I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Trong đời sống tình cảm của con người thì quan hệ giữa con cái và cha mẹ là quan hệ máu thịt thiêng liêng nhất. Người xưa rất trọng chữ hiếu, coi chữ hiếu là nền tảng của đạo đức.

- Điều đó được thể hiện qua bài ca dao: Công cha... đạo con.

2. Thân bài:

a/ Giải thích nội dung câu ca dao:

- Người xưa lấy hình ảnh núi Thái Sơn cao vời vợi và nước trong nguồn không bao giờ cạn để so sánh và khẳng định công lao cha mẹ là hết sức to lớn. Cách so sánh đó còn thể hiện thái độ tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc của con cái đối với cha mẹ.

- Phận làm con phải giữ tròn đạo hiếu với cha mẹ (thờ mẹ, kính cha).

b/ Bình luận ý nghĩa bài ca dao:

* Khẳng định ý nghĩa bài ca dao trên là hoàn toàn đúng:

+ Chữ hiếu được thể hiện qua:

- Thái độ kính trọng và biết ơn chân thành đối với cha mẹ.

- Biết vâng lời cha mẹ.

- Nói lời hay, làm việc tốt để cha mẹ vui lòng.

- Săn sóc chu đáo, ân cần lúc cha mẹ bệnh tật, già yếu.

+ Con cái phải hiếu thảo với cha mẹ vì:

- Cha mẹ có công sinh thành, dưỡng dục và tạo dựng cho con cái cuộc sống. Công lao đó rất lớn (như núi Thái Sơn, như nước trong nguồn), không sao kể xiết.

- Hiếu thảo với cha mẹ là nghĩa vụ của con cái. Hiếu thảo là nền tảng của đạo đức, đạo lí làm người, là cơ sở tạo dựng các mối quan hệ tình cảm khác trong gia đình và ngoài xã hội.

* Nâng cao, mở rộng vấn đề:

- Trong thời đại ngày nay, bài ca dao trên vẫn giữ nguyên ý nghĩa giáo dục tốt đẹp của nó. Đó là lời khuyên chân tình về đạo làm con.

- Ý nghĩa của lời khuyên được nâng cao lên một bước: con cái không chỉ hiếu thảo với cha mẹ mà còn phải hiếu thảo với đất nước, nhân dân (trung thành với quyền lợi của đất nước, tận tâm phục vụ nhân dân).

- Người con hiếu thảo thường là một công dân tốt, có tinh thần trách nhiệm cao với gia đình và xã hội. Trung thành với đất nước, dân tộc cũng là hiếu thảo với cha mẹ.

3. Kết bài:

- Nhấn mạnh ý nghĩa giáo huấn của lời khuyên: con cái phải hiếu thảo với cha mẹ.

- Bài ca dao là lời dạy dỗ nhẹ nhàng mà sâu sắc, thấm thía.

- Muốn trở thành con người có đạo đức, chúng ta phải thường xuyên trau dồi các đức tính: hiếu với cha mẹ, nghĩa với nhân dân, trung với nước.

II. BÀI LÀM

Dân tộc Việt Nam rất coi trọng tình cảm gia đình. Trong ca dao có rất nhiều câu nói về tình cảm thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái. Có lẽ không ai là không biết đến bài ca dao đã trở thành lời ru quen thuộc từ bao đời:

Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Nói về công lao của cha mẹ, câu ca dao trên đã đưa ra những hình ảnh to lớn, vĩnh hằng, giàu sức biểu cảm để so sánh và chỉ có những hình ảnh vĩ đại ấy (núi Thái Sơn, nước trong nguồn) mới diễn tả nổi. Thái Sơn là một ngọn núi cao và đẹp nổi tiếng ở Trung Quốc, tượng trưng cho những gì lớn lao, vĩ đại trong văn chương. Khi so sánh Công cha như núi Thái Sơn, nhân dân ta muốn nhấn mạnh công lao của người cha trong việc nuôi dạy con cái trưởng thành. Còn hình ảnh nước trong nguồn chảy ra khẳng định tình yêu thương vô hạn của người mẹ đối với đàn con.

