I. DÀN Ý

1. Mở bài:

+ Giới thiệu vài nét về tác giả và tác phẩm:

- Nguyễn Ái Quốc là bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kì hoạt động bí mật Pa-ri trong những năm hai mươi của thế kỉ XX. Do nắm vững về tác dụng và ảnh hưởng sâu rộng của văn chương nên Người đã sử dụng văn chương làm phương tiện tuyên truyền cách mạng, làm vũ khí chiến đấu sắc bén chống kẻ thù của dân tộc.

- Vi hành là một trong những truyện ngắn hay nhất được Nguyễn Ái Quốc viết giữa năm 1922, vào dịp tên vua bù nhìn Khải Định của Việt Nam sang Pháp tham dự cuộc đấu xảo thuộc địa tổ chức ở thành phố Mác - xây nhằm lừa bịp dân chúng về cái gọi là “thành tích bảo hộ” của thực dân Pháp ở các nước thuộc địa.

- Nguyễn Ái Quốc viết tác phẩm này nhằm mục đích vạch trần bản chất xấu xa của tên vua bù nhìn Khải Định tay sai và của chính quyền thực dân Pháp trước công luận. Điều đặc biệt là tác giả viết Vi hành bằng tiếng Pháp, ngay trên đất Pháp và cho đối tượng đọc là người Pháp! Vì thế mà ý nghĩa tố cáo của truyện tăng lên gấp nhiều lần.

2. Thân bài:

* Nội dung châm biếm, đả kích nằm ngay trong tên truyện, trong tình huống và nhân vật của truyện.

+ Tên truyện:

- Vi hành; nghĩa gốc là tên gọi các cuộc đi bí mật của vua chúa với mục đích mắt thấy tai nghe hiện thực đời sống của dân chúng để về điều chỉnh chính sách cai trị cho phù hợp.

- Vi hành: trong truyện này được tác giả dùng với ý mỉa mai, châm biếm, chỉ các cuộc chơi bời lén lút của tên vua bù nhìn Khải Định trên đất Pháp.

+ Tình huống:

- Nguyễn Ái Quốc đã sáng tạo ra một tình huống vừa trở trêu vừa buồn cười, chứa đựng ý nghĩa châm biếm sâu cay: Sự nhầm lẫn của đôi trai gái Pháp trên một chuyến tàu điện ngầm ở Pa-ri, cứ tưởng một hành khách da vàng ngồi gần (tác giả - người kể chuyện) là vua An Nam (Khải Định).

- Đây là tình huống nhầm lẫn có thể xảy ra đối với người phương Tây vì họ rất khó phân biệt những bộ mặt khác nhau của người da vàng. Nó vô tình tạo điều kiện cho nhân vật “tôi” nghe lỏm được những lời bình luận không mấy hay ho về “vua An Nam” của đôi trai gái Pháp.

+ Nhân vật:

- Chân dung Khải Định, tên vua bù nhìn tay sai của thực dân Pháp lại được. chính dân chúng pháp phác hoạ nên bằng những nét biếm hoạ hài hước. Đó là một kẻ lố bịch, vụng về, lén lút, bất minh... Tuy hắn không có mặt nhưng chân dung và tính cách hắn vẫn hiện ra rất rõ nét.

- “Vua An Nam” trước sự đánh giá của dân chúng Pháp giống như một thứ trò giải trí rẻ tiền, thua xa hề Sác - lô hoặc các vợ lẽ nàng hầu của vua Cao Miên, thậm chí không bằng trò nhào lộn của các sư thánh xứ Công -gô...

* Ý nghĩa châm biếm, đả kích nằm trong hình thức của truyện ngắn và thể hiện qua nghệ thuật kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn.

+ Hình thức truyện ngắn là một bức thư gửi cho cô em họ. Do vậy mà cách viết rất thoải mái, tự do, không theo một khuôn mẫu nào cả. Nhờ hình thức này mà tác giả có thể chuyển ý, chuyển giọng một cách linh hoạt.

+ Nghệ thuật kể chuyện rất hấp dẫn bởi sự thay đổi giọng điệu, lúc thì trần thuật khách quan, lúc thì tâm sự thân mật, lúc hài hước giễu cợt... Nhưng nhìn chung, mục đích của tác giả vẫn là đả kích, châm biếm sâu cay tên vua Khải Định bất tài vô dụng, ăn chơi xa xỉ, làm nhục tới quốc thể trước mắt công chúng Pháp.

3. Kết bài:

- Vi hành là một tác phẩm có tính thời sự và tính chiến đấu cao nhưng lại được thể hiện bằng một hình thức nhẹ nhàng, hấp dẫn.

