I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Hoa là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người, làm cho cuộc sống thêm phần đẹp đẽ, đáng yêu.

- Bên cạnh những loài hoa được trồng trọt, chăm sóc trong vườn, trong nhà kính... còn có nhiều loài hoa dại mọc trên những vùng sỏi đá khô cằn, tuy vậy chúng vẫn nở những chùm hoa thật đẹp. Hình ảnh ấy gợi nên trong tôi sự suy tưởng về sức sống bền bỉ của con người, về những số phận không may, về các bạn học sinh nghèo hiếu học, vượt khó đã thực hiện được ước mơ và làm thay đổi số phận của mình.

2. Thân bài:

+ Giải thích:

a/ Ý nghĩa của hình ảnh một vùng sỏi đá khô cằn:

* Những khó khăn trong cuộc sống:

- Thiên nhiên khắc nghiệt, đất đai khô cằn, thời tiết không thuận lợi.

* Khó khăn con người gặp phải:

- Không ai che chở, giúp đỡ.

- Gặp hoàn cảnh khó khăn về kinh tế (gặp thiên tai, địch hoạ...).

- Bị tật nguyền, bị nhiễm chất độc màu da cam...

b/ Ý nghĩa của hình ảnh cây hoa dại vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp:

* sức sống mãnh liệt và vẻ đẹp phong phú của các loài hoa dại.

- Hoa dại xuất hiện ở khắp nơi, từ vùng núi cao đến vùng đồng bằng, ven biển. Hoa dại tập trung nhiều nhất là ở vùng rừng núi.

- Sắc tím hồng của hoa sim, hoa mua nở trên các triền đồi khô cằn làm tươi thêm cảnh sắc thiên nhiên và gợi nên cảm xúc trữ tình trong lòng người.

- Hoa ban trắng, hoa lan hồng, hoa đỗ quyên nở rộ ở vùng cao Tây Bắc báo hiệu xuân về. Hoa mai rừng phương Nam cũng là sứ giả của mùa xuân.

- Ở thiên đường hoa Đà Lạt, các loài hoa dại cũng có một vai trò rất lớn trong đời sống tinh thần của con người. Hoa dại làm hàng rào, trang trí lối đi rất đẹp... Nhiều người yêu thích vẻ đẹp tự nhiên, hoang dã của các loài hoa dại.

* Những suy tưởng được gợi ra từ hình ảnh của hoa dại.

- Từ hình ảnh hoa dại, chúng ta liên tưởng tới những con người không được che chở đùm bọc, phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, tật nguyền...

- Sức sống mãnh liệt của hoa dại gợi cho chúng ta liên tưởng về lòng tự trọng, nghị lực, ý chí kiên cường của con người trong cuộc đời, nhất là những người có số phận bất hạnh.

- Nếu vượt lên được hoàn cảnh sống nghiệt ngã, con người sẽ trưởng thành, sẽ khẳng định được giá trị của bản thân trước cuộc đời bằng những đóng góp hữu ích.

* Chứng minh bằng một số gương sáng dũng cảm đương đầu và chiến thắng khó khăn, thử thách.

+ Lấy những ví dụ gần đây nhất trong kì thi Đại học năm 2008: Ngày càng nhiều học sinh nông thôn nghèo đỗ thủ khoa Đại học.

- Bạn Bùi Đức Ngọt ở Nga Sơn, Thanh Hoá, nhà quá nghèo, chỉ có mấy sào ruộng và một con bò. Mồ côi bố từ nhỏ, Ngọt phải vừa đi học vừa giúp mẹ mưu sinh. Góc học tập sơ sài của Ngọt chỉ có sách giáo khoa, sách tham khảo cũ Ngọt xin được. Ngọt chỉ có một thú vui giải trí duy nhất là đánh cờ một mình. Trước khi ra Hà Nội dự thi, Ngọt còn cố dỡ cho xong mấy sào lạc. Suốt những năm học phổ thông, Ngọt luôn là học sinh giỏi, được cấp hơn 30 bằng khen, giấy khen và nhiều giải thưởng. Ngọt thi đỗ thủ khoa hai trường: Đại học Y khoa Hà Nội với số điểm 29,5; Học viện Cảnh sát nhân dân với số điểm tuyệt đối 30/30.

