I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Tết Nguyên Đán là ngày đầu tiên của năm mới tính theo Âm lịch, là Tết cổ truyền xuất hiện từ lâu đời trên đất nước ta.
- Trong dịp Tết Nguyên Đán thường diễn ra nhiều hình thức hoạt động văn hoá gắn liền với phong tục tập quán chung của dân tộc và của từng vùng miền, từng địa phương khác nhau.
- Nét đẹp văn hoá gây ấn tượng nhất trong dịp Tết Nguyên Đán ở Việt Nam là phong tục cúng trời đất, tổ tiên bằng bánh chưng bánh giầy; chúc Tết mừng tuổi và du xuân lễ chùa cầu cho quốc thái dân an.
2. Thân bài:
* Tục cúng đêm 30 và ba ngày Tết.
- Trên bàn thờ gia tiên có bánh chưng, trái cây, hoa tươi... Đúng 12 giờ đêm thì cúng giao thừa, tiễn năm cũ đi, đón năm mới đến. Trong nhà có cành đào, cành mai, chậu cúc để trưng trong mấy ngày Tết.
*Tục chúc Tết, mừng tuổi đầu năm.
- Đây là một mỹ tục đã xuất hiện từ lâu đời. Sáng mùng Một Tết, mọi người trong gia đình mặc quần áo mới, tề tựu đông đủ để chúc Tết và mừng tuổi nhau. Con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ, chúc mạnh khoẻ, sống lâu. Ông bà, cha mẹ chúc con cháu làm ăn tấn tới, học hành giỏi giang. Trẻ nhỏ được mừng tuổi bằng bao lì xì đỏ trong có ít tiền mới gọi là lộc.
- Trong ba ngày Tết, họ hàng, láng giềng qua nhà nhau chúc Tết. Dân gian có câu : “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết vỢ, mồng ba Tết thầy”.
- Mọi điều không hay trong năm cũ được bỏ qua để quan hệ thân tộc, quan hệ xã hội trong năm mới tốt đẹp hơn.
*Tục du xuân thăm viếng danh lam thắng cảnh, lễ đền lễ chùa.
- Dân tộc Việt phần lớn sống bằng nghề nông, quanh năm vất vả, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, thiên nhiên. Trong dịp Tết, mọi người tranh thủ du xuân thăm viếng danh lam thắng cảnh để thưởng ngoạn vẻ đẹp của quê hương, đất nước và được tiếp thêm sinh khí của mùa xuân.
- Các lễ hội gắn với những đền chùa nổi tiếng linh thiêng được Phật tử và khách thập phương từ khắp mọi miền đất nước đến thăm viếng, củng lễ, cầu cho quốc thái dân an trong năm mới.
3. Kết bài:
- Tết đến, xuân về đem lại sức sống mới cho con người và thiên nhiên. Không khí thiêng liêng của ngày Tết khiến lòng người rạo rực, háo hức một niềm vui, niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai.
- Các phong tục tốt đẹp trong dịp Tết thể hiện truyền thống văn hoá, văn minh của dân tộc ta cần được trân trọng gìn giữ và phát huy, nhất là trong giai đoạn giao lưu, hội nhập với thế giới bởi đó chính là linh hồn, là bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam.
II. BÀI LÀM
Tết Nguyên Đán là ngày đầu tiên của năm mới tính theo Âm lịch, là cái Tết cổ truyền xuất hiện từ lâu đời trên đất nước ta. Tết Nguyên Đán là điểm dừng của năm cũ, là điểm khởi đầu năm mới, từ mùa đông giá rét chuyển sang mùa xuân ấm áp. Đối với một nước nông nghiệp nhà nước ta thì các mùa gắn bó chặt chẽ với đời sống của con người. Mùa đông người dân thu hoạch lúa, khoai, chuẩn bị cày bừa để vào xuân cấy hái cho cây lúa sinh sôi nảy nở. Tết Nguyên Đán là dịp nghỉ ngơi, mọi người hoan hỉ đón mừng năm mới, dân gian gọi là ăn Tết, chơi xuân.
Ăn Tết vì quanh năm làm lụng vất vả, ăn uống kham khổ, chỉ có đến Tết mới mổ lợn, gói bánh... Câu đối: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh nói lên sự hoà quyện của đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong dịp Tết cổ truyền. Trong một câu đối vẻn vẹn có mười bốn chữ mà ông cha ta đã nói đến bao điều về phong tục tập quán, về ẩm thực, về tín ngưỡng... của người Việt xưa.
