I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Tức cảnh Pác Bó là một trong những bài thơ tứ tuyệt hay nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Bài thơ thể hiện cảm hứng trữ tình và tinh thần lạc quan của Bác trong hoàn cảnh hoạt động cách mạng khó khăn gian khổ.

2. Thân bài:

* Hoàn cảnh ra đời của bài thơ:

- Sau sự kiện thực dân Pháp đầu hàng phát xít Đức (tháng 6 năm 1940), Bác đang ở Trung Quốc, chuẩn bị về nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng.

- Tháng 2 - 1941, Bác về Pác Bó, chọn nơi này làm địa điểm hoạt động. Bác sống trong điều kiện vô cùng gian khổ, thiếu thốn.

* Phân tích nội dung bài thơ:

+ Ba câu thơ đầu:

- Miêu tả điều kiện sống và làm việc của Bác (nơi ở, bữa ăn, phương tiện làm việc), hoàn toàn dựa vào những thứ có sẵn của thiên nhiên. Bác ở trong hang đá lạnh lẽo, ẩm ướt, quanh quẩn trong một phạm vi rất hẹp vì đang hoạt động bí mật: Sáng ra bờ suối, tối vào hang, nhưng Bác đã biến nó thành nếp sống ung dung, tự tại. Ăn thì chỉ có cháo bẹ, rau măng. Làm việc bằng bàn đá chông chênh ven suối.

- Sự đối lập giữa hai hình ảnh: Bàn đá chông chênh (hết sức thô sơ) với công việc dịch sử Đảng vô cùng quan trọng thể hiện tác phong giản dị và tầm tư tưởng cao rộng của Bác Hồ - một lãnh tụ cách mạng vô sản kiệt xuất.

+ Câu thứ tư:

- Cảm tưởng chung của Bác: Cuộc đời cách mạng thật là sang! Cách nói hóm hỉnh, thâm thúy, thể hiện niềm lạc quan lớn lao bắt nguồn từ lòng tin vào lí tưởng và tương lai tươi sáng của cách mạng Việt Nam.

3. Kết bài:

- Bài thơ tứ tuyệt ngắn gọn, hàm súc, giúp chúng ta hiểu thêm về quãng đời cách mạng gian nan của Bác lúc mới về nước.

- Bài thơ là tiếng hát trữ tình của tâm hồn Bác, là bài học sâu sắc về quan điểm sống đúng đắn của người chiến sĩ cách mạng.

II. BÀI LÀM

Tức cảnh Pác Bó là một trong những bài thơ tứ tuyệt hay nhất, tiêu biểu nhất cho loại thơ thể hiện cảm hứng trữ tình của Hồ Chí Minh. Bài thơ thể hiện niềm vui, niềm tin mãnh liệt và nghị lực phi thường của Bác khi được sống và làm việc giữa núi rừng Việt Bắc sau mấy chục năm trời xa cách đất nước

Sáng ra bờ suối, tối vào hang,

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,

Cuộc đời cách mạng thật là sang.

Thơ tứ tuyệt ngắn gọn, hàm súc nên muốn hiểu ý thơ, trước hết chúng ta phải nắm được hoàn cảnh sống của tác giả và thời điểm sáng tác bài thơ.

Thực dân Pháp đầu hàng phát xít Đức vào tháng 6 năm 1940. Lúc này, Bác đang ở Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) liền chuẩn bị về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Tháng 2 năm 1941, Bác về tới Pác Bó (Cao Bằng) và chọn nơi này làm địa điểm hoạt động. Hoàn cảnh sống của Bác rất thiếu thốn, gian lao. Trời rét, sức khoẻ yếu nhưng Bác phải ở trong một cái hang nhỏ hẹp, ẩm ướt, ăn uống hết sức kham khổ, phần lớn là cháo bẹ (ngô) và măng rừng. Hằng ngày, Bác làm việc trên một phiến đá bên bờ suối. Tuy vậy, khó khăn, gian khổ không làm cho Bác bận lòng.

Cảnh trong bài thơ là cảnh thật và tâm trạng của người làm thơ lúc ấy là tâm trạng hồ hởi, phấn chấn, tin tưởng vào phong trào cách mạng giải phóng dân tộc đang lên mạnh.

Ba câu thơ đầu kể về điều kiện sống và làm việc của Bác. Câu thứ nhất nói về chuyện ở, câu thứ hai nói về chuyện ăn, câu thứ ba nói về chuyện làm việc. Câu thơ thứ tư là câu trữ tình, nêu cảm tưởng chung của Bác về cảnh sống ấy. Tuy hiện thực hết sức gian khổ nhưng đằng sau lời thơ của Bác ẩn chứa một niềm vui lớn bắt nguồn từ lòng tin vững chắc vào tương lai cách mạng.

