I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Nguyễn Tuân (1910 – 1987 ), quê ở làng Nhân Mục hay còn gọi là làng Mọc, ngoại thành Hà Nội. Ông nổi tiếng trên văn đàn từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 với tập truyện ngắn Vang bóng một thời.

- Nguyễn Tuân sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật. Với những đóng góp quan trọng cho nền văn học nước nhà, ông được đánh giá là cây đại thụ của văn xuôi hiện đại.

- Có nhiều ý kiến bình luận khác nhau xung quanh phong cách sáng tác độc đáo mang đậm dấu ấn riêng của tác giả. Có người cho rằng: Nguyễn Tuân là một nhà văn duy mĩ. Nếu đọc kĩ truyện ngắn Chữ người tử tù thì chúng ta sẽ thấy ý kiến đó khá cực đoan.

2. Thân bài:

* Sự cẩn trọng, cầu kì của Nguyễn Tuân trong việc miêu tả bối cảnh của truyện:

- Nhà văn lựa chọn từ ngữ, hình ảnh thật chính xác để dựng lại khung cảnh một nhà ngục dưới thời phong kiến thế kỉ XIX. (Dẫn chứng).

- Tác giả có dụng ý rõ rệt khi tái hiện không khí xưa cũ. Cảnh vật, con người hiện ra cũng màu sắc ấy, đưa người đọc trở về quá khứ là thời gian xảy ra câu chuyện. (Dẫn chứng).

- Tất cả những cái đó không phải chỉ là sự cầu kì chữ nghĩa để nhằm khẳng định văn chương của mình cao siêu, duy mĩ mà chính là cái vốn, là bề dày văn hoá làm nền cho tác phẩm. Đằng sau chữ nghĩa là hiện thực xã hội của một thời đã qua.

* Hình tượng Huấn Cao tượng trưng cho Cái Đẹp mà Nguyễn Tuân ca ngợi:

- Huấn Cao là một bậc chính nhân quân tử văn võ song toàn, đức tài gồm đủ, nổi tiếng viết chữ Hán nhanh và đẹp khắp vùng tỉnh Sơn. Vì dám ngang nhiên chống lại triều đình phong kiến nên ông bị ghép vào tội phản nghịch.

- Thái độ của Nguyễn Tuân đối với nhân vật Huấn Cao là cảm phục và ca ngợi. Vì thế ông đã dành hết tâm huyết để xây dựng nhân vật Huấn Cao thành hình tượng nghệ thuật có giá trị muôn đời.

- Thông qua truyện, nhà văn kín đáo lên án chế độ phong kiến suy tàn huỷ diệt Cái Đẹp và những người làm ra Cái Đẹp.

- Cảnh cho chữ ở cuối truyện tập trung cao độ nhất bút pháp nghệ thuật lãng mạn và tài năng nghệ thuật của Nguyễn Tuân: Sự phong phú, chính xác về kiến thức lịch sử, văn hoá, xã hội; năng lực quan sát nhạy bén, sắc sảo, trí tưởng tượng mạnh mẽ, bay bổng; trình độ sử dụng ngôn ngữ dân tộc điêu luyện...

3. Kết bài:

- Với tác phẩm Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân xứng đáng là bậc thầy của truyện ngắn Việt Nam hiện đại.

- Ca ngợi Cải Đẹp bất diệt là cách tác giả phủ nhận chế độ thực dân phong kiến thối nát, bạo tàn; đồng thời thể hiện tinh thần dân tộc sâu xa trước làn sóng ồ ạt của văn minh phương Tây tràn vào nước ta theo bước chân của đoàn quân xâm lược.

- Vì thế, không thể nhận xét Nguyễn Tuân là nhà văn duy mĩ.

