I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Ca dao, tục ngữ là bức tranh sinh động phản ánh đời sống nhiều mặt của người lao động, nhất là nông dân.

- Đạo lí Uống nước nhớ nguồn được nhắc nhở trong những bài ca dao thấm đượm ân tình, ví dụ như bài: Cày đồng...

2. Thân bài:

* Nỗi vất vả, cực nhọc của người nông dân:

- Cày đồng đang buổi ban trưa, Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày: Bút pháp tả thực có chọn lọc (công việc tiêu biểu, thời điểm tiêu biểu) kết hợp với nghệ thuật so sánh cường điệu (Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày) nhấn mạnh mức độ vất vả, cực nhọc của công việc nhà nông.

* Lời khuyên về lòng biết ơn:

- Ai ơi bưng bát cơm đầy, Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần: Là lời nhắn nhủ chân thành, tha thiết với tất cả mọi người: Hãy biết quý trọng công lao của người nông dân một nắng hai sương làm ra hạt gạo nuôi đời. Hình ảnh bát cơm đầy gợi sự no đủ. Nghệ thuật đối: Dẻo thơm một hạt >< đắng cay muôn phần đẩy sự vất vả, cực nhọc lên đến mức độ cao nhất, qua đó bày tỏ thái độ thông cảm sâu sắc của các tác giả dân gian đối với người lao động.

3. Kết bài:

- Bài ca dao là một bài học thấm thía về lòng biết ơn.

- Lòng biết ơn là cơ sở của mọi suy nghĩ, hành động tốt đẹp của con người.

II. BÀI LÀM

Ca dao tục ngữ là bức tranh sinh động phản ảnh đời sống nhiều mặt của ông cha ta thuở trước. Có lẽ không ai sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này lại không biết đến bài ca dao thấm đượm ân tình qua lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ:

Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.

Bài ca dao vẻn vẹn chỉ có bốn câu nhưng đã miêu tả sinh động nỗi cực nhọc, vất vả của người nông dân quanh năm một nắng hai sương làm ra hạt gạo nuôi đời. Đồng thời nó cũng là lời khuyên nhủ chân tình về lòng biết ơn, thái độ trân trọng người lao động. Theo em, đây chính là biểu hiện đạo lí tốt đẹp của dân tộc ta.

Mở đầu bài ca dao, nỗi vất vả của người nông dân như hiện lên rõ ràng trước mắt ta:

Cày đồng đang buổi ban trưa,

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.

Trong những công việc của nhà nông thì cày đồng là công việc nặng nhọc nhất. Sáng tinh mơ, người nông dân đã vác cày, giong trâu ra đồng. Cái cảnh con trâu đi trước, cái cày đi sau quá quen thuộc ở nông thôn. Người nông dân cặm cụi cày từng luống đất. Mồ hôi thấm ướt lưng áo bạc màu. Lúc thời vụ gấp gáp, họ phải cày quên trưa, quên tối để kịp làm đất gieo mạ, cấy lúa. Người xưa khéo chọn thời điểm tiêu biểu: Cày đồng đang buổi ban trưa, giúp người đọc hình dung ra một cách cụ thể và rõ ràng về nỗi vất vả của người nông dân. Nhưng chỉ có thế thì chưa đủ. Phải cụ thể hoá nó ra bằng hình ảnh so sánh: Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày. Câu ca dao trên gợi nhớ đến câu: Bát mồ hôi đổi lấy bát cơm. Trong không gian tĩnh lặng của buổi trưa hè oi ả, dường như ta nghe rõ tiếng từng giọt mồ hôi rơi thánh thót. Muôn ngàn giọt đổ xuống như mưa ruộng cày. Đây là cách nói cường điệu nhưng ẩn chứa đằng sau mỗi câu, mỗi chữ là nỗi xót xa, thương cảm vô cùng sâu sắc của những người cùng cảnh ngộ.

Nỗi vất vả được nhấn mạnh và tô đậm. Trước mắt chúng ta là người nông dân đang gò lưng, ấn sâu lưỡi cày vào đất. Trước mặt, con trâu lầm lũi bước. Cả người lẫn trâu đều ướt đẫm mồ hôi dưới ánh nắng trưa hè gay gắt. Câu ca dao tả ít mà gợi nhiều đến thế!

Câu thứ ba, thứ tư là lời nhắc nhở chân thành:

Ai ơi bưng bát cơm đầy,

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muộn phần.

Tạo sao lại nhắc nhở đúng vào lúc bưng bát cơm đầy. Đây là chủ ý của người xưa, bởi lúc bưng chén cơm thơm dẻo, mấy ai nghĩ đến nỗi cực nhọc của người làm ra nó? Vì vậy nhắc nhở vào lúc này là nên, là đúng. Có được bát cơm đầy, người nông dân phải đổi bằng bao bát mồ hôi, có khi cả nước mắt. Nào chống hạn, chống úng, nào tai trời ách đất... Từ lúc cày đồng đến lúc gánh lúa về sân, biết bao lo âu, cực khổ. Tất cả những cái đó dồn vào trong một câu với hai vế đối rất chính: Dẻo thơm một hạt / đắng cay muôn phần. Một lần nữa, nỗi vất vả của người nông dân được nhắc lại và khắc sâu trong tâm khảm mọi người.

Hai câu ca dao trên còn là lời khuyên nhủ: đã là người thì phải sống sao cho thuỷ chung, ân nghĩa. Phải biết cảm thông, chia sẻ và trân trọng, biết ơn người lao động. Bưng bát cơm đầy mà không nhớ người làm ra nó là vong ơn, bội nghĩa. Những kẻ vô ơn như thế thật đáng chê trách và lên án.

Bài ca dao Cày đồng đang buổi ban trưa nằm trong chủ đề Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Người xưa mượn những chuyện cụ thể, gần gũi để nói đến những chuyện lớn lao: thái độ của người hưởng thụ đối với người làm ra thành quả như thế nào cho đúng? Trân trọng và biết ơn sâu sắc người làm ra của cải tinh thần, vật chất cho xã hội, biết bảo vệ và phát huy thành quả đó là thái độ đúng đắn nhất. Em cho rằng, dù ở trong bất cứ xã hội nào, hoàn cảnh nào thì lòng biết ơn cũng là biểu hiện của đạo đức, là cội nguồn của mọi điều tốt đẹp. Bài ca dao trên tuy ra đời đã lâu nhưng ý nghĩa giáo dục của nó luôn luôn mới mẻ và sâu sắc.