I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Tình mẫu tử thiêng liêng là cảm hứng bất tận của thơ ca.

- Mỗi tác giả khai thác tình mẫu tử ở một khía cạnh khác nhau.

- Bài thơ Con Cò của Chế Lan Viên nói về sự nâng đỡ dịu dàng và bền bỉ của người mẹ đối với các con. Bài Mây và sóng của R.Ta-go ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.

2. Thân bài:

* Bài thơ Con cò của Chế Lan Viên:

+ Lời ru ngọt ngào, êm ái của mẹ:

- Vẫn là những lời ru quen thuộc xưa nay, cánh cò trong ca dao gắn liền với cuộc sống lam lũ, nhọc nhằn của người nông dân thuở xưa.

- Lời ru chứa đựng nỗi xót thương, ngậm ngùi của người mẹ khi nghĩ về nỗi khổ của trẻ thơ trong xã hội cũ và thể hiện niềm vui trước hạnh phúc của con trong xã hội mới.

+ Cánh cò trắng - hoá thân của tình mẹ bao la, sâu sắc, bền lâu:

- Cò nâng đỡ, theo sát bên con từ thuở nằm nôi cho đến lúc trưởng thành.

- Cánh cò trắng giản dị, thanh cao luôn hiện diện trong đời sống tinh thần của con và theo con suốt cả cuộc đời.

- Quy luật tình cảm của những người mẹ:

Con dù lớn vẫn là con của mẹ,

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.

Đây chính là điểm mấu chốt, là mục đích ý nghĩa của bài thơ.

* Bài Mây và sóng của R. Ta-go:

+ Tình yêu thương tha thiết của con đối với mẹ:

- Tuổi nhỏ ham chơi, thích đi đây đi đó, thích điều hay điều lạ... nhưng đi đâu, làm gì vẫn nghĩ tới mẹ ở nhà.

- Bao trò chơi hấp dẫn cũng không làm cho cậu bé quên lời mẹ dặn.

- Cậu bé nghĩ ra những trò chơi thay thế mà không phải xa mẹ: Con là mây, mẹ là trăng, mái nhà là bầu trời xanh thẳm... Con là sóng và mẹ là bến bờ kì lạ...

- Đối với con, mẹ là tất cả vũ trụ.

3. Kết bài:

- Con Cò, Mây và sóng là hai bài thơ của hai tác giả ở hai phương trời khác nhau nhưng cùng ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.

- Giá trị nội dung sâu sắc và giá trị nghệ thuật đặc biệt đã tạo nên sức sống lâu dài của hai bài thơ trên trong lòng người đọc.

II. BÀI LÀM

Tình mẫu tử thiêng liêng bao đời nay vẫn là mạch nguồn cảm hứng vô tận của các thế hệ văn nhân, thi sĩ. Tuy vậy, trong mỗi tác phẩm, các tác giả lại khai thác tình mẫu tử ở những khía cạnh khác nhau. Trong bài thơ Con cò của Chế Lan Viên, hình ảnh con cò mang ý nghĩa biểu tượng về lòng mẹ, về sự dìu dắt, nâng đỡ dịu dàng và bền bỉ của người mẹ đối với các con trong suốt cuộc đời. Còn bài thơ Mây và sóng của R. Ta-go lại ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.

Mở đầu bài thơ Con cò là lời ru quen thuộc của mẹ bên nôi, đưa con vào giấc ngủ êm đềm, chập chờn những cánh cò, cánh vạc trong ca dao xưa: Con cò bay la, Con cò bay lả, Con cò cổng phủ, Con cò Đồng Đăng... Rồi hình ảnh cò mẹ lặn lội kiếm ăn ban đêm để nuôi đàn cò con bé bỏng, chẳng may đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao... Lời ru của mẹ chứa đựng nỗi ngậm ngùi, xót thương cho những thân phận vất vả, nhọc nhằn trong cuộc sống thời xưa. Ngắm nhìn con ngủ say, mẹ càng thấy con của mẹ may mắn được sống đầy đủ, no ấm trong vòng tay mẹ: Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn, Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ... Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân.

Có lẽ tất cả các bà mẹ trên thế gian này đều coi con mình là thứ của cải quý giá nhất - là vũ trụ riêng của mẹ. Người mẹ trong bài thơ Con cò tuy không hiện diện nhưng tình mẹ, lòng mẹ bao la, chan chứa trong từng câu, từng chữ. Mẹ nuôi con lớn khôn bằng dòng sữa ngọt lành, mẹ cũng là người đầu tiên tạo dựng đời sống tinh thần cho con bằng những lời ru đậm đà tình nghĩa, ẩn chứa lời dạy về đạo lí làm người. Dẫu mẹ biết rằng ở tuổi nằm nôi, con chưa thể hiểu được nội dung sâu xa của những lời ru ấy nhưng mẹ vẫn ru, bởi âm hưởng trầm bổng, tha thiết của lời ru qua ngày tháng sẽ từ từ thấm vào máu thịt, vào tâm hồn của đứa con yêu.

Chế Lan Viên đề cập đến một quy luật tâm lí chung của những người mẹ là người mẹ nào cũng mong cho con mình khôn lớn, trưởng thành, làm nên sự nghiệp. Nhưng dù thế nào đi nữa thì mẹ mong con cũng đừng quên cội, quên nguồn vốn là những điều dung dị, đẹp đẽ, làm nên đời sống tinh thần phong phú của mỗi con người:

Lớn lên, lớn lên, lớn lên...

Con làm gì?

Con làm thi sĩ!

Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ

Trước hiên nhà

Và trong hơi mát câu văn...

