I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Chuyến xe khách vừa đi qua Sa Pa.

- Khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ và thơ mộng của Sa Pa.

2. Thân bài:

- Bác lái xe giới thiệu anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn với hoạ sĩ và cô gái.

- Cuộc gặp gỡ giữa ba người: Cô gái kĩ sư, hoạ sĩ già và anh thanh niên diễn ra ở trạm khí tượng. Anh thanh niên cắt bó hoa tươi tặng cô gái rồi kể về cuộc sống và công việc của mình.

- Cô kĩ sư và hoạ sĩ già xúc động trước những suy nghĩ cao đẹp và sự cống hiến thầm lặng của anh thanh niên đối với cuộc sống lao động, chiến đấu của dân tộc.

- Hoạ sĩ đã vẽ chân dung của anh thanh niên, ông đã tìm thấy ở anh nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Ông hứa sẽ quay trở lại để có điều kiện tìm hiểu kĩ hơn về cuộc sống của anh.

3. Kết bài:

- Cuộc gặp gỡ đặc biệt đã để lại ấn tượng khó quên trong lòng mỗi người.

- Suy nghĩ của hoạ sĩ già về anh thanh niên và lớp trẻ.

II. BÀI LÀM

Chiếc xe khách đang chầm chậm lăn bánh trên con đường cheo leo uốn lượn quanh co. Bỗng người lái xe quay sang hỏi ông hoạ sĩ ngồi bên cạnh tôi: “Chúng ta vừa qua Sa Pa đấy, bác không nhận ra ư?”. Hoạ sĩ già mỉm cười đáp: “Có. Tôi nhận ra Sa Pa bắt đầu với những rặng đào và những đàn bò lang cổ đeo chuông ở các đồng cỏ trong thung lũng hai bên đường. Chỗ ấy là Tả Phình phải không bác?”.

Người lái xe không hỏi gì nữa. Tôi và hoạ sĩ cũng im lặng vì khung cảnh trước mắt bỗng hiện ra với vẻ đẹp kì lạ. Nắng bắt đầu len tới đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bàng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường, luôn cả vào gầm xe. Giữa lúc đó, xe bỗng phanh kít lại. Khách trên xe xôn xao kêu lên: “Cái gì thế?”. Bác lái xe bảo là dừng lại một lúc để lấy nước và cho khách ăn lót dạ.

Trong lúc mọi người vui vẻ trò chuyện, bác lái xe quay sang nói nhỏ với hoạ sĩ: “Tôi sắp giới thiệu với ông một người cô độc nhất thế gian. Thế nào ông cũng thích vẽ hắn cho mà xem!”. Nói đến đây, tự nhiên bác nhìn tôi, khiến tôi đỏ mặt. Rồi bác kể: “Một thanh niên hai mươi bảy tuổi, làm công tác khí tượng địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét. Cách đây bốn năm, có hôm xe tôi đi đến đây thì thấy một khúc cây chắn ngang đường, phải hãm lại. Một anh thanh niên ở đâu chạy đến, cùng tôi và hành khách lăn khúc cây sang ven đường. Tôi hỏi không biết ai mà lại đẩy cây ra giữa đường thế này thì anh ta đỏ mặt. Thì ra vì mới lên đây nhận công tác, một mình sống trên đỉnh núi, bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo, chưa quen, thèm người quá nên anh ta kiếm kế dừng xe lại để gặp chúng tôi, được nhìn và nói chuyện một lát. Kìa, anh ta kia!”.

Tôi trông theo hướng tay bác lái xe thì thấy một người con trai tầm vóc nhỏ bé, nét mặt rạng rỡ từ sườn núi trước mặt chạy lại chỗ xe đỗ. Anh ta đưa cho bác lái xe một gói nhỏ. Bác lái xe hỏi là cái gì thì anh ta bảo là gửi biếu vợ bác gói củ tam thất để ngâm rượu uống cho khoẻ. Bác lái xe cũng rút từ túi xách ra một gói giấy, tươi cười nói: “Đây là cuốn sách tôi mua hộ anh”. Người con trai nhìn khắp lượt hành khách, vẻ hân hoan lộ rõ. Bác lái xe dắt anh đến trước mặt hoạ sĩ: “Tôi giới thiệu với anh một hoạ sĩ lão thành nhé. Còn cô gái này là kĩ sư nông nghiệp. Anh đưa khách về nhà đi! Tuổi già cần nước chè. Ở Lào Cai đi sớm quá không kịp uống. Anh hãy đưa ra cái món chè pha nước mưa thơm như nước hoa của Yên Sơn nhà anh”.

