I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Câu nói nêu lên sự đối lập giữa thời gian rất ngắn của một ngày và thời gian rất dài của đời người nhằm nhấn mạnh: Giá trị cuộc sống của mỗi ngày là cơ sở để tạo nên chất lượng, ý nghĩa cuộc sống của một đời người.

- Ý nghĩa của câu nói: Trong cuộc đời của mỗi con người, mỗi ngày là rất quan trọng, quý giá, đừng để lãng phí thời gian.

2. Thân bài:

- Thời gian là một điều kiện quan trọng để tạo nên cuộc sống của con người. Ai cũng ước được sống lâu để làm việc, cống hiến, tận hưởng niềm hạnh phúc...

- Một ngày rất ngắn ngủi nhưng con người có thể làm được nhiều việc có ích cho bản thân, cho xã hội: học tập, lao động; có những phát minh, công trình khoa học được tìm ra trong khoảng thời gian rất ngắn.

- Sự so sánh đối lập giữa một ngày và một đời người còn thể hiện ý nghĩa sâu sắc về mối quan hệ giữa việc nhỏ và việc lớn; có rất nhiều việc nhỏ xem ra không đáng quan tâm, nhưng là cơ sở để tạo thành những sự việc lớn.

- Phê phán hiện tượng lười biếng trong công việc, hoạt động sống hằng ngày.

3. Kết bài:

- Cuộc đời con người là hữu hạn nên chúng ta phải biết quý trọng thời gian, đừng để thời gian trôi đi một cách lãng phí.

- Biết trân trọng những giá trị của việc làm, những niềm vui, hạnh phúc thường ngày.

II. BÀI LÀM

Thời gian là một khái niệm trừu tượng, nhưng kết quả của việc sử dụng thời gian của mỗi con người thì lại rất cụ thể. Thời gian chỉ có một chiều nên khi nó đã trôi qua thì không thể nào lấy lại được. Nhận xét về mối quan hệ giữa một ngày và cả đời người, có ý kiến cho rằng: Một ngày so với một đời người là quá ngắn ngủi, nhưng một đời người lại là do mỗi ngày tạo nên. (Theo sách Nguyên lý của thành công, NXB Văn hoá thông tin, 2009, trang 91).

Ý kiến trên đã nêu bật sự đối lập giữa thời gian ngắn ngủi của một ngày (24 tiếng đồng hồ) với thời gian rất dài của một đời người, nhằm mục đích nhấn mạnh rằng: Giá trị cuộc sống mỗi ngày là cơ sở để tạo nên chất lượng, ý nghĩa cuộc sống của một đời người. Hiểu theo một cách khác thì ý kiến trên khẳng định thời gian là vô cùng quý báu nên chúng ta phải biết sử dụng thời gian sao cho có ích, không nên lãng phí thời gian.

Thời gian là điều kiện quan trọng để tạo nên cuộc sống của con người. Thời gian song hành với mỗi con người kể từ khi chào đời cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay giã biệt cuộc đời. Tâm lí chung của tất cả mọi người là muốn được mạnh khoẻ, sống lâu để được học tập, làm việc, cống hiến, được nếm trải vui buồn, sướng khổ và được tận hưởng hạnh phúc của kiếp người. Chúng ta có thể lấy câu hát quen thuộc của nhạc sĩ Trần Long Ẩn trong bài Một đời người, một rừng cây để đối chiếu với hình ảnh một ngày và một đời trong ý kiến trên: Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nghĩ về rừng cây. Khi nghĩ về một rừng cây, tôi thường nhớ về nhiều người... Giữa các hình ảnh trên có một sự tương đồng thú vị. Một ngày là một đơn vị thời gian ngắn ngủi, nhưng một đời người dài dằng dặc lại là xâu chuỗi của từng ngày nối tiếp nhau tạo nên. Một ngày giống như một cây và đời người là một cánh rừng do hàng vạn cây gộp lại mà thành.

Một ngày tuy ngắn ngủi nhưng đối với người biết tận dụng thời gian thì vẫn có thể làm được nhiều việc có ích. Học sinh tới trường học tập. Nông dân ra đồng cày cuốc, trồng trọt, làm ra lúa gạo nuôi đời. Công nhân vào xí nghiệp, nhà máy sản xuất ra hàng hoá thiết yếu phục vụ cuộc sống. Các nhà khoa học miệt mài trong phòng thí nghiệm nghiên cứu, tìm tòi để có được những phát minh hữu ích cho nhân loại... Thực tế đã chứng minh rằng có những phát minh, những công trình khoa học được tìm ra chỉ trong một thời gian rất ngắn, thậm chí chỉ là khoảnh khắc. Có thời gian, con người sẽ có tất cả.

