I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Phó Thủ tướng Vũ Khoan rất quan tâm tới thế hệ trẻ Việt Nam, những chủ nhân tương lai của đất nước.
- Với thái độ nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm cao, ông đã thẳng thắn nhận xét về mặt mạnh, mặt yếu của con người Việt Nam thời nay. (Dẫn ý kiến của Phó Thủ tưởng).
2. Thân bài:
* Sự thông minh, nhanh nhạy là mặt mạnh của người Việt Nam:
- Có sự thông minh, nhanh nhạy thì dân tộc ta mới tồn tại và phát triển qua bốn ngàn năm lịch sử.
- Nhiều tấm gương thành đạt của người Việt Nam ở trong và ngoài nước đã chứng minh điều đó.
* Mặt yếu của người Việt Nam:
+ Những lỗ hổng về kiến thức cơ bản:
- Nguyên nhân là do phương pháp học tập và làm việc lạc hậu, cũ kĩ. Học thì học chay, học lỏm, không có bài bản chính quy...; làm việc trong điều kiện vật chất thiếu thốn, chắp vá...
- Kĩ năng thực hành của học sinh hầu như rất yếu vì nhà trường thiếu phương tiện thực hành.
+ Phần lớn học sinh thiếu tự giác trong học tập, chưa có ý thức tìm hiểu, nghiện cứu khoa học và chưa rèn luyện cho mình thói quen đọc sách để không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết.
* Cách sửa chữa để khắc phục mặt yếu, phát huy mặt mạnh:
- Đổi mới phương pháp dạy học, vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo phương pháp giáo dục khoa học, hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới.
- Mỗi người phải mạnh dạn nhìn nhận, đánh giá bản thân để thấy rõ mặt mạnh, mặt yếu. Tránh tư tưởng chạy theo “thời thượng” mà không phù hợp với khả năng của mình, để rồi không mang lại lợi ích thiết thực gì cho bản thân và xã hội. Phải chuẩn bị hành trang cần thiết để bước vào thế kỉ XXI.
3. Kết bài:
- Bước vào thế kỉ XXI, dân tộc Việt Nam bước vào một vận hội mới.
- Bản thân mỗi người phải tự giác phấn đấu không ngừng để đáp ứng yêu cầu của thời đại khoa học kĩ thuật tiên tiến.
II. BÀI LÀM
Phó Thủ tướng Vũ Khoan rất quan tâm đến thế hệ trẻ Việt Nam vì ông hiểu rõ rằng chính thế hệ này quyết định tương lai của đất nước. Trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì muốn đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội, con người cần phải có một khả năng tương đối toàn diện. Sau những nghiên cứu và khảo sát nghiêm túc, kĩ càng về con người Việt Nam, Phó Thủ tướng đã thẳng thắn và chân thành nhận xét trong bài viết Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới đăng trong tạp chí Tia sáng số Xuân 2001: Cái mạnh của con người Việt Nam chúng ta là sự thông minh và nhạy bén với cái mới... Nhưng bên cạnh cái mạnh đó còn tồn tại không ít cái yếu. Ấy là những lỗ hổng về kiến thức cơ bản do thiên hướng chạy theo những môn học “thời thượng”, nhất là khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề...
Nhận xét trên rất chính xác. Sự thông minh, nhanh nhạy là mặt mạnh không thể phủ nhận trong tố chất của con người Việt Nam. Nhờ vậy, dân tộc ta mới có thể tồn tại và phát triển qua bốn ngàn năm lịch sử đầy thăng trầm, biến động bởi thù trong, giặc ngoài; mới vượt qua được bao thử thách nghiệt ngã, vận nước ngàn cân treo sợi tóc. Nhiều tấm gương thành đạt của người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài đã chứng minh hùng hồn điều đó.