Anh thanh niên đỏ mặt, luống cuống cười: “Vâng! Mời họa sĩ và cô lên chơi! Nhà cháu ở kia kìa! Lên cái bậc cấp kia là tới đấy. Nước sôi đã có sẵn, nhưng để cháu về trước một tí. Bác và cô lên ngay nhé!”. Nói xong, anh ta chạy vụt đi, cũng tất tả vội vàng như lúc đến. Tôi thầm nghĩ chắc là anh ta về trước để kịp thu dọn nhà cửa. Con trai độc thân thường hay thiếu ngăn nắp.

Nhưng khi đến nơi, tôi ngạc nhiên ồ lên một tiếng khi thấy anh ta đang hái hoa. Sau gần hai ngày ngồi ô tô, qua ngót bốn trăm cây số đường dài cách xa Hà Nội, giờ đây đứng trông mây mù ngang tầm với chiếc cầu vồng kia, tôi lại gặp hoa lay-ơn, hoa thược dược... vàng, đỏ, tím, hồng... rực rỡ. Quên cả e thẹn, tôi chạy đến bên anh. Tự nhiên như đã quen nhau từ lâu, anh trao bó hoa cho tôi và nói: “Tôi cắt thêm mấy cành nữa. Rồi cô muốn lấy bao nhiêu tùy ý. Cô cứ cắt một bó rõ to vào, cắt hết cũng được, nếu cô thích. Tôi không biết kỉ niệm thế nào cho thật long trọng ngày hôm nay. Bác và cô là đoàn khách thứ hai đến thăm nhà tôi từ Tết và cô là cô gái thứ nhất từ Hà Nội lên tới nhà tôi từ bốn năm nay”. Anh ta đã nói to những điều lẽ ra người ta chỉ nghĩ, điều đó làm cho tôi và hoạ sĩ già cảm động thật sự. Tôi ôm bó hoa vào lòng rồi nhìn thẳng vào đôi mắt trong sáng của anh. Anh quệt vội giọt mồ hôi trên sống mũi, mỉm cười và hỏi nhỏ: “Cũng đoàn viên phỏng?”. Tôi vâng rất nhẹ và gật đầu.

Bất chợt, anh tuyên bố chấm dứt tiết mục cắt hoa. Anh kể cho chúng tôi nghe về công việc hằng ngày của anh là quanh quẩn bên mấy chiếc máy đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất... để ghi chép các thông tin, báo về trung tâm bằng máy bộ đàm. Trên cơ sở ấy, trung tâm sẽ dự báo thời tiết, phục vụ cho sản xuất và chiến đấu. Anh còn bảo là ban đêm không cần nhìn máy, chỉ nhìn gió lay lá hay nhìn trời là có thể đoán được mây, được gió. Đêm nào anh cũng phải ghi và báo về trung tâm lúc một giờ sáng. Xách đèn ra vườn, gió và tuyết như chỉ chực đợi người là ào ào xô tới. Cái im lặng lúc đó thật dễ sợ, nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung... Những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như lửa cháy. Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ lại được.

Anh thanh niên ngừng nói. Hoạ sĩ thoáng bối rối. Có lẽ ông đã bắt gặp một con người mà ông ao ước được biết. Chỉ cần một nét hiện ra trên gương mặt người ấy là đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét mới đủ là giá trị một chuyến đi dài của ông.

Hoạ sĩ háo hức giục anh thanh niên kể tiếp, nhưng anh cất giọng vui vẻ: “Báo cáo hết!”, rồi mời chúng tôi vào nhà uống trà. Hoạ sĩ đảo mắt nhìn quanh căn nhà nhỏ và ngồi xuống ghế. Căn nhà ba gian sạch sẽ, ngăn nắp. Một chiếc giường con, một bàn học, một giá sách. Tôi đến trước chiếc bàn học, lật xem bìa cuốn sách anh đang đọc dở rồi để lại như cũ. Anh rót nước mời chúng tôi. Hoạ sĩ già nhấp chén trà nóng toả hương thơm ngát, tỏ vẻ thích thú, rồi tự tay rót thêm chén nữa và nói: “Ta thoả thuận thế này: Chuyện dưới xuôi, mười ngày nữa trở lại đây, tôi sẽ kể anh nghe. Tôi sẽ trở lại, hứa danh dự đấy. Tôi cũng muốn biết cái im lặng lúc một giờ sáng chon von trên cao nó thế nào. Bây giờ có cả ba chúng ta đây, anh hãy kể chuyện anh đi! Sao người ta bảo rằng anh là người cô độc nhất thế gian? Rằng anh “thèm” người lắm?”.

