I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Trong cuộc sống, mọi người thường nói đến quan hệ nhân - quả (Nhân nào thì quả nấy, Gieo gió gặt bão, Ở hiền gặp lành), nghĩa là mình ăn ở, cư xử với người xung quanh thế nào thì sẽ thu về một kết quả tương xứng như thế.

- Quan niệm trên đã phản ánh đúng thực tế trong cuộc sống hay chưa? Tại sao xung quanh ta còn nhiều kẻ ác mà không bị trừng trị, nhiều người ở hiền mà lại không gặp lành? Vì vậy, vấn đề này cần được phân tích kĩ trên nhiều mặt.

2. Thân bài:

* Thế nào là: Ở hiền gặp lành?

- Nếu ta đối xử tử tế với mọi người, sẵn sàng giúp đỡ người khác lúc khó khăn thì sẽ được đền bù xứng đáng bằng những điều tốt lành.

* Thực tế cuộc sống có diễn ra như điều khẳng định trên đây không? Có hai khả năng:

+ Thuận: Nhiều người ở hiền đã gặp lành. Đó là điều dễ hiểu bởi nếu đối xử tử tế với bà con, cô bác, bạn bè,... thì mọi người sẽ có cảm tình với mình và sẵn sàng giúp đỡ khi cần thiết.

+ Nghịch: Không phải bao giờ cuộc sống cũng đúng quy luật như trên. Không ít người ở hiền mà lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Ngược lại, có nhiều kẻ xấu xa, độc ác mà vẫn sống đầy đủ, sung sướng. Tại sao?

- Vì xã hội vốn phức tạp, những thế lực hắc ám và bọn người làm ăn bất chính vẫn còn tồn tại. Ai cũng có thể là nạn nhân của chúng - trong đó phần lớn lại là người hiền.

- Chúng ta đang phấn đấu xây dựng một xã hội công bằng, văn minh nhưng việc cải tạo cái cũ, xây dựng cái mới đòi hỏi phải có thời gian lâu dài. Phải phấn đấu rất nhiều mới biến được ước mơ đó thành hiện thực.

- Hơn nữa, nếu chỉ ở hiền thôi thì chưa đủ khả năng tạo ra cuộc sống sung sướng mà còn cần phải lao động giỏi và có những năng lực khác...

* Trước tình hình trên, chúng ta có nên ở hiền hay không?

- Dù thực tế có khi phũ phàng (kết quả không tương xứng), ta vẫn nên ở hiền bởi đó là quan điểm sống nhân ái, mang đến cho tâm hồn sự thanh thản (giúp được mọi người là niềm vui lớn). Lòng tốt thường có tác dụng thức tỉnh, thuyết phục, giáo dục kẻ xấu.

* Cần hiểu theo nhận thức và quan điểm đúng đắn về chữ hiền.

- Hiền không phải là im lặng, né tránh, nể nang, thậm chí làm ngơ trước cái xấu, cái ác. Không phải đối với bất cứ ai chúng ta cũng ở hiền. Đối với những kẻ bất lương, xã hội phải có biện pháp giáo dục, trừng trị.

- Người hiền cũng là người biết đấu tranh quyết liệt chống cái ác để bảo vệ cái thiện.

3. Kết bài:

- Câu tục ngữ Ở hiền gặp lành khuyến khích chúng ta sống theo truyền thống nhân ái, hướng thiện. Đó là một phương châm xử thế tích cực, dù có khi tạm thời cái tiêu cực đang lấn át và người lương thiện thường bị thua thiệt.

- Chúng ta cầu mong cho tất cả những người ở hiền đều gặp lành, nhưng cũng phải nhận thấy các diễn biến phức tạp trong thực tế để tránh hụt hẫng, bi quan. Mỗi chúng ta không những cần hướng thiện mà còn phải kiên trì đấu tranh để nhân rộng cái thiện.

II. BÀI LÀM

Trong kho tàng ca dao tục ngữ có nhiều câu nói đến quan hệ nhân - quả như: Gieo gió gặt bão, Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu; Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác... nhằm giáo dục, khuyên nhủ mọi người hãy sống sao cho tốt đẹp; đồng thời cũng cảnh cáo những kẻ ích kỉ, độc ác, chỉ biết lợi mình, hại người.

