I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Vài nét về tác giả, tác phẩm:

- Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc của giai đoạn văn học 1930 - 1945.

- Nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên là một lão nông gặp nhiều nỗi khổ tâm và bất hạnh vì nghèo đói nhưng có phẩm chất tốt đẹp: chất phác, đôn hậu, thương con và có lòng tự trọng.

2. Thân bài:

* Lão Hạc bất hạnh vì nghèo đói:

- Lão khổ tâm vì nghèo không có tiền cưới vợ cho con, để con phẫn chí bỏ làng vào tận Nam Kì kiếm sống.

- Lão Hạc thương con nên yêu quý và chăm sóc con chó Vàng của con để lại.

- Lão Hạc quý con chó Vàng nhưng vì túng quẫn mà phải bán nó đi nên lão rất đau lòng.

- Ốm đau, đói khát... lão Hạc vật vã sống qua ngày trong nỗi cô đơn.

* Lão Hạc là người chất phác, đôn hậu, thương con và có lòng tự trọng:

- Tuy nghèo nhưng lão Hạc sống trong sạch; biết cư xử, tôn trọng người có học.

- Lão giữ gìn danh dự, không muốn phiền lụy đến người khác.

- Lão Hạc quyết chết để không tiêu phạm vào số vốn liếng ít ỏi để dành cho con trai.

3. Kết bài:

- Nhân vật lão Hạc là một thành công nghệ thuật của Nam Cao trong việc xây dựng hình tượng người nông dân trước Cách mạng tháng Tám: nghèo khổ nhưng giàu lòng thương con, đôn hậu, chất phác và trong sạch.

II. BÀI LÀM

Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc trong giai đoạn văn học 1930 - 1945. Qua nhiều tác phẩm, tác giả đã vẽ nên khung cảnh tiêu điều, xơ xác của nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Sự đói khổ ám ảnh nhà văn bởi nó ảnh hưởng không ít tới nhân cách, nhưng trong cảnh nghèo đói thê thảm, phẩm chất tốt đẹp của người nông dân vẫn tồn tại và âm thầm toả sáng. Truyện ngắn Lão Hạc thể hiện cái nhìn nhân đạo sâu sắc của Nam Cao. Trong đó, nhân vật chính là một nông dân gặp nhiều nỗi bất hạnh vì nghèo đói nhưng chất phác, đôn hậu, thương con và có lòng tự trọng.

Vợ mất sớm, lão Hạc dồn tất cả tình yêu thương cho đứa con trai duy nhất. Lão sẽ sung sướng biết bao nếu con trai lão được hạnh phúc, nhưng con trai lão đã bị phụ tình chỉ vì quá nghèo, không đủ tiền cưới vợ. Thương con, lão thấu hiểu nỗi đau lòng của con khi anh nghe lời cha, không bán mảnh vườn để lấy tiền cưới vợ mà chấp nhận sự tan vỡ của tình yêu. Càng thương con, lão càng xót xa đau đớn vì không giúp được con thoả nguyện, đến nỗi phẫn chí bỏ nhà đi phu đồn điền đất đỏ mãi tận Nam Kì. Mỗi khi nhắc đến con, lão Hạc lại rơi nước mắt.

Lão Hạc rất quý con chó vì nó là kỉ vật duy nhất của đứa con trai. Lão trìu mến gọi là cậu Vàng và cho nó ăn cơm bằng chiếc bát lành lặn. Suốt ngày, lão thầm thì to nhỏ với con Vàng. Với lão, con Vàng là hình bóng của đứa con trai yêu quý, là người bạn chia sẻ cô đơn với lão. Vì thế nên bao lần định bán con Vàng mà lão vẫn không bán nổi.

