I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Sau khi xảy ra chuyện và quệt vào một con bò, tôi bị tịch thu bằng lái xe, phải làm mọi việc để kiếm sống qua ngày.

- Người đồng đội cũ ở Ka-ra-sự nhắn tôi đến chỗ anh và hứa sẽ xin việc giúp. Hai bố con tôi lên đường. Sau mấy ngày đi bộ ròng rã, chúng tôi đã tới nơi.

2. Thân bài:

+ Những ngày đầu ở Ka-ra-su.

- Tôi làm thợ mộc trong xí nghiệp của anh bạn và ở nhờ nhà anh. Sáng sáng, tôi dậy sớm lo bữa ăn cho Va-ni-a, còn tôi thì nhịn đói đi làm.

- Tôi tranh thủ buổi tối dạy Va-ni-a học chữ. Cậu bé rất thông minh và ham học.

- Trước khi đi ngủ, tôi thường kể chuyện cổ tích cho Va-ni-a nghe. Cậu bé nhở và kể lại rất hay.

- Va-ni-a đã đến tuổi đi học, chị chủ nhà xin cho cháu vào lớp 1 của trường Tiểu học gần nhà. Hơn một tháng sau, Va-ni-a đã tập viết được những chữ đơn giản như ba, mẹ, anh, chị, em... Tôi mua cho cậu bé một hộp chì màu. Cậu bé say mê vẽ những gì mà cậu nghĩ ra. Hôm Va-ni-a khoe bức vẽ bố mẹ và con trai, tôi đã khóc vì xúc động.

+ Một thời gian sau:

- Tôi được cấp lại bằng lái và được giao xe tải chở nông cụ về các nông trường quanh vùng.

- Xí nghiệp phân cho tôi một căn phòng nhỏ trong khu tập thể. Bố con tôi vui sướng dọn về nhà mới. Giai đoạn khó khăn đã qua, tôi tự nhủ sẽ làm việc hết sức để lo cho cuộc sống và tương lai của Va-ni-a.

3. Kết bài:

- Chắc chắn số phận của Va-ni-a sẽ tốt đẹp, tươi sáng hơn số phận của tôi.

- Tôi trồng một cây táo ở đầu nhà để làm kỉ niệm. Chiều chiều, hai bố con tưới nước, chăm sóc cho cây. Chỉ vài năm nữa là cây táo ấy sẽ ra hoa.

- Tôi bắt đầu nghĩ tới tuổi già bình yên của mình bên cạnh cậu con trai nuôi yêu quý.

II. BÀI LÀM

Sau vụ chiếc xe tải chở hàng của tôi và quệt vào chân một con bò, cho dù con bò chẳng bị làm sao và tôi cũng đã hết sức van nài, xin xỏ nhưng anh kiểm soát xe hơi vẫn thu hồi bằng lái của tôi. Thế là tôi thất nghiệp. Mùa đông đã đến với cái lạnh ghê người, tôi phải xoay xoả làm đủ mọi việc để kiếm sống qua ngày cho hai bố con. Tôi viết thư cho một người bạn cùng đơn vị hồi chiến tranh, hiện đang làm nghề lái xe ở huyện Ka-ra-sư. Anh ấy nhắn. tôi đến và hứa sẽ xin cho tôi làm ở bộ phận thợ mộc độ chừng nửa năm, chờ tỉnh cấp bằng lái mới. Thế là bố con tôi lên đường.