- Nghệ thuật châm biếm, đả kích của truyện có sự kết hợp hài hoà giữa tính chất thâm thuý của phương Đông với chất trào lộng sắc sảo của phương Tây nhằm nhấn mạnh nội dung và mục đích của tác phẩm.

- Truyện ngắn Vi hành là sản phẩm của lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu của Nguyễn Ái Quốc; đồng thời truyện cũng bộc lộ tài năng văn chương thực sự của một ngòi bút tài hoa.

II. BÀI LÀM

Nguyễn Ái Quốc là bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kì hoạt động cách mạng bí mật tại Pa-ri trong những năm hai mươi của thế kỉ XX. Do nắm vững tác dụng và ảnh hưởng sâu rộng của văn chương nên Bác đã sử dụng văn chương làm phương tiện tuyên truyền cách mạng là vũ khí sắc bén chống lại kẻ thù của dân tộc. Vi hành là một trong những truyện ngắn hay nhất của Nguyễn Ái Quốc được sáng tác giữa năm 1922, vào dịp vua Khải Định của triều đình nhà Nguyễn xin chính quyền Pháp cho sang tham dự cuộc đấu xảo tổ chức ở thành phố Mác-xây. Cuộc đấu xảo này có mục đích là lừa bịp dân chủng Pháp về cái gọi là “thành quả khai hoá” các nước thuộc địa của thực dân Pháp. Viết truyện ngắn này, Nguyễn Ái Quốc nhằm bóc trần bản chất xấu xa của tên vua bù nhìn Khải Định đã có những hành động làm nhục tới quốc thể; đồng thời kín đáo tố cáo âm mưu thâm độc của chính quyền thực dân trước công luận. Điều thú vị là tác giả viết truyện này bằng tiếng Pháp, ngay tại Pa-ri và cố tình để cho người Pháp đọc. Vì thế mà ý nghĩa tố cáo của truyện tăng lên gấp nhiều lần.

Nội dung châm biếm, đả kích nằm ngay trong tên gọi của truyện. Vi hành nghĩa gốc là tên gọi các cuộc đi bí mật vào dân gian của các bậc vua chúa ngày xưa nhằm mục đích tại nghe mắt thấy hiện thực của đời sống dân chúng, để từ đó có sự điều chỉnh trong chính sách cai trị cho thích hợp. Nhưng ở truyện này, tác giả đã lồng cho Vi hành một ý nghĩa hoàn toàn ngược lại là ám chỉ các cuộc chơi bời lén lút cốt thoả mãn những dục vọng cá nhân ích kỉ của vua Khải Định trên đất Pháp. Nội dung châm biếm, đả kích ẩn chứa trong tình huống đặc biệt và trong chân dung nhân vật chính của truyện. Tác giả đã khéo léo sáng tạo ra một tình huống vừa trở trêu vừa buồn cười, tất nhiên là hoàn toàn hư cấu nhưng lại y như thật và hơn cả thật. Toàn bộ câu chuyện là xâu chuỗi của sự nhầm lẫn ngày càng tăng: Đôi trai gái người Pháp trên tàu điện ngầm nhìn nhầm một người đàn ông da vàng mũi tẹt ngồi gần (nhân vật tôi - người kể chuyện) là vua An Nam Dân chủng Pháp coi tất cả những người da vàng mũi tẹt trên đất Pháp đều là vua An Nam. Nực cười hơn nữa là đến cả chính quyền của “nước mẹ Đại Pháp” cũng rối tinh rối mù, chẳng phân biệt nổi đâu là vua Khải Định, đâu là kẻ cần theo dõi (Nguyễn Ái Quốc). Vì thế nên Nguyễn Ái Quốc đi đâu cũng có người bí mật tháp tùng cẩn thận (bị mật thám theo dõi sít sao). Tác giả cố tình “bịa” ra tình huống ấy là để khẳng định nguyên nhân của nó chính là các cuộc vị hành lung tung, lộn xộn của vua Khải Định. Xét cho cùng thì tình huống này vẫn có khả năng xảy ra, dù là hiếm, bởi vì đối với người phương Tây thì bất cứ người phương Đông nào cũng mũi tẹt, da vàng, mắt xếch... Thật khó phân biệt nét riêng của người nọ với người kia. Tác giả đã khai thác triệt để điều này theo hướng châm biếm, giễu cợt nhân vật cụ thể là tên vua Khải Định bù nhìn, tay sai. Qua cuộc trò chuyện giữa đôi trai gái Pháp trên toa tàu điện ngầm mà tác giả vô tình nghe lỏm được và kể lại, người đọc có thể hình dung ra những nét khái quát về chân dung Khải Định:

- Hắn đấy! - Đâu phải ! - Đúng mà ! Anh đã bảo là chính hắn đấy!