II. BÀI LÀM

Nguyễn Tuân sinh năm 1910, trong một gia đình Nho giáo ở làng Nhân Mục, tục gọi là làng Mọc, ngoại thành Hà Nội. Ông sống chủ yếu bằng nghề viết văn, viết báo. Sau khi tập truyện ngắn Vang bóng một thời được xuất bản năm 1940, Nguyễn Tuân trở nên nổi tiếng. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp bằng hoạt động văn nghệ. Nhờ đi nhiều, viết nhiều, Nguyễn Tuân đã sáng tác những tác phẩm có giá trị cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Với những đóng góp quan trọng cho nền văn học nước nhà, ông được đánh giá là cây đại thụ của nền văn xuôi hiện đại.

Về mặt phong cách, Nguyễn Tuân sớm tạo cho mình một phong cách sáng tác độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân. Đó là trình độ hiểu biết uyên bác, sự cẩn trọng đến mức cầu kì trong cách chọn chữ, đặt câu, sử dụng hình ảnh và các thủ pháp nghệ thuật để làm nổi bật chủ đề tác phẩm. Vì vậy, có ý kiến cho rằng: Nguyễn Tuân là một nhà văn duy mĩ, tức là chỉ quan tâm duy nhất tới cái đẹp mà thôi. Đọc kĩ truyện ngắn Chữ người tử tù, chúng ta sẽ thấy ý kiến trên có phần cực đoan.

Chữ người tử tù rút từ tập Vang bóng một thời, nội dung ghi chép về một thời đại và một lớp người đã lùi vào dĩ vãng nhưng bóng dáng thì vẫn còn in đậm trong trí nhớ và tình cảm yêu mến, tôn sùng của tác giả. Nhân vật chính của Chữ người tử tù là Huấn Cao, một tù nhân lãnh án chém vì tội dám chống lại triều đình. Huấn Cao nổi tiếng về tài viết chữ Hán rất đẹp. Mến mộ tài ông, viên quản ngục đã bí mật đối đãi thật đầy đủ, trân trọng và tha thiết muốn được ông cho chữ quý. Đến khi tưởng đã hết hi vọng thì bất chợt người tử tù lại vui vẻ đồng ý cho chữ, kèm theo lời khuyên viên quản ngục hãy bỏ nghề, về quê sống thanh bần để giữ được tâm hồn trong sạch, xứng với thú chơi chữ đẹp. Thông qua câu chuyện ấy, đặc biệt là cảnh cho chữ ban đêm tại ngục tối giữa ánh đuốc đỏ rực, tác giả khẳng định giá trị cao quý của Cái Đẹp: đẹp chữ viết, đẹp đức cao, đẹp nhân cách; đồng thời ca ngợi người biết quý trọng, gìn giữ Cái Đẹp ấy như gìn giữ báu vật Ở đời, không vàng bạc hay quyền thế nào có thể đánh đổi được.

Tính hiện thực của truyện ngắn này vô cùng sâu sắc. Điều đó được nhà văn Nguyễn Tuân tập trung thể hiện ở nhân vật Huấn Cao mà ông coi là nhân vật tư tưởng của mình. Số phận Huấn Cao đầy mâu thuẫn. Là người văn võ song toàn, đức tài gồm đủ - tức là một kẻ sĩ, một bậc chính nhân quân tử ; vậy thì nguyên nhân nào đã đẩy ông tới chỗ “làm phản” chống lại triều đình phong kiến đương thời và tệ hại hơn nữa là lâm vào cảnh tù tội, phải lãnh án tử hình? Chắc chắn là do bị cường quyền áp chế nên một con người như thế mới phải cầm vũ khí đứng lên chống lại lũ vua quan đã phản bội lại quyền lợi chính đáng của dân tộc và đất nước. Để dựng lại bối cảnh một nhà ngục dưới thời phong kiến thế kỉ XIX, nhà văn Nguyễn Tuân đã mất rất nhiều công phu trong việc vận dụng vốn hiểu biết về ngôn ngữ và lịch sử của mình. Tác giả có dụng ý rõ rệt khi dừng lại một không khí xưa cũ như thế và không khí ấy bao trùm toàn bộ tác phẩm. Cảnh vật, con người, sự việc hiện ra cũng màu sắc ấy, đưa người đọc trở lại quá khứ cách đây hơn trăm năm. Người cầm bút đã mượn những chữ như phiến trát, Sơn Hưng Tuyên đốc bộ đường theo đúng cách gọi ngày xưa để cho nó dậy mùi quyền lực phong kiến. Tả cảnh vật thì chiếc vòng canh, hèo hoa, giá gươm, án thư, giấy bản, tàn đèn, chiếc gông, chậu mực, bức châm... Tả người thì thầy bắt, ngục tốt, thằng thập... Tả việc thì thay bút con, đề xong lạc khoản, lĩnh ý, bái lĩnh... Tất cả những cái đó không phải là cầu kì chữ nghĩa, nhằm phô trương kiến thức hay làm cho người đọc khó hiểu để khẳng định văn chương của mình là duy mĩ, cao siêu, mà là cái vốn văn hoá làm nền tảng vững chắc cho tác phẩm. Đằng sau chữ nghĩa là hiện thực xã hội mà tác giả chỉ xén ra một mảnh đủ để người đọc hình dung ra khung cảnh của một cửa ngục tiêu biểu thời ấy, đầy quyền lực mà ngu xuẩn, hùa nhau huỷ diệt tài năng, đạo đức và Cái Đẹp.