- Bạn Phạm Văn Huy từ tỉnh lên Hà Nội trợ học, mấy năm liền miệt mài đi xin nước rửa bát, thức ăn thừa ở các hàng ăn để bán lấy tiền đóng tiền học. Huy đã đỗ thủ khoa trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

- Bạn Chu Thị Kim Liên ở Thanh Long, Yên Mỹ, Hưng Yên đã đỗ thủ khoa Đại học Y khoa Thái Bình với số điểm tuyệt đối 30 / 30 và thi đỗ vào Học viện Tài chính Với số điểm 28,75. Hoàn cảnh gia đình Liên vô cùng khó khăn: Cha bị sét đánh chết, mẹ làm thuê làm mướn. Kim Liên vừa đi học vừa đi làm giúp mẹ. Có thể nói Kim Liên đã vào Đại học bằng chiếc xe cải tiến chở thuê gạch, cát... của mẹ.

- Bạn Lê Minh Thắng, học sinh nghèo của vùng núi An Nhơn, Bình Định đã đỗ thủ khoa trường Đại học Giao thông vận tải, Cơ sở II, Thành phố Hồ Chí Minh với số điểm 24,5. Khi được hỏi tại sao thiếu thốn, cơ cực là vậy mà vẫn học giỏi, Thắng đã trả lời: “Nhà nghèo nên ráng học”.

- Bạn Phan Chỉ Hiếu, học sinh lớp 12 chuyên Lý trường Trung học phổ thông Gia Định, đỗ thủ khoa trường Đại học Ngại thương Thành phố Hồ Chí Minh với số điểm 29,5. Cha là đại uý công an thường xuyên công tác vắng nhà nên Hiếu từ nhỏ đã có tinh thần ham học và tự lập. Hiếu quan niệm: “Việc học như chèo thuyền ngược nước nên lúc nào cũng phải cố gắng”.

- Hai anh em Vũ Trọng Quý, Vũ Trọng Mạnh ở Nga Hải, Thanh Hoá. Nhà nghèo đến nỗi không có một thứ tài sản gì đáng giá. Bàn học là miếng bê tông tự đúc đặt ở góc nhà. Hai anh em đi học hằng ngày với cái bụng rỗng không, tan học lại ra đồng vừa mò cua bắt ốc vừa ôn bài. Cả hai anh em đều thi đỗ vào trường Đại học Hàng hải, mang lại vinh dự to lớn cho gia đình, dòng họ.

3. Kết bài:

- Trong trời đất, mỗi con người, mỗi sự vật đều có vai trò, vị trí riêng.

- Nếu không may rơi vào tình cảnh ngặt nghèo, khó khăn, chúng ta không nên có mặc cảm tự ti mà phải cố gắng phấn đấu vươn lên chiến thắng số phận, tự tạo ra cho mình những cơ hội dẫn tới thành công bằng chính ý chí, nghị lực và khả năng thực sự của mình.

- Hãy nghĩ đến sức sống mãnh liệt và vẻ đẹp phong phú của các loài hoa dại, chúng ta sẽ rút ra được nhiều bài học nhân sinh thiết thực và bổ ích.

