BÀI 29: DÂN CƯ - XÃ HỘI CHÂU PHI
1. Lịch sử và dân cư
Câu hỏi: Lịch sử châu Phi gồm có mấy thời kì phát triển?
* Trả lời:
Có 4 thời kì phát triển:
- Thời kì cổ đại: Nền văn minh sông Nin
- Từ thế kỉ XVI đến XIX: Thực dân châu Âu xâm chiếm, đưa người da đen sang châu Mĩ làm nô lệ.
- Cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX: Hầu hết châu Phi bị chiếm làm thuộc địa.
- Sau chiến tranh thế giới thứ II: Các nước châu Phi giành được độc lập và trở thành nhóm nước đang phát triển.
Câu hỏi: Dựa vào hình 29.1 (SGK, trang 90) và kiến thức đã học, trình bày sự phân bố dân cư ở châu Phi. Tại sao dân cư châu Phi phân bố không đều?
* Trả lời:
Phân bố dân cư: Ở các vùng hoang mạc (Xa-ha-ra, Na-mip, Ca-la-ha-ri) dưới 2 người/$km^{2}$. Các vùng miền núi (At-lat) và đại bộ phận lãnh thổ: từ 2 - 20 người/$km^{2}$. Ven vịnh Ghi-nê, lưu vực sông Ni-giê, hồ Vich-to-ri-a, từ 21 - 50 người/$km^{2}$.
Dân cư châu Phi phân bố không đều, do phụ thuộc vào đặc điểm của môi trường tự nhiên: những nơi có điều kiện môi trường tự nhiên thuận lợi, mật độ dân cư tập trung cao, sinh sống nhiều.
Câu hỏi: Tìm trên hình 29.1 các thành phố ở châu Phi có từ 1 triệu dân trở lên. Các thành phố này phân bố chủ yếu ở đâu?
* Trả lời:
Dân cư châu Phi thường sống ở các ốc đảo và đô thị nhỏ.
Các thành phố có trên 1 triệu dân thường tập trung ven biển. Gồm có: An-giê, Tri-pô-li, A-lếch-xan-dria, Cai-rô, Khac-tum, An-đi-a-bê-a, Nai-rô-bi, Đa-et xa-lam, Lu-xa-ca, Ha-ra-rê, Prê-tô-ri-a, Ma-pu-tô. Giô-han-nex-bua, Đuốc-ban, Kếp-tao, Lu-an-đa, Kin-sa-xa, La-gốt, Ác-cra, A-bit-gian, Cô-na-cri, Đa-ca, Ca-xa-blan-ca, Ra-bat.
2. Sự bùng nổ dân số và xung đột tộc người châu Phi
Câu hỏi: Tìm trên bản đồ các quốc gia trong bảng số liệu (SGK, trang 91), cho biết:
+ Các quốc gia có tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên cao hơn mức trung bình nằm ở vùng nào của châu Phi?
+ Các quốc gia có tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên thấp hơn mức trung bình nằm ở vùng nào của châu Phi?
* Trả lời:
Dựa vào bảng số liệu tình hình dân số của một số quốc gia ở châu Phi năm 2001 - SGK, trang 91.
- Các quốc gia có tỉ lệ gia tăng tự nhiên cao: E-ti-ô-pi-a: 2,9%, Tan-da-ni-a: 2,8%, Ni-giê-ri-a: 2,7%.
- Các quốc gia có tỉ lệ gia tăng tự nhiên thấp: CH Nam Phi: 1,1%.
Nhìn chung, tỉ lệ gia tăng tự nhiên của châu Phi cao nhất thế giới (2,4%).
Câu hỏi: Nêu hậu quả của những cuộc xung đột tộc người ở châu Phi?
* Trả lời:
Châu Phi có nhiều tộc người với hàng nghìn thổ ngữ khác nhau, do thực dân châu Âu chiếm làm thuộc địa, thực hiện chính sách chia để trị nên đã gây ra nhiều mâu thuẫn giữa các tộc người trong từng nước và giữa các nước láng giềng với nhau dẫn đến xung đột biên giới và nội chiến liên miên, gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm cho châu Phi gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế, xã hội (dịch bệnh nghèo đói, xã hội bất ổn, nền kinh tế trì trệ...) và tạo cơ hội để nước ngoài can thiệp.
BÀI TẬP TRẮC NGHIỆM
Câu 1: Dân cư châu Phi tập trung đông đúc ở các vùng nào?
A. Duyên hải phần cực Bắc và cực Nam
B. Ven vịnh Ghi-nê
C. Thung lũng sông Nin
D. Cả A, B, C đều đúng
Câu 2: Nền văn minh cổ đại nào ở châu Phi là một trong những cái nôi của loài người?
A. Văn minh sông Nin
B. Văn minh Lưỡng Hà
C. Cả A, B đều đúng
D. Cả A, B đều sai
Câu 3: Đặc điểm phân bố dân cư châu Phi:
A. Phân bố không đều và gia tăng nhanh
B. Phần lớn sống ở nông thôn
C. Các thành phố lớn trên triệu dân thường tập trung ven biển
D. Cả A, B, C đều đúng
Câu 4: Nguyên nhân làm cho hàng chục triệu người châu Phi thường xuyên bị nạn đói đe doạ
A. Bùng nổ dân số
B. Thiếu lương thực
C. Cả A, B đều đúng
D. Cả A, B đều sai
Câu 5: Dựa vào hình 29.1 (SGK) cho biết các nước có tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên cao hơn mức trung bình?
A. Cộng Hoà Nam Phi
B. Ai Cập
C. Libi, Mali
D. Cả A, B đều đúng
ĐÁP ÁN
Câu 1: D
Câu 2: A
Câu 3: D
Câu 4: C
Câu 5: D