Nhưng không phải ai ở hiền cũng gặp lành và lúc nào kẻ ác cũng bị trừng trị. Do đó ý nghĩa của câu tục ngữ Ở hiền gặp lành vẫn tiếp tục được đưa ra bàn cãi. Trong cuộc tranh luận ở lớp, em cũng đã bày tỏ ý kiến về vấn đề này.

Ở hiền gặp lành có nghĩa là ta đối xử tử tế, nhân hậu, sẵn sàng giúp đỡ người khác một cách hết lòng, không vụ lợi... thì trước sau gì những điều tốt đẹp cũng sẽ đến với ta. Không nên hiểu đơn giản rằng làm ơn cho ai thì người đó sẽ trả ơn mình một cách sòng phẳng, theo kiểu thực dụng: Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại, hay Bánh ít đi, bánh quy lại. Nét đẹp trong đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam là: Làm ơn há dễ mong người trả ơn.

Thực tế cuộc sống cho thấy nhiều người ở hiền đã gặp lành. Ông bà, cha mẹ sống tử tế, nhân hậu thì con cái cũng được hưởng phúc. Phúc ở đây không phải là những lợi ích vật chất do người khác đem lại, mình chỉ việc ngồi hưởng thụ mà phúc là những điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội.

Có thể hiểu nghĩa của từ lành trong câu tục ngữ này là tử tế, tốt đẹp, may mắn. Nếu ta ăn ở (đối xử) với mọi người có nghĩa có tình Như bát nước đầy, Bán anh em xa mua láng giềng gần, Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau... thì mọi người cũng sẽ đối xử lại với ta như vậy.

Điều đáng bàn cãi, tranh luận là trong cuộc sống không phải lúc nào ở hiền cũng gặp lành, mà có khi trái ngược. Nhiều người tốt lại lâm vào hoàn cảnh nghèo khó, kém may mắn; còn những kẻ ích kỉ, độc ác thì lại sống đầy đủ, xa hoa. Phải chăng câu tục ngữ trên chỉ là liều thuốc an thần dành cho giai cấp bị trị trong xã hội cũ?!

Thật ra, những điều trái với quy luật nhân - quả ở thời nào cũng có. Mâu thuẫn ấy xuất phát từ thực tế là trong xã hội, những kẻ xấu vẫn tồn tại. Chúng liên kết với nhau, tạo thành thế lực hắc ám, tác oai tác quái, làm hại người lương thiện. Pháp luật nhiều khi chưa trừng trị chúng kịp thời hoặc xử lí chưa đến nơi đến chốn để bảo vệ quyền lợi của số đông người tốt, người hiền. Để cái thiện chiến thắng cái ác, cần phải có rất nhiều điều kiện và điều kiện đầu tiên là phải quyết tâm diệt trừ cái xấu, cái ác; khuyến khích, cổ vũ cái đẹp, cái thiện từ trong mỗi con người, mỗi gia đình và rộng ra toàn xã hội.

Chúng ta cũng không nên hiểu ở hiền chỉ có nghĩa là nhẫn nhục chịu đựng, ngoảnh mặt làm ngơ trước cái xấu, cái ác; hay là hiền lành, tử tế, không làm hại ai (nghĩa hẹp) mà phải hiểu sâu hơn, rộng hơn: ở hiền là hướng tới điều hay, điều tốt; tích cực chống lại cái xấu xa; là quan điểm sống Mình vì mọi người, mọi người vì mình (Bác Hồ); là đoàn kết giúp đỡ nhau cùng lao động sáng tạo, làm ra của cải vật chất và tinh thần để không ngừng nâng cao đời sống của toàn dân.

Câu tục ngữ trên nằm trong hệ thống tục ngữ giáo dục con người hãy sống hướng thiện (làm lành, lánh ác). Con người có lương thiện thì xã hội mới tốt đẹp. Để đạt được điều đó, chúng ta phải tự tu dưỡng, rèn luyện tư tưởng đạo đức trên cơ sở của lòng nhân ái và trách nhiệm công dân.

Nhận thức đúng đắn, rạch ròi về cái tốt, cái xấu, về đạo lí ở đời sẽ giúp chúng ta hoàn thiện nhân cách. Nhiều người tốt sẽ tạo nên sức mạnh đẩy lùi cái xấu. Chắc chắn rằng trong tương lai không xa, ý nghĩa của câu tục ngữ Ở hiền gặp lành sẽ thành hiện thực.