I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Tuổi trẻ thời nay có rất nhiều ưu điểm song cũng thường mắc phải những thói hư tật xấu, trong đó có hiện tượng nói tục, chửi thề.

- Đây là một hiện tượng đáng phê phán, thể hiện nhận thức lệch lạc và cách sống thiếu văn hoá, văn minh.

2. Thân bài:

* Tầm quan trọng của ngôn ngữ:

- Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp phổ biến và quan trọng nhất giữa người với người.

- Ngoài ngôn ngữ chung của toàn xã hội còn có ngôn ngữ riêng của từng cá nhân.

- Thông qua cách nói năng, có thể đánh giá phần nào về tính cách, phẩm chất của người nói. Dân gian có câu: Người thanh tiếng nói cũng thanh... Người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe...

* Tiếng Việt là thứ ngôn ngữ giàu và đẹp:

- Là sản phẩm tinh thần vô giá của dân tộc Việt.

- Có thể diễn tả chính xác mọi khái niệm, mọi tư tưởng, tình cảm của con người.

- Bản chất của tiếng Việt là trong sáng và phong phú, đa dạng.

* Hiện tượng nói tục, chửi thề và tác hại của nó:

- Hiện tượng này như một bệnh dịch lây lan rất nhanh trong giới trẻ.

- Không ít bạn trẻ cho rằng nói tục, chửi thề là cách để thể hiện bản lĩnh, thể hiện mình là người “sành điệu”, “chịu chơi”... Đó là nhận thức sai lầm, lệch lạc.

- Nói tục, chửi thề ở cả những nơi công cộng, gây "ô nhiễm” môi trường văn hoá, gây khó chịu cho mọi người. Chửi bậy, nói tục lâu ngày thành thói quen xấu, rất khó sửa.

- Nói tục, chửi thề làm vẩn đục sự trong sáng của tiếng Việt, làm “hạ giá” nhân phẩm của bản thân.

3. Kết bài:

- Hiện tượng nói tục, chửi thề rất đáng phê phán. Lứa tuổi học sinh không nên bắt chước.

- Mỗi người cố gắng rèn cho mình kĩ năng sử dụng ngôn ngữ đúng và hay.

II. BÀI LÀM

Công bằng mà nói, tuổi trẻ thời nay có những ưu điểm vượt trội so với các thế hệ trước như khả năng tiếp thu khoa học kĩ thuật rất nhanh, năng động, sáng tạo trong nếp nghĩ, nếp làm việc... Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít người lại mắc phải những thói hư tật xấu, trong đó có tật nói tục, chửi thề. Đây là hiện tượng đáng phê phán bởi nó là biểu hiện của nhận thức lệch lạc và cách sống thiếu văn hoá.

Dân gian đã nói: Người thanh tiếng nói cũng thanh... hoặc: Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, Người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe, với ý khẳng định thông qua lời ăn tiếng nói của một cá nhân nào đó, ta có thể đánh giá được phần nào tính cách, phẩm giá của cá nhân đó. Trong cuộc sống hằng ngày, ngôn ngữ là một phương tiện giao tiếp hết sức quan trọng, không gì thay thế được. Ngoài ngôn ngữ chung của toàn xã hội, còn có ngôn ngữ riêng của từng người. Khi giao tiếp, chúng ta phải sử dụng đồng thời hai loại ngôn ngữ đó để đạt được mục đích giao tiếp.

Ông cha ta dạy con cháu phải Học ăn, học nói, chính là học cách sử dụng ngôn ngữ sao cho đúng, cho hay. Tiếng Việt là thứ tiếng giàu và đẹp, có thể biểu hiện mọi khái niệm về sự vật hoặc mọi cung bậc tình cảm của con người. Nhiệm vụ của các thế hệ chúng ta là phải học tập, gìn giữ và phát huy tinh hoa của tiếng mẹ đẻ vậy nhưng có một thực tế đáng lo ngại là nhiều người không nhận thức được điều đó mà ngược lại còn vô tình hay cố ý phá hoại thứ của cải tinh thần vô giá ấy.

Hiện tượng nói tục, chửi thề xuất hiện rất nhiều ở những nơi công cộng, kể cả ở trường học là nơi kỉ luật khá nghiêm túc, chặt chẽ. Để ý một chút, ta sẽ thấy hễ cứ dăm ba bạn tụ tập với nhau là y như hiện tượng nói tục, chửi thề xuất hiện. Có bạn hầu như cứ mở miệng ra là văng tục trước rồi mới nói sau. Mãi thành quen, cứ tự nhiên, bất chấp những người xung quanh muốn nghĩ sao thì nghĩ. Tệ hại hơn, có nhiều bạn lại cho rằng dám nói tục chửi thề mới là “dân chơi sành điệu” (?!).

Trong những năm gần đây, ở Hà Nội và một số địa phương khác, trong học sinh, sinh viên còn nảy sinh hiện tượng “tự chế” ra những từ mới mà họ cho là hay, là độc đáo. Ví dụ như khi khen một cái gì đó, họ nói: “Cái áo này hơi bị đẹp!”; “Món này hơi bị ngon!”, “Cậu hơi bị yết kiêu đấy!”... Rồi thì “tinh vi”, “bố tướng”, “lăn tăn”, “chập cheng”, “ẩm IC”, “xong phắt”, “nói cho nhanh”, “bùng”, “phắn”, “biến”, “lặn”, “bà via”; “ông khốt”, “thằng chíp hôi”... cùng bao nhiêu từ bậy bạ khác không hề có trong từ điển, trong cung cách nói năng đường hoàng, lễ độ xưa nay. Nghe những từ ngữ, những câu nói chối tai của họ, nhiều người nhăn mặt khó chịu và cho rằng đó là biểu hiện của lối sống thiếu văn hoá, văn minh, làm ô nhiễm môi trường xã hội.

Nói tục, chửi thề là một thói xấu đáng chê trách, phê phán. Lứa tuổi học sinh chúng ta không nên bắt chước thói xấu đó. Hãy luôn nhớ lời khuyên của ông cha: Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Để có thể nói đúng, nói hay, chúng ta cần phải có ý chí và nghị lực rèn luyện trong quá trình lâu dài thì mới đạt kết quả tốt.