Thời gian qua đi không thể lấy lại được. Mỗi con người chỉ có một quỹ thời gian nhất định để sống, học tập và làm việc. Vì thế chúng ta không nên nghĩ rằng chẳng thể làm được việc gì lớn lao trong thời gian hạn hẹp của một ngày. Bởi có nhỏ thì mới có lớn. Một ngày sống tốt sẽ là một viên gạch chất lượng cao để góp phần xây dựng toà nhà sự nghiệp vững chắc của mỗi con người. Một ví dụ đơn giản và dễ hiểu đối với lứa tuổi học sinh: Mỗi một điểm số của bài kiểm tra sẽ làm nên kết quả của môn học. Kết quả của các môn học cộng lại sẽ thành kết quả học tập chung, đánh giá năng lực học tập của mỗi người là kém, trung bình, khá hay giỏi. Muốn trở thành một học sinh xuất sắc, chúng ta cần phải cố gắng học tập không ngừng, phải có một ý chí cao và nghị lực bền.

Trong cuộc sống đời thường cũng vậy. Giữa việc lớn và việc nhỏ có một mối liên quan chặt chẽ. Chúng ta không nên bỏ qua việc nhỏ vì nhiều khi có thể căn cứ vào một việc rất nhỏ để đánh giá con người như thanh niên ăn mặc lịch sự nhưng nói năng thô tục, ứng xử kém văn hoá, văn minh nơi công cộng ; học sinh nhưng lại không biết lễ phép với thầy cô, với người trên... Nhiều việc nhỏ tưởng chừng không đáng quan tâm nhưng lại là cơ sở để tạo thành những việc lớn. Chẳng hạn như chuyện gian dối kéo dài sẽ làm méo mó nhân cách lúc trưởng thành, thậm chí ảnh hưởng xấu tới danh dự suốt cả cuộc đời. Những lời nói hoặc hành động lệch chuẩn của con cái, của học sinh nếu không được cha mẹ, thầy cô uốn nắn kịp thời thì dần dà sẽ thành một thói quen xấu khó sửa. Một vài buổi bỏ học tạo ra lỗ hổng kiến thức nhỏ, nhiều ngày bỏ học tạo ra lỗ hổng kiến thức lớn rất khó bù đắp. Đến lúc hiểu ra thì đã muộn. Chẳng khác gì một tàn lửa ai đó vô ý đánh rơi xuống đám lá khô, nếu nhìn thấy mà không kịp thời dập tắt thì nó sẽ đốt cháy cả cảnh rừng... Muốn có một sự nghiệp thành công, một cuộc đời hạnh phúc thì chỉ có một con đường duy nhất là học tập, làm việc nghiêm túc, sáng tạo và không ngừng vươn lên để làm sao cho ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua. Như vậy, cuộc đời của mỗi con người mới thực sự trở nên hữu ích với bản thân, gia đình và xã hội.

Thời gian là vô cùng đáng quý, thế nhưng một số người vẫn không biết quý trong thời gian. Họ sa đà vào những thú vui vô bổ, thậm chí có hại như cờ bạc, hút hít, quậy phá... hoặc có thái độ ỷ lại, sống bám vào người khác, do đó mà lơ là học tập hoặc vô trách nhiệm trong công việc. Họ sống ích kỉ, lo thoả mãn ý muốn cá nhân chứ không quan tâm tới lợi ích của những người xung quanh hoặc của cả cộng đồng. Đó là điều đáng chê trách và phê phán.

Mỗi con người chỉ có một quỹ thời gian nhất định để sống, học tập và lao động. Vậy trong mỗi ngày và trong cả cuộc đời, chúng ta phải làm gì để đến khi nhắm mắt xuôi tay không phải ân hận vì những năm tháng sống hoài sống phí (Thép đã tôi thế đấy - Ốt-xtơ-rop-xki). Đó là câu hỏi lớn đặt ra cho cả đời người, do đó chúng ta phải biết quý trọng thời gian và biết trân trọng những giá trị của việc làm, những niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày.

Từ xưa, dân gian đã khẳng định giá trị quý báu của thời gian qua câu: Thì giờ là vàng bạc. Các Mác, vị lãnh tụ của giai cấp vô sản toàn thế giới cũng đã khẳng định: Mọi tiết kiệm suy cho cùng là tiết kiệm thời gian. Không có thời gian, con người không thể làm được việc gì cả. Còn nếu biết tận dụng thời gian để học tập tốt, lao động tốt thì sẽ tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho bản thân, cho xã hội, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.