Chương VII: CHÂU MĨ

BÀI 35: KHÁI QUÁT CHÂU MĨ

1. Một lãnh thổ rộng lớn

Câu hỏi: Quan sát hình 35.1 (SGK, trang 110), cho biết châu Mĩ tiếp giáp những đại dương nào? Tại sao nói châu Mĩ nằm hoàn toàn ở nửa cầu Tây?

* Trả lời:

Châu Mĩ tiếp giáp với 2 đại dương: Thái Bình Dương ở phía Tây và Đại Tây Dương ở phía đông.

Châu Mĩ trải dài trên nhiều vĩ độ, từ vòng cực Bắc đến vòng cực Nam, về phía bán cầu Tây.

Câu hỏi: Quan sát hình 35.1, cho biết ý nghĩa kinh tế của kênh đào Pa-na-ma?

* Trả lời:

Kênh đào Pa-na-ma ở Trung Mĩ có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế, vì nối liền hai đại dương: Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.

2. Vùng đất của dân nhập cư. Thành phần chủng tộc đa dạng

Câu hỏi: Nêu rõ thành phần chủng tộc ở châu Mĩ?

* Trả lời:

Thành phần chủng tộc đa dạng: người Anh-điêng, người E-xki-mô, là con cháu của người châu Á di cư đến từ xa xưa. Từ thế kỉ XVI, có thêm chủng tộc Ơ-rô-pê-ô-it (châu Âu) và chủng tộc Nê-grô-it (châu Phi) và thành phần người lai.

Câu hỏi: Quan sát hình 35.2 (SGK, trang 111) - Lược đồ các luồng nhập cư vào châu Mĩ, giải thích tại sao có sự khác nhau về ngôn ngữ giữa dân cư thuộc Bắc Mĩ và dân cư ở Trung và Nam Mĩ.

* Trả lời:

Các luồng nhập cư vào châu Mĩ:

- Chủng tộc Môn-gô-lô-it cổ, người Anh, Pháp, I-ta-li-a, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.

- Chủng tộc Nê-grô-it (Trung và Nam Mĩ).

Sự khác nhau về ngôn ngữ:

- Cư dân Bắc Mĩ đại bộ phận là con cháu của người Anh, Pháp, Đức di cư sang, có nền văn hóa Ang-lô-xac-xông (nói tiếng Anh).

- Châu Mĩ La tinh, các nước ở Trung Mĩ (về phía nam) có nguồn gốc con cháu người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, thuộc ngữ hệ La tinh (tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha).

Câu hỏi: Lãnh thổ châu Mĩ (phần lục địa) kéo dài trên khoảng bao nhiêu vĩ độ?

* Trả lời:

Lãnh thổ châu Mĩ kéo dài gần 139 vĩ độ nên có đầy đủ các đới tự nhiên thuộc cả 3 vành đai nhiệt trên Trái Đất.

Câu hỏi: Các luồng nhập cư có vai trò quan trọng như thế nào đến sự hình thành cộng đồng dân cư châu Mĩ?

* Trả lời:

Lịch sử nhập cư ở châu Mĩ và các luồng nhập cư đã tạo nên thành phần chủng tộc đa dạng ở châu Mĩ.

Trước thế kỉ XV, châu Mĩ chủ yếu là chủng tộc Môn-gô-lô-it gồm có người Anh-điêng và người E-xki-mô. Từ thế kỉ XV đến nay, châu Mĩ có đầy đủ các chủng tộc chính trên thế giới, tạo nên một cộng đồng dân cư đa dạng về chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa, kinh tế.

BÀI TẬP TRẮC NGHIỆM

Câu 1: Châu Mĩ nằm hoàn toàn ở nửa cầu nào?

A. Nửa cầu Bắc

B. Nửa cầu Nam

C. Nửa cầu Đông

D. Nửa cầu Tây

Câu 2: Người Anh điêng và người E-xki-mô thuộc chủng tộc nào?

A. Môn-gô-lô-it

B. Nê-grô-it

C. Ơ-rô-pê-ô-it

D. Cả A, B, C đều sai

Câu 3: Quan sát hình 35.1 (SGK) cho biết kênh đào Pa-na-ma nối liền các đại dương nào?

A. Thái Bình Dương - Bắc Băng Dương

B. Đại Tây Dương - Ấn Độ Dương

C. Thái Bình Dương - Đại Tây Dương

D. Cả A, B, C đều sai

Câu 4: Người Anh-điêng sinh sống chủ yếu bằng nghề gì?

A. Săn bắn

B. Trồng trọt

C. Chăn nuôi

D. Cả A, B đều đúng

Câu 5: Người E-xki-mô sinh sống bằng nghề:

A. Săn thú

B. Bắt cá

C. Trồng trọt, chăn nuôi

D. Cả A, B đúng

Câu 6: Các bộ lạc nào ở Trung Mĩ và Nam Mĩ có trình độ phát triển khá cao như luyện kim, kĩ thuật xây dựng và có nền văn minh cổ đại rực rỡ?

A. Người A-xơ-tếch

B. Người Mai-a

C. Người In-ca

D. Cả A, B, C đều đúng

ĐÁP ÁN

Câu 1: D

Câu 2: C

Câu 3: C

Câu 4: D

Câu 5: D

Câu 6: D