Cốt truyện Chữ người tử tù xoay quanh Cái Đẹp chữ viết của ông Huấn Cao nhưng ý nghĩa dĩ nhiên mở rộng hơn rất nhiều. Nguyễn Tuân thể hiện thái độ của ba hạng người đối với Cái Đẹp ở đời. Thứ nhất là thái độ huỷ diệt. Thứ hai là thái độ kính trọng, mến phục. Thứ ba là thái độ trong mình, trọng người của một bậc chính nhân quân tử.

Lẽ thường, cái gì đẹp cũng quý bởi nó làm cho cuộc sống thêm tươi vui, ý nghĩa. Chữ đẹp cũng quý như vậy. Đây là chữ Hán, một loại chữ tượng hình mà các nét đã được cách điệu hoá qua nhiều đời thành một nghệ thuật viết có quy tắc hẳn hoi. Thuở trước, trong những nhà quan lại giàu sang, nhất là nhà có học, thường treo hoành phi, câu đối, bức châm, bức trướng... bằng gỗ quý sơn son thếp vàng, khảm xà cừ hoặc bằng lụa màu, giấy dày in hoa văn.. Những bức tranh tứ bình trên có viết thơ Đường hay lời răn dạy của các bậc thánh hiền theo kiểu đội thảo (thi pháp) treo trong nhà là niềm hãnh diện, tự hào của chủ nhà vì nó quý hơn vàng ngọc. Nhưng điều cốt yếu là người ta phải biết là nó đẹp, nó quý thì nó mới đẹp, mới quý. Sách xưa còn ghi lại những giai thoại về chữ viết của Vương Hi Chi, về thiếp Lan Đình... là những mẫu chữ đẹp nổi tiếng trong thiên hạ.

Nhân vật Huấn Cao trong truyện Chữ người tử tù tượng trưng cho Cái Đẹp. Nhưng thái độ của giai cấp phong kiến thống trị thời suy tàn đối với Cái Đẹp là huỷ diệt. Huấn Cao dù tài ba đến mấy, dù viết chữ đẹp đến mấy mà dám chống lại triều đình một ruỗng của chúng thì chúng cũng không cần. Chúng chỉ cần những tên nô tì ngu xuẩn và tàn bạo để giúp chúng giữ chặt cái ngại vàng bẩn thỉu mà thôi.

Thái độ thứ hai là thái độ quý trọng, kính phục tài năng, nghĩa khí. Cái tài viết chữ vừa nhanh vừa đẹp của Huấn Cao đã lừng lẫy khắp nơi, lan cả vào chốn ngục tù, khiến viên quản ngục cũng phải ao ước rằng: có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết... Có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật trên đời. Còn thầy thơ lại dù chỉ nghe lời đồn là Huấn Cao có cả tài văn lẫn võ mà nay bị bắt giam, chờ ngày lãnh án tử hình thì cũng thấy tiếc. Viên quản ngục chữ nghĩa chắc không nhiều nhưng quý ở chỗ ông ta có tấm lòng liên tài và con mắt nhìn Cái Đẹp, coi việc thưởng thức Cái Đẹp là một phần của lẽ sống.

