I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Sách Ngữ Văn ở phổ thông hiện nay gồm ba phân môn Văn, Tiếng Việt, Làm văn có liên quan chặt chẽ với nhau.

- Môn Làm văn rèn luyện cho học sinh kĩ năng viết, xây dựng văn bản.

- Nếu chỉ học thuộc lí thuyết về phương pháp xây dựng một vài kiểu văn bản thì không thể nào viết được một bài văn hay. Bởi lẽ nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

2. Thân bài:

* Làm văn là phân môn có tính chất thực hành:

- Việc rèn luyện kĩ năng viết văn phải qua một quá trình lâu dài, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.

- Phải làm thường xuyên, liên tục.

* Yếu tố nào có ý nghĩa quyết định đối với năng lực Làm văn của mỗi người?

+ Tích luỹ kiến thức, chuẩn bị chất liệu để làm văn:

- Phải học thuộc và hiểu (kiến thức văn học sử, tác giả và tác phẩm cụ thể...) những kiến thức văn học, kiến thức xã hội để sử dụng khi làm bài.

- Việc tích luỹ kiến thức phải được thực hiện bằng nhiều cách: học trong nhà trường, qua sách vở, học từ thực tế cuộc sống xung quanh. Biết chọn sách tốt, sách hay và đọc sách theo phương pháp khoa học.

+ Nắm vững phương pháp làm từng kiểu bài cụ thể:

Phải biết vận dụng lí thuyết vào từng đề bài cụ thể. Khi làm một bài văn phải thông qua ba bước: phân tích đề, lập dàn ý và tạo văn bản.

- Bước 1: Phân tích để: Tìm hiểu và xác định đúng yêu cầu về nội dung và hình thức của đề.

- Bước 2: Làm dàn bài: Từ cơ sở là luận đề hay chủ đề của văn bản, phải xây dựng được hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng thích hợp.

- Bước 3: Tạo văn bản: Phải biết viết câu văn đúng ngữ pháp, liên kết các câu thành một đoạn văn và liên kết các đoạn văn với nhau thành văn bản hoàn chỉnh. Ở những bài văn đề tài tự do, người viết có điều kiện bày tỏ quan điểm riêng của mình.

+ Có niềm yêu thích, say mê văn chương:

- Nếu có năng khiếu thì việc học môn Làm văn sẽ dễ dàng hơn. Tuy vậy, sự kiên trì cố gắng của bản thân vẫn là quan trọng. Muốn giỏi Văn phải biết nuôi dưỡng tình yêu sâu sắc, lâu bền đối với văn chương và phải thường xuyên rèn luyện kĩ năng nói và viết từ đúng đến hay.

3. Kết bài:

- Kĩ năng làm văn chỉ có thể có được sau một quá trình rèn luyện lâu dài.

- Nếu biết kết hợp một cách nhuần nhuyễn các khâu đọc - học - viết với tinh thần chủ động và sáng tạo thì kĩ năng làm văn sẽ dần dần được nâng cao.

II. BÀI LÀM

Chương trình sách giáo khoa Ngữ văn bậc Trung học cơ sở hiện nay được biên soạn theo hướng tích hợp. Biểu hiện rõ nhất là việc sáp nhập ba phần lâu nay vẫn thường được gọi là ba phân môn (Văn, Tiếng Việt, Làm văn) vào một chỉnh thể là môn Ngữ Văn. Mỗi bài học đều gồm đủ ba phần: Văn, Tiếng Việt, Làm văn.

Điểm mới trong việc học môn Ngữ Văn là sự kết hợp chặt chẽ giữa quá trình tiếp thu kiến thức và rèn luyện kĩ năng. Mỗi phân môn đều có một số yêu cầu riêng. Chính vì vậy, điều có ý nghĩa quyết định đối với năng lực làm văn của mỗi người là phải nắm vững môn Văn, Tiếng Việt và biết cách xây dựng văn bản, nghĩa là phải nắm vững lí thuyết Làm văn. Nếu chỉ học thuộc lí thuyết về phương pháp xây dựng một vài kiểu văn bản thì chúng ta không thể viết được một bài văn hay.

Phân môn Làm văn được dạy trong nhà trường với mục đích rèn luyện cho học sinh phương pháp xây dựng các loại văn bản thường sử dụng trong cuộc sống. Bài văn là đơn vị ngôn từ - văn từ gồm nhiều câu, nhiều đoạn, mang một nội dung nhất định, thông báo đến người đọc những điều mà người viết muốn truyền đạt. Một bài văn hay phải là bài văn truyền đạt được đầy đủ ý và tình của người viết đến người đọc. Muốn viết được một bài văn hay, người viết phải có nhiều yếu tố cần thiết.

Thứ nhất là kiến thức văn học và kiến thức xã hội phải vững vàng.