Bằng phương pháp tả thực, Bác nói đến cuộc sống gian khổ, thiếu thốn với một nụ cười hóm hỉnh. Bắt đầu là chuyện ở: Sáng ra bờ suối, tối vào hang. Cái hang Bác ở là hang Cốc Bó chỉ rộng khoảng vài chục mét vuông, có một chỗ tương đối bằng phẳng đủ kê một tấm ván thay cho giường, còn thì chỗ lồi cao, chỗ lõm sâu bởi rất nhiều nhũ đá. Không khí lạnh lẽo, ẩm thấp nên trong hang thường có rắn rết. Trước cửa hàng là một dòng suối nhỏ, hai bên bờ tre trúc mọc lưa thưa. Ra một quãng không xa, suối rộng dần, chảy sát chân một quả núi. Sau này, Bác đặt tên là suối Lê-nin và núi Các-Mác. Bàn đá chông chênh là một phiến đá tương đối phẳng kê trên hai hòn đá, bên cạnh đó là một hòn đá khác làm ghế. Bàn đá ấy ở gần bờ suối.

Khung cảnh sinh hoạt của Bác chia làm hai phần: một là hang, hai là suối. Sinh hoạt cũng chia hai: ra suối, vào hang. Thời gian biểu đều đặn: sáng ra, tối vào. Ra suối là để làm việc; vào hang là để nghỉ ngơi. Sự thật gần như chỉ có thế, tưởng chừng rất đơn điệu, bình thường. Thực ra, chất thơ giấu trong âm điệu. Vẫn là nhịp 4 / 3 hay 2 / 2 / 1/ 2 của câu thơ cách luật bảy chữ nhưng lồng vào trong đó là cái đều đặn, khoan thai, tự nhiên như nhịp tuần hoàn của trời đất. Sáng rồi tối, tối rồi sáng; ra rồi vào, vào rồi ra... lặp đi lặp lại với phong độ ung dung, tự tại.

Như vậy là trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ giữa chốn rừng thiêng nước độc, chưa kể mật thám của Nhật, của Tây luôn rình rập... nhưng tất cả đều như lặn chìm, tan biến trong nhịp điệu an nhiên, tự tại của Bác Hồ. Nhà thơ đón nhận cảnh sống ấy một cách chủ động và vui vẻ!

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.

Bữa cơm đạm bạc chỉ có cháo bẹ và rau măng, ngày nào cũng vậy. Vẫn sẵn sàng có nghĩa là các thứ đó luôn luôn có sẵn xung quanh. Mặt khác, hình ảnh cháo bẹ, rau măng còn nhắc tới nếp sống an bần lạc đạo của người xưa:

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

hoặc:

Trúc biếc, nước trong ta sẵn đó,

Phong lưu nhất mực dĩ ai bì.

(Nguyễn Trãi)

Thế là thiếu thốn đã chuyển thành phong lưu. Xưa là tượng trưng, nay hoàn toàn là sự thật. Chỉ phảng phất một chút xưa là câu thơ đã thêm ý vị. Nhưng ý vị nhất vẫn là ở giọng điệu. Cháo bẹ rau măng cũng như sáng ra, tối vào, như bờ suối với hang; vẫn là nhịp điệu an nhiên, tự tại bên trong. Ba chữ vẫn sẵn sàng nâng nội dung đó lên bằng một sự đánh giá, bình phẩm với giọng điệu lạc quan, gần như tự hào, nghĩa là an nhiên ở mức cao hơn.

Hai câu thơ trên phản ánh hiện thực, đến câu thứ ba bắt đầu là trữ tình. Nếu như ở trên, bóng dáng con người còn đang ẩn kín thì đến đây đã hiện ra sống động và có thái độ rõ ràng:

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,

Nếu cụm từ vẫn sẵn sàng mới chứa đựng một chút vui tươi thì trong tính từ chông chênh đã có một nụ cười hóm hỉnh, sâu sắc. Chông chênh vốn nghĩa là không vững chãi, không có chỗ dựa chắc chắn. Cái Bàn đá ven suối ấy chông chênh thật. Đó là thứ bàn làm việc bất đắc dĩ, nhưng hàm ý của từ chông chênh không nhằm nói tới chuyện đó mà là ẩn dụ tượng trưng cho muôn vàn khó khăn của cách mạng nước ta và cách mạng thế giới lúc bấy giờ. Năm ấy, phe phát xít đang thắng trận khắp nơi. Vậy mà ở cái xu thế chông chênh ấy, Bác Hồ lại làm một công việc vĩ đại là dịch sử Đảng. (Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, viết bằng tiếng Nga). Bác dịch làm tài liệu cho cán bộ ta đọc và học tập những kinh nghiệm phong phú, quý báu để vận dụng vào phong trào đấu tranh cách mạng của nước nhà.

