I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Giới thiệu nhân vật chính của câu chuyện. (Bạn Nguyệt, học sinh lớp 11 B).
- Đặc điểm của nhân vật chính có liên quan đến sự việc xảy ra trong câu chuyện. (Nói nhiều, hay ra vẻ ta đây cái gì cũng biết).
2. Thân bài:
* Kể lại câu chuyện:
- Vì Nguyệt hay nói chuyện riêng trong giờ học nên đã bị đổi chỗ mấy lần. Bạn ấy thường bị thầy cô giáo nhắc nhở.
- Lần đổi chỗ thứ ba, Nguyệt ngồi cạnh bạn Thanh lớp phó phụ trách học tập, tính tình nghiêm nghị, ít nói.
- Tưởng Nguyệt sẽ bỏ thói xấu, không ngờ Nguyệt vẫn chứng nào tật ấy. Mải khoe với Thanh về bộ đồ “hàng hiệu” mới mua, Nguyệt không biết cô giáo dạy Văn đã đứng sát bên.
- Cô giáo hỏi Nguyệt là cô đang giảng đến đâu, Nguyệt không trả lời được. Cô hỏi tâm trạng của Nguyễn Khuyến thể hiện trong bài Thu điếu như thế nào, Nguyệt trả lời bậy khiến cả lớp buồn cười.
3. Kết bài:
- Cô giáo không nặng lời phê bình mà chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở Nguyệt.
- Chắc chắn lần này Nguyệt nhận được bài học nhớ đời.
II. BÀI LÀM
Lớp 11 B của em có bạn Nguyệt được đặt rất nhiều biệt danh: nào là “Tổng đài 1080”, “Biết Tuốt”, “Bà Tám”..., nhưng cái tên mọi người thường gọi nhất là “Bà Tám” vì Nguyệt nói nhiều và thường hay tỏ vẻ ta đây cái gì cũng biết.
Cũng vì cái tật hay nói chuyện riêng trong giờ học mà từ đầu năm đến nay, Nguyệt bị đổi chỗ mấy lần. Lần đầu, cô chủ nhiệm xếp Nguyệt ngồi cạnh Hà. Hà cũng hay nói chuyện. Hai cái đầu cứ chụm lại rì rầm to nhỏ. Chẳng tuần nào “nhị cô nương” không có tên trong sổ đầu bài và điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới điểm thi đua của tổ. Phải tách họ ra thôi. Lần thứ hai, Nguyệt bị xếp ngồi giữa bốn chàng “ngự lâm pháo thủ” để hạn chế tối đa tật xấu ấy. Ai ngờ chỉ được vài ngày, Nguyệt bắt chuyện với các bạn ngồi hai bên không được liền chuyển hướng lên... bàn trên. Chốc chốc, Nguyệt lại giật tóc hoặc chọc bút vào lưng Hương rồi thì thầm: “Tở bảo cái này nè !”, khiến Hương phát bực vì không tập trung nghe giảng được. Hết chịu nổi, bốn bạn nam đành kiến nghị “trục xuất” Nguyệt ra khỏi bàn.
Chuyện buồn cười xảy ra vào lần thứ ba Nguyệt bị đổi chỗ, ngồi cạnh bạn Thanh lớp phó học tập. Thanh ít nói, nghiêm nghị nên có biệt danh là “bà cụ non”. Ai cũng nghĩ rằng lần này thì ắt hẳn Nguyệt hết đường... nói chuyện, thế những cô nàng vẫn chẳng chừa. Giờ Văn, lúc cô giáo đang say sưa giảng bài Thu điều của Nguyễn Khuyến thì Nguyệt còn mải khoe với Thanh rằng mình mới mua được một bộ đồ “hàng hiệu” trị giá cả triệu đồng để diện vào dịp Tết. Mặc dù Thanh đã nhắc nhở nhưng Nguyệt chẳng chịu dừng, vẫn cúi đầu che miệng nói tiếp. Vì thế nên Nguyệt không để ý là cô giáo đã đứng sát bên. Cô vỗ nhẹ vào vai Nguyệt làm bạn ấy giật mình rồi hỏi:
- Cô giảng đến đâu rồi hả Nguyệt? Nguyệt ấp ủng hồi lâu rồi lắp bắp:
- Thưa cô! Cô giảng đến chỗ... chỗ... Em quên mất rồi ạ!
Cô giáo hỏi tiếp:
- Em thấy tâm trạng của nhà thơ Nguyễn Khuyến thể hiện trong bài Thu điếu như thế nào?
- Em thưa cô ! Nguyễn Khuyến buồn vì sau khi từ quan về quê, ông phải sống nghèo khổ. Chẳng có tiền mua thức ăn nên hằng ngày, ông phải đi câu cá.
Nguyệt vừa dứt lời thì cả lớp cười vang. Mấy bạn trai ôm bụng cười ngặt nghẽo. Cô giáo phải yêu cầu vài lần trật tự mới được lập lại. Tưởng thế nào cô cũng khiển trách Nguyệt, nhưng cô chỉ nhẹ nhàng khuyên bạn ấy nên tập trung tư tưởng trong giờ học. Mặt Nguyệt đỏ như gấc chín. Nguyệt lí nhí xin lỗi cô và hứa từ nay trở đi sẽ không như thế nữa. Có lẽ hôm nay, bạn ấy nhận được bài học nhớ đời.