Theo truyền thuyết xa xưa, một vài gia đình rồng nhà trời, đứng đầu là con rồng mẹ bay tới vùng Long Đô (rốn rồng) thuộc phường Hà Khẩu ở Đông Đô. Được ngày lành tháng tốt, gia đình nhà rồng bay cả lên bầu trời, ca ngợi cảnh thái bình và phồn vinh. Rồi rồng bay xuống vịnh Hạ Long là nơi đắc địa, có phong cảnh diệu kì. Ở đây, rồng thiêng phun ra muôn ngàn những viên châu ngọc và sinh ra nhiều rồng con. Những viên châu ngọc đó trở thành những hòn đảo trong vịnh. Vinh nhỏ Bái Tử Long là vịnh của những đàn rồng con chầu về mẹ rồng.
Vịnh biển rộng 1500km vuông, rải rác chừng 3000 hòn đảo lớn, nhỏ. Chúng còn được gọi là đỉnh, là hòn, ngọn, núi... Người ta nhìn hình tượng chúng mà đặt tên như: gà chọi, con cóc, con chó, con rùa, đỉnh hương, phẩm oản, nải chuối, ẵm em, yên ngựa, ông cụ, chờ chồng... Hang, động trong các đảo đá ở vịnh Hạ Long cũng la liệt phô bày. Có hang lại nửa nổi nửa chìm. Các thuyền nhỏ có thể luồn lách vào tận bên trong, xuyên qua mấy đảo núi như thế nào vào mê cung nước biển vô tận. Có hang lại đi xuyên qua gan ruột một quả núi, tạo thành một đường hầm có hai cửa. Đó là hang Trống. Hang Đầu Gỗ, hang Trinh Nữ có dáng đá giống hệt người đàn bà xõa tóc là nguồn gốc của những câu chuyện kể thương tâm, bi hùng về một người con gái nhan sắc đã làm xúc động biết bao nhiêu đời người và những hang như: hang Bồ Nâu, hang Hanh, hang Cửa Giữa, hang Sửng Sốt... Mỗi hòn đá, mỗi khóm cây ở đây đều gắn liền với những câu chuyện. Chúng có cuộc sống và tâm hồn riêng của chúng. Thôi thì đủ chuyện: Chuyện những vụ đắm tàu, những toán cướp biển, những chàng trai anh hùng, những nàng tiên cá, những cuộc yêu đương mà hai bên trai gái đều đâm đầu xuống biển để sống với nhau ở thế giới bên kia, những chuyện ma quỷ rùng rợn, những chuyện thần tiên...
Ngay sát vịnh là quê hương của những mỏ than lộ thiên - chủ yếu là mỏ Hòn Gai với nhiều đoàn tàu nước ngoài đến “ăn than” tấp nập, khẩn trương. Bãi tắm Bãi Cháy, bãi Tử Long, Cô Tô. Bãi tắm ở đảo Ba Mùn, Ngọc Vừng, Quan Lan, Minh Châu, Trà Cổ... là những bãi tắm xanh, sạch, đẹp. Cát chỗ nào cũng mịn màng, trắng phau...
Đảo Ba Mùn là một hòn đá đảo rừng nguyên sinh, xanh ngợp cây đại ngàn. Nơi đây không hiếm các loại cây, cỏ làm thuốc quí như: ngũ gia bì, đằng đằng, ngưu tất, tam thất... Trên các đảo của vịnh có đủ các loại sơn cầm, dã thú như vượn, khỉ, sơn dương, kì đà, bói cá, hươu sao, sóc bay, đại bàng, cò lửa, chim xanh, chim gõ mõ...
Bãi Cháy là dải bờ biển nằm ở phía Tây Bắc vịnh Hạ Long, là một bãi tắm trải dài, uốn khúc. Nơi đây mọc lên nhiều khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ. Các cửa hàng buôn bán sầm uất ngay bên cạnh bãi biển. Đi phà chừng 15 phút sẽ tới thành phố Hạ Long có mùi cá và mùi than. Đi về phía bên trái một chút là đến đảo Khỉ. Khách có thể đến thăm nơi sinh sống của gần 2000 con khỉ. Chúng kéo nhau đi nhận phần cơm khi có tiếng kẻng báo giờ ăn. Xem chúng bồng con bế cái, đùa giỡn, chòng ghẹo nhau. Chúng cũng vui, giận, yêu, ghen...
Việc vịnh Hạ Long của ta được UNESCO công nhận và ghi vào danh sách di sản văn hóa của toàn thế giới, là danh thắng (site) của thế giới là cả một quá trình kéo dài nhiều năm gửi công văn đi và nhận công văn về. Việc này đã qua nhiều cuộc bàn luận quốc tế, qua nhiều lần khảo sát thực địa, trình bày, phân tích. Những cuộc khảo sát khoa học và văn hóa về vịnh Hạ Long do các đoàn chuyên viên cao cấp của UNESCO tiến hành rất tỉ mỉ. Để được UNESCO công nhận là di tích văn hóa của thế giới, phải có những cứ liệu cụ thể, những lí luận vững để bảo vệ. Nói chung thì một danh thắng (site) để được công nhận là danh thắng của thế giới phải đạt ba tiêu chuẩn:
1) Phong cảnh phải rất đẹp.
2) Phải có những gì xứng đáng là công trình, có bàn tay và trí óc của con người hợp sức với thiên nhiên để tạo nên một quần thể kiến trúc có nét đẹp hài hòa.
3) Phải có cái hồn của cả hai mặt nói trên cộng lại. Nghĩa là phải có nhiều sự tích, chuyện kể bi hùng, lâm li qua nhiều đời.
Vịnh Hạ Long có 12 giá trị:
1. Giá trị về mặt khảo cổ, 2. Giá trị về kinh tế, 3. Giá trị về quang cảnh, 4. Giá trị về nghệ thuật, 5. Giá trị về lịch sử, 6. Giá trị về khoa học, 7. Giá trị về văn hóa, 8. Giá trị về chính trị, 9. Giá trị về tinh thần, 10. Giá trị về thiên nhiên, 11. Giá trị về giáo dục, 12. Giá trị về tính chất phổ quát toàn cầu.
Được UNESCO ra văn bản công nhận Hạ Long của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là di sản văn hóa của thế giới là niềm phấn khởi đầy tự hào. Nhưng đó cũng là một nhiệm vụ nặng nề đối với chúng ta trong việc giữ gìn, xây dựng, tránh ô nhiễm để vịnh Hạ Long càng ngày càng đẹp hơn và có ích hơn cho cả cộng đồng quốc tế...