I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Văn chương xuất hiện từ xa xưa và phát triển song song cùng với lịch sử xã hội loài người. Trong kho tàng văn học nhân loại có rất nhiều kiệt tác bất hủ. Tuy vậy, nhiều thế hệ cầm bút vẫn băn khoăn về ý nghĩa và giá trị đích thực của văn chương.

- Đầu thế kỉ XX, trên văn đàn nước ta đã diễn ra cuộc tranh luận gay gắt giữa hai quan điểm: nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Nhưng từ cuối thế kỉ XIX, danh sĩ Nguyễn Văn Siêu đã nêu rõ quan điểm tích cực của ông về văn chương: Văn chương... Có loại đáng thờ. Có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ chỉ chuyên chủ ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chủ ở con người. Nhận định đúng đắn trên gần gũi với quan niệm văn học phục vụ con người, phục vụ nhân sinh.

2. Thân bài:

* Thế nào là loại văn chương chỉ chuyên chủ ở văn chương ?

- Đó là thứ văn chương chỉ chú trọng hình thức nghệ thuật mà không quan tâm tới nội dung tư tưởng của tác phẩm, tới vận mệnh con người và trách nhiệm của nhà văn đối với xã hội. Cực đoan hơn nữa là tôn sùng nghệ thuật như một tôn giáo.

- Thứ văn chương này thường chuộng hình thức cầu kì, thiên về vẻ hào nhoáng bên ngoài; nội dung xa rời hoặc thoát li hiện thực cuộc sống.

- Trong trào lưu Thơ mới trước Cách mạng tháng Tám 1945, một số thi sĩ sáng tác theo quan niệm văn chương chỉ là văn chương. Thế Lữ khẳng định: Tôi chỉ là một khách tình si, Ham vẻ đẹp có muôn hình, muôn thể... (Cây đàn muôn điệu). Thiên chức duy nhất của nghệ sĩ là đi tìm Cái Đẹp vĩnh hằng để tôn vinh và ca ngợi...

- Những tác giả sáng tác theo quan niệm văn chương chỉ chuyên chú ở văn chương không quan tâm đến nội dung tư tưởng và giá trị nhân sinh của tác phẩm, vì họ cho rằng văn chương, nghệ thuật không nên đả động tới những vấn đề liên quan tới chính trị, xã hội, tư tưởng, đạo đức... Thơ không cần có ý nghĩa cụ thể, rõ ràng mà thơ là nghệ thuật sử dụng âm thanh, hình ảnh, thậm chí chỉ là ảo thuật của ngôn từ mà thôi... Đến giai đoạn cuối của trào lưu Thơ mới, các trường phái thơ bí hiểm, thơ say,thơ loạn, thơ điên... là biểu hiện tiêu cực của quan niệm sai lệch nói trên.

* Thế nào là văn chương chuyên chủ ở con người ?

- Đó là loại văn chương quan tâm trước hết tới vận mệnh con người và luôn hướng tới mục đích phục vụ con người.

- Các nhà văn theo quan niệm này cho rằng giá trị đích thực của văn chương không phải ở chỗ dùng từ ngữ hay, hình ảnh đẹp, điển tích điển cố cầu kì..., mà là ở chỗ nó có ích cho con người, cho xã hội nhiều hay ít. Đây chính là quan niệm nghệ thuật vị nhân sinh rất đúng đắn và tiến bộ.

- Văn chương chuyên chú ở con người phản ánh đời sống vật chất, tinh thần của con người thời đại với những niềm vui, nỗi đau đời thường. Nhà thơ Tố Hữu nhận định: Văn học không chỉ là văn chương mà thực chất là cuộc đời. Văn học sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát, cũng là nơi đi tới của văn học.

- Cách đây hơn trăm năm, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã nêu rõ chức năng của văn chương và trách nhiệm đối với xã hội của người cầm bút: Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà... Đạo ở đây là đạo lí nhân nghĩa, là yêu nước, thương dân; mấy thằng gian là lũ quan lại sâu dân một nước xấu xa đáng phỉ nhổ và lên án.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu và nâng cao quan niệm tích cực ấy bằng hai câu thơ: Nay ở trong thơ nên có thép, Nhà thơ cũng phải biết xung phong (Cảm tưởng đọc Thiên gia thi). Văn chương phải là vũ khí chiến đấu sắc bén và văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, tư tưởng, tham gia vào sự nghiệp đấu tranh giành lại chủ quyền độc lập tự do thiêng liêng của đất nước và hạnh phúc của nhân dân.

- Như vậy, loại văn chương đáng thờ mà danh sĩ Nguyễn Văn Siêu nhắc đến chính là văn chương viết về con người, phục vụ lợi ích của con người. Ý kiến của ông đúc rút từ thực tiễn văn học nên hoàn toàn xác đáng.