Giống như nhân vật Huấn Cao, nhân vật quản ngục cũng rơi vào quy luật đau lòng: thân phận không phải là hệ quả của bản chất. Một nhân cách trên mức bình thường như vậy mà lại phải sống nơi cửa ngục: Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trong người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ. Ông trời nhiều khi chơi ác, đem đày ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã. Và những người có tâm điền tốt và thẳng thắn, lại phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt. Nguyễn Tuân đã mượn suy nghĩ của viên quản ngục về thầy thơ lại để nói lên quan điểm của mình về cách đánh giá con người... Một kẻ biết kính mến khí phách, một kẻ biết tiếc, biết trong người có tài, hẳn không phải là kẻ xấu hay là vô tình...

Bản thân viên quản ngục không giấu được sự kiêng nể, bái phục đối với tử tù Huấn Cao. Từ lúc Huấn Cao mới bị giải đến cho tới ngày cuối cùng ở nhà ngục tỉnh Sơn, viên quản ngục đều trân trọng dành cho ông một sự biệt đãi trước nay chưa từng có. Ngày hai bữa, thầy thơ lại dâng rượu thịt cho kẻ tử tù nguy hiểm nhất bọn. Viên quản ngục đắn đo mãi mới dám bước vào buồng giam để khép nép thưa bày với Huấn Cao, một điều thưa ngài, hai điều phiền ngài cần gì thì cứ nói ; để rồi nhận được thái độ cao ngạo và câu trả lời đầy khinh miệt: Người hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều là nhà người đừng đặt chân vào đây. Thế nhưng quản ngục cũng chỉ lễ phép lui ra với một câu: Xin lĩnh ý, chứ không giở trò tiểu nhân thị oai của kẻ đang nắm quyền sinh sát trong tay. Viên quản ngục đến với Huấn Cao với tư cách của bề dưới đối với bề trên theo bảng giá trị đích thực của lẽ phải ở đời: kẻ tài sơ đức thấp kính trọng người tài cạo đức cả. Thêm nữa, viên quản ngục đang khao khát xin được chữ quý của Huấn Cao để lưu lại ở đời, vì hiểu rằng nếu Huấn Cao chết thì cái tài viết chữ đẹp hiếm có ấy cũng chết theo. Đáng tiếc vô cùng!

Chơi chữ đẹp là thú chơi thanh cao, tao nhã. Còn số người có ý thức bảo vệ, lưu giữ chữ đẹp cho đời sau như viên quản ngục lúc bấy giờ thì quả là ít ỏi. Viên quản ngục muốn biến khao khát có được chữ quý của Huấn Cao thành hiện thực khi đang có điều kiện thuận lợi là nắm giữ Huấn Cao trong tay, nên đã âm thầm mua sắn chục vuông lụa bạch can lại thật phẳng phiu, đợi ngày xin chữ. Một người có tâm nguyện chân thành như vậy, nhân cách lại chẳng đáng quý hay sao?

Thái độ thứ ba là thái độ trong mình, trọng người của bậc chính nhân quân tử. Lúc đầu, trước sự biệt đãi của viên quản ngục, Huấn Cao tỏ vẻ khinh thường ra mặt, vì ông cho rằng đó chẳng qua cũng là một trong những thủ đoạn mua chuộc mà thôi. Đến khi đích thân viên quản ngục đặt chân vào buồng giam với thái độ cung kính, lễ phép, tôn xưng ông là người có nghĩa khí thì bị ông đuổi thẳng, vì tưởng là có mưu đồ đen tối. Chỉ đến thời điểm nghiệt ngã là ngày mai, Huấn Cao và những tử tù bị giải vào kinh (Huế) chịu tội thì thầy thơ lại mới hớt hải bày tỏ cùng ông ước nguyện tha thiết của viên quản ngục. Huấn Cao lúc này mới hiểu ra rằng thầy trò viên quản ngục chính là hạng người biết quý Cái Đẹp và trân trọng người sáng tạo ra Cái Đẹp. Ông mỉm cười nói với người thợ lại rằng: “Về bảo với chủ ngươi, tối nay, lúc nào lính canh về trại nghỉ, thì đem lụa, mực, bút và một bó đuốc xuống đây ta cho chữ. Chữ thì quý thực. Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi. Ta cảm cải tấm lòng biệt nhờn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy Quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đi phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”.