Khoảng cách từ U-riu-pin-xcơ đến Ka-ra-sự khá xa. Không có tiền đi xe, hai bố con tôi đành đi bộ. Va-ni-a tung tăng chạy bên cạnh tôi. Lúc nào nó mỏi chân, tôi lại cũng nó trên lưng hoặc cho ngồi trên vai. Tiếng nói ríu rít như chim của nó khiến tôi vơi bớt nỗi nhọc mệt dọc đường. Thế rồi sau mấy ngày vừa đi vừa nghỉ, bố con tôi cũng đến được Ka-ra-sư. Nghỉ ngơi vài ngày lấy lại sức, tôi bắt đầu đi làm ở xí nghiệp cơ khí của huyện. Anh bạn dành cho bố con tôi một căn phòng gần bếp. Sáng sáng, tôi dậy thật sớm lo bữa ăn cho bé Va-ni-a. Chẳng có gì nhiều nhưng thường là một mẩu bánh mì và một chai sữa nhỏ, thỉnh thoảng có thêm cái trứng gà luộc. Còn tôi thì nhịn đói đi làm. Vợ chồng anh bạn có một đứa con gái tên là Na-ta-sa, hơn Va-ni-a vài tuổi. Hai đứa trẻ nhanh chóng làm quen với nhau và tỏ ra quấn quýt. Điều đó làm cho tôi cảm thấy vui và an tâm. Tối tối, hễ tôi về đến nhà là Va-ni-a chạy ào tới ôm chặt lấy rồi hôn tới tấp, vừa hôn vừa hỏi: “Con nhớ bố lắm! Bố có nhở con không hả bố ?”. Tôi bế thốc nó lên, dụi dụi bộ râu cằm vào má nó. Cu cậu thích chỉ cười khanh khách. Cơm nước xong, hai bố con lên giường. Tôi lấy cuốn sách dạy chữ ra dạy Va-ni-a nhận biết thêm vài chữ cái. Thằng bé ham học và có trí nhớ khá tốt, học đâu nhở đấy. Nó hay hỏi: Thế nào ? Tại sao ? y như cậu con trai tôi ngày trước, hồi bằng tuổi nó. Khoảng độ chín giờ đêm là tôi tắt nến và kể cho Va-ni-a nghe một câu chuyện cổ tích nào đó trước khi đi ngủ. Cậu bé rất thích những câu chuyện như Đàn thiên nga, Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Cô bé quàng khăn đỏ, Gà Trống và Cáo... Nghe đi nghe lại nhiều lần, Va-ni-a thuộc lòng và kể diễn cảm hay ra phết. Nó có thói quen là bắt tôi ôm chặt vào lòng hồi lâu rồi mới ngủ. Nghe tiếng ngáy khe khẽ của nó, nước mắt tôi lại lặng lẽ ứa ra cay xót quanh mi.

Nửa năm ở Ka-ra-sự trôi qua rất nhanh. Tôi đã được tính cấp cho giấy phép lái xe mới và được xí nghiệp giao cho một chiếc xe tải cũ kĩ dùng để chở nông cụ về các nông trường quanh vùng. Chị chủ nhà đã xin cho Va-ni-a vào học lớp 1 ở trường Tiểu học gần nhà và giúp tôi đưa đón cháu mỗi ngày. Tôi thấy cuộc đời này vẫn đáng sống bởi xung quanh tôi còn có rất nhiều người tốt. Đi học được hơn một tháng, Va-ni-a đã biết viết những chữ đơn giản. Đặc biệt, nó rất thích viết mấy chữ : bố, mẹ, con trai, anh, chị, nhà, chim, cả, xe ô tô... Tôi mua cho nó một hộp chì màu. Nó mê mải vẽ hoa, vẽ chim, nhà cửa, cây cối... Những nét vẽ nguệch ngoạc, non nớt nhưng rất dễ thương. Một hôm, Va-ni-a tíu tít khoe bức vẽ bố mẹ và con trai. Tôi xuýt xoa khen đẹp khiến Va-ni-a sung sướng nhảy cẫng lên, trong khi tôi xúc động đến trào nước mắt.

Bố con tôi đã vượt qua giai đoạn vất vả nhất. Xí nghiệp nơi tôi làm việc phân cho tôi một căn phòng tập thể nho nhỏ mười mấy mét vuông. Tôi không mong gì hơn. Thế là từ nay, bố con tôi đã có một mái ấm thực sự. Tôi tự hứa với mình là sẽ làm việc hết sức để lo cho cuộc sống của Va-ni-a. Chắc chắn, tương lai của nó, số phận của nó phải tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn của tôi nhiều. Có như thế thì những cố gắng của tôi mới không trở nên vô ích. Hôm chuyển về nhà mới, tôi trồng một cây táo ở đầu nhà làm kỉ niệm. Chiều chiều, hai bố con tôi xách nước tưới cây. Chỉ vài năm nữa là cây táo ấy sẽ ra hoa. Tôi bắt đầu nghĩ tới tuổi già bình yên của mình bên cạnh cậu con nuôi mà tôi yêu quý.