I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Giáo dục đạo lí làm người cho con cháu là việc làm rất được coi trọng của ông cha ta từ trước đến nay. Những bài học sâu sắc thường được chứa đựng trong ca dao tục ngữ.

- Câu tục ngữ: Uống nước nhớ nguồn là bài học về lòng biết ơn, thái độ trân trọng đối với những người đã tạo ra thành quả cho xã hội.

2. Thân bài:

* Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ: Uống nước nhớ nguồn.

- Nghĩa tường minh: Uống nước phải nhớ nguồn (nơi khởi đầu của dòng nước).

- Nghĩa hàm ẩn: Người được hưởng thành quả lao động phải nhớ ơn người đã tạo ra thành quả đó.

- Mở rộng: Thế hệ sau phải ghi nhớ công ơn của các thế hệ trước.

* Tại sao Uống nước phải nhớ nguồn?

- Vì tất cả mọi thành quả lao động (vật chất và tinh thần) mà chúng ta được hưởng ngày nay là do công sức của bao thế hệ tạo nên. Nhiều thành quả phải đổi bằng xương máu (như thành quả Cách mạng).

* Thái độ của người uống nước đối với nguồn:

- Là thái độ trân trọng, biết ơn.

- Là ý thức vun đắp, bảo vệ và góp phần phát triển những thành quả đã đạt được, góp công sức của mình làm cho gia đình ấm no, đất nước giàu mạnh.

- Là thái độ phê phán những biểu hiện sai trái với đạo lí dân tộc như bạc bẽo, vô ơn, phủ nhận, quên lãng quá khứ.

3. Kết bài:

- Lòng biết ơn là một tình cảm mang tính truyền thống của dân tộc ta. Mỗi học sinh phải có ý thức thường xuyên trau dồi cho mình thái độ quý trọng cha mẹ, thầy cô và những người làm ra của cải vật chất, tinh thần cho chính chúng ta và cho xã hội.

II. BÀI LÀM

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống đạo lí vô cùng tốt đẹp. Trong truyền thống đạo lí đó, chữ nhân được đặt lên hàng đầu. Một khía cạnh của nhân nghĩa là lòng biết ơn - thứ tình cảm cao quý thiêng liêng. Người xưa rất coi trọng việc giáo dục đạo đức cho con cháu. Biết bao bài học lớn lao, sâu sắc đã được gửi gắm vào ca dao, tục ngữ; vào những lời ru mộc mạc mà chan chứa nghĩa tình. Câu tục ngữ: Uống nước nhớ nguồn cũng nằm trong mạch đạo lí truyền thống tốt đẹp ấy.

Mượn một hình ảnh giản dị để gửi gắm một triết lí sống sâu xa, đó là cách thể hiện quen thuộc của người xưa. Không đao to búa lớn, cứ rủ rỉ, ngọt ngào mà thấm thía, lòng biết ơn được nhắc tới trong mọi hoàn cảnh khác nhau. Bắt đầu bữa cơm mới ngọt ngào hương vị đồng quê, người lao động nhắn nhủ: Ai ơi bưng bát cơm đầy, Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần. Khi giơ tay hái một trái cây chín mọng trên cành lại nhớ đến công lao của kẻ trồng cây. Lúc sung sướng uống từng ngụm nước mát lành vẫn không quên nhắc nhau phải nhớ nguồn.

Ý nghĩa của câu tục ngữ trên không dừng lại ở đó mà cao hơn, sâu hơn, nó nhắc nhở chúng ta phải trân trọng, biết ơn những người đi trước đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu xương để đem lại thành quả tốt đẹp mà chúng ta đang hưởng thụ.

Ông cha ta suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước đã đổ bao mồ hôi, xương máu để hôm nay con cháu được sống dưới bầu trời độc lập, tự do. Cha mẹ sinh thành ra ta, nuôi ta khôn lớn, công lao ấy cao tựa Thái Sơn. Thầy cô dạy dỗ ta nên người có ích cho xã hội, ơn nghĩa ấy lớn như biển rộng.

Rồi chén cơm ta ăn, tấm áo ta mặc, cuốn sách ta học... là thành quả lao động của bao người ngày đêm miệt mài trên đồng ruộng, trong xưởng máy... Kết quả sáng tạo không ngừng ấy chính là nguồn nước vô tận mà chúng ta đang được thừa hưởng. Chúng ta phải trân trọng và biết ơn cái mạch nguồn trong trẻo đó.

Lòng biết ơn là cơ sở của đạo làm người. Một xã hội chỉ thực sự tốt đẹp khi nó được xây dựng vững vàng trên nền tảng đạo lí. Trên khắp đất nước ta, lòng biết ơn thể hiện qua việc thờ phụng các bậc tiền bối có công mở nước và giữ nước ở các đình miếu, chùa chiền, vào các dịp lễ hội như Giỗ Tổ Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Thánh Gióng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Công lao của các vị anh hùng dân tộc luôn được nhân dân ta nhắc nhở, tưởng niệm với lòng thành kính và biết ơn sâu sắc.

Trong mỗi gia đình, bàn thờ tổ tiên, ông bà... được đặt ở nơi trang trọng nhất cũng là biểu hiện của tình cảm uống nước nhớ nguồn. Chính sự kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc của các thế hệ hôm nay đã tạo nên sức sống muôn đời của non sông đất nước Việt Nam.

Hiện nay, cả nước ta đang dấy lên phong trào đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, những bà mẹ anh hùng, những gia đình có công với cách mạng. Đảng và Nhà nước cùng toàn dân thực sự quan tâm, chăm sóc các đối tượng chính sách. Thương binh được học nghề, được trợ vốn làm ăn; các gia đình liệt sĩ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng được tặng nhà tình nghĩa, được các cơ quan, đoàn thể phụng dưỡng, săn sóc tận tình. Rồi những cuộc hành quân về chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội, những nghĩa trang liệt sĩ đẹp đẽ với đài Tổ quốc ghi công sừng sững, uy nghiêm, luôn nhắc nhở mọi người, mọi thế hệ hãy nhớ ơn các liệt sĩ đã hi sinh anh dũng vì độc lập, tự do... Không thể nào kể hết những biểu hiện sinh động, phong phú của đạo lí Uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.

Nhưng chúng ta không phải chỉ biết uống nước mà còn có nhiệm vụ bảo vệ và khơi thông cái nguồn nước bất tận ấy. Người uống nước vừa là người hưởng thụ, vừa là người có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với thế hệ sau. Có như vậy, đất nước ta mới ngày càng giàu mạnh, truyền thống ơn nghĩa mới được nối kết đời đời.

Lòng biết ơn không phải tự nhiên mà có bởi nó là kết quả của quá trình rèn luyện, phấn đấu lâu dài của mỗi con người. Thuở ấu thơ, chúng ta đã được nghe lời ru thấm đượm ân tình của bà, của mẹ:

Con người có tổ có tông,

Như cây có cội như sông có nguồn;

Công cha nghĩa mẹ ơn thầy,

Sống sao cho bõ những ngày ước ao...

Cứ như thế, từng chút một, theo thời gian, lòng biết ơn lớn dần lên và thấm sâu vào máu thịt mỗi người.

Lứa tuổi học sinh chưa làm ra được của cải vật chất, tinh thần cho xã hội, do đó, chúng ta hãy bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với cha mẹ, thầy cô và mọi người bằng chính lời nói, việc làm hằng ngày của mình. Phấn đấu trở thành trò giỏi, con ngoan là cách đền đáp công ơn thiết thực nhất. Câu tục ngữ: Uống nước nhớ nguồn là bài học đạo lí quý báu cho mỗi chúng ta.