Người xưa ví công cha với ngọn núi cao chất ngất, còn nghĩa mẹ lại so sánh với nước trong nguồn bất tận. Đọc kĩ bài ca dao, ta sẽ ngạc nhiên trước chi tiết rất tinh tế, sâu sắc này. Nhà thơ dân gian đã khai thác sự khác biệt về tâm lí và cách biểu hiện tình cảm của cha mẹ và sự cảm nhận của các con mà chọn hình ảnh so sánh cho hợp lí. Vì thế chữ công hướng về cha, chữ nghĩa hướng về mẹ. Hình ảnh núi và nước nguồn phù hợp với vai trò và vị trí của cha mẹ đối với con cái nhưng cả hai đều tượng trưng cho sự lớn lao, vô cùng, vô tận.

Trước hết, cha mẹ có công sinh thành ra các con. Không có cha mẹ thì không thể có con cái. Bất cứ một anh hùng hay vĩ nhân nào cũng đều được sinh ra từ cha mẹ của mình. Cha mẹ đã chia sẻ một phần máu thịt để các con có mặt trên đời. Cha mẹ cũng là người nuôi dưỡng các con từ khi mới chào đời cho đến lúc trưởng thành. Mẹ nuôi con bằng dòng sữa ngọt lành. Cha mẹ thay nhau chăm sóc mỗi khi con trái gió trở trời. Cha mẹ ra sức làm lụng để nuôi con khôn lớn. Từ một hình hài nhỏ xíu cho đến khi biết đi, biết đọc, biết viết, biết nấu cơm, quét nhà, biết làm lụng để tự nuôi thân đâu phải là chuyện ngày một, ngày hai. Các con lớn dần lên cũng là lúc cha mẹ già yếu. Cha mẹ đã dành cho đàn con tất cả sức lực của mình. Công lao ấy kể sao cho hết!

Không chỉ nuôi dưỡng, cha mẹ còn dạy dỗ các con nên người bằng chính những lời nói, những hiểu biết và kinh nghiệm về cách cư xử, về đạo làm người, về công việc hằng ngày... Sau này đi học, các con được thầy cô dạy dỗ ở trường nhưng cha mẹ vẫn là người thầy đầu tiên gần gũi nhất, gương mẫu nhất.

Thật hạnh phúc cho những đứa con được ấp ủ, yêu thương, khôn lớn trong vòng tay cha mẹ! Vậy làm con phải đối xử với cha mẹ như thế nào để đền đáp công ơn ấy? Câu cuối của bài ca dao trên nhắc nhở chúng ta bổn phận làm con:

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Đạo con là đạo đức, trách nhiệm làm con. Bổn phận của các con là phải thực sự biết ơn và bày tỏ thái độ kính mến đối với cha mẹ. Sự hiếu thảo phải chân thành và được thể hiện qua lời nói, hành động xứng với đạo làm con.

Trong dân gian lưu truyền những tấm gương sáng về lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ (Nhị thập tứ hiếu). Câu chuyện cảm động về nàng Thoại Khanh dắt mẹ đi ăn xin, gặp cảnh ngặt nghèo đã cắt thịt ở cánh tay mình để dâng cho mẹ ăn đỡ đói. Có lẽ người xưa đã dùng cách nói cường điệu để nêu gương hiếu thảo trong những tình huống đặc biệt. Còn trong cuộc sống hằng ngày, lòng biết ơn cha mẹ của con cái được thể hiện qua những lời nói và việc làm cụ thể.

Đó là cốc nước mát mà các con ân cần trao tận tay khi cha mẹ vừa đi làm nắng nôi, mệt nhọc trở về; là bát cháo nóng lúc cha mẹ ốm mệt; là sự cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên không đua đòi ăn diện quần nọ, áo kia... Quan trọng nhất là chúng ta phải phấn đấu học tập, rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi, thành niềm vui, niềm tự hào của cha mẹ.

Theo năm tháng, em ngày một trưởng thành và cha mẹ em sẽ ngày càng già yếu. Khi đó, dù đã có cuộc sống riêng, dù bận bịu công việc đến mấy, em vẫn nhớ tới bổn phận của mình là chăm sóc cha mẹ chu đáo và thực sự trở thành chỗ dựa của cha mẹ lúc tuổi già.

Kính yêu cha mẹ là tình cảm tự nhiên của con người. Bổn phận, trách nhiệm và lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ là thước đo phẩm chất đạo đức của mỗi người. Câu ca dao: Công cha như núi Thái Sơn... được lưu truyền từ đời này sang đời khác và mãi mãi như một lời nhắc nhở con cái phải hiếu thảo với cha mẹ.