Làm văn là một phân môn có tính chất thực hành với mục đích rèn luyện kĩ năng sử dụng ngôn ngữ viết cho học sinh, cho nên phải được làm thường xuyên, liên tục, theo trình tự từ dễ đến khó, từ thấp đến cao. Các kiểu bài Làm văn thường liên quan đến kiến thức văn chương, tức là các tác phẩm đã được học. Vì thế, để có được kĩ năng Làm văn thì khâu quan trọng đầu tiên chính là chuẩn bị chất liệu. Kiến thức văn học không phải ngày một ngày hai mà có. Chúng ta phải tích luỹ dần dần bằng mọi cách: nghe thầy cô giảng, đọc kĩ các bài văn, bài thơ trong sách giáo khoa và mở rộng ra là tìm đọc tác phẩm cùng các tư liệu bình luận, đánh giá về tác giả, tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Người xưa dạy: Có bột mới gột nên hồ. Kiến thức vững vàng, chính xác quyết định phần lớn đến chất lượng của bài viết.

Học sinh phải nắm được một số khái niệm và thao tác phân tích tác phẩm văn học, có được những tri thức sơ giản về thi pháp, về lịch sử Văn học. Trước hết là hiểu được một số tác phẩm văn học ưu tú của Việt Nam và thế giới, tiêu biểu cho những thể loại quen thuộc.

Năng lực thưởng thức, phân tích một tác phẩm văn học tuỳ thuộc vào trình độ hiểu biết cùng cách cảm thụ của mỗi cá nhân. Trước một bài thơ, một bài văn hoặc một truyện ngắn, muốn hiểu được cái hay về nội dung, cái đẹp về nghệ thuật, người đọc phải vận dụng hiểu biết của mình về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, tâm trạng tác giả, mục đích sáng tác, đặc trưng của thể loại, của ngôn từ và hình tượng văn học trong tác phẩm... Mà muốn có được ngần ấy thứ thì phải học, học nữa, học mãi, để không ngừng bổ sung và nâng cao vốn kiến thức văn chương cùng vốn sống thực tế.

Mọi người đều biết rằng mỗi tác phẩm văn học là một thế giới nghệ thuật chứa đựng đầy ý nghĩa, nhưng ý nghĩa đó lại được biểu hiện qua những tín hiệu ngôn ngữ nghệ thuật, qua những hình tượng văn chương độc đáo, sản phẩm trí tưởng tượng phong phú của nhà văn, nhà thơ. Vì thế, người đọc phải đem kinh nghiệm, tưởng tượng mà suy đoán, thể nghiệm để có thể thâm nhập được vào thế giới riêng của tác phẩm. Có như vậy thì mới hiểu ý nghĩa đích thực của nội dung tư tưởng và những đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm. Bên cạnh kiến thức về văn chương, chúng ta cần phải có kiến thức về xã hội và các môn học khác có liên quan. Kiến thức thể hiện tầm hiểu biết rộng hay hẹp của người viết, cho nên chúng ta phải trang bị cho mình một hệ thống kiến thức văn học chắc chắn để ứng tác trong những tình huống khác nhau.

Có vốn liếng kiến thức chưa phải là đủ. Khi làm bài, người viết còn phải biết huy động kiến thức, có nghĩa là vận dụng trí nhớ để lấy ra, chọn ra những kiến thức cần thiết cho một bài làm văn cụ thể.

Điều thứ hai cũng không kém phần quan trọng là phải nắm vững phương pháp làm từng kiểu bài cụ thể. Trong chương trình Làm văn ở phổ thông cơ sở có sáu kiểu văn bản chính, nhằm hình thành và luyện tập sáu phương thức tạo lập văn bản là: tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, hành chính. Mỗi kiểu văn bản lại được chia thành các loại nhỏ. Ví dụ: Văn nghị luận gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Những vấn đề xã hội được đưa ra bình luận thường xoay quanh chủ đề luân lí, đạo đức (công cha nghĩa mẹ, tình nghĩa anh em, tình cảm giai cấp, dân tộc, tầm quan trọng của việc học tập và tu dưỡng v...v). Phổ biến hơn cả là nghị luận văn học (chứng minh, phân tích, bình luận, bình giảng... một bài văn, bài thơ cụ thể nào đó...). Muốn đáp ứng được yêu cầu của bài viết, chúng ta phải nắm vững lí thuyết chung về thiết lập văn bản và lí thuyết riêng của từng kiểu bài.

Muốn làm được một bài văn đạt yêu cầu, chúng ta phải thực hiện đủ ba bước: Phân tích đề, lập dàn ý và tạo văn bản.

