I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Trong cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài hơn hai mươi năm, đế quốc Mĩ đã gây ra những tội ác tày trời ở Việt Nam.

- Một trong những tội ác có tính chất huỷ diệt là Mĩ đã cho máy bay rải chất độc hoá học xuống các khu rừng và làng mạc khắp miền Nam để phá hoại thiên nhiên và tiêu diệt lực lượng cách mạng.

- Chất độc màu da cam đã để lại di hoạ nặng nề cho hàng chục vạn gia đình và hàng vạn trẻ em ra đời sau chiến tranh.

- Cả nước đang phát động phong trào Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam và khởi kiện các công ti sản xuất hoá chất của Mỹ, đòi bồi thường thiệt hại cho nạn nhân chất độc màu da cam.

2. Thân bài:

* Nêu suy nghĩ của bản thân:

+ Căm phẫn trước tội ác dã man của đế quốc Mĩ:

- Vì chất độc màu da cam không chỉ gây tác hại nghiêm trọng cho những người trực tiếp chịu ảnh hưởng mà còn di hại tới nhiều thế hệ sau (Biến đổi gien, nguyên nhân của nhiều bệnh tật nguy hiểm...).

- Dẫn chứng: Ở các vùng máy bay Mĩ đã từng rải chất độc màu da cam (tập trung nhất là miền Trung và Tây Nguyên), số người bị nhiễm là rất nhiều, số trẻ em bị di chứng từ cha mẹ có thể tính tới mấy vạn.

+ Thông cảm và xót thương những nạn nhân chất độc màu da cam:

- Đau lòng khi chứng kiến nỗi bất hạnh của các gia đình nạn nhân: con cái bị tật nguyền, dị dạng, không thể học hành, làm việc được. Bệnh tật triền miên dẫn đến hoàn cảnh sống thiếu thốn, nghèo khổ. Dòng họ, gia đình chịu nỗi đau đớn không thể nào nguôi về mặt tinh thần...

- Sự thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần của họ là không gì bù đắp được.

+ Tham gia phong trào Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam:

- Tích cực hưởng ứng phong trào nói trên để góp phần làm vơi bớt nỗi khổ của nạn nhân.

- Tham gia vào chiến dịch đòi công lí, yêu cầu chính phủ Mĩ phải quan tâm và bồi thường cho các nạn nhân ở Việt Nam.

3. Kết bài:

- Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: Không nỗi đau nào riêng của ai (Máu và hoa). Nỗi bất hạnh của các nạn nhân chất độc màu da cam cũng là nỗi bất hạnh chung của tất cả chúng ta.

- Phản đối chiến tranh phi nghĩa gây đau thương, tang tóc cho dân lành. Bày tỏ tinh thần hoà bình, hữu nghị với các dân tộc trên thế giới. Mong rằng trong tương lai, “nỗi đau da cam” sẽ không còn xảy ra với bất cứ dân tộc nào trên trái đất.

II. BÀI LÀM

Có lẽ trên thế giới, ít có dân tộc nào lại phải chịu đựng nhiều cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc và kéo dài tưởng chừng bất tận như dân tộc Việt Nam. Vừa kết thúc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp chưa được bao lâu, dân tộc ta lại phải đương đầu với đế quốc Mĩ - một cường quốc hùng mạnh nhất thế giới. Trong suốt hai mươi năm, giặc Mĩ đã gây ra những tội ác tày trời ở Việt Nam. Dã man nhất là tội ác có tính huỷ diệt thiên nhiên và con người. Với mục đích “tìm diệt" đối phương (tức quân Giải phóng của ta), Mĩ đã cho máy bay rải chất độc hoá học ở nhiều nơi trên chiến trường miền Nam, nhất là miền Trung và Tây Nguyên. Những cánh rừng trụi lá, thân cây cháy đen. Rồi vườn tược, ruộng đồng hoa màu khô héo. Sông suối cũng bị đầu độc. Không một thứ sinh vật nào có thể sống sót dưới những cơn mưa chất độc màu vàng.