II. BÀI LÀM

Sự xuất hiện của hoa trên mặt đất có lẽ cũng đã hàng triệu năm. Hoa là món quà vô giá, là những thông điệp đầy tình yêu thương mà Tạo hoá ban tặng cho loài người. Sắc màu và hương thơm phong phú, đa dạng của hoa làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp, đáng yêu. Bên cạnh những loài hoa được trồng trọt, chăm sóc trong vườn, trong nhà kính, còn có nhiều loài hoa dại mọc trên những vùng sỏi đá khô cằn, tuy vậy chúng vẫn nở những chùm hoa thật đẹp. Hiện tượng thiên nhiên ấy hàm chứa ý nghĩa sâu sắc và gợi trong chúng ta những liên tưởng thú vị: Dù hoàn cảnh sống có khó khăn, nghiệt ngã bao nhiêu thì sự sống vẫn tồn tại mãnh liệt và cái đẹp vẫn hiện hữu khắp nơi ; đồng thời nó cũng gợi lên trong mỗi chúng ta những suy ngẫm về sức sống bền bỉ và nghị lực phi thường của con người trong nghịch cảnh.

Hoa dại là những loài hoa mọc tự nhiên, không cần tới con người chăm bón. Hoa dại có sức sống dẻo dai, mãnh liệt, nó xuất hiện khắp nơi, từ vùng rừng núi, cao nguyên cho tới vùng đồng bằng hay ven biển. Bạn đã bao giờ lặng ngắm sắc tím hồng của hoa sim, hoa mua nở sáng cả những triền đồi trung du dưới màu nắng mai tinh khiết, trong veo, hay say sưa ngây ngất trước màu vàng rực của hoa dã quỳ trải khắp các con đường cao nguyên ?! Quen thuộc hơn, gần gũi hơn là những hàng rào râm bụt đỏ hoa quê hoặc tím nhạt màu hoa bìm bìm gắn với tuổi thơ đầy kỉ niệm. Đơn sơ thế thôi mà làm cho cảm xúc cử dâng lên như những đợt sóng trong tâm hồn của mỗi con người. Ở vùng cao Tây Bắc, Việt Bắc, hoa ban trắng, hoa ban hồng, hoa đỗ quyên, phong lan rừng nở rộ báo hiệu xuân về. Ở miền Trung Nam Bộ, khi từng vạt rừng nhuộm thắm sắc mai vàng là năm cũ đã qua và năm mới đã đến Với bao nhiêu hi vọng. Ở thiên đường hoa Đà Lạt, tuy đã có hàng trăm loài hoa lộng lẫy, kiêu sa nhưng hoa dại vẫn không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Hoa dại trồng làm hàng rào hay trang trí lối đi rất đẹp. Nhiều người yêu thích vẻ đẹp tự nhiên, hoang dã và rất nên thơ của các loài hoa dại.

Sức sống mãnh liệt của hoa dại gợi cho chúng ta liên tưởng tới lòng tự trọng, về nghị lực, ý chí kiên cường của con người trong cuộc đời, nhất là những người có số phận thiếu may mắn hay bất hạnh. Nếu có ý chí và nghị lực, con người có thể chiến thắng số phận, làm thay đổi cuộc đời mình. Mọi triết lí đều bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống của con người. Bản chất cuộc sống không hề đơn giản mà rất phức tạp, khó khăn. Nó luôn luôn thử thách con người, buộc con người phải vươn lên để tồn tại và phát triển. Giống như trong tự nhiên, giữa một vùng sỏi đá khô cằn, hoa dại vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp. Miền Trung đất nước ta từ Nghệ An, Hà Tĩnh vào đến Quảng Bình, Quảng Trị phải chịu một điều kiện khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Mùa hè thì chang chang nắng lửa, cháy bỏng gió Lào; mùa đông thì gió lạnh buốt xương. Ấy vậy nhưng bên cạnh những cồn cát trắng xoá vẫn là những đồng lúa trĩu nặng bông vàng. Vùng đất Tây Nguyên mênh mông hoang vắng ngày nào nay bạt ngàn những nông trường, trang trại cà phê tươi tốt. Trên cao nguyên Lâm Viên Đà Lạt vẫn rực rỡ màu hoa Mimoda làm say đắm lòng người. Hoàn cảnh khắc nghiệt không thể vùi dập sự sống. Trái lại, sự sống bất diệt đã làm đổi thay hoàn cảnh. Trên mảnh đất khô cằn, cây trái vẫn nảy mầm, đơm hoa kết quả, vẫn ríu rít tiếng chim. Con người là chủ thể cuộc sống, vì thế mà con người không bao giờ bị hoàn cảnh khuất phục. Ngược lại, con người luôn luôn làm cho cuộc sống phát triển ngày càng tốt đẹp hơn.