Anh thanh niên bật cười khanh khách, bảo đấy là những từ của bác lái xe. Bác ấy nói thế chưa đúng vì bạn anh ở trạm đặt trên đỉnh núi Phăng Xi Păng cao ba nghìn một trăm bốn mươi hai mét mới đúng là “một mình”. Mà làm khí tượng thì ở cao như thế mới là lí tưởng.

Rồi anh hạ giọng như tâm sự: “Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này, cháu không nghĩ như vậy nữa. Và khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi cháu buồn đến chết mất. Còn “thèm” người thì ai mà chả “thèm” hở bác? Mình sinh ra là gì? Mình đẻ ở đâu? Mình vì ai mà làm việc? Đấy, cháu tự nói với cháu thế đấy. Bác lái xe đi về Lai Châu cứ đến đây dừng lại một lát. Không vào giờ “ốp” là cháu chạy xuống chơi, lâu dần thành lệ. Cháu bỗng dưng tự hỏi: Cái nhớ xe, nhớ người ấy thật ra là cái gì vậy? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô thị thì xoàng. Cháu ở liền trong trạm hằng tháng. Bác lái xe bao lần dừng, bóp còi toe toe, mặc, cháu gan lì nhất định không xuống. Ấy thế là một hôm, bác lái phải thân hành lên trạm cháu. Cháu nói: Đấy, bác cũng chẳng "thèm" người là gì?.

Anh quay sang nhìn tôi: “Và cô cũng thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ”. Rồi anh say sưa kể về những đồng nghiệp của mình đang âm thầm ngày đêm cống hiến cho đất nước. Theo anh thì họ đáng quý biết bao!

Trong thời gian ngắn ngủi, hoạ sĩ đã nhanh tay phác hoạ chân dung anh thanh niên vào sổ tay. Còn tôi, tôi cũng hiểu thêm về cuộc sống một mình dũng cảm tuyệt đẹp của anh, về thế giới riêng của những con người mà anh vừa kể. Tôi muốn có một cái gì đó để tặng anh, nói như anh là để kỉ niệm cuộc gặp gỡ đặc biệt này. Một cái cỏn con gì đó có thể biến thành một chút dịu dàng, một chút dũng cảm trong cuộc sống của anh, ví dụ như cuốn sách hay món trang trí nhỏ chẳng hạn. Tiếc thay, trong túi xách của tôi giờ đây chẳng có một vật gì như thế!

“Trời ơi! Chỉ còn năm phút!”. Anh thanh niên kêu lên tiếc rẻ. Anh chạy ra sau nhà rồi trở vào ngay, tay cầm một cái làn. Hoạ sĩ già cũng tặc lưỡi, miễn cưỡng đứng dậy. Tôi đặt lại chiếc ghế, thong thả đến chỗ ông. Anh thanh niên nhắc rằng tôi bỏ quên chiếc khăn mùi xoa và đưa cho tôi. Tôi nhận lấy chiếc khăn rồi vội quay đi. Đến bậu cửa, ông hoạ sĩ chụp lấy tay anh lắc mạnh: “Tôi sẽ quay trở lại. Chắc chắn thế. Tôi ở với anh ít hôm, được chứ?”. Đến lượt tôi chìa tay ra cho anh nắm, cẩn trọng, rõ ràng như người ta trao cho nhau một cái gì chứ không phải là cái bắt tay rồi nhìn thẳng vào mắt anh và nói lời từ biệt. Anh ấn vào tay hoạ sĩ chiếc làn đựng trứng gà, bảo là dành cho chúng tôi và bác lái xe, xin lỗi không tiễn được vì đã đến giờ làm việc. Anh mỉm cười chào và dặn hoạ sĩ nhớ quay trở lại.

Tôi và hoạ sĩ bước xuống đến mặt đường, ngước nhìn lên thì không thấy bóng anh đâu nữa. Có lẽ anh đã vào nhà hoặc ra vườn khí tượng. Hoạ sĩ xách làn trứng, còn tôi ôm bó hoa to. Lúc này, nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. Chúng tôi lững thững đi về phía chiếc xe. Hoạ sĩ lẩm bẩm: “Thanh niên bây giờ lạ thật! Các anh chị cứ như là con bướm. Mà mới mười một giờ, đã đến giờ “ốp” đâu? Tại sao anh ta không tiễn mình đến tận xe nhỉ?”. Tôi liếc nhìn ông, tự dưng trong lòng hồi hộp nhưng vẫn giữ im lặng. Có lẽ, không bao giờ tôi quên cuộc gặp gỡ bất ngờ và đặc biệt này.