Tỉnh dậy, thấy Rô-mê-ô đã chết, Giu-li-ét liền rút con dao mà chàng luôn mang theo bên người để quyên sinh. Cái chết bi thảm của đôi trai tài gái sắc đã làm cho mọi người rung động và thức tỉnh. Mối thù dai dắng tưởng không bao giờ có thể hoà giải được giữa hai dòng họ đã bị xoá bỏ. Họ cùng nhau dựng một tượng đài bằng vàng để mãi mãi ca ngợi tình yêu trong sáng, thuỷ chung của cặp tình nhân nổi tiếng này.

Đoạn trích Tình yêu và thù hận kể về cảnh Rô-mê-ô sau cuộc gặp gỡ với Giu-li-ét ở dạ hội hoá trang tại nhà nàng, chờ lúc đêm khuya đã quay trở lại, leo lên bức tường đối diện với phòng ngủ của Giu-li-ét để thổ lộ lòng mình. Sếch-xpia đã miêu tả tuyệt vời tâm trạng của hai người trẻ tuổi vừa bị trúng mũi tên của thần Ái tình Cupid. Mối thù truyền kiếp của hai dòng họ không thể ngăn cản tình yêu mãnh liệt ấy. Thái độ của tác giả là đồng tình và ca ngợi, bởi: Ca ngợi tình yêu chân chính của con người cũng chính là khẳng định con người.

Rô-mê-ô choáng váng trước vẻ đẹp thánh thiện của Giu-li-ét nên trái tim đã thôi thúc chàng quay trở lại khu vườn nhà nàng, dẫu biết rằng điều đó là vô cùng nguy hiểm. Đúng lúc ấy, Giu-li-ét cũng đến bên cửa sổ trông xuống khu vườn để thổ lộ lòng mình. Chúng ta hãy nghe Rô-mê-ô bày tỏ cảm xúc thật lãng mạn mà cũng thật chân thành khi nhìn thấy Giu-li-ét. Trước đôi mắt của kẻ si tình thì vẻ đẹp của cô gái mình yêu là tuyệt vời hơn tất thảy: ... Ánh sáng nào vừa loé trên cửa sổ kia ? Đấy là phương đông, và nàng Giu-li-ét là mặt trời ! Vừng dương đẹp tươi ơi, hãy hiện lên đi... Đấy là người ta quý. Ôi ! Đấy là người ta yêu ! Ôi, giả nàng biết nhỉ !... Vẻ rực rỡ của đôi gò má nàng sẽ làm cho các vì tinh tú ấy phải hổ người, như ánh sáng ban ngày làm cho đèn nến phải thẹn thùng ; còn cặp mắt nàng trên bầu trời sẽ rọi khắp không gian một làn ánh sáng tưng bừng đến nỗi chim chóc sẽ lên tiếng hót vang... Hỡi nàng tiên lộng lẫy, hãy nói nữa đi ! Bởi đêm nay, nàng toả ánh hào quang, trên đầu ta, như một sứ giả nhà trời có cánh, đang cười những áng mây lững lờ lướt nhẹ trên không trung, khiến những kẻ trần tục phải có ngước đôi mắt... lên mà chiêm ngưỡng.

Khi Giu-li-ét nghĩ đến Rô-mê-ô thì điều đầu tiên khiến nàng băn khoăn là mối thù lâu đời giữa hai dòng họ, nhưng mối thù ấy không thể ngăn cản nàng đến với tình yêu, với người yêu: Ôi, Rô-mê-ô, chàng Rô-mê-ô! Sao chàng lại là Rô-mê-ô nhỉ ? Chàng hãy khước từ cha chàng và từ chối dòng họ của chàng đi; hoặc nếu không thì chàng hãy thể là yêu em đi, và em sẽ không còn là con cháu nhà Ca-phu-lét nữa.

