ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN
1. Bốn câu thơ đầu gợi lên khung cảnh mùa xuân:
- Hai câu đầu vừa nói thời gian vừa gợi không gian mùa xuân. Ngày xuân thấm thoắt trôi mau như thoi dệt cửi, tiết trời đã bước sang tháng ba. Trong tháng cuối cùng của mùa xuân, những cánh chim én vẫn rộn ràng bay liệng giữa bầu trời trong sáng như thoi đưa.
- Bức họa tuyệt đẹp về mùa xuân là hai câu thơ: “Cỏ non xanh tận chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Thảm cỏ non trải rộng tới chân trời là gam màu nền cho bức tranh xuân. Trên nền màu xanh non ấy điểm xuyết một vài bông hoa lê trắng. Màu sắc có sự hài hòa tới mức tuyệt diệu. Tất cả đều gợi lên vẻ đẹp riêng của mùa xuân: mới mẻ, tinh khôi, giàu sức sống (cỏ non), khoáng đạt, trong trẻo (xanh tận chân trời), nhẹ nhàng, thanh khiết (trắng điểm một vài bông hoa). Chữ “điểm” làm cho cảnh vật trở nên sinh động, có hồn chứ không tĩnh tại.
2. Tám câu thơ tiếp gợi lên khung cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh.
- Trong tiết Thanh minh, có hai hoạt động diễn ra cùng một lúc: lễ tảo mộ - đi viếng mộ, quét tước, sửa sang phần mộ của người thân; hội đạp thanh - đi chơi xuân ở chốn đồng quê.
- Một loạt từ ghép là tính từ, danh từ, động từ xuất hiện: gần xa, yến anh, chị em, tài tử, giai nhân, nô nức, sắm sửa, dập dìu... gợi lên không khí lễ hội thật rộn ràng. Từ ghép là danh từ (yến anh, chị em, tài tử, giai nhân) gợi tả sự đông vui, nhiều người cùng đến hội; từ ghép là động từ (sắm sửa, dập dìu) gợi tả sự rộn ràng náo nhiệt của ngày hội; từ ghép là tính từ (gần xa, nô nức) làm rõ hơn tâm trạng của người đi hội. Cách nói ẩn dụ “nô nức yến anh” gợi lên hình ảnh từng đoàn người nhộn nhịp đi chơi xuân như chim én, chim oanh bay ríu rít. Trong lễ hội mùa xuân tấp nập, nhộn nhịp nhất là những nam thanh, nữ tú, những tài tử, giai nhân.
- Qua cuộc du xuân của chị em Thúy Kiều, tác giả khắc họa một truyền thống văn hóa lễ hội năm xưa. Tiết Thanh minh mọi người sắm sửa lễ vật đi tảo mộ, sắm sửa áo quần để vui hội đạp thanh. Người ta rắc những thỏi vàng vó, đốt tiền giấy hàng mã để tưởng nhớ những người thân đã khuất.
3. Sáu câu cuối gợi lên cảnh chị em Kiều du xuân trở về.
Cảnh vẫn mang cái thanh, cái dịu của mùa xuân: nắng nhạt, khe nước nhỏ, một nhịp cầu nhỏ bắc ngang. Mọi chuyển động đều nhẹ nhàng: Mặt trời từ từ ngả bóng về tây, bước chân người thơ thẩn, dòng nước uốn quanh. Tuy nhiên, cái không khí nhộn nhịp, rộn ràng của lễ hội không còn nữa, tất cả đang nhạt dần, lặng dần. Cảnh mùa xuân ở câu cuối và bốn câu đầu bên cạnh những nét giống nhau còn có sự khác nhau là bởi thời gian, không gian thay đổi (sáng khác chiều tà, lúc vào hội khác lúc tan hội), nhưng điều quan trọng là cảnh được cảm nhận qua tâm trạng. Những từ láy “tà tà”, “thanh thanh”, “nao nao” không chỉ biểu đạt sắc thái cảnh vật mà còn bộc lộ tâm trạng con người. Hai chữ “nao nao” (Nao nao dòng nước uốn quanh) đã nhuốm màu tâm trạng lên cảnh vật. Cảm giác bâng khuâng xao xuyến về một ngày vui xuân đang còn mà sự linh cảm về điều sắp xảy ra đã xuất hiện. Dòng nước uốn quanh “nao nao” như báo trước ngay sau lúc này thôi Kiều sẽ gặp nấm mồ Đạm Tiên, sẽ gặp chàng thư sinh “phong tư tài mạo tốt vời” Kim Trọng.