I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Văn học nghệ thuật luôn gắn bó chặt chẽ với đời sống của con người. Văn học là phương tiện độc đáo, hấp dẫn giúp con người hiểu biết, khám phá và sáng tạo thực tại xã hội.

- Văn học là tấm gương phản chiếu đời sống nhưng không đơn thuần chỉ là hình thức phản ánh. Từ chỗ cung cấp cho con người những hiểu biết về cuộc sống, văn học đã góp phần cải tạo cuộc sống.

- Văn học đến với con người bằng con đường tình cảm, cảm xúc. Nó mang lại cho con người những rung cảm sâu sắc trước vẻ đẹp của quê hương, đất nước, của con người và cuộc sống xung quanh... để từ đó có nhận thức và tình cảm đúng đắn, biết yêu ghét phân minh và có khát khao hướng thiện. Đó chính là chức năng giáo dục của văn học.

2. Thân bài:

* Văn học chân chính có khả năng cảm hoá, nhân đạo hoá con người.

- Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống, giúp con người nhận biết về thiên nhiên, về đời sống xã hội, về con người trong mối quan hệ tổng hoà với cuộc sống...

- Từ ngàn xưa, văn học dân gian đã làm tốt chức năng giáo dục qua ca dao, tục ngữ, truyện cổ dân gian... Tất cả đều nhằm phản ảnh đời sống của con người dưới những màu sắc, góc độ khác nhau. Bao trùm lên hết thảy vẫn là khao khát hiểu biết và chinh phục thiên nhiên cùng khát vọng vươn tới Chân, Thiện, Mĩ của con người...

- Văn học có tính hướng thiện, giúp con người làm lành, lánh dữ; bởi thế nó tác động mạnh mẽ tới đời sống tình cảm của con người. Văn học còn có tính định hướng, trang bị cho mỗi cá nhân những điều cần thiết trong quá trình hoàn thiện nhân cách đúng theo đạo lí.

3. Kết bài:

- Chức năng giáo dục là chức năng quan trọng hàng đầu của văn chương. Nó gắn bó chặt chẽ với chức năng nhận thức, chức năng thẩm mĩ... để thể hiện thành công mục đích mà tác giả đặt ra trong tác phẩm.

- Văn chương có khả năng nhân đạo hoá con người, hướng con người tới những giá trị cao quý của Chân, Thiện, Mĩ trong cuộc sống.

II. BÀI LÀM

Văn học nghệ thuật luôn gắn bó chặt chẽ với cuộc sống con người, là phương tiện độc đáo, hấp dẫn để con người hiểu biết, khám phá và sáng tạo thực tại xã hội. Văn học là tấm gương phản chiếu đời sống. Qua tấm gương sinh động này, con người hiểu biết sâu hơn về hiện thực. Nhưng văn học không đơn thuần chỉ là hình thức phản ánh. Phản ánh chưa phải là mục đích cuối cùng của văn học. Từ chỗ cung cấp những hiểu biết đúng đắn cho con người, văn học đã góp phần cải tạo cuộc sống. Văn học đến với con người bằng con đường tình cảm, cảm xúc. Nó mang lại cho con người những rung cảm sâu xa trước vẻ đẹp của quê hương, đất nước, trước trạng thái muôn màu của cuộc sống chung quanh và nhất là trước chiều sâu của thế giới tâm hồn. Văn học giúp con người đối chiếu, liên tưởng, nghiền ngẫm về cuộc đời và về chính bản thân mình, để từ đó có nhận thức đúng đắn về cuộc sống, về chân lí, biết yêu ghét minh bạch và luôn luôn khát khao hướng thiện. Đó chính là chức năng giáo dục của văn học.

Văn học chân chính có khả năng cảm hoá, nhân đạo hoá con người. Nó góp phần vào việc hoàn thiện đạo đức, giúp con người sống tốt đẹp hơn. Phản ảnh cuộc sống là bản chất, là chức năng quan trọng của văn học. Văn học giúp ta nhận biết về thiên nhiên, về đời sống xã hội xung quanh nhưng cao hơn thế, nó giúp chúng ta nhận thức về con người trong mối quan hệ tổng hoà với cuộc sống.

Từ ngàn xưa, văn học dân gian đã làm tốt chức năng này. Những thiên thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, ngụ ngôn, tất cả đều nhằm phản ánh đời sống con người dưới những màu sắc, góc độ khác nhau. Nhưng bao trùm lên hết thảy vẫn là khao khát hiểu biết và chinh phục, là mục đích vươn tới Chân, Thiện, Mĩ của con người. Một nhà văn xưa đã nói: Văn học giúp người ta làm lành, lánh dữ. Bởi thế nên nó có sức tác động mạnh mẽ tới đời sống tình cảm của con người, giúp chúng ta nhận thức được tốt, xấu, phải, trái, từ đó có cách sống đúng đắn, phù hợp với đạo lí.

Trong những năm 30, 40 của thế kỉ XX, các nhà văn hiện thực phê phán đã lớn tiếng tố cáo xã hội thực dân phong kiến đẩy con người vào cuộc sống cùng khổ, bế tắc, thậm chí mất hết cả nhân tính. Ngô Tất Tố đã vẽ nên bức tranh xám xịt, thê lương của nông thôn Việt Nam trong mùa sựu thuế, phản ảnh số phận đen tối, thảm thương của người nghèo. Nam Cao đau xót, phẫn uất trước thực trạng xã hội đầy rẫy bất công và vô nhân đạo đã giết chết phần tốt đẹp trong con người, tước đoạt quyền làm người của kẻ bị áp bức. Truyện ngắn Chí Phèo như một tiếng chuông cảnh tỉnh, như lời kêu gọi hãy cứu lấy nhân tính đang bị bạo lực thống trị tước đoạt và chà đạp. Tinh thần nhân đạo của tác giả còn thể hiện ở việc miêu tả con người với những khát vọng chân chính muốn thay đổi hoàn cảnh, thay đổi cuộc đời, dám đứng lên đấu tranh để khẳng định bản lĩnh, phẩm giá và lí tưởng sống của mình.

Đọc những tác phẩm chân chính, người đọc trước tiên sẽ nhận thức và xác định được hướng đi đúng đắn cho mình. Văn học định hướng cho cá nhân, trang bị cho cá nhân những điều kiện cần thiết để tiến tới việc hoàn thiện nhân cách. Một chữ hiếu của Thuý Kiều, một khí phách hiên ngang của Từ Hải, một nhân cách cao đẹp của Huấn Cao... đều có tác động sâu xa đến trái tim người đọc và lưu lại ở đó những bài học đạo lí muôn đời. Những hình tượng đẹp trong văn thơ truyền cho người đọc một tình yêu mãnh liệt đối với Cái Đẹp và cái cao cả của cuộc sống, đồng thời cũng chỉ ra đâu là cái xấu, cái ác cần phải xoá bỏ để con người và cuộc đời ngày càng tốt đẹp hơn.

Như vậy, chức năng giáo dục là chức năng quan trọng hàng đầu của văn chương. Nó kết hợp chặt chẽ với các chức năng khác để thể hiện mục đích tốt đẹp mà tác giả đặt ra trong tác phẩm; góp phần hướng con người tới những chuẩn mực của cuộc sống. Đó là giá trị vĩnh hằng của Chân, Thiện, Mĩ.