Con cò trong ca dao xưa, con có trong lời ru của mẹ hôm nay và mẹ đã hoà nhập thành một. Cánh cò lòng mẹ ủ ấp cho con, che chở cho con trong giấc ngủ say nồng. Cánh cò lòng mẹ bay theo gót đôi chân con tung tăng bước đến trường. Sau này, tất nhiên con sẽ có cuộc sống riêng tách rời khỏi mẹ, nhưng lòng mẹ lúc nào cũng ở bên con:

Dù ở gần con,

Dù ở xa con,

Lên rừng xuống bể,

Có sẽ tìm con,

Có mãi yêu con.

Con dù lớn vẫn là con của mẹ,

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.

Quả là những lời tâm huyết mà bất cứ người mẹ nào cũng muốn nói với con. Đọc những câu thơ trên, không ai là không xúc động trước tình mẹ mênh mông như biển rộng, bất tận như nước suối nguồn, không bao giờ vơi cạn.

Bài thơ Con cò của Chế Lan Viên đã đúc kết những suy ngẫm sâu sắc không chỉ về tình mẹ, lòng mẹ đối với các con mà cao hơn nữa là sự bao dung, nâng đỡ của cuộc đời đối với mỗi con người. Cuộc đời quanh ta đẹp đẽ, phong phú biết bao! Chúng ta hãy biết ơn cuộc đời - người mẹ thứ hai không kém phần cao cả và vĩ đại đã cùng người mẹ ruột thịt nuôi dưỡng chúng ta thành những con người chân chính.

Nếu như ở bài thơ Con cò, Chế Lan Viên ca ngợi tình mẹ yêu con sâu nặng, bền lâu thì ở bài Mây và Sóng của R. Ta-go, tình cảm yêu thương nồng nàn, tha thiết của con dành cho mẹ lại là cảm hứng chủ đạo. Qua lời tâm sự hồn nhiên, ngây thơ của đứa con với mẹ, chúng ta thấy rõ vai trò to lớn của người mẹ trong đời sống tinh thần của con.

Trong suy nghĩ non nớt, thơ ngây của con, mẹ là tất cả vũ trụ bao la, bí ẩn và đầy hấp dẫn. Chúng ta hãy lắng nghe lời kể của cậu bé về những cuộc gặp gỡ kì lạ được thêu dệt bằng trí tưởng tượng bay bổng nên huyền ảo và thú vị lạ lùng:

Mẹ ơi, trên mây có người gọi con:

“Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc”.

Con hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”.

Họ đáp: “Hãy đến nơi tận cùng trái đất, đưa tay lên trời, cậu sẽ được nhấc bổng lên tận tầng mây”.

“Mẹ mình đang đợi ở nhà” - con bảo - “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?".

Thế là họ mỉm cười bay đi.

Trong con mắt trẻ thơ, bầu trời mênh mông với mặt trời, mặt trăng, những áng mây rực rỡ và những vì sao lấp lánh là một thế giới tuyệt vời. Nhất là mây với sự biến đổi muôn hình vạn trạng, lúc như dãy núi trập trùng, lúc như đại dương dập dờn sóng vỗ, lúc giống như hàng ngàn con tuấn mã tung vó trên thảo nguyên xanh... cuốn hút vô cùng! Tất nhiên là trước những lời mời mọc của những người sống trên mây, cậu bé không khỏi dao động, phân vân. Nhưng cậu luôn nghĩ đến mẹ đang chờ cậu ở nhà, nên: Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?

Không thể cùng mây rong chơi với bình minh vàng và vầng trăng bạc, cậu bé nghĩ ra một trò chơi tương tự, vừa thoả mãn trí tò mò, vừa không phải xa mái ấm gia đình, xa người mẹ thân yêu:

Nhưng con biết có trò chơi thú vị hơn, mẹ ạ.

Con là mây và mẹ sẽ là trăng

Hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm.

Có lẽ không gì thích hợp hơn, tinh tế hơn hình ảnh ẩn dụ: Con là mây và mẹ sẽ là trăng. Cậu bé khác nào là những đám mây nghịch ngợm, vô tư và người mẹ khác chi vầng trăng tròn đầy dịu dàng, êm mát?!

Cậu bé kể cho mẹ nghe câu chuyện thứ hai:

Trong sóng có người gọi con:

“Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao”.

Con hỏi: “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”.

Họ nói: “Hãy đến rìa biển cả, nhắm nghiền mắt lại, cậu sẽ được làn sóng nâng đi".

Con bảo: “Buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”.

Thế là họ mỉm cười, nhảy múa lướt qua.

Còn gì thích hơn được ngao du đây đó bởi biết bao điều hay điều lạ đang chờ đón cậu bé. Dễ dàng lắm, chỉ cần nhắm nghiền mắt lại, cậu sẽ được sóng nâng đi, đưa đến những bến bờ xa tắp. Thích thật đấy, nhưng nghĩ đến mẹ chiều chiều muốn thấy con ở nhà thì lòng nào mà đi được?! Chừng như hiểu tình yêu, tình thương của cậu bé đối với mẹ nên sóng mỉm cười, nhảy múa lướt qua.

Cậu bé nghĩ ra trò chơi khác hay hơn: Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ. Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ. Và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào. Như thế, chỉ cần hai mẹ con vui đùa với nhau là cậu bé có đủ bình minh vàng, vầng trăng bạc, được ngao du nơi này nơi nọ trên khắp trái đất này. Hiểu rộng ra và hiểu sâu hơn thì mẹ chính là vũ trụ thu nhỏ của con, mà đó quả thật là điều kì diệu nhất!

Hai bài thơ, hai tác giả, sống ở hai thời đại, hai phương trời khác nhau nhưng lại giống nhau ở một điểm là cùng ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt. Chính vì vậy mà hai bài thơ sống mãi trong tâm hồn nhân loại.