I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Thời gian và tuổi tác sẽ làm cho nhận thức của con người thay đổi theo chiều hướng ngày càng đúng đắn hơn.

- Để đánh giá chính xác về mình, về người, cần phải có một thái độ khách quan sáng suốt và đức khiêm tốn.

- Bàn về quá trình chuyển biến trong nhận thức, về sự tự tin cùng đức khiêm tốn cần có mỗi người, nhà soạn nhạc Pháp S. Gunô đã nói: Hồi tôi... Còn bây giờ tôi chỉ nói: Môda.

2. Thân bài:

* Giải thích ý nghĩa câu nói của Gunô:

+ Nghĩa tường minh: Thời gian và thực tế cuộc sống giúp con người nhận thức rõ về bản thân mình và rèn luyện đức tính khiêm tốn.

+ Nghĩa hàm ẩn:

- Bài học về quá trình rèn luyện đức tính khiêm tốn.

- Lời phê phán tế nhị thói kiêu căng, hợm hĩnh thường có ở tuổi trẻ.

* Bình luận:

+ Câu nói của Gunô phản ánh đúng quá trình chuyển biến trong nhận thức của con người: từ chủ quan mù quáng đến khách quan chân lí.

- Hồi tôi hai mươi tuổi, tôi chỉ thừa nhận riêng tôi có tài: Là sự chủ quan, tự hào đến mức cực đoan về bản thân mình. Do đặc điểm tâm lí của tuổi trẻ chi phối. (Hăng hái, bốc đồng dễ dẫn đến kiêu căng, hợm hĩnh, cho mình là trung tâm vũ trụ. Thiếu từng trải, va vấp nên chủ quan, coi thường người khác).

- Ba mươi tuổi, tôi đã nói: Tôi và Môda: Tuổi ba mươi là tuổi bắt đầu chín chắn trong suy nghĩ, nhận thức về mình, về người. Thái độ kiêu căng, tự mãn ở tuổi hai mươi (riêng tôi có tài) đã bị thực tế làm cho thay đổi, buộc Gunô phải thừa nhận ngoài mình ra, Môda cũng có tài, nhưng vẫn khẳng định tài năng mình đặt trước Môda. (Chú ý tới thứ tự các từ: tôi, Môda).

- Bốn mươi tuổi, tôi nói: Môda và tôi: Cải tôi tự khẳng định vẫn còn nhưng đã lùi một bước, nhường vị trí số một cho thiên tài Môda. Chứng tỏ nhận thức của Gunô đã biến chuyển mạnh mẽ theo chiều hướng tiếp cận với chân lí khách quan.

- Còn bây giờ, tôi chỉ nói: Môda: Cái tôi đã hoàn toàn bị triệt tiêu. Thái độ kiêu căng, hợm hĩnh buổi đầu đã được thay thế bằng thái độ khiêm tốn chân thành đáng quý. Đức khiêm tốn này càng nâng cao phẩm giá và khẳng định tài năng của nhạc sĩ lớn Gunô. Đức khiêm tốn là kết quả của quá trình rèn luyện nhân cách lâu dài (suốt đời) của một thiên tài. Đây là lời nói có giá trị thuyết phục cao, là lời phê phán nhẹ nhàng, khéo léo thói kiêu căng, chủ quan, đồng thời người nói cũng tỏ ra độ lượng đối với tuổi trẻ hiếu thắng, bồng bột. Câu nói nêu lên quy luật của sự tự nhận thức: Con người cần có thời gian để đánh giá đúng đắn về mình và những người xung quanh.

3. Kết bài:

- Câu nói của S. Gunô là một bài học nhân sinh sâu sắc.

- Là lời khuyên hóm hỉnh, tế nhị về đức khiêm tốn, về cách đánh giá bản thân và những người xung quanh. Là lời phê phán những thói xấu như chủ quan, tự phụ, kiêu căng... dễ dẫn người ta đến những thất bại trên đường đời.

II. BÀI LÀM

Giống như nhiều quy luật khác trong cuộc sống, quy luật nhận thức của con người cũng không ngừng biến đổi. Thông thường, nó biến đổi theo chiều hướng từ chủ quan đến khách quan và ngày càng tiếp cận với chân lí. Để có thể đánh giá chính xác về mình, về người, để hoàn thiện nhân cách, chúng ta cần phải có thời gian và sự từng trải, nhiều khi là cả đời người. Bàn về vấn đề này, S. Gunô - nhà soạn nhạc nổi tiếng của Pháp thế kỉ XVIII đã nói: Hồi tôi hai mươi tuổi tôi chỉ thừa nhận riêng tôi có tài. Ba mươi tuổi tôi đã nói: Tôi và Môda. Bốn mươi tuổi tôi nói: Môda và tôi. Còn bây giờ tôi chỉ nói: Môda.