Từ xa xưa, ông cho chúng ta đã bỏ ra bao nhiêu công sức để đắp những con đê dài hàng trăm cây số dọc các dòng sông lớn để bảo vệ mùa màng hoặc kiên trì lấn biển, lập nên nhiều xóm làng trù phú. Ở Nam Bộ, nông dân ta đã đào những con kênh vừa xả phèn, thoát lũ, vừa là đường giao thông thuỷ vô cùng thuận tiện giữa các tỉnh trong vùng. Kì diệu thay sức chịu đựng và khả năng to lớn của con người. Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã có câu thơ ca ngợi sức mạnh vô biên của con người:

Bàn tay ta làm nên tất cả,

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.

(Bài ca vỡ đất)

Đất nước Việt Nam ta rộng dài như ngày nay là nhờ công ơn của bao nhiều thế hệ gây dựng, mở mang, vun đắp. Dưới mỗi tấc đất là bao nhiêu mô hội xương máu, để hôm nay, con cháu có được một dải non sông đẹp như gấm như hoa. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu lại phải trải qua hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm kéo dài suốt mấy chục năm, Việt Nam hiện nay đang đứng trước cơ hội lớn để xây dựng lại đất nước to đẹp hơn.

Xung quanh chúng ta, biết bao tấm gương vượt khó để học tập và đã đạt kết quả cao trong các kì thi vào Đại học. Bạn Bùi Đức Ngọt ở Nga Sơn, Thanh Hoá, nhà quá nghèo, tài sản vẹn vẹn chỉ có mấy sào ruộng và một con bò. Mồ côi bố từ nhỏ, Ngọt phải vừa đi học vừa giúp mẹ mưu sinh. Góc học tập sơ sài của Ngọt chỉ có sách giáo khoa, sách tham khảo cũ mà Ngọt xin được. Thú vui giải trí duy nhất của Ngọt là đánh cờ một mình. Suốt những năm học phổ thông, Ngọt luôn là học sinh giỏi, được cấp hơn 30 bằng khen, giấy khen và nhiều giải thưởng. Trước khi ra Hà Nội dự thi, Ngọt còn cố dỡ cho xong mấy sào lạc để mẹ đỡ vất vả. Do chuyên cần tự học mà Ngọt thi đỗ thủ khoa hại trường: Đại học Y khoa Hà Nội với số điểm 29,5; Học viện Cảnh sát nhân dân với số điểm tuyệt đối 30/30. Với sự nỗ lực vươn lên không ngừng, Ngọt đã thực hiện được ước mơ vào Đại học của mình và đó là cơ sở để bạn ấy tạo dựng sự nghiệp cùng tương lai tươi sáng. Trước mắt, Ngọt đã đem lại cho mẹ niềm vui, niềm tự hào to lớn không gì sánh được. Đó cũng là cách mà Ngọt báo hiếu, đáp đền công lao khó nhọc của mẹ một cách thiết thực nhất.