Thông thường, một đề văn nghị luận dù bất cứ dưới dạng nào cũng cho biết hai thông báo: thao tác nghị luận chính cần vận dụng (kiểu bài) và phạm vi nội dung kiến thức cần nghị luận. Kết hợp hai thông báo này, chúng ta sẽ tìm ra cách giải quyết một đề bài cụ thể.

Ngay từ công việc đầu tiên là phân tích đề thì tính chính xác đã được đặt lên hàng đầu. Xác định yêu cầu đúng (yêu cầu nội dung, yêu cầu hình thức), chúng ta sẽ làm bài đúng, xác định sai sẽ dẫn đến lạc đề.

Tiếp sau khâu phân tích đề là khâu lập dàn ý. Dàn ý được coi như cái sườn, cái khung của bài viết. Cấu trúc chung của dàn ý gồm ba phần: Mở bài, thân bài, kết bài. Phần mở bài gồm: Giới thiệu vài nét về xuất xứ của vấn đề, nêu luận đề. Phần thân bài gồm hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng thích hợp. Phần kết bài là lời nhận xét, đánh giá về giá trị của luận đề.

Vấn đề được đưa ra nghị luận gọi là luận đề. Luận đề có khi chỉ một ý, có khi từ hai đến ba ý. Người viết phải xác định ý chính, ý phụ để tập trung vào trọng tâm của bài làm văn.

Trên cơ sở dàn ý, người viết triển khai thành một văn bản hoàn chỉnh. Tuỳ theo từng kiểu bài cụ thể mà chọn phương pháp lập luận cho hợp tình, hợp lí. Cái tài của người viết là phải biết liên kết các luận điểm, luận cứ với nhau. Dẫn chứng phải chọn lọc, chính xác. Để tăng sức thuyết phục cho bài viết, người viết phải cố gắng vươn tới những khám phá riêng, dù là rất nhỏ hoặc chưa trọn vẹn. Điều quan trọng là chúng ta phải có ý thức tìm tòi, suy nghĩ, học thầy, học bạn, học trong sách vở và ngoài cuộc sống một cách chủ động, linh hoạt và sáng tạo.

Đối với những đề bài yêu cầu người viết thể hiện cách hiểu, cách cảm một bài văn, bài thơ nào đó, chúng ta được tự do bày tỏ chủ kiến của mình nên có thể có những ý nghĩ, phát hiện mới lạ, độc đáo nhờ cảm nhận tự nhiên, trung thực.

Điều thứ ba là phải nắm chắc kiến thức Tiếng Việt. Nhiều người cho rằng không cần học bộ môn Tiếng Việt mà vẫn nói đúng và viết đúng. Nhận thức như thế là sai, bởi vì khi học bộ môn này tức là chúng ta học cách sử dụng từ chính xác và các quy tắc tạo câu, tạo đoạn và văn bản từ đúng đến hay. Trên cơ sở đó, chúng ta mới phát hiện được những lỗi sai về ngữ nghĩa, ngữ pháp trong quá trình viết văn.

Với phân môn Làm văn, học sinh không chỉ biết lí thuyết đơn thuần mà còn phải biết học theo mẫu tốt. Đừng nghĩ học theo mẫu là không phát huy được tính tích cực. Phải đọc kĩ, động não để phân tích thì mới thấy được cái hay của mẫu, mới nắm được các quy cách, thể thức cần rút ra từ các mẫu, rồi từ đó mới có thể làm theo mẫu một cách sáng tạo.

Điều cần thiết cuối cùng để viết được một bài văn hay là thái độ và tình cảm của người viết đối với con người và cuộc đời. Đó là ý thức ứng xử, giao tiếp trong gia đình, trong trường học và ngoài xã hội một cách có văn hoá; yêu quý những giá trị chân, thiện, mĩ và khinh ghét những cái xấu xa, độc ác.

Nói tóm lại, để rèn luyện được kĩ năng Làm văn từ đúng đến hay, quả là một quá trình học tập, phấn đấu lâu dài. Nếu ai có năng khiếu thì đương nhiên sẽ đỡ vất vả hơn, nhưng trong thành công chỉ có một phần nhỏ năng khiếu, còn phần lớn là do sự nỗ lực của bản thân. Muốn giỏi Văn, trước hết phải yêu thích, say mê văn chương. Phải cảm thụ tác phẩm bằng cả lí trí và tình cảm để thấy được tài nghệ của tác giả thể hiện qua tác phẩm. Phải hoá thân vào nhân vật, thực sự sống trong thế giới của tác giả, tác phẩm thì chúng ta mới thẩm thấu và thể hiện được cái hay, cái đẹp của nó qua bài viết. Đọc - học - viết không ngừng với tinh thần chủ động và sáng tạo, chắc chắn kĩ năng Làm văn của mỗi chúng ta sẽ ngày càng tiến bộ.