Tình yêu sét đánh khiến hai người sống trong tâm trạng bay bổng, say đắm, tuy nhiên ở họ vẫn còn sự dẫn dắt sáng suốt của lí trí. Những diễn biến trong tâm trạng Giu-li-ét chứng tỏ Sếch-xpia đã miêu tả tuyệt vời người thiếu nữ đang yêu: Chỉ có tên họ chàng là thù địch của em thôi. Nếu chẳng phải là người họ Môn-ta-ghiu thì chàng cũng vẫn cứ là chàng. Môn-ta-ghiu là cái gì nhỉ ? Đó đâu phải là bàn tay, hay bàn chân, hay cánh tay, hay mặt mũi, hay một bộ phận nào đấy của cơ thể con người. Chàng đi ! Hãy mang tên họ nào khác đi ! Cái tên đó có nghĩa gì đâu ? Bông hồng kia, giá chúng ta gọi bằng một tên khác thì hương thơm cũng vẫn ngọt ngào. Vậy nếu chàng Rô-mê-ô chẳng mang tên Rô-mê-ô nữa, thì mười phân chàng vẫn vẹn mười... Rô-mê-ô chàng ơi, chàng hãy vứt bỏ tên họ của chàng đi; chàng hãy đem tên họ ấy, nó đâu phải xương thịt của chàng, đổi lấy em đây! Trong câu nói ấy của Giu-li-ét chứa đựng quyết tâm vượt qua mọi trở lực ghê gớm và mong muốn Rô-mê-ô hãy quên đi mối hận thù truyền kiếp giữa hai dòng họ để đến với mình.

Giữa hai tâm hồn có một sự đồng điệu kì diệu. Nghe Giu-li-ét nói như vậy, Rô-mê-ô mừng vui khôn xiết, chàng tiếp tục bày tỏ: Đúng là miệng em nói thế đấy nhé ! Chỉ cần em gọi tôi là người yêu, tôi sẽ thay tên đổi họ; từ nay, tôi sẽ không bao giờ còn là Rô-mê-ô nữa... Khi Giu-li-ét thắc mắc: Người là ai, mà khuất trong đêm tối, chợt biết được điều tôi ấp ủ trong lòng ? thì Rô-mê-ô vội vàng lên tiếng: Tôi không biết xưng danh cùng em thế nào. Nàng tiên yêu quý của tôi ơi, tôi thù ghét cái tên tôi, vì nó là kẻ thù của em. Nếu chính tay tôi đã viết tên đó, thì tôi xé nát nó ra. Nhận ra giọng nói của Rô-mê-ô, Giu-li-ét vừa sung sướng lại vừa lo lắng: Tại tôi nghe chưa trọn một trăm tiếng thốt từ miệng đó ra mà tôi đã nhận ra tiếng ai rồi. Chẳng phải anh Rô-mê-ô, và là họ nhà Môn-ta-ghiu đấy ư?... Anh làm thế nào tới được chốn này, anh ơi, và tới làm gì thế ? Tường vườn này cao, rất khó trèo qua; và nơi tử địa, anh biết mình là ai rồi đấy, nếu anh bị họ hàng nhà em bắt gặp nơi đây. Nghe lời cảnh báo về mối nguy hiểm chết người ấy mà chàng Rô-mê-ô si tình vẫn khăng khăng khẳng định và thách thức : Tôi vượt được tường này là nhờ đôi cánh nhẹ nhàng của tình yêu, mấy bức tường đá ngắn sao được tình yêu, mà cái gì tình yêu có thể làm là tình yêu dám làm, vậy người nhà em ngắn sao nổi tôi. Như vậy là tình cờ mà cả chàng và nàng đều cho rằng tình yêu của họ chỉ diễn ra trong hoàn cảnh hai dòng họ thù địch chứ không xung đột với hận thù truyền kiếp. Tình yêu nồng nàn, mãnh liệt ấy là hoàn toàn tự nhiên, chính đáng. Rừng rực như lửa cháy, nó thiêu rụi mọi định kiến nghiệt ngã, mọi ngăn trở phi lí để những người đang yêu đến được với nhau.

Sếch-xpia ca ngợi tình yêu vì tình yêu là thứ tình cảm tốt đẹp và kì diệu nhất của con người. Có một thi sĩ đã nói: Không có tình yêu hoa không nở. Nhà thơ lãng mạn Xuân Diệu say đắm thốt lên: Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi, Trong vườn thơm ngát của hồn tôi. Nhà thơ cách mạng Tố Hữu cũng sáng tác những vần thơ bất hủ ca ngợi tình yêu: Có gì đẹp trên đời hơn thế, Người yêu người sống để yêu nhau. Tình yêu đã, đang và sẽ mãi mãi tồn tại vì nó là nền tảng của cuộc sống nhân loại trên Trái Đất này.