* Có nên coi nhẹ hình thức nghệ thuật của văn chương ?

- Có ý kiến cho rằng: Văn học không chỉ phải chân thực, sâu sắc, nhân đạo mà còn phải hay, phải đẹp. Nội dung tác phẩm chi phối và chọn lựa hình thức thể hiện. Do vậy mà giá trị nội dung thường gắn liền với giá trị nghệ thuật. Chất lượng nghệ thuật được đánh giá trên cơ sở là nó đã thể hiện nội dung tác phẩm như thế nào ? Có lôi cuốn, hấp dẫn được người đọc hay không ?

- Văn chương sáng tạo ra Cái Đẹp, nhưng Cái Đẹp phải chính là sự sống muôn màu muôn vẻ của con người. Phản ảnh con người là cách thức để văn chương đến với cuộc đời và tồn tại lâu dài...

- Văn chương là nghệ thuật, vì vậy người viết phải chú ý đến tính nghệ thuật của văn chương. Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát được người đương thời đánh giá rất cao: “Thần Siêu, thánh Quát”. Vì thế, chắc chắn nghệ thuật văn chương của ông phải tài tình, điêu luyện. Nhưng tài nghệ văn chương phải chuyên chủ ở con người thì mới xứng đáng được đề cao.

3. Kết bài:

- Ý kiến nêu trên của danh sĩ Nguyễn Văn Siêu tiêu biểu cho quan niệm nghệ thuật truyền thống của dân tộc ta.

- Với quan điểm đúng đắn này, ông cho chúng ta đã xây dựng được một nền văn học đầy sức sống và giàu tính nhân văn. Đó là nền tảng vững chắc cho sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của văn học Việt Nam hiện đại.

II. BÀI LÀM

Từ xa xưa, văn chương đã xuất hiện và phát triển song song với lịch sử xã hội loài người. Trong kho tàng văn học nhân loại, có biết bao nhiêu kiệt tác mà giá trị đã vượt qua giới hạn không gian, thời gian để trở thành bất hủ. Ấy thế nhưng rất nhiều thế hệ cầm bút vẫn không nguôi trăn trở về ý nghĩa và giá trị đích thực của văn chương. Đầu thế kỉ XX, trên văn đàn nước ta diễn ra những cuộc tranh luận gay gắt giữa các quan điểm khác nhau, thậm chí đối lập nhau về văn cho tiêu biểu là hai trường phái : Nghệ thuật vị nghệ thuật và Nghệ thuật vị nhân sinh. Tuy nhiên, từ cuối thế kỉ XIX, danh sĩ Nguyễn Văn Siêu đã khẳng định: Văn chương... có loại đáng thờ. Có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chủ ở con người. Nhận định đúng đắn này rất gần gũi với quan điểm: Mục đích tối thượng của văn học là phục vụ con người, phục vụ nhân sinh.

Thế nào là loại văn chương chỉ chuyên chú Ở văn chương ? Đó là loại văn chương chỉ chú trọng về mặt nghệ thuật, coi nghệ thuật là trên hết, thậm chí tôn sùng nghệ thuật như một tôn giáo kì bí. Người cầm bút chỉ lo trau chuốt cho vẻ đẹp hình thức của tác phẩm chứ không quan tâm tới nội dung tư tưởng có liên quan đến vận mệnh con người và trách nhiệm của nhà văn, nhà thơ đối với xã hội hay không. Loại văn chương ấy thường chuộng hình thức xưa cũ cầu kì hoặc thiên về vẻ đẹp hào nhoáng, bóng bẩy của ngôn từ, còn nội dung thì thường xa rời, thoát li hiện thực... Những sáng tác như thế đều không chịu nổi thử thách nghiêm ngặt của thời gian và dư luận. Bài thơ vịnh Mùa thu sau đây của tác giả Ngô Chi Lan thế kỉ XV toàn là hình ảnh tượng trưng, ước lệ vay mượn từ thơ Đường, thơ Tống, như: gió vàng, bóng nhạn, giếng ngọc, rừng phòng:

Giá vàng hiu hắt cảnh tiêu sơ,

Lẻ tẻ bên trời bóng nhận thưa,

Giếng ngọc sen tàn bông hết thắm,

Rừng phong lá rụng tiếng như mưa.

Nguyễn Gia Thiều, tác giả của Cung oán ngâm khúc đã lạm dụng điển tích, điển cố trong văn chương, sử sách Trung Hoa khiến nhiều câu thơ trở nên cầu kì, khó hiểu:

Câu cẩm tú đàn anh họ Lý,

Nét đan thanh bậc chị chàng Vương.

hoặc:

Cầu thệ thuỷ ngồi tro cổ độ,

Quán thu phong đứng rũ tà huy.