Bạn Phạm Văn Huy từ tỉnh lên Hà Nội trợ học, suốt mấy năm liền chịu khó, chịu nhục đi xin nước rửa bát và thức ăn thừa ở các nhà hàng để bán lấy tiền đóng tiền học. Nhờ nhẫn nại, kiên trì và có quyết tâm cao mà Huy đã đỗ thủ khoa trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Một gương sáng khác làm cho nhiều người thương mến và cảm phục, đó là bạn Chu Thị Kim Liên ở xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên đã đỗ thủ khoa Đại học Y khoa Thái Bình với số điểm tuyệt đối 30/30 và thi đỗ vào Học viện Tài chính với số điểm rất cao là 28,75. Thi vào hai trường, tổng cộng 6 môn thì Liên đã đạt được tới 5 điểm 10, quả là xuất sắc ! Hoàn cảnh gia đình Liên vô cùng khó khăn: Cha bị sét đánh chết khi đang làm đồng trong một cơn mưa; mẹ làm thuê làm mướn. Kim Liên một buổi đi học, một buổi đi làm cùng mẹ. Có thể nói Kim Liên đã vào Đại học bằng chiếc xe cải tiến chở thuê gạch, cát... của mẹ. Sau khi nhận giấy báo kết quả, Kim Liên rất vui và ngày ngày cô thủ khoa vẫn chăm chỉ kéo xe chở hàng thuê để kiếm tiền đóng học phí Đại học.

Bạn Lê Minh Thắng, học sinh nghèo của vùng núi An Nhơn, Bình Định đã đỗ thủ khoa trường Đại học Giao thông vận tải, Cơ sở II, Thành phố Hồ Chí Minh với số điểm 24,5. Căn nhà của Thắng rộng chưa đầy 10 mét vuông, nằm giữa vườn điều sát chân núi, chỉ vỏn vẹn có một chiếc giường ọp ẹp và một chiếc bàn gỗ cũ kĩ. Toàn bộ sách vở của Thắng chứa trong chiếc hòm gỗ nhỏ. Sau khi thi Đại học, Thắng lên tận Chư Sê, Gia Lai làm thợ hồ với cha. Được thầy báo là Thắng đã đỗ thủ khoa, Thắng mừng lắm. Hai cha con về nhà ngay. Khi trả lời câu hỏi tại sao thiếu thốn, cơ cực là vậy mà vẫn học giỏi, Thắng đã trả lời rất thật: Vì nhà nghèo nên ráng học. Còn lý do tại sao chọn ngành Giao thông vận tải, Thắng cho biết: Trong tương lai, ngành này sẽ phát triển nên mình sẽ có công ăn việc làm để lo cho ba và các em.

Bạn Phan Chí Hiếu, học sinh lớp 12 chuyên Lý trường Trung học phổ thông Gia Định, đỗ thủ khoa trường Đại học Ngoại thương với số điểm xuất sắc 29,5. Cha là đại lý công an thường xuyên công tác vắng nhà nên từ nhỏ Hiếu đã có tinh thần ham học và tự lập. Hiếu quan niệm rất đúng rằng: Việc học như chèo thuyền ngược nước nên lúc nào cũng phải cố gắng.

Hai anh em Vũ Trọng Quý, Vũ Trọng Mạnh ở Nga Hải, Thanh Hoá cũng là trường hợp đặc biệt. Nhà nghèo đến nỗi không có một thứ tài sản gì đáng giá ngoài mấy chiếc nồi nhôm đen thui, móp méo. Bàn học chỉ là miếng bê tự đúc đặt ở góc nhà. Sáng sáng, hai anh em đi học với cái bụng rỗng không. Tan học, hai anh em lại ra đồng vừa mò cua bắt ốc vừa ôn bài với nhau. Cả hai đều thi đỗ vào trường Đại học Hàng hải, mang lại vinh dự to lớn cho gia đình, làng xóm.

Trong trời đất, mỗi con người, mỗi sự vật đều có vai trò, vị trí riêng. Nếu không may rơi vào tình cảnh khó khăn, ngặt nghèo, chúng ta không nên có mặc cảm tự ti mà phải cố gắng phấn đấu vươn lên chiến thắng số phận, tự tìm kiếm hoặc chủ động tạo ra những cơ hội để thể hiện bản chất, khẳng định tài năng bằng chính ý chí, nghị lực của mình. Hãy nhìn ngắm và suy nghĩ về sức sống mãnh liệt cùng vẻ đẹp phong phú của các loài hoa dại, chúng ta sẽ rút ra được nhiều bài học nhân sinh thiết thực và bổ ích.