I. DÀN Ý.

1. Mở bài:

- Cống hiến và hưởng thụ là mối quan tâm to lớn của con người trong mọi thời đại.

- Nhân dân lao động từ xưa đã có quan điểm hết sức đúng đắn:

Có làm thì mới có ăn.

Không dưng ai dễ đem phần đến cho.

2. Thân bài:

* Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ:

- Câu tục ngữ chứa đựng một chân lí khách quan: Có làm (lao động) thì mới có ăn (hưởng thụ). Ai không làm thì không được hưởng. (Trừ những người không nằm trong độ tuổi lao động).

* Khẳng định ý nghĩa của câu tục ngữ trên là hoàn toàn đúng:

- Lao động là nguồn sáng tạo ra mọi của cải vật chất và tinh thần cho xã hội. Lao động còn đem lại niềm vui cho con người.

- Con người muốn tồn tại phải lao động. Xã hội loài người được hình thành và phát triển là nhờ thành quả lao động của nhiều thế hệ.

- Con người lao động trước tiên là để tự nuôi sống mình, sau đó góp phần xây dựng xã hội. Vì vậy: Có làm thì mới có ăn.

- Nếu nguyên tắc phân phối thành quả lao động hợp lí trên được thực hiện nghiêm túc thì nó sẽ trở thành động lực rất lớn thúc đẩy sản xuất không ngừng phát triển.

* Mở rộng, nâng cao vấn đề:

- Nội dung câu tục ngữ trên hoàn toàn đúng đối với mọi thời đại. Nó thể hiện ước mơ của nhân dân về sự phân phối công bằng, hợp lí giữa cống hiến và hưởng thụ.

- Câu tục ngữ là lời cảnh cáo đối với giai cấp thống trị bóc lột ngày xưa, là lời phê phán những kẻ lười biếng, ăn bám, tham nhũng ngày nay.

- Ý nghĩa của câu tục ngữ rất phù hợp với nguyên tắc phân phối của xã hội mới: Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng.

- Sự công bằng là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo niềm tin và sức sáng tạo cho người lao động. Đồng thời nó cũng là yếu tố cơ bản để loại bỏ những hiện tượng tiêu cực cản trở bước tiến của xã hội.

3. Kết bài:

- Câu tục ngữ trên phản ánh quan điểm đúng đắn của người lao động về cống hiến và hưởng thụ.

- Là lời cảnh cáo những kẻ ăn bám, bóc lột; là ước mơ về sự công bằng, hợp lí của nhân dân lao động.

- Là bài học thấm thía về giá trị lao động và quan điểm sống tích cực. Mỗi người phải có nhận thức đúng đắn về nghĩa vụ của cá nhân trong lao động, coi lao động là nguồn vui sống; có trách nhiệm đóng góp sức mình để bảo vệ sự công bằng xã hội.

II. BÀI LÀM

Trong xã hội phong kiến xưa kia, phần lớn của cải do người dân lao động làm ra rơi vào tay giai cấp bóc lột. Bọn chúng sống xa hoa, phè phỡn trên mồ hôi nước mắt dân nghèo. Thằng còng làm cho thằng ngay ăn, Ngồi mát ăn bát vàng là những sự thực phũ phàng diễn ra hằng ngày. Bởi thế, ông cha ta đã thể hiện rõ ràng quan điểm của mình về lao động và hưởng thụ; qua đó phản ánh mơ ước, khát khao có được sự công bằng, hợp lí trong xã hội:

Có làm thì mới có ăn

Không dưng ai dễ đem phần đến cho.

Câu tục ngữ trên đúc kết một nguyên tắc sống bất di bất dịch dưới hình thức mộc mạc, giản dị như lời ăn tiếng nói hằng ngày của quần chúng. Có làm thì mới có ăn - đó là một thực tế hiển nhiên ai cũng thấy rõ. Có lao động mới làm ra của cải vật chất và tinh thần để phục vụ đời sống con người. Lao động là niềm vui của mỗi người. Lao động thúc đẩy sự phát triển không ngừng của xã hội.