- Chắc thật à ? Em thì em đã thấy hắn ở trường đua, trông hắn có vẻ nhút nhát hơn, lúng ta lúng túng hơn cơ, có cả cái chụp đèn chụp lên cái đầu quấn khăn, các ngón tay thì đeo đầy những nhẫn.

- Thế hay là hắn đã đem tất cả các thứ đó đến hiệu cầm đồ rồi ? Nhưng mà nhìn kĩ mà xem kìa ! Chẳng phải vẫn cái mũi tẹt ấy, vẫn đôi mắt xếch ấy, vẫn cái mặt bủng như vỏ chanh ấy đấy à ?...

- Em thì em thích Sác - lô hơn...

- Thế em vẫn nhớ buổi dạ hội thuộc địa ở Nhà hát Ca vũ đấy chứ ? Phải trả những nghìn rưỡi phơ-răng để xem vợ lẽ nàng hầu vua Cao Miên... hôm nay thì chúng mình có mất tí tiền nào đâu mà được xem vua đang "gay cạnh. Nghe nói ông bầu Nhà hát Múa rối có ý định kí giao kèo thuê đấy...

Do nhầm lẫn nên đôi trai gái nọ đã bình luận về “vua An Nam” bằng lời lẽ hoàn toàn tự nhiên và hài hước. Theo cảm nhận của họ thì tên vua này chỉ là thứ trò giải trí rẻ tiền, thậm chí không mất tiền. Điều đó cho thấy thái độ của dân chúng Pháp đối với Khải Định là coi thường và khinh bỉ. Để đạt được hiệu quả châm biếm cao nhất, tác giả đã chọn cho truyện hình thức là một bức thư, mà lại là bức thư của người anh gửi cho cô em họ. Thư từ có tính chất cá nhân nên rất tự do, phóng túng, không theo một quy định nào, người viết tha hồ thay đổi nội dung, giọng điệu. Tác giả đã xen kẽ những đoạn đối thoại của đôi trai gái Pháp trên tàu điện với những đoạn kể chuyện cho cô em họ nghe. Nhân vật cô em họ cũng là sản phẩm của hư cấu, là phương tiện để Nguyễn Ái Quốc tố cáo bản chất xấu xa của tên vua Khải Định. Hắn đã răm rắp thực hiện chủ trương thâm độc của thực dân Pháp là đầu độc dân ta bằng rượu cồn và thuốc phiện.

Nghệ thuật kể chuyện của tác giả rất hấp dẫn bởi sự thay đổi giọng điệu vô cùng linh hoạt: lúc thì trần thuật khách quan, lúc thì tâm sự thân mật, lúc hài hước, giễu cợt... Bối cảnh trong truyện cũng thay đổi liên tục, đan xen giữa thực tại với quá khứ, mẩu chuyện này đặt bên cạnh mẩu chuyện kia. Đang chuyện xảy ra ở tàu điện ngầm Pa-ri lại nhảy sang chuyện nhớ về thời thơ ấu ở quê nhà, nhân vật người anh thích được ngồi trên đầu gối ông bác để nghe truyện cổ... Chuyện vi hành của vua Nghiêu, vua Thuấn nước Tàu thời cổ đại ; chuyện vị hành của Pi-e Đại đế nước Nga...; chuyện mình bị chính quyền Pháp nhầm là “vua An Nam” nên đi đâu cũng cho người bí mật đi theo “bảo vệ”... để rồi quay trở lại với đề tài là các cuộc vị hành của vua Khải Định đến những chốn ăn chơi nổi tiếng trên đất Pháp. Chủ ý của tác giả là đánh vào đối tượng bằng nhiều chiến thuật, nhiều đòn phép khác nhau, cái này bổ sung cho có cái kia nhằm tăng cường tối đa hiệu quả chậm biếm, đả kích. Có thể nói là tác giả đã thành công khi khắc hoạ chân dung tên vua bất tài vô dụng, ăn chơi xa xỉ... làm nhục tới quốc thể.

Vi hành là một truyện ngắn có tính thời sự và tính chiến đấu cao nhưng nội dung của nó lại được tác giả thể hiện bằng một hình thức nghệ thuật hấp dẫn, cuốn hút người đọc. Nghệ thuật hài hước trong truyện ngắn này vừa mang tính sôi nổi, mạnh mẽ của phương Tây, vừa mang tính thâm trầm, sâu sắc của phương Đông. Truyện ngắn vị hành là sản phẩm của tinh thần yêu nước, căm thù giặc của Nguyễn Ái Quốc; đồng thời cũng thể hiện sức tung hoành đầy sáng tạo của một ngòi bút tài hoa.