I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Chủ tịch Hồ Chí Minh rất am hiểu về vai trò quan trọng của văn học nghệ thuật. Bác đánh giá nó là vũ khí sắc bén để chống lại kẻ thù và là phương tiện thuận lợi để tuyên truyền cách mạng.

- Trong Thư gửi các hoạ sĩ nhân dịp triển lãm hội hoạ năm 1951, Bác khẳng định: Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.

- Câu nói trên đề cập đến bản chất xã hội cùng vai trò quan trọng của văn học nghệ thuật, đồng thời chỉ ra chỗ đứng của văn nghệ sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.

2. Thân bài:

* Bình luận:

+ Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận:

- Giống như các mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế... mặt trận văn hoá nghệ thuật cũng có tính chất đối kháng quyết liệt và đầy khó khăn, gian khổ.

- Văn học nghệ thuật biểu thị tư tưởng, tình cảm của từng giai cấp, tầng lớp nhất định trong xã hội, cho nên nó được coi là thứ vũ khí tinh thần sắc bén để đấu tranh giai cấp.

- Văn học nghệ thuật bao giờ cũng là một mặt trận nóng bỏng, luôn diễn ra sự đối đầu một mất một còn giữa ta và địch, giữa cái xấu với cái tốt, giữa cái mới và cái cũ.

- Bác Hồ nhấn mạnh đến tính chiến đấu của văn học nghệ thuật, thể hiện qua nội dung xã hội của tác phẩm và tư tưởng, tình cảm của văn nghệ sĩ. Văn học nghệ thuật không thể đứng ngoài cuộc kháng chiến trường kì gian lao và anh hùng của toàn dân tộc.

+ Vai trò và trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ:

- Được Bác nhắc đến trong câu: Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.

- Người nghệ sĩ phải xác định đúng đắn rằng: văn học phục vụ cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, củng cố niềm tin của quần chúng vào một xã hội tốt đẹp trong tương lai.

- Đội ngũ văn nghệ sĩ phải đi sâu vào thực tế phong phú sôi động của cuộc sống hằng ngày, khám phá và sáng tạo ra những hình tượng nghệ thuật điển hình có sức cảm hoá, giáo dục mạnh mẽ đối với quần chúng.

- Trong các cuộc đấu tranh của giai cấp và dân tộc, văn học nghệ thuật thường đi trước mở đường và người nghệ sĩ thực sự trở thành chiến sĩ.

3. Kết bài: .

- Lời dạy của Bác Hồ nhấn mạnh vai trò to lớn của văn học nghệ thuật và trách nhiệm công dân của tầng lớp văn nghệ sĩ.

- Bác nhắc nhở, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ kháng chiến hãy giữ vững lập trường cách mạng, kề vai sát cánh cùng dân tộc trong sự nghiệp giải phóng đất nước.

- Đội ngũ văn nghệ sĩ trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã chứng minh lời dạy của Bác là hoàn toàn đúng. Họ đã có những đóng góp đáng kể vào thắng lợi to lớn của dân tộc Việt Nam.

II. BÀI LÀM

Thời thanh niên, Bác Hồ rất thích câu thơ của Phan Bội Châu: Lập thân tối hạ thị văn chương. Cứu dân, cứu nước là mục đích cao cả một đời của Bác nên Bác dồn hết tâm huyết vào đó. Tuy không có ý định xây dựng cho mình một sự nghiệp văn chương nhưng Bác lại am hiểu rất sâu sắc về vai trò của văn chương đối với xã hội và lịch sử. Bác đánh giá công dụng của nó như một thứ vũ khí sắc bén để chống lại kẻ thù và là phương tiện có nhiều lợi thế để tuyên truyền cách mạng. Trong bức thư gửi cho các hoạ sĩ (1951), Bác khẳng định: Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.

Câu nói trên đây của Bác đã đề cập đến bản chất xã hội cùng vai trò của văn học nghệ thuật, đồng thời chỉ ra chỗ đứng của văn nghệ sĩ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược quyết liệt và vô cùng gian khổ.

Trước tiên, Bác khẳng định văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận như các mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế... Bác nhấn mạnh đến tính chất quyết liệt của cuộc đấu tranh trên mặt trận này. Tuy không có tiếng súng, không có kẻ thù trực tiếp nhưng tính chất phức tạp và đối kháng của nó đã được thực tiễn lịch sử chứng minh.