Một trong những quy luật sống cơ bản của con người là phải làm việc, phải tự lập, trước hết là để nuôi sống bản thân, sau đó là góp phần xây dựng cuộc sống chung của cộng đồng. Khác với các sinh vật khác sống dựa vào thức ăn có sẵn kiếm được trong thiên nhiên, con người phải lao động sáng tạo, làm ra mọi của cải phục vụ đời sống. Trên đồng ruộng, nông dân vất vả quanh năm, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, làm ra củ khoai, hạt lúa nuôi đời. Trong nhà máy, công xưởng, người thợ ngày đêm miệt mài sản xuất hàng hoá phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Đó là những người lao động chân chính. Họ xứng đáng được hưởng thành quả của mình và xứng đáng được xã hội tôn trọng.

Nếu việc phân phối thành quả lao động thực sự dựa trên mức độ cống hiến của mỗi người thì nó sẽ đem lại công bằng, hợp lí. Đồng thời mỗi cá nhân sẽ tự đánh giá được năng lực bản thân, từ đó có tinh thần tự chủ, tự tin, sáng tạo trong lao động. Giá trị con người vì vậy được khẳng định một cách khách quan và đúng đắn hơn. Công bằng, hợp lí là một trong những động lực thúc đẩy quá trình phát triển của mọi lĩnh vực xã hội.

Dưới chế độ cũ, quyền lợi của giai cấp thống trị gắn liền với quyền lợi của giai cấp bóc lột. Vì thế mà nguyên tắc: Có làm thì mới có ăn khó có thể thực hiện được. Vai trò của người lao động không được đánh giá đúng mức. Người làm ra của cải vật chất lại phải sống nghèo khổ, thiếu thốn, trong khi đó, kẻ không làm thì lại được hưởng thụ rất nhiều. Điều đó tạo ra sự bất công, đẩy mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn giai cấp ngày càng gay gắt, khiến nền kinh tế lâm vào tình trạng ngừng trệ và suy thoái.

Câu tục ngữ trên đây vừa là quan niệm đúng đắn của nhân dân ta về cống hiến và hưởng thụ vừa là lời cảnh cáo phê phán những kẻ sống ỷ lại, những kẻ bóc lột, ăn bám. Qua câu tục ngữ, người xưa còn khẳng định lao động là tiêu chuẩn, là thước đo phẩm giá con người. Kẻ nào không yêu lao động, vô trách nhiệm với bản thân, với cuộc đời thì không xứng đáng làm người.

Ý nghĩa đúng đắn và tích cực của quan niệm này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc phân phối trong xã hội ta ngày nay: làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng. Tất cả những người trong độ tuổi lao động phải làm việc. Mỗi người cống hiến cho gia đình, xã hội theo năng lực của mình. Nguyên tắc phân phối công bằng sẽ thúc đẩy nền kinh tế không ngừng phát triển, đem đến cho xã hội những thành quả tốt đẹp. Sự công bằng và hợp lí sẽ trả lại giá trị cao quý đích thực cho người lao động, phá vỡ cơ sở của mọi biểu hiện tiêu cực như lười biếng, ỷ lại, tham nhũng...

Trong tình hình đất nước ta đang trên đà đổi mới, ý nghĩa câu tục ngữ trên đây càng được khẳng định là đúng đắn và khoa học. Chúng ta tin tưởng rằng, với sự đóng góp tích cực của mỗi cá nhân vào sự nghiệp dựng xây đất nước, bảo vệ nguyên tắc công bằng xã hội, chẳng bao lâu nữa, đất nước ta sẽ thực sự giàu mạnh, đủ sức sánh vai với các cường quốc trên thế giới, như ước nguyện tha thiết của Bác Hồ kính yêu.