I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Chất thép trong thơ Bác thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.

- Nhà nghiên cứu phê bình văn học Hoài Thanh nhận xét: Khi Bác nói trong thơ có thép... tinh thần thép.

- Căn cứ vào nội dung thơ Bác, chúng ta hiểu chất thép chính là tính chất chiến đấu kiên cường, tinh thần lạc quan, tin tưởng vào tương lai cách mạng của người chiến sĩ.

2. Thân bài:

* Giải thích:

+ Chất thép trong thơ Hồ Chí Minh:

- Biểu hiện rõ ràng qua một số bài thơ như: Đề từ, Bốn tháng rồi (NKTT) với nội dung đề cao tinh thần chiến đấu và ý chí, nghị lực kiên cường của người chiến sĩ cách mạng. (Số bài như vậy rất ít).

- Biểu hiện dưới nhiều hình thức uyển chuyển, linh hoạt, qua các hình tượng thơ giàu chất trữ tình (Đi đường, Giải đi sớm, Tự khuyên mình, Ngắm trăng, Chiều tối...).

- Chất thép thể hiện trong cách nhìn của Bác đối với thiên nhiên. Bác thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên ngay cả trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, từ đó suy ngẫm và chiêm nghiệm về những quy luật của cuộc đời, của xã hội... với một niềm tin không gì lay chuyển nổi.

- Chất thép thể hiện trong những lời Bác tự khuyên mình, tự động viên mình không ngừng phấn đấu vượt qua mọi gian nan, thử thách trên con đường cách mạng.

+ Chứng minh bằng một bài thơ:

- Bài thơ Tự khuyên mình tiêu biểu cho những bài thơ đầy chất thép mà không lên giọng thép.

- Bác đưa ra hai hình ảnh đối lập để chứng minh cho quy luật của Tạo hoá:

Ví không có cảnh đông tàn,

Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân.

- Từ chiêm nghiệm về quy luật thiên nhiên, Bác rút ra quy luật phấn đấu, tu dưỡng của con người, cụ thể là của bản thân. Trên con đường cách mạng đầy gian nan, nguy hiểm, con người phải biết chấp nhận thử thách và cố gắng vượt qua để dày dạn, trưởng thành.

- Cảnh huy hoàng ngày xuân tượng trưng cho tương lai tươi sáng của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

- Với niềm tin vững chắc, Bác luôn tự động viên mình giữ vững phẩm chất trung kiên, bất khuất của người chiến sĩ cách mạng:

Nghĩ mình trong bước gian truân,

Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.

- Chất thép thể hiện qua nhận thức đúng đắn của Bác: gian truân, tai ương không thể ngăn cản bước chân người chiến sĩ. Nó chỉ là những thử thách để Bác rèn luyện tinh thần thêm hăng, thêm quyết tâm theo đuổi và thực hiện lí tưởng cao quý vì dân, vì nước.

3. Kết bài:

- Chất thép trong thơ Bác phản ánh sinh động chất thép trong phẩm chất tốt đẹp của Bác.

- Từng câu, từng chữ, từng hình ảnh trong thơ Bác đều ẩn chứa tinh thần cách mạng, ý chí ngoan cường của vị lãnh tụ giản dị mà vĩ đại.

- Chúng ta rút ra được rất nhiều bài học bổ ích từ cuộc đời và thơ văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người chiến sĩ - thi sĩ kết tinh tinh hoa của dân tộc và thời đại.

II. BÀI LÀM

Thơ văn của Bác bài nào, câu nào cũng có thép nhưng chất thép được biểu hiện dưới rất nhiều hình thức khác nhau. Vì thế, đọc thơ Bác, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Hoài Thanh viết: Khi Bác nói trong thơ có thép, ta cũng cần tìm hiểu thế nào là thép ở trong thơ. Có lẽ phải hiểu một cách rất linh hoạt mới đúng. Không phải cứ nói chuyện thép, lên giọng thép mới có tinh thần thép.

Trong bài Cảm tưởng đọc Thiên gia thi, Bác nêu rõ quan điểm của mình:

Nay ở trong thơ nên có thép,

Nhà thơ cũng phải biết xung phong.

Vậy thế nào là chất thép trong thơ? Căn cứ vào nội dung thơ Bác, chúng ta hiểu chất thép chính là tính chiến đấu, là tinh thần lạc quan, tin tưởng của người chiến sĩ.

Nhật kí trong tù có những bài đề cao tinh thần chiến đấu và ý chí không gì lay chuyển nổi của người chiến sĩ cách mạng:

Thân thể ở trong lao

Tinh thần ở ngoài lao

Muốn nên sự nghiệp lớn

Tinh thần càng phải cao

(Đề từ)

Нoặс:

Kiên trì và nhẫn nại

Không chịu lùi một phân

Vật chất tuy đau khổ

Không nao núng tinh thần

(Bốn tháng rồi)

