Phần một. THÀNH PHẦN NHÂN VĂN CỦA MÔI TRƯỜNG
BÀI 1. DÂN SỐ
1. Dân số, nguồn lao động
Câu hỏi: Dân số là gì?
* Trả lời:
- Dân số là tổng số người của một địa phương, của một nước trong một thời điểm nhất định.
- Các cuộc điều tra dân số cho biết tình hình dân số, nguồn lao động của một địa phương, hoặc một nước.
Câu hỏi: Căn cứ vào đâu để biết được đặc điểm của dân số?
* Trả lời:
Dựa vào tháp tuổi (tháp dân số) để biết được đặc điểm giới tính, độ tuổi, số người trong độ tuổi lao động hoặc nguồn lao động dự trữ trong tương lai.
Câu hỏi: Quan sát hai tháp tuổi hình 1.1 (SGK, trang 4) cho biết:
+ Trong tổng số trẻ em từ khi mới sinh ra cho đến 4 tuổi ở mỗi tháp, ước tính có bao nhiêu bé trai và bao nhiêu bé gái?
+ Hình dạng của hai tháp tuổi khác nhau như thế nào? Tháp tuổi có hình dạng như thế nào thì tỉ lệ người trong độ tuổi lao động cao?
* Trả lời:
Tổng số trẻ em từ khi sinh ra đến 4 tuổi (màu xanh lá cây):
+ Tháp 1: khoảng 5,5 triệu bé trai, khoảng 5,5 triệu bé gái.
+ Tháp 2: khoảng 4,5 triệu bé trai, khoảng 5 triệu bé gái.
- Hình dạng tháp 1: đáy rộng, thân hẹp → số người trong độ tuổi lao động ít.
- Hình dạng tháp 2: đáy hẹp, thân rộng → số người trong độ tuổi lao động cao.
2. Dân số thế giới tăng nhanh trong thế kỉ XIX và thế kỉ XX
Câu hỏi: Gia tăng dân số tự nhiên và gia tăng dân số cơ giới khác nhau như thế nào?
* Trả lời:
- Gia tăng dân số tự nhiên là chênh lệch giữa số trẻ em sinh ra và số người chết đi trong năm.
- Sự gia tăng dân do số người chuyển đi và số người từ nơi khác chuyển đến gọi là gia tăng dân số cơ giới.
Câu hỏi: Tỉ lệ gia tăng dân số là gì?
* Trả lời: Tỉ lệ gia tăng dân số là khoảng cách giữa tỉ lệ sinh và tỉ lệ tử.
Câu hỏi: Tỉ lệ sinh là gì?
* Trả lời:
Tỉ lệ sinh là tỉ số giữa trẻ em sinh ra trong năm với số dân trung bình trong năm.
Câu hỏi: Tỉ lệ tử là gì?
* Trả lời:
Tỉ lệ tử là tỉ số giữa số người chết đi trong năm với số dân của năm đó. (đơn vị tính: )
Câu hỏi: Quan sát hình 1.2 (SGK, trang 4), nhận xét về tình hình tăng dân số thế giới từ đầu thế kỉ XIX đến cuối thế kỉ XX
* Trả lời:
- Từ đầu Công nguyên đến năm 1250, dân số thế giới tăng hết sức chậm chạp
- Dân số thế giới tăng nhanh từ năm 1804 đến 1990.
- Dân số thế giới tăng vọt từ 1990 đến 1999.
Nguyên nhân:
+ Trong những năm đầu Công nguyên đến thế kỉ XVI, dân số thế giới tăng chậm vì dịch bệnh, đói kém, thiên tai và chiến tranh. (Từ đầu Công nguyên có khoảng 300 triệu người, đến thế kỉ XVI dân số thế giới mới tăng gần gấp đôi).
+ Từ đầu thế kỉ XIX đến thế kỉ XX, dân số thế giới tăng nhanh nhờ những tiến bộ khoa học kĩ thuật, và tiến bộ trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, y tế.
3. Sự bùng nổ dân số
Câu hỏi: Bùng nổ dân số là gì?
* Trả lời:
Khi dân số tăng nhanh, tăng đột ngột do tỉ lệ sinh cao, còn tỉ lệ tử lại giảm nhanh gọi là bùng nổ dân số. Bùng nổ dân số xảy ra khi tỉ lệ gia tăng bình quân hằng năm của dân số thế giới lên đến 2,1%.
Câu hỏi: Quan sát, so sánh hai biểu đồ về tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên của các nước phát triển và các nước đang phát triển từ năm 1800 đến năm 2000 dưới đây, cho biết: Trong giai đoạn từ năm 1950 đến năm 2000, nhóm nước nào có tỉ lệ gia tăng dân số cao hơn? Tại sao?