Nhưng nếu vì nhớ con mà lão Hạc không muốn bán cậu Vàng thì cũng chính vì thương con mà lão phải dứt khoát chia tay với nó. Lão nghèo túng quá! Lão đã tính chi li mỗi ngày cậu ấy ăn thế, bỏ rẻ cũng mất hào rưỡi, hai hào đấy. Cứ mãi thế này thì tôi lấy tiền đâu mà nuôi được... Thôi thì bán phắt đi! Đỡ được đồng nào, hay đồng ấy. Bây giờ tiêu một xu cũng là tiêu vào tiền của cháu. Tiêu lắm chỉ chết nó.

Thế là vì lo tích cóp, giữ gìn cho con trai chút vốn mà lão Hạc đành chia tay với con chó yêu quý. Đã quyết như thế nhưng lão vẫn đau đớn, xót xa. Lão kể cho ông giáo nghe cảnh bán cậu Vàng với nỗi xúc động cực độ. Lão đau khổ dằn vặt vì cảm thấy mình đã đánh lừa một con chó. Nỗi khổ tâm của lão cứ chồng chất mãi lên. Trước đây, lão dằn vặt mãi về chuyện vì nghèo mà không cưới được vợ cho con, thì bây giờ cũng chỉ vì nghèo mà lão thêm day dứt là đã cư xử không đàng hoàng với một con chó. Lão cố chịu đựng những nỗi đau đớn ấy cũng chỉ nhằm một mục đích là giữ gìn chút vốn cho con.

Biểu hiện cao nhất của tình yêu thương con chính là cái chết của lão. Ông lão nông dân nghèo khổ ấy đã tính toán mọi đường: Bây giờ lão chẳng làm gì được nữa... Cái vườn này là của mẹ nó chắt chiu dành dụm cho nó, ta không được ăn vào của nó... Ta không thể bán vườn để ăn... Chính vì thương con, muốn giữ cho con chút vốn giúp nó thoát khỏi cảnh nghèo mà lão Hạc đã chọn cho mình cái chết. Đó là một sự chọn lựa tự nguyện và dữ dội. Nghe những lời tâm sự của lão Hạc với ông giáo, không ai có thể kìm nổi lòng xót thương, thông cảm và khâm phục. Một con người vì nghèo đói mà bất hạnh đến thế là cùng! Một người cha thương con đến thế là cùng!

Không chỉ có vậy, qua từng trang truyện, chúng ta còn thấy lão Hạc là người đôn hậu, chất phác. Suốt đời, lão sống quanh quẩn trong luỹ tre làng. Trong làng chỉ có ông giáo là người có học nên lão tìm đến ông giáo để chia sẻ tâm sự. Lời lẽ của lão Hạc đối với ông giáo lúc nào cũng lễ phép và cung kính. Đó là cách bày tỏ thái độ kính trọng người hiểu biết, nhiều chữ của một lão nông. Cảnh ngộ lão Hạc đã đến lúc túng quẫn nhưng lão tự lo liệu, xoay xở, cố giữ nếp sống trong sạch, tránh xa lối đói ăn vụng túng làm càn. Thậm chí, lão kiên quyết từ chối sự giúp đỡ chỉ vì lòng thương hại.

Lão đã chuẩn bị kĩ lưỡng mọi việc. Trước khi chết, lão nhờ ông giáo viết văn tự để giữ hộ con trai mình mảnh vườn và gửi ông giáo 30 đồng để lo chôn cất. Lão không muốn mọi người phải tốn kém vì lão. Rất có thể vì tốn kém mà người ta lại chẳng oán trách lão sao? Không phiền lụy đến mọi người, đó cũng là cách để giữ gìn phẩm giá. Thì ra ông lão có vẻ ngoài gàn dở ấy lại có phẩm chất đáng quý biết nhường nào!

Nhà văn Nam Cao đã giúp chúng ta hiểu được nỗi khổ tâm, bất hạnh vì nghèo đói cùng những vẻ đẹp cao quý trong tâm hồn người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Từ những trang sách của Nam Cao, hình ảnh lão Hạc luôn nhắc chúng ta nhớ đến những con người nghèo khổ mà trong sạch với một tình cảm trân trọng và yêu quý.