Nhưng cũng giống như các dân tộc khác trên thế giới, dân tộc Việt Nam bên cạnh những mặt mạnh còn có không ít mặt yếu. Nhận thức đúng đắn về mặt mạnh, đặc biệt là dám nhìn thẳng vào mặt yếu kém của mình là điều hết sức cần thiết để một dân tộc, một đất nước tiến lên phía trước. Hiện nay, dân tộc ta đang đứng trước những cơ hội mới của xu thế hội nhập toàn cầu. Để đạt được mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xây dựng một đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng văn minh vào năm 2020 thì ngay từ bây giờ, chúng ta phải đặt yếu tố con người lên hàng đầu. Thế hệ trẻ Việt Nam phải dứt khoát từ bỏ những thói quen và tác phong học tập, làm việc cũ kĩ, lạc hậu; phải tiếp thu và rèn luyện cho mình những thói quen tốt, phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Do chịu ảnh hưởng nặng nề của nền kinh tế tiểu nông và hậu quả của các cuộc chiến tranh chống xâm lược kéo dài nên phương pháp giáo dục ở nước ta còn nhiều hạn chế. Học sinh hiện nay thường học lệch, chú trọng nhiều về các môn tự nhiên mà không quan tâm học các môn xã hội như Văn, Sử, Địa. Việc học chay, học vẹt là phổ biến. Vì cơ sở vật chất thiếu thốn nên rất ít trường có được những phòng thí nghiệm đúng quy định. Các môn khoa học tự nhiên như Lí, Hoá, Sinh ... phần lớn giáo viên chỉ dạy lí thuyết, có cho học sinh thực hành thì cũng chỉ dừng lại ở những thí nghiệm đơn giản mà thôi. Cho nên kĩ năng thực hành, kĩ năng nghiên cứu khoa học của học sinh hầu như rất yếu.
Một điều cần phải nhắc đến là việc tự học của học sinh hiện nay chưa đạt tới mức độ tự giác và thường xuyên. Nhiều người không hiểu rằng trong quá trình học tập thì số lượng kiến thức tiếp thu được từ nhà trường chỉ là sơ đẳng, ít ỏi; còn số lượng kiến thức tiếp thu từ việc tự học qua sách vở và cuộc sống mới là vô hạn. Cho nên họ chưa tạo cho mình thói quen đọc sách - một thói quen tốt vô cùng cần thiết và quan trọng. Chăm đọc sách, đọc sách có mục đích, có định hướng sẽ giúp chúng ta không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, làm giàu kho tàng kiến thức, để từ đó có khả năng ứng xử và làm việc tốt hơn. Phương pháp giáo dục khoa học và chất lượng cao của các nước tiên tiến trên thế giới cần phải được học tập và vận dụng từng bước vào nền giáo dục Việt Nam để rút ngắn dần khoảng cách giữa ta và họ. Người Việt Nam đã có ưu thế là tố chất thông minh, nhanh nhạy trước cái mới, cải tiến bộ thì vấn đề này chắc chắn sẽ làm được. Những chủ nhân tương lại hứa hẹn sẽ có đủ tài năng gánh vác trọng trách xây dựng đất nước giàu mạnh. Muốn ngẩng cao đầu tự tin vững bước, mỗi chúng ta cần phải nhìn nhận và tự đánh giá bản thân một cách nghiêm túc để thấy rõ đâu là mặt yếu cần khắc phục, đâu là mặt mạnh cần phát huy. Tránh tư tưởng chạy theo các môn học có tính “thời thượng” như học Tiếng Anh, học vi tính nhưng không phù hợp với khả năng của mình, không theo học đến nơi đến chốn để rồi suốt đời ân hận vì đã bỏ phí thời gian cùng tiền bạc mà chẳng đem lại bao nhiêu lợi ích cho cá nhân và xã hội.
Bước vào thế kỉ XXI, với dân tộc Việt Nam cũng có nghĩa là bước vào vận hội mới, vào cuộc hành trình mới với rất nhiều triển vọng tốt đẹp ở phía trước. Tuy nhiên, hành trình đó cũng đầy khó khăn, thách thức, đòi hỏi thế hệ trẻ phải có sự cố gắng phấn đấu vươn lên không ngừng, thực sự đổi mới bản thân để đáp ứng được nhu cầu đổi mới của dân tộc và đất nước.