Lòng tự trọng của ông Huấn Cao đã gặp lòng trân trọng của viên quản ngục. Ông Huấn Cao biết chữ mình là quý và rất khoảnh (kĩ tính) trong việc cho chữ. Vậy thì lí do gì khiến ông đồng ý cho chữ trong hoàn cảnh bất thường này ?! Chính là thái độ biết quý trọng, biết lưu giữ Cái Đẹp hiếm hơn vàng ngọc của viên quản ngục đã khiến ông xúc động và trong thâm tâm, ông đã coi viên quản ngục là một bậc tri kỉ, một tấm lòng liên tài hiếm có trong thiên hạ.

Chúng ta hãy đọc kĩ đoạn cuối truyện ngắn Chữ người tử tù để thấy rõ tâm và tài năng nghệ thuật xuất sắc của Nguyễn Tuân. Quang cảnh cho chữ vừa lạ, vừa đẹp, vừa có vẻ kì bí, huyền ảo như trong thần thoại: Đêm hôm trong trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vắng có tiếng mõ trên vong canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián. Trong một không khí khói toả như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc toả cay mắt, làm họ dụi mắt lia lịa. Một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang đậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực... Huấn Cao cho viên quản ngục chữ quý kèm theo lời dặn chí tình: Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người... Tôi bảo thực đấy: Thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi. Lời khuyên đó là nghĩa cử cuối cùng của Huấn Cao đối với con người. Trước khi chết, ông vẫn cố gắng hướng con người đến Chân, Thiện, Mĩ của cuộc đời.

Đoạn văn miêu tả cảnh cho chữ vô cùng đặc sắc và đầy chất tạo hình, tiêu biểu cho bút pháp nghệ thuật lãng mạn chủ nghĩa mang đậm dấu ấn cá nhân của Nguyễn Tuân giai đoạn trước cách mạng tháng Tám 1945; đồng thời khẳng định ông xứng đáng là bậc thầy về ngôn ngữ dân tộc. Có thể nói hầu như tất cả mặt mạnh của tác giả được bộc lộ tập trung nhất ở đây: sự phong phú, chính xác về kiến thức lịch sử, văn hoá, xã hội; năng lực quan sát nhạy bén, sắc sảo, trí tưởng tượng mạnh mẽ, bay bổng... Mơ ước thiết tha, cháy bỏng về Cái Đẹp, thái độ tôn vinh Cái Đẹp của Nguyễn Tuân có tác dụng thức tỉnh rất lớn đối với người đọc. Dường như tác giả đã hoá thân vào cả ba nhân vật: Huấn Cao, viên quản ngục và thầy thơ lại - ba người ở ba địa vị khác nhau trong xã hội - nhưng có khả năng bổ sung tính cách cho nhau và giống nhau ở chỗ cùng biết thưởng thức và trân trọng Cái Đẹp ở đời.

Với tác phẩm Chữ người tử tù có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, Nguyễn Tuân xứng đáng là bậc thầy của truyện ngắn trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Ca ngợi Cái Đẹp là cách Nguyễn Tuân phủ nhận xã hội thực dân phong kiến thối nát đương thời và thể hiện tinh thần dân tộc sâu xa của mình trước làn sóng văn minh phương Tây đang ồ ạt tràn vào nước ta theo bước chân của đạo quân xâm lược. Nếu chỉ là một nhà văn duy mĩ như ý kiến nhận xét nêu trên thì chắc chắn Nguyễn Tuân không thể sáng tác được một truyện ngắn có sức lay động lòng người mãnh liệt đến thế!