* Trả lời:
Trong giai đoạn từ năm 1950 đến năm 2000, nhóm nước đang phát triển có tỉ lệ gia tăng dân số cao hơn nhóm nước phát triển. (Mặc dù xu hướng gia tăng dân số giảm dần).
Nguyên nhân:
Từ năm 1950 đến năm 2000, các nước đang phát triển, tỉ lệ tử giảm nhanh (25 xuống còn dưới 10 ), tỉ lệ sinh ở các nước đang phát triển vẫn còn cao so với các nước phát triển. (Năm 2000, các nước đang phát triển là 25 , các nước phát triển là 17 ).
Kết luận:
Sự gia tăng dân số thế giới có xu hướng giảm dần, nhưng giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển sự gia tăng dân số không đều. Các nước đang phát triển mặc dù có nhiều cải thiện về đời sống kinh tế, xã hội, y tế nhưng tỉ lệ gia tăng tự nhiên vẫn còn ở mức cao so với các nước phát triển.
Câu hỏi: Làm thế nào để hạn chế sự gia tăng dân số?
* Trả lời:
Kế hoạch hóa gia đình, hạn chế sinh đẻ, áp dụng các chính sách dân số và phát triển kinh tế xã hội hợp lí.
Câu hỏi: Nêu rõ ảnh hưởng của sự gia tăng nhanh dân số?
* Trả lời:
Dân số tăng nhanh ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của gia đình và xã hội (vấn đề ăn mặc, ở, học hành, việc làm...) là gánh nặng đối với các nước có nền kinh tế chậm phát triển.
Câu hỏi: Dựa vào bảng số liệu trang 6 SGK về tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên và sự phân bố dân cư trên thế giới theo các châu lục dưới đây, hãy cho biết: châu lục nào có tỉ lệ gia tăng dân số cao nhất và châu lục nào có tỉ lệ gia tăng dân số thấp nhất. Tại sao tỉ lệ gia tăng tự nhiên của châu Á giảm nhưng tỉ trọng dân số so với toàn thế giới lại tăng?
* Trả lời:
- Châu lục có tỉ lệ gia tăng dân số cao nhất là châu Phi (1950 – 1955 so với 1990 – 1995 tăng 0,45%).
- Châu lục có tỉ lệ gia tăng dân số thấp nhất là Nam Mĩ (1950 – 1955 so với 1990 – 1995 giảm 0,95%).
- Tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên của châu Á giảm nhưng tỉ trọng dân số so với toàn thế giới tăng, vì: dân số châu Á quá nhiều (chiếm 55,6% dân số thế giới).
- Tỉ lệ tăng dân số quá cao (Nam Mĩ 2,65%) cho nên tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên của châu Á mặc dù có giảm nhưng số dân tăng lên vẫn còn rất nhiều nên tỉ trọng dân số so với toàn thế giới vẫn tăng cao.
BÀI TẬP TRẮC NGHIỆM
Câu 1: Nhìn vào tháp tuổi ta biết được:
A. Tổng số nam nữ phân theo từng độ tuổi
B. Số người trong độ tuổi lao động của một địa phương
C. Cả A, B đều đúng
D. Cả A, B đều sai
Câu 2: Hình dạng tháp tuổi đáy rộng thân hẹp cho thấy:
A. Số người trong độ tuổi lao động ít
B. Số người trong độ tuổi lao động trung bình
C. Số người trong độ tuổi lao động nhiều
D. Cả A, B, C đều sai
Câu 3: Độ tuổi dưới tuổi lao động là những người có tuổi từ:
A. 0 - 14 tuổi
B. 0 - 15 tuổi
C. 0 - 16 tuổi
D. 0 - 17 tuổi
Câu 4: Quan sát biểu đồ 1.3 và 1.4 (SGK) cho thấy từ năm 1950 đến năm 2000 tỉ lệ tăng dân số thuộc về nhóm nước:
A. Kém phát triển
B. Đang phát triển
C. Phát triển
D. Cả A, B, C đều sai
Câu 5: Từ những năm 50 của thế kỉ XX, dân số thế giới tăng rất nhanh thuộc về các nước ở:
A. Châu Á
B. Châu Phi
C. Châu Mỹ Latinh
D. Cả A, B, C đều đúng
Câu 6: Dân số tăng nhanh vượt quá khả năng giải quyết các vấn đề gì?
A. Ăn, mặc
B. Thiếu nhà ở, thất nghiệp
C. Y tế, giáo dục chậm phát triển
D. Cả A, B, C đều đúng
ĐÁP ÁN
Câu 1: C
Câu 2: A
Câu 3: B
Câu 4: B
Câu 5: D
Câu 6: D