Văn học nghệ thuật biểu thị tư tưởng, tâm lí và là vũ khí tinh thần trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền lợi của các giai cấp. Là tiếng nói của tình cảm, là hình thức nhuần nhị và sắc bén của tư tưởng (Thư của Trung ương Đảng gửi các nhà văn), cho nên văn học nghệ thuật bao giờ cũng là một mặt trận nóng bỏng. Ở đó luôn diễn ra cuộc đấu tranh gay go, không khoan nhượng giữa cái mới và cái cũ, giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa ta và địch.

Trước Cách mạng tháng Tám, trong cuốn Nhật kí trong tù, Bác Hồ đã đề cập đến tính chiến đấu của văn học: Nay ở trong thơ nên có thép, Nhà thơ cũng phải biết xung phong (Cảm tưởng đọc Thiên gia thi).

Chất thép ở đây là tính chất chiến đấu, là nội dung đấu tranh xã hội của thơ ca. Người nghệ sĩ hoạt động với tư cách là người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá cho nên phải luôn luôn mài sắc tinh thần cảnh giác, ý chí chiến đấu và giữ vững lập trường cách mạng. Nhà thơ không thể thụ động đứng ngoài cuộc đấu tranh xã hội, hoặc ẩn mình trong cái tôi nhỏ bé, ích kỉ. Trái lại, người nghệ sĩ phải thừa nhận văn học phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các tác giả củng cố niềm tin của quần chúng vào một xã hội tốt đẹp hơn.

Muốn vậy, đội ngũ văn nghệ sĩ phải đi sâu vào thực tế phong phú, sôi động của cuộc sống hằng ngày để hiểu biết, khám phá và sáng tạo ra những hình tượng nghệ thuật điển hình, có sức cảm hoá mạnh mẽ đối với người đọc và có giá trị thẩm mỹ cao. Trong các cuộc chiến đấu của giai cấp và dân tộc, văn học nghệ thuật tiến bộ và cách mạng thường đi trước mở đường và người nghệ sĩ thực sự trở thành chiến sĩ.

Như vậy, lời dạy của Bác trên đây đã chỉ rõ trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ. Giữa thời điểm gay go, ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hơn lúc nào hết, mọi thành viên trong cộng đồng dân tộc Việt Nam đều phải thấm nhuần tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Bác đã nhắc nhở văn nghệ sĩ hãy giữ vững lập trường, khí thế tiến công cách mạng và vị trí quan trọng của mình trong cuộc đấu tranh một mất một còn của đất nước.

Lịch sử văn học đã từng chứng minh văn học nghệ thuật là một vũ khí đấu tranh có hiệu quả cao. Kho tàng văn học dân gian ngoài nội dung trữ tình còn có nội dung đấu tranh xã hội và một bộ phận của nó thực sự là phương tiện đấu tranh của nhân dân lao động chống lại ách áp bức bất công và những thói xấu của giai cấp thống trị. Văn học viết dưới thời phong kiến với những tác phẩm nổi tiếng như Thơ Thần của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu... đều thật sự có giá trị về tư tưởng và có tinh thần đấu tranh mạnh mẽ. Cách đây hơn một thế kỉ, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã nêu lên quan điểm hết sức đúng đắn, tiến bộ về văn chương và vai trò của người cầm bút:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

Quan điểm đó rất gần với nội dung lời dạy trên đây của Hồ Chủ tịch.

Từ Cách mạng tháng Tám đến kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, đội ngũ văn nghệ sĩ của nước ta ngày càng đông đảo. Lớp nhà văn - chiến sĩ vừa cầm bút, vừa cầm súng có mặt trên khắp các chiến trường ác liệt để tiếp cận thực tế, nâng cao vốn sống, vốn hiểu biết. Từ đó sáng tạo ra những tác phẩm hừng hực không khí sử thi và cảm hứng lãng mạn cách mạng, kịp thời phục vụ quần chúng đang sản xuất và chiến đấu chống xâm lăng. Những tên tuổi như Trần Đăng, Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Nguyên Ngọc, Anh Đức, Nguyễn Thi, Nguyễn Quang Sáng, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Minh Châu... mãi mãi là gương sáng của những văn nghệ sĩ chân chính hết lòng vì đất nước và dân tộc.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, mấy chục năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ đã có những đóng góp đáng kể vào sự nghiệp cách mạng lớn lao của nhân dân, Tổ quốc, biến khát khao cháy bỏng của Bác thành hiện thực: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng Việt Nam thành một quốc gia dân chủ, văn minh, hiện đại, sánh vai với các cường quốc năm châu.