Chất độc màu da cam đã để lại di hoạ nặng nề, khủng khiếp cho hàng chục vạn gia đình. Hàng vạn người đã chết, không ít trẻ em ra đời sau chiến tranh đã trở thành nạn nhân của nó. Vấn đề này đang là thời sự nóng hổi được dư luận trong và ngoài nước quan tâm. Phong trào Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam đã và đang lan rộng khắp nơi, được nhiều người tham gia, ủng hộ.

Khi xem phim ảnh chiếu trên truyền hình và được tiếp xúc với các bạn nhỏ ở làng Hoà Bình trong bệnh viện Từ Dũ, thành phố Hồ Chí Minh, em thật sự xúc động và có cảm giác là trái tim như bị một bàn tay vô hình bóp thắt. Tội ác của giặc Mĩ, di hại của chất độc màu da cam hiển hiện rõ ràng trên những con người tật nguyền, dị dạng. Có bé không chân, có bé không tay, có bé toàn thân đầy lông lá,... nhiều bé chân tay vặn vẹo, không thể đi lại, một số ít may mắn có được hình dáng bình thường thì lại câm điếc hoặc bị bại não... Số phận bất hạnh sẽ đeo bám các em suốt đời. Thử hỏi có ai không động lòng thương trước những bé thơ vô tội ấy?!

Nỗi đau đớn về thể xác của các em đã ghê gớm nhưng nỗi đau đớn, giày vò về tinh thần của các em và gia đình, dòng họ... còn ghê gớm gấp trăm lần. Sinh ra là người mà các em không được quyền sống, học tập và làm việc như bao người khác. Những bệnh tật hiểm nghèo và số phận bất hạnh đeo đẳng các em suốt đời khiến cho hoàn cảnh sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Càng thương xót các nạn nhân, chúng ta càng căm phẫn những kẻ đã gieo rắc tai hoạ trên đất nước này. Tội ác của chúng là tội ác huỷ diệt, đi ngược lại quá trình tiến hoá của tự nhiên, chà đạp thô bạo lên quyền sống của con người. Tội ác khủng khiếp đó đã bị nhân loại tiến bộ trên thế giới đồng thanh lên án.

Từ năm 2004 đến nay, phong trào Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam đã phát triển rộng rãi trên khắp đất nước ta. Hàng triệu tấm lòng, hàng triệu cánh tay, hàng triệu chữ kí sẵn sàng giúp đỡ và đấu tranh cho quyền lợi của các nạn nhân. Các cơ quan, đoàn thể, trường học... đều nhiệt tình hưởng ứng phong trào để góp phần làm vơi bớt nỗi bất hạnh của họ. Tình thương yêu đồng loại, tình cảm dân tộc được thể hiện rõ ràng, cụ thể qua những căn nhà tình thương, những đồng vốn cấp cho các gia đình nạn nhân để xoá đói giảm nghèo, để chữa bệnh.

Gần đây, Ủy ban về vấn đề của nạn nhân chất độc màu da cam đã khởi kiện các công ti hoá chất sản xuất và cung cấp chất độc cho quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Sự kiện này đã làm rung động dư luận quốc tế và thức tỉnh lương tri nhân loại. Chắc chắn, những kẻ gây ra tội ác sẽ phải chịu trách nhiệm và phải bồi thường cho hàng vạn nạn nhân. Chúng ta tin rằng chân lí cuối cùng sẽ chiến thắng.

Thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần của các gia đình nạn nhân là to lớn, không gì bù đắp được. Những việc mà chúng ta làm cho họ dù bao nhiêu cũng vẫn là quá nhỏ, chỉ góp phần xoa dịu nỗi đau chứ không thể nào chấm dứt những nỗi đau khủng khiếp mà họ phải chịu đựng.

Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: Không nỗi đau nào riêng của ai (Máu và hoa), nỗi bất hạnh của các nạn nhân nói riêng cũng là nỗi bất hạnh của dân tộc Việt Nam nói chung. Chúng ta hãy cùng nhân loại cất cao tiếng nói phản đối chiến tranh phi nghĩa, ngăn chặn bàn tay tội ác để không bao giờ thảm kịch “chất độc màu da cam” tái diễn ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này.