Những bài như thế chiếm số lượng rất ít trong tập thơ. Nhưng chất cách mạng và tinh thần chiến sĩ trong thơ đâu phải chỉ có một dạng biểu hiện trực tiếp mới là có chất thép? Phần lớn các bài thơ không nói đến cách mạng, đến tinh thần chiến đấu, có nghĩa là không hề nói chuyện thép và lên giọng thép. Ấy thế nhưng chất thép lại ẩn chứa sau từng câu, từng chữ, từng hình ảnh sinh động, vui tươi hay đằng sau nụ cười hóm hỉnh, hài hước hoặc mỉa mai. Trong tù, tay bị xích, chân bị cùm mà Bác vẫn thưởng thức vẻ đẹp của ánh trăng lọt qua song cửa, vẫn làm thơ và để Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu, đó là chất thép. Trên đường bị áp giải từ nhà lao này sang nhà lao khác, Bác phải chịu cảnh: Năm mươi ba cây số một ngày, Áo mũ dầm mưa, rách hết giày, Lại khổ thâu đêm không chỗ ngủ, Ngồi trên hố xí đợi ngày mai, đó cũng là chất thép. Nhìn xiềng xích và dây trói quấn đầy mình mà Bác lại ví: Rồng cuốn vòng quanh chân với tay, Trông như quan võ quấn tua vai. Nghe tiếng xiềng sắt loảng xoảng theo mỗi bước chân, bất chợt Bác nảy ra so sánh thú vị: Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung... thì phải nói rằng tất cả những cái đó là biểu hiện cụ thể và sâu sắc cái chất thép thấm trong cốt tuỷ người chiến sĩ - thi sĩ Hồ Chí Minh.

Chất thép còn thể hiện thường xuyên trong cách nhìn của Bác đối với thiên nhiên. Người say đắm trước vẻ đẹp lộng lẫy của buổi bình minh hay một hoàng hôn nơi sơn dã với cánh chim tìm về tổ, chòm mây trôi nhẹ giữa từng không, ánh lửa ấm áp bừng lên trong chiều muộn. Người vui với tiếng Chim ca rộn núi, với những làn hương thanh khiết của cỏ hoa bắt gặp trên đường lưu đày và tìm thấy ở đấy những người bạn tri âm, tri kỉ... Thưởng thức tất cả những cái hay, cái đẹp của thiên nhiên trong tư thế của một người tù bị tước đoạt tự do, phải chăng đó chính là tinh tuý của chất thép trong hồn Bác, trong thơ Bác?

Sau đây là ví dụ cụ thể về một bài thơ không nói chuyện thép, không lên giọng thép mà vẫn thấm nhuần một tinh thần thép:

TỰ KHUYÊN MÌNH

Ví không có cảnh đông tàn,

Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân.

Nghĩ mình trong bước gian truân,

Tai ương rèn luyện, tinh thần thêm hăng.

Bài thơ này Bác sáng tác trong cảnh tù ngục tối tăm, khổ ải của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Chế độ lao tù thường làm kiệt quệ thân xác và mòn mỏi ý chí con người. Trong những ngày dài chờ đợi được trả lại tự do, Bác đã ngẫm nghĩ sâu xa và tự khuyên mình như thế. Song ý nghĩa của bài thơ không bó hẹp trong phạm vi một lời tự khuyên mình mà nó trở thành một bài học nhân sinh sâu sắc cho mỗi con người trong quá trình phấn đấu, rèn luyện để trưởng thành.

Mở đầu bài thơ, Bác đưa ra hai hình ảnh đối lập nhau để chứng minh cho quy luật bất di bất dịch của Tạo hoá:

Ví không có cảnh đông tàn,

Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân.

Một năm, trời đất trải qua bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Cái vòng tuần hoàn ấy diễn ra đều đặn như thế đã bao đời. Mùa đông, đất trời ảm đạm, lạnh giá, mấy ai ưa thích? Nhưng không thể bỏ qua mùa đông u ám để từ mùa thu nắng vàng gió nhẹ đến ngay với mùa xuân hoa lá tốt tươi. Từ chiêm nghiệm về quy luật thiên nhiên, Bác rút ra quy luật cuộc sống của con người. Trên bước đường tạo dựng sự nghiệp, ai cũng phải trải qua gian nan, thử thách, thậm chí tai ương. Có đắng cay mới có ngọt bùi, điều đó cũng là một quy luật tất yếu. Những gian nan, thử thách được Bác ngầm so sánh với mùa đông khắc nghiệt. Muốn đến được với mùa xuân (thành công, hạnh phúc), bắt buộc phải đi qua nó.

Bởi hiểu rất rõ quy luật thiên nhiên, quy luật xã hội nên trước sau, Bác luôn giữ vững lòng tin vào tương lai tươi sáng của cách mạng; đồng thời Người phấn đấu hết sức mình vì sự nghiệp chung. Tư tưởng chỉ đạo mọi suy nghĩ, hành động của Bác là thắng không kiêu, bại không nản. Vì thế không may lâm vào cảnh lao tù, Bác vẫn giữ vững ý chí của người chiến sĩ kiên trung:

Nghĩ mình trong bước gian truân,

Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.

Gian truân, tai ương không thể cản bước Bác mà nó chỉ là những thử thách để Người rèn luyện tinh thần thêm hăng trên con đường phấn đấu, hi sinh cho dân tộc và đất nước. Không sợ khó khăn, biết vượt lên trên sự ràng buộc của hoàn cảnh, đó là điều kiện cần thiết để rèn luyện bản thân, là phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ. Đó cũng chính là chất thép trong con người Bác Hồ.

Bốn câu thơ nhẹ nhàng như một lời tự nhủ - mình nói với mình, nhưng lại có sức âm vang bởi đằng sau từng câu, từng chữ đều tự nhiên toát lên một tinh thần cách mạng, một ý chí gang thép và một nghị lực phi thường. Bài thơ là bài học lớn lao, thấm thía cho mỗi chúng ta trên đường đời.