Việc làm cần thiết đó có tác dụng xây nền đắp móng cho cách mạng Việt Nam về mặt lí luận. Đem đối lập tính chất nghiêm túc, quan trọng của công việc với cái đơn sơ, chông chênh của bàn đá, mới nghe tưởng chừng có chút đùa vui nhưng kì thực lại mang ý nghĩa lớn lao, sâu sắc về quy luật đấu tranh cách mạng.

Nhớ lại thời gian ấy, cả thế giới đang đứng trước nguy cơ chìm đắm trong thảm họa phát xít, vậy mà Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5 - 1941) vẫn khẳng định chắc chắn cách mạng giải phóng dân tộc sẽ thắng lợi và nhiều nước xã hội chủ nghĩa sẽ ra đời. Đó chẳng phải là trong chông chênh tình thế mà vẫn tuyệt đối tin rằng thắng lợi huy hoàng của cách mạng sẽ đi vào lịch sử hay sao?!

Lắng nghe trong giọng điệu câu thơ mới thấy thật rõ điều này. Ở nhịp 4 (Bàn đá chông chênh - 3 thanh bằng và 1 thanh trắc), biểu hiện tình thế nguy hiểm. Ở nhịp 3 (dịch sử Đảng), âm thanh rắn rỏi vững chắc, tỏ rõ ý chí kiên quyết chiến đấu và tin tưởng. Tất cả toát lên một tư thế vững vàng trước mọi nguy nan, điểm thêm một nụ cười ung dung, sảng khoái.

Người xưa khi bất đắc chí thường lánh về chốn núi rừng để vui thú lâm tuyền. Nhưng Bác lại khác. Bác đến với núi rừng không phải với mục đích ở ẩn mà là để mưu tính từng đường đi nước bước cho phong trào cách mạng. Bác Hồ dùng tảng đá ven suối làm bàn để dịch sử Đảng. Trong bóng dáng thư nhàn của vị tiên bên suối là cốt cách cứng cỏi của một lãnh tụ cách mạng tài ba.

Nếu ở ba câu thơ đầu, niềm vui, niềm tự hào còn ẩn chứa bên trong thì đến câu thơ kết nó đã hiển hiện rõ ràng qua từ ngữ, tiết tấu và âm hưởng. Ý thơ tăng tiến dần, cái nghèo cực, thiếu thốn đã biến thành cái giàu có, phong lưu và Bác vui vẻ khẳng định:

Cuộc đời cách mạng thật là sang.

Đến đây, suối không chỉ là chỗ làm việc, hang không chỉ là chỗ nghỉ ngơi. Khung cảnh còn được mở rộng ra phía trước, phá vỡ sự tù túng, chật hẹp. Cả suối và hang đều đủ chỗ cho nhịp sống của con người hoà vào nhịp sống của đất trời. Gian nan, vất vả cũng như tan biến vào cái nhịp điệu đều đều, thư thái ấy. Cháo bẹ và rau măng chỉ là thức ăn kham khổ, nghèo nàn, nhưng cái kham khổ nghèo nàn ấy đã được biến thành cái sẵn sàng, đầy đủ, thành một thoáng vui. Đến việc dịch sử Đảng trên bàn đá chông chênh thì đã lồng lộng một tư thế vững chãi trong quá trình tiến hành cách mạng giữa gian nguy. Tinh thần của bài thơ tụ lại cả ở từ sang trong câu cuối. Niềm tin, niềm tự hào to lớn, sâu sắc toả sáng cả bài thơ.

Chính cái ra, vào ung dung, cái vẫn sẵn sàng, cái vững vàng trong tình thế chông chênh đã làm nên cái sang ấy. Đó là cái sang của cuộc đời một lòng một dạ hi sinh phấn đấu không ngơi nghỉ cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân bị áp bức, vì tự do, hạnh phúc của nhân loại.

Bài thơ tứ tuyệt chỉ với bốn câu hai mươi tám chữ nhưng đã giúp chúng ta hiểu biết thêm về một quãng đời cách mạng gian nan của Bác Hồ. Vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, Bác vẫn sống ung dung, thanh thản và tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi tất yếu của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Bài thơ là tiếng hát trữ tình của tâm hồn Bác, đồng thời còn là bài học thấm thía về thái độ sống và quan điểm sống đúng đắn, tích cực của một Con Người chân chính.