Cho đến khi trào lưu Thơ mới xuất hiện và phát triển, làm chủ thi đàn Việt Nam vào những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỉ XX thì không ít thi sĩ vẫn quan niệm rằng văn chương chỉ là văn chương. Thế Lữ lúc đầu khẳng định mình chỉ tôn sùng cái Đẹp:

Tôi chỉ là một khách tình si

Ham vẻ đẹp có muôn hình, muôn thể

Mượn lấy bút nàng Ly Tao, tôi vẽ

Và mượn cây đàn ngàn phím tôi ca

Vẻ đẹp u trầm, đắm đuối hay ngây thơ

Cũng như vẻ đẹp cao siêu, hùng tráng,

Của non nước, của thi văn, tư tưởng...

(Cây đàn muôn điệu)

Trong bài thơ trên, Thế Lữ cho rằng thi nhân, nghệ sĩ là những khách tình si ham mê Cái Đẹp. Thiên chức duy nhất và cao cả nhất của nghệ sĩ là đi tìm Cái Đẹp, phụng sự Cái Đẹp chứ không bận tâm đến những vấn đề thiết thực của con người và xã hội, đến trách nhiệm công dân của bản thân họ. Thi sĩ muốn được sống trên cõi tiên để xa lánh cuộc đời trần tục và coi đó là biểu hiện của thái độ thoát li thực tại. Thơ văn ấy tuy đẹp, tuy hay nhưng nó xa lạ với dân tộc đang phải sống đói khổ, tủi nhục dưới ách nô lệ của thực dân, phong kiến.

Cực đoan hơn nữa, một vài nhà thơ, nhà văn theo quan niệm văn chương chỉ chuyên chú ở văn chương đã phủ nhận nội dung tư tưởng và giá trị nhân sinh trong tác phẩm. Họ cho rằng sáng tác nghệ thuật không nên đề cập tới các vấn đề liên quan tới chính trị, tư tưởng, đạo đức... và có như thế mới xứng đáng được gọi là văn chương. Hoặc khẳng định thơ không cần phải có ý nghĩa mà thơ là nghệ thuật của âm thanh, hình ảnh ; thậm chí chỉ là ảo thuật của ngôn từ mà thôi. Sang giai đoạn cuối của trào lưu lãng mạn, các trường phái thơ bí hiểm, thơ loạn, thơ điên... là biểu hiện cụ thể của quan niệm sai lệch nêu trên. Không ít những sáng tác loại này đã bị dư luận phê bình, chỉ trích.

Còn thế nào là văn chương chuyên chủ ở con người ? Đó là loại văn chương quan tâm trước hết đến số phận con người và cuộc sống, luôn hướng tới mục đích phục vụ con người. Các nhà văn, nhà thơ theo quan điểm này cho rằng giá trị của văn chương không phải chỉ ở chỗ dùng từ ngữ hay, hình ảnh đẹp, điển tích điển cố cầu kì, nội dung dẫn dắt người đọc xa rời thực tế hoặc có ảo tưởng về cuộc sống trước mắt..., mà là ở chỗ nó có ích cho cuộc đời nhiều hay ít, gần hay xa. Đây chính là quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh. Các tác phẩm thuộc trào lưu hiện thực và cách mạng, kể cả một số tác phẩm thuộc trào lưu lãng mạn có nội dung tích cực cũng được viết theo quan điểm đúng đắn này. Văn chương chân chính phải phục vụ con người, phải phản ánh được đời sống vật chất, tinh thần của con người với những niềm vui, nỗi đau muôn thuở. Nhà thơ Tố Hữu khẳng định: Văn học không chỉ là văn chương mà thực chất là cuộc đời. Văn học sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà Có. Cuộc đời là nơi xuất phát, cũng là nơi đi tới của văn học.

Cách đây hơn một trăm năm, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu cũng đã nêu rõ chức năng của văn học và trách nhiệm xã hội của người cầm bút:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,

Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà.

Đạo ở đây là nhân nghĩa, là yêu nước, thương dân. Văn chương là con thuyền chở đạo (đạo lí làm người) và ngòi bút là vũ khí sắc bén để trừ gian, diệt ác, cứu đời, cứu người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu, phát triển và nâng cao ý nghĩa của quan niệm tích cực ấy trong bài Cảm tưởng đọc Thiên gia thi:

Nay ở trong thơ nên có thép,

Nhà thơ cũng phải biết xung phong.

Theo Bác thì văn chương phải là vũ khí chiến đấu để cải tạo, xây dựng xã hội và văn nghệ sĩ là người chiến sĩ đứng trong hàng ngũ cách mạng, cống hiến, hi sinh để bảo vệ chủ quyền độc lập tự do của đất nước, hạnh. phúc của nhân dân.

