Chương V. MÔI TRƯỜNG VÙNG NÚI. HOẠT ĐỘNG KINH TẾ CỦA CON NGƯỜI Ở VÙNG NÚI

BÀI 23: MÔI TRƯỜNG VÙNG NÚI

1. Đặc điểm của môi trường

Câu hỏi: Cảnh quan môi trường vùng núi phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên nào?

* Trả lời:

Ở vùng núi, khí hậu và thực vật thay đổi theo độ cao và theo hướng của sườn núi.

Câu hỏi: Quan sát hình 23.2, (SGK, trang 75), nhận xét về sự phân tầng thực vật ở hai sườn của dãy núi An-pơ. Cho biết nguyên nhân.

* Trả lời:

Sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm không khí tạo nên sự phân tầng thực vật theo độ cao ở hai sườn của dãy núi An-pơ từ thấp lên cao là rừng lá rộng, rừng cây lá kim, đồng cỏ và tuyết.

Nguyên nhân: Càng lên cao, không khí càng lạnh, thực vật biến đổi theo độ cao.

Khí hậu và thực vật theo hướng của sườn núi: sườn đón gió ẩm thường có mưa nhiều, cây cối tươi tốt hơn so với sườn khuất gió hoặc đón gió lạnh. Ở đới ôn hòa, trên những sườn núi đón ánh nắng, cây cối phát triển lên đến những độ cao lớn hơn phía sườn khuất nắng.

2. Cư trú của con người

Câu hỏi: Ở vùng núi, các dân tộc ít người thường sinh sống ở đâu?

* Trả lời:

Các dân tộc ít người thường sống rải rác men theo sườn núi hay dưới thung lũng. Các dân tộc miền núi châu Á thường sống ở vùng núi thấp, có khí hậu mát mẻ và nhiều lâm sản. Các dân tộc ở miền núi Nam Mĩ ưa sống ở độ cao trên 3.000m, là nơi có nhiều vùng đất bằng phẳng, thuận tiện cho việc trồng trọt, chăn nuôi. Ở vùng rừng Châu Phi, người Ê-ti-ô-pi-a sống tập trung ở các sườn núi chắn gió có nhiều mưa, khí hậu mát mẻ trong lành.

Câu hỏi: Trình bày sự thay đổi của thảm thực vật theo độ cao, theo hướng sườn ở vùng núi An-pơ?

* Trả lời:

Thảm thực vật thay đổi theo độ cao: rừng lá rộng, rừng lá kim, đồng cỏ núi cao, tuyết vĩnh cửu.

Thảm thực vật thay đổi theo hướng sườn núi: sườn đón gió có cây cối phát triển tươi tốt hơn sườn khuất gió.

Câu hỏi: Quan sát hình 23.3, nhận xét về sự thay đổi của các vành đai thực vật ở vùng núi đới nóng và vùng núi đới ôn hòa? Giải thích?

* Trả lời:

Các vành đai thực vật ở đới nóng thay đổi theo độ cao: rừng rậm, rừng cận nhiệt trên núi, rừng hỗn giao ôn đới, rừng lá kim, đồng cỏ, tuyết vĩnh cửu.

Các vành đai thực vật ở đới ôn hòa: rừng lá rộng, rừng hỗn giao, rừng lá kim, đồng cỏ núi cao, tuyết vĩnh cửu.

* Giải thích:

Thực vật thay đổi từ thấp lên cao, ở hai đới nóng và ôn hòa, mặc dù cùng độ cao nhưng đới nóng có thêm vành đai rừng rậm nhiệt đới vì càng lên càng lạnh (ở đới ôn hòa), thực vật ít phát triển hơn.

BÀI TẬP TRẮC NGHIỆM

Câu 1: Sự phân tầng thực vật theo độ cao ở vùng núi là do:

A. Sự thay đổi nhiệt độ không khí từ chân núi lên đỉnh núi

B. Độ ẩm không khí

C. Cả A, B đều đúng

D. Cả A, B đều sai

Câu 2: Khí hậu và thực vật môi trường vùng núi thay đổi:

A. Theo hướng của sườn núi

B. Theo vĩ độ

C. Cả A, B đều đúng

D. Cả A, B đều sai

Câu 3: Ở vùng núi, sườn đón gió ẩm:

A. Có mưa nhiều, cây cối tốt tươi

B. Ít mưa, cây cối thưa thớt

C. Không có mưa, thực vật nghèo nàn

D. Cả A, B, C đều sai

Câu 4: Quan sát hình 23.2 (SGK) cho biết sự phân tầng thực vật theo độ cao ở hai sườn núi:

A. Sườn núi đón ánh nắng, thực vật, cây cối phát triển như sườn khuất nắng

B. Sườn núi khuất nắng, thực vật phát triển nhanh hơn sườn đón nắng

C. Sườn núi đón nắng, cây cối phát triển lên tới độ cao hơn sườn khuất nắng

D. Cả A, B, C đều sai

Câu 5: Các dân tộc miền núi Nam Mĩ sinh sống ở độ cao:

A. Dưới 1000m

B. 1000-2000m

C. 2000-3000m

D. Trên 3000m

Câu 6: Ở vùng Sừng châu Phi, người Êtiôpia sống tập trung trên các vùng núi cao, chắn gió vì:

A. Khí hậu mát mẻ, trong lành

B. Sườn núi cao chắn gió, nhiều mưa

C. Cả A, B đều đúng

D. Cả A, B đều sai

Câu 7: Vùng núi thường là nơi:

A. Thưa dân

B. Có nhiều dân tộc, đặc điểm cư trú khác nhau

C. Có nhiều dân tộc sinh sống rải rác men theo sườn núi, thung lũng hay những độ cao khác nhau

D. Cả A, B, C đều đúng

ĐÁP ÁN

Câu 1: C

Câu 2: C

Câu 3: A

Câu 4: C

Câu 5: D

Câu 6: C

Câu 7: D