Câu nói tưởng như ngắn gọn và dễ hiểu ấy lại không đơn giản và dễ hiểu chút nào, bởi nó vừa là lời khẳng định thiên tài âm nhạc Môda, vừa đề cập đến những quan điểm lớn như quá trình nhận thức, quá trình rèn luyện nhân cách của mỗi con người.

Như chúng ta đã biết, Môda là một nhà soạn nhạc thiên tài của nước Áo thế kỉ XVIII. Những bản nhạc của ông đã làm rung động trái tim hàng triệu người trên thế giới. Thời gian - sức mạnh vô hình huỷ diệt tất cả nhưng chỉ càng làm cho tên tuổi Môda trở nên bất tử.

S. Gunô, nhạc sĩ tài ba của nước Pháp chỉ khẳng định Môda là thiên tài số một khi bản thân ông đã đạt đến đỉnh cao của vinh quang và đã trải qua quá trình chuyển biến nhận thức quan trọng trong cách đánh giá về mình, về người. Vì vậy, câu nói của Gunô cũng là một bài học kinh nghiệm quý báu trên đường đời cho mỗi chúng ta.

Mở đầu, Gunô nói: Hồi tôi hai mươi tuổi, tôi chỉ thừa nhận riêng tôi có tài. Lời tự bạch của Gunô cho thấy thuở trẻ, ông là một thanh niên có năng khiếu nhưng lại chủ quan, tự hào về mình quá mức thành kiêu căng. Sự kiêu căng mà nói lên thành lời như vậy, ít ai dám. Ông nhận xét về mình và cũng nhận xét về tuổi trẻ nói chung. Tâm lí của tuổi mới lớn là hăng hái, bồng bột, tự tin và hiếu thắng. Cái gì của mình cũng hay, cũng đúng; cái gì mình cũng có thể làm được, cái gì mình cũng hơn người khác. Trong tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí, nhà văn Tô Hoài đã viết: Tuổi trẻ thường lầm những cử chỉ ngông cuồng là tài ba... Dân gian cũng có câu: Ngựa non háu đá để phê phán thói bồng bột, liều lĩnh của tuổi trẻ.

Niềm tin, sự khẳng định, lòng tự hào là những điều cần thiết phải có cho mỗi cá nhân trên con đường mưu sinh và tạo dựng sự nghiệp, bởi chính những yếu tố đó tạo ra ý chí, nghị lực và sức mạnh. Nhưng tự tin, tự hào phải được xây dựng trên cơ sở vững chắc là đức và tài thì nó mới mang tính khách quan. Ngược lại, nếu tự đánh giá về mình một cách chủ quan thì sẽ dẫn đến ảo tưởng, mà ảo tưởng là mảnh đất tốt cho thói kiêu căng, tự mãn nảy mầm và phát triển.

Như nhiều chàng trai khác, Gunô ở tuổi hai mươi cũng vậy. Nhưng sai lầm ấy có thể thông cảm và tha thứ được vì tuổi trẻ thường ôm ấp những lí tưởng, hoài bão lớn lao. Như những cánh chim bằng, tuổi trẻ muốn được thử sức với trời cao, biển rộng. Với suy nghĩ của tuổi trẻ thì đỉnh cao nào họ cũng có thể chinh phục được, mọi khó khăn đều không đáng ngại. Tuy nhiên, cái gì cũng có giới hạn của nó. Thái độ chủ quan, tự hào quá mức sẽ biến thành thói kiêu căng, hợm hĩnh, hoang tưởng rất đáng ghét, không nên có.

Người xưa nói: Khôn đâu đến trẻ, có nghĩa là tuổi trẻ mới bước vào đời do ít va vấp nên thiếu kinh nghiệm sống. Thời gian sẽ đem lại cho con người nhiều bài học bổ ích và nhận thức của con người chỉ có thể chín chắn dần cùng với vốn hiểu biết ngày càng sâu rộng, hay nói cách khác là sự từng trải.