Loại văn chương đáng thờ mà danh sĩ Nguyễn Văn Siêu nhắc tới chính là văn chương viết về con người, phục vụ con người. Ý kiến này của ông rút ra từ hiện thực nền văn học nước nhà nên hoàn toàn xác đáng. Nhưng nếu văn chương chỉ chuyên chủ ở con người mà coi nhẹ hình thức nghệ thuật thì liệu tác phẩm có thể cuốn hút được người đọc, có thể đứng vững trước thời gian hay không ? Có ý kiến cho rằng: Văn học không chỉ phải chân thực, sâu sắc, nhân đạo mà còn phải hay, phải đẹp. Vậy hai ý kiến này có mâu thuẫn với nhau chăng ?

Như trên đã nói, con người là trung tâm của cuộc sống mà văn chương lại là tấm gương phản chiếu cuộc sống. Nếu văn chương không đề cập tới con người thì nó sẽ không có giá trị. Mặt khác, giá trị nội dung và nghệ thuật của văn chương luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Nội dung chi phối và lựa chọn hình thức thể hiện. Do vậy mà không có nội dung thì cũng không thể có hình thức. Xét cho cùng, chất lượng nghệ thuật của tác phẩm chủ yếu là ở chỗ nó đã thể hiện nội dung tác phẩm như thế nào ? Văn chương sáng tạo ra Cải Đẹp mà Cái Đẹp lại chính là sự sống. Không có Cái Đẹp thuần tuý, trừu tượng chẳng liên quan gì đến cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Phản ảnh con người chính là cách thức duy nhất để văn chương đến với Chân, Thiện, Mĩ của cuộc đời. Một tác phẩm có giá trị lâu dài nghĩa là phải vừa hay, vừa đẹp. Nhà văn sáng tạo ra nó phải thực sự có tài năng và tâm huyết. Cái tâm chính là tấm lòng, là tình người, tình đời của người cầm bút. Cải tâm mới là gốc rễ bền vững làm nên mọi giá trị thực sự của văn chương chân chính.

Lòng thương yêu, cảm phục người nông dân yêu nước giúp nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu dựng nên một tượng đài hùng tráng về người nghĩa sĩ nông dân trong lịch sử văn học Việt Nam. Sự đau xót chân thành trước số phận bi thảm của con người lương thiện, thái độ bất bình, căm phẫn xã hội phong kiến thối nát, bất công là cơ sở để thi hào Nguyễn Du viết nên một Truyện Kiều bất hủ. Nhà văn Nam Cao lạnh lùng, tỉnh táo phân tích cội nguồn mọi điều xấu, điều ác đều xuất phát từ giai cấp thống trị đương thời. Bạo lực đen tối của xã hội đã tước đoạt quyền sống, quyền làm người và chà đạp lên danh dự, nhân phẩm. Những tác phẩm như Đời thừa, Trăng sáng, Sống mòn, Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt... và đặc biệt là Chí Phèo của Nam Cao là lời kêu cứu hãy bảo vệ con người, hãy chặn đứng bàn tay tội ác tha hoá con người. Mấy trăm năm qua, người đời vẫn rung động sâu xa trước tiếng than xé ruột: Đau đớn thay phận đàn bà của thi hào Nguyễn Du, vẫn yêu thích cái hay cái đẹp của Truyện Kiều, bởi đó là tác phẩm chuyên chú tới con người. Phần tích cực, trong sáng của Thơ mới cũng được coi là tiếng nói trẻ trung, yêu đời tha thiết, yêu tiếng Việt sâu xa. Thế hệ trẻ sẽ không bao giờ quên thơ Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Huy Cận, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư... Những tác phẩm như thế chính là loại văn chương đáng thờ vậy.

Văn chương là nghệ thuật, vì vậy người viết phải chú ý đến tính nghệ thuật của văn chương. Danh sĩ Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát được người đương thời đánh giá rất cao: “Thần Siêu, thành Quát”. Vì thế, chắc chắn nghệ thuật văn chương của hai ông phải tài tình, điêu luyện. Nhưng tài nghệ văn chương có tài tình, điêu luyện đến đâu thì cũng phải chuyên chủ ở con người thì mới xứng đáng được đề cao và ca tụng.

Ý kiến trên đây của danh sĩ Nguyễn Văn Siêu tiêu biểu cho quan điểm nghệ thuật truyền thống của dân tộc ta. Chính với quan điểm văn chương chuyên chủ ở con người mà ông cha ta đã xây dựng được một nền văn học đầy sức sống và giàu chất nhân văn. Nền văn học ấy là cơ sở vững chắc cho sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của văn chương hiện đại.