I. DÀN Ý.

1. Mở bài:

- Nhìn vào bộ mặt của các đô thị, người ta có thể đánh giá trình độ văn minh và mức độ phát triển của một quốc gia.

- Ở các nước tiên tiến, vấn đề giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, bảo vệ môi trường sạch đẹp được quan tâm thường xuyên.

- Người dân được giáo dục kĩ càng và có ý thức chấp hành rất tốt những quy định chung của xã hội.

- Ở nước ta, chuyện vứt rác, xả nước bẩn, làm ô uế nơi công cộng khá phổ biến. Có thể gọi hiện tượng này là nếp sống thiếu văn hoá, văn minh.

2. Thân bài:

* Phân tích nguyên nhân:

- Do lối sống ích kỉ, chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến người khác. (Dẫn chứng: Muốn cho nhà mình sạch nên đem rác vứt bừa bãi ra đường hoặc đổ xuống sông, hồ, công viên...).

- Do thói quen xấu đã có từ lâu. (Dẫn chứng: Tiện tay xả rác bất cứ nơi đâu như bến tàu, bến xe, trên sông hồ, trong vườn hoa, trên đường đi, kể cả ở những nơi danh lam thắng cảnh hay chốn tôn nghiêm).

- Do không nhận thức được hành vi của mình là vô ý thức, thiếu văn hoá, văn minh, là phá hoại môi trường sống.

(Dẫn chứng: Việc vứt rác bừa bãi gây ra sự nhếch nhác, bẩn thỉu, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, thậm chí còn gây ra những tai nạn bất ngờ cho người đi đường. Gây tốn kém cho nhà nước về mặt kinh phí chi cho việc dọn rác trên sông hồ, khai thông kênh rạch, cống rãnh...).

- Do việc giáo dục cho người dân ý thức bảo vệ môi trường chưa được làm thường xuyên và việc xử phạt chưa nghiêm túc.

3. Kết bài:

- Những hành vi thiếu văn hoá như trên rất đáng phê phán vì nó gây ra tác hại không nhỏ đối với xã hội.

- Muốn xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, văn minh, mỗi công dân đều phải có ý thức giữ gìn, bảo vệ và phát huy nếp sống: Mình vì mọi người, nâng cao trách nhiệm đối với cộng đồng.

II. BÀI LÀM

Trong thời đại ngày nay, người ta có thể đánh giá phần nào về mức độ phát triển và trình độ văn hoá, văn minh của một quốc gia qua bộ mặt của các đô thị và nếp sống của người dân. Ở các quốc gia tiên tiến, vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường được quan tâm thường xuyên cho nên việc xả rác và nước thải bừa bãi hầu như không còn nữa. Người dân được giáo dục rất kĩ về ý thức bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp. Điều đáng buồn là ở nước ta, hiện tượng khá phổ biến hiện nay là vứt rác ra những nơi công cộng, bất kể là đâu. Chỉ có thể gọi đích danh hiện tượng trên là lối sống thiếu văn hoá, văn minh.

Nguyên nhân của nó thì có rất nhiều. Thứ nhất là xuất phát từ lối sống lạc hậu, ích kỉ, chỉ biết đến quyền lợi cá nhân. Người ta nghĩ rất đơn giản rằng chỉ cần nhà mình sạch là được, còn ai bẩn mặc ai. Những nơi công cộng không phải là của mình, vậy thì việc gì phải mất công gìn giữ ? Rác bẩn, đồ phế thải, xác súc vật chết... cứ ném bừa bãi ra đường là xong, đã có đội vệ sinh lo dọn dẹp. Cách nghĩ như thế là vô cùng thiển cận và nguy hại. Bởi thế mới dẫn đến tình trạng rác rưởi tràn ngập đường phố, công viên, sông hồ, kênh rạch...

Nguyên nhân thứ hai là do thói quen xấu đã có từ lâu, khó mà sửa đổi. Người ta tiện tay vứt rác ở bất cứ chỗ nào. Ăn xong một que kem hay một chiếc kẹo, vứt que, vứt giấy xuống đất. Uống xong một lon nước ngọt hay một chai nước suối, vứt lon, vứt chai ngay tại chỗ vừa ngồi hoặc vừa đi qua. Thản nhiên, vô tư, chẳng có gì mà phải áy náy (!) Cho nên đến cả những nơi đẹp đẽ như danh lam thắng cảnh hoặc chốn tôn nghiêm như chùa chiền, đền miếu... cũng bị biến thành nơi xả rác.

Nguyên nhân thứ ba là những người hay vứt rác bừa bãi không nhận thức được rằng hành vi của mình là vô ý thức, phản văn hoá, văn minh, phá hoại môi trường sống. Việc làm sai trái của họ làm cho cảnh quan đô thị nhếch nhác và ô nhiễm nặng nề. Nếu có dịp đặt chân đến Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn vật, chắc du khách cũng phải bức xúc trước cảnh Hồ Gươm, Hồ Tây đẹp như thế mà lềnh bềnh những rác. Hoặc những phố cổ thâm nghiêm dưới bóng mát của cây xanh, lẽ ra là nơi đi dạo lí tưởng thì vỉa hè cũng ngổn ngang rác rưởi. Bến tàu, bến xe, vườn hoa, công viên... không chỗ nào mà không có rác.

Riêng ở thành phố đông dân nhất nước là Thành phố Hồ Chí Minh thì vài năm trở lại đây, tệ nạn vứt rác ra đường cũng đã giảm bớt nhưng vẫn đáng lo ngại, nhất là những khu vực chợ búa hoặc khu dân cư lao động. Người ta xả rác thẳng xuống kênh rạch, sông ngòi, xuống đường cống thoát nước, đến nỗi mùa mưa nước không thoát được, đường biến thành sông, nước bẩn tràn ngược vào nhà, mất vệ sinh vô cùng! Rồi dịch bệnh cũng từ đó mà ra. Chính quyền phải tốn hao bao công sức, tiền của vẫn chưa giải quyết được vấn đề nhức nhối này.

Nguyên nhân thứ tư là do việc giáo dục ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống chưa được quan tâm đúng mức, chưa được tổ chức thường xuyên. Do đó mà trình độ hiểu biết của người dân còn thấp. Thái độ tự giác tuân thủ nội quy nơi công cộng chưa đi vào nề nếp, cao hơn nữa là thành nếp sống văn minh. Bên cạnh đó, việc xử phạt những người vô ý thức cũng chưa nghiêm túc, cho nên chưa đủ sức răn đe.

Để có được một cuộc sống phát triển văn minh, hiện đại, chúng ta còn phải phấn đấu rất nhiều. Trước hết, cần xoá bỏ những tệ nạn tồn tại bấy lâu, trong đó có nạn vứt rác bừa bãi nơi công cộng. Hành vi ích kỉ, thiếu văn hoá ấy cần phải phê phán và chấm dứt để cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn. Hãy sống theo tinh thần: Mình vì mọi người, mọi người vì mình. Có như vậy môi trường sống mới trở nên xanh - sạch - đẹp và Trái Đất mới thực sự là ngôi nhà chung đáng yêu của nhân loại.