Sự chiêm nghiệm về bản thân, về những người xung quanh đem lại chuyển biến đáng kể trong nhận thức của Gunô: Ba mươi tuổi, tôi đã nói: Tôi và Môda. Từ đỉnh cao chót vót của cái tôi chủ quan vênh vang tự đắc, Gunô đã tự hạ mình xuống để thừa nhận Môda là có tài. Điều ấy thật chẳng dễ dàng vì sự ganh ghét, thói đố kị là những trở lực rất khó vượt qua. Gunô vượt qua được nó phải mất một thời gian khá dài (mười năm). Ở tuổi ba mươi (tam thập nhi lập), người ta đã trưởng thành rất nhiều về mọi mặt. Sự bồng bột, hiếu thắng của tuổi thanh niên đã lắng xuống, dịu đi. Cách nhìn đời, nhìn người cũng đổi khác, thận trọng hơn, khách quan hơn. Những gì là cảm tính ban đầu được thay thế bằng lí trí, bằng kinh nghiệm học hỏi, tiếp thu được trên đường đời. Tuy vậy, cái tôi ở lứa tuổi này vẫn còn ngự trị, chưa chịu nhìn nhận người khác hơn mình: Tôi và Môda.

Phải đến mười năm sau, Gunô mới chấp nhận nhường bước trước Môda: Bốn mươi tuổi, tôi nói: Môda và tôi. Như vậy là đã rõ: chân lí khách quan đã thắng chủ quan. Thừa nhận người khác có tài năng xuất sắc hơn mình là rất khó. Nó cần đến sự trung thực, lí trí sáng suốt và lòng dũng cảm. Một triết gia đã nói: Chiến thắng bản thân là khó khăn hơn cả. Có lẽ, để đi tới nhận xét: Môda và tôi, Gunô phải đấu tranh không mệt mỏi với tính kiêu căng, tự phụ của mình và cuối cùng, đức khiêm tốn đã giúp ông chiến thắng.

Còn bây giờ tôi chỉ nói: Môda. Có lời khẳng định nào có ý nghĩa hơn lời khẳng định giản dị này đối với thiên tài âm nhạc Môda? Chân lý thường rất giản dị, dễ hiểu. Câu nói của Gunô là chân lí.

Thừa nhận Môda là thiên tài, phủ nhận những gì đã tự khẳng định về mình, điều đó có làm cho tài năng và danh tiếng của Gunô có giảm sút không? Hoàn toàn ngược lại. Đức khiêm tốn, biết mình, biết người càng làm cho nhân cách của Gunô hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn. Rõ ràng là: Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài (Nguyễn Du) và đạo đức là cội nguồn, là sức mạnh vô tận của những tài năng chân chính.

Câu nói của nhạc sĩ Pháp tài ba S. Gunô có giá trị thuyết phục rất cao. Đây là lời phê phán thấm thía của ông về chính mình hồi còn trẻ. Ẩn chứa trong câu nói ấy là nụ cười hóm hỉnh, độ lượng đối với tuổi thanh niên bồng bột, hiếu thắng.

Câu nói cũng nêu lên quy luật của sự tự nhận thức. Con người cần phải có thời gian để suy nghĩ, tự đánh giá mình và những người xung quanh. Thời gian càng dài thì nhận thức về con người và thế giới xung quanh càng đúng đắn và sâu sắc. Bên cạnh đó câu nói cũng thể hiện tính tương đối của nhận thức. Có những vấn đề người ta đánh giá, nhận xét ở từng thời điểm không giống nhau, nhiều khi trái ngược nhau.

Phải đi gần hết cuộc đời, Gunô mới rút ra được một bài học nhân sinh sâu sắc và thấm thía. Chỉ trong vài câu ngắn gọn, nhạc sĩ đã nói được bao điều thật thiết thực, thật hữu ích cho mỗi chúng ta. Đây là lời khuyên về đức khiêm tốn, về cách đánh giá bản thân và những người xung quanh. Khi đánh giá người khác, ta phải thận trọng, khiêm tốn. Lời nói của Gunô còn là lời phê phán những thói xấu như chủ quan, tự phụ, kiêu căng... dễ dẫn người ta đến thất bại trên đường đời. Đúng là làm người thật khó (Vi nhân nan). Để trở trành một con người có đủ tài và đức lại càng khó. Chúng ta có thể coi mấy câu nói của nhạc sĩ Pháp Gunô là một câu chuyện ngụ ngôn nhỏ, dí dỏm và tế nhị; song ý nghĩa giáo dục của nó quả là rất lớn.