BÀI 3: QUẦN CƯ. ĐÔ THỊ HÓA

1. Quần cư nông thôn và quần cư đô thị

Câu hỏi: Quần cư là gì? Có mấy kiểu quần cư?

* Trả lời:

- Quần cư là cách tổ chức sinh sống và hoạt động kinh tế của con người.

- Có 2 kiểu quần cư: Quần cư nông thôn và quần cư đô thị.

Câu hỏi: Nêu rõ nét đặc trưng của quần cư nông thôn và quần cư đô thị?

* Trả lời:

- Quần cư nông thôn: Là hình thức tổ chức sinh sống dựa vào hoạt động kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm và ngư nghiệp. Cách tổ chức của quần cư nông thôn là sống tập trung, tạo thành các làng mạc, thôn xóm trên một địa bàn nhất định thường phân tán gắn liền với đất đai canh tác, đất đồng cỏ, đất rừng hay mặt nước.

- Quần cư đô thị: Là hình thức tổ chức sinh sống dựa vào hoạt động kinh tế, chủ yếu là sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Nhà cửa tập trung thành phố phường với mật độ cao.

2. Đô thị hóa. Các siêu đô thị

Câu hỏi: Siêu đô thị là gì?

* Trả lời:

Siêu đô thị là nhiều đô thị phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ trở thành những đô thị rất lớn. Các siêu đô thị thường có số dân trên 8 triệu người.

Câu hỏi: Đọc hình 3.3 SGK, trang 11 - Lược đồ các siêu đô thị trên thế giới có từ 8 triệu dân trở lên (năm 2000), cho biết:

+ Châu lục nào có nhiều siêu đô thị có từ 8 triệu dân trở lên nhất?

+ Tên các siêu đô thị ở châu Á có từ 8 triệu dân trở lên?

* Trả lời:

- Châu Á là châu lục có nhiều siêu đô thị từ 8 triệu dân trở lên (12 siêu đô thị).

- Tên của các siêu đô thị ở châu Á là: Ka-ra-si, Niu-Đê-li, Côn-ca-ta, Mum-bai, Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Xơ-un, Tô-ki-ô, Ô-xa-ca-Cô-bê, Ma-ni-la, Gia-cac-ta.

Câu hỏi: Dựa vào bảng thống kê SGK, trang 12, hãy nhận xét về sự thay đổi dân số và thay đổi ngôi thứ của 10 siêu đô thị lớn nhất thế giới từ 1950 đến năm 2000. Các siêu đô thị này chủ yếu thuộc châu lục nào?

* Trả lời:

- Nhận xét về sự thay đổi dân số:

+ Từ 1950 - 2000, số dân của siêu đô thị tăng dần, từ 12 triệu lên 20 triệu và lên đến 27 triệu người.

- Về sự thay đổi ngôi thứ:

+ Siêu đô thị Niu I-oóc (Bắc Mĩ) từ thứ nhất (1950 – 1975) xuống vị trí thứ 3 năm 2000.

+ Siêu đô thị Luân Đôn (châu Âu) từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 7 (1975) và năm 2000, không có tên trong 10 siêu đô thị.

+ Siêu đô thị Tô-ki-ô, từ vị trí 0 (năm 1950) lên vị trí thứ 2 (năm 1975) và vị trí thứ 1 năm 2000.

Các siêu đô thị này chủ yếu thuộc châu lục:

- Năm 1950, 1 ở Bắc Mĩ, 1 ở châu Âu.

- Năm 1975, 3 ở Bắc Mĩ, 2 ở châu Âu, 3 ở châu Á, 2 ở Nam Mĩ

- Năm 2000, 3 ở Bắc Mĩ, 6 ở châu Á, và 1 ở Nam Mĩ.

* Kết luận:

Các nước đang phát triển ở châu Á và Nam Mĩ có số siêu đô thị ngày càng tăng, dân số của siêu đô thị đông dân nhất từ 12 triệu lên 27 triệu người.

BÀI TẬP TRẮC NGHIỆM

Câu 1: Quần cư nông thôn là hình thức tổ chức sinh sống chủ yếu:

A. Thôn xóm, làng mạc

B. Hoạt động kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp

C. Cả A, B đều đúng

D. Cả A, B đều sai

Câu 2: Hoạt động kinh tế chủ yếu của quần cư đô thị:

A. Sản xuất công nghiệp

B. Phát triển dịch vụ

C. Sản xuất nông lâm ngư nghiệp

D. Cả A, B đều đúng

Câu 3: Thời kì đô thị phát triển mạnh nhất:

A. Vào thế kỷ XXI

B. Vào thời kì công nghiệp phát triển

C. Cả A, B đều đúng

D. Cả A, B đều sai

Câu 4: Đến thế kỉ nào thì đô thị xuất hiện rộng khắp trên thế giới?

A. Thế kỉ XVIII

B. Thế kỉ XIX

C. Thế kỉ XX

D. Cả A, B, C đều sai

Câu 5: Trên thế giới số siêu đô thị tăng nhanh ở:

A. Các nước kém phát triển

B. Các nước đang phát triển

C. Các nước phát triển

D. Cả A, B, C đều sai

Câu 6: Dựa vào lược đồ các siêu đô thị trên thế giới năm 2000 (SGK) cho thấy châu lục có nhiều siêu đô thị nhất:

A. Châu Á

B. Châu Âu

C. Châu Mĩ

D. Châu Phi

ĐÁP ÁN

Câu 1: C

Câu 2: D

Câu 3: C

Câu 4: C

Câu 5: B

Câu 6: A