Trong dịp Tết Nguyên Đán thường diễn ra nhiều hình thức hoạt động văn hoá gắn liền với phong tục tập quán chung của dân tộc và của từng vùng miền, từng địa phương khác nhau, phản ánh sự phong phú và đa dạng cùng bề dày văn hoá của đời sống tinh thần dân tộc Việt.
Giờ khắc thiêng liêng nhất của Tết Nguyên Đán là giao thừa đêm ba mươi trời đất giao hoà. Từng gia đình quây quần sum họp đón năm mới. Mọi người trò chuyện, hàn huyên về cái được, cái mất của năm qua và bàn bạc cách làm ăn sao cho năm tới tốt đẹp hơn. Trên bàn thờ gia tiên bày biện bánh chưng, bánh tét, trái cây, hoa tươi, nhang, đèn... Gia chủ thắp nhang khấn vái trời đất, tổ tiên, cầu mong một năm mới an lành, may mắn. Trong phòng khách mỗi nhà đều có một cành đào hoặc cành mai, chậu cúc... để trưng trong ba ngày Tết cho thêm phần vui tươi.
Tục chúc Tết, mừng tuổi đầu năm cũng là một mỹ tục xuất hiện từ lâu đời. Sáng mùng Một Tết, mọi người trong gia đình mặc quần áo mới, tề tựu đông đủ để thực hiện nghi lễ chúc Tết và mừng tuổi. Con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ, chúc mạnh khoẻ, sống lâu. Ông bà, cha mẹ chắc con cháu làm ăn tấn tới, học hành giỏi giang. Trẻ nhỏ được mừng tuổi bằng bao lì xì đỏ trong có ít tiền mới gọi là lộc với hàm ý may mắn, phát tài cả năm.
Ngày Tết, họ hàng, láng giềng, đồng nghiệp qua nhà nhau chúc Tết, tay bắt mặt mừng, thăm hỏi nhau, chuyện trò râm ran, tíu tít. Tình cảm con người làm cho buổi sáng mồng một Tết rực rỡ, sáng sủa hơn mọi ngày. Dân gian có câu: Mồng một Tết mẹ, Tết cha, Mồng hai Tết vợ, mồng ba Tết thầy, thể hiện nét đẹp văn hoá của người Việt. Mọi người mang theo những điều tốt lành suốt trong năm mới. Mọi điều không hay trong năm cũ đều được bỏ qua để quan hệ thân tộc, quan hệ xã hội... trong năm mới tốt đẹp hơn.
Bên cạnh đó là tục du xuân thăm viếng danh lam thắng cảnh, lễ đền lễ chùa trong dịp Tết. Dân tộc Việt xưa nay phần lớn theo nghề nông, quanh năm vất vả, sống phụ thuộc vào thời tiết, thiên nhiên. Trong những ngày Tết, nhân dịp nông nhàn mọi người tranh thủ du xuân thăm viếng danh lam thắng cảnh, thưởng ngoạn vẻ đẹp của quê hương, đất nước để tâm hồn lâng lâng thanh thản và được tiếp thêm sinh khí của mùa xuân. Các lễ hội gắn với những đền chùa nổi tiếng linh thiêng được Phật tử và khách thập phương từ khắp mọi miền đất nước đến thăm viếng, cầu cho quốc thái dân an, cầu phúc, cầu lộc, cầu duyên trong năm mới.
Người Việt Nam xưa ăn Tết vui xuân bằng các hội đánh vật, ném còn, chơi đu, bơi thuyền, chọi trâu, đua ngựa... Các trò chơi dân gian sinh động đó thể hiện tình làng nghĩa xóm, truyền thống đoàn kết, gắn bó của cộng đồng và cũng từ các lễ hội đó, ca dao hò vè, văn học dân gian được sáng tác truyền miệng lưu truyền đến ngày nay. Văn hoá làng xã được vun đắp, giữ gìn từ đời này qua đời khác. Theo quy luật của Tạo hoá, mỗi lần Tết đến xuân về, đất trời lại đem đến cho con người và vạn vật luồng sinh khí mới. Không khí thiêng liêng của Tết Nguyên Đán, của mùa xuân khiến lòng người rạo rực, háo hức một niềm vui, niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai.
Tết Nguyên Đán đối với người phương Đông chúng ta rất thiêng liêng. Những phong tục đẹp trong dịp Tết thể hiện truyền thống văn hoá, văn minh cần được các thế hệ sau trận trọng gìn giữ và phát huy, nhất là trong thời buổi giao lưu, hội nhập với thế giới hiện nay, bởi